RSS

Thế giới khắc khoải chờ kết quả bầu cử Mỹ

06:30 05/11/2020

Giống như người Mỹ, người dân thế giới cũng đang hồi hộp chờ đợi kết quả bầu cử khi hai ứng viên vẫn bám đuổi sít sao.

Trong các năm trước, người đắc cử tổng thống Mỹ thường được công bố vào đêm bầu cử hoặc rạng sáng hôm sau. Tuy nhiên, do số phiếu bầu qua thư năm nay tăng cao vì Covid-19, quá trình kiểm phiếu tại các bang chiến trường kéo dài, khiến người chiến thắng vẫn chưa lộ diện.

Biden đang có lợi thế khi giành được 238 phiếu đại cử tri, trong khi Trump giành được 213 phiếu. Hai ông đang cạnh tranh gắt gao tại các bang chiến trường. Rạng sáng 4/11, Trump phát biểu từ Nhà Trắng, tự tin rằng ông "đã chiến thắng". Phát ngôn của ông bị một số nhà bình luận chính trị Mỹ và các nhóm dân quyền lên án.

Người Australia theo dõi kết quả bầu cử Mỹ tại Canberra. Australia ngày 4/11. Ảnh: Reuters.

Người Australia theo dõi kết quả bầu cử Mỹ tại Canberra. Australia ngày 4/11. Ảnh: Reuters.

Hầu hết lãnh đạo và các ngoại trưởng thế giới "án binh bất động", cố gắng không "đổ thêm dầu vào lửa" bầu cử. "Chúng ta hãy chờ xem kết quả ra sao", Ngoại trưởng Anh Dominic Raab nói. "Tình thế hiện giờ có mức độ không chắc chắn rất lớn. Cuộc đua sít sao hơn nhiều người nghĩ".

"Chúng ta sẽ chỉ biết ai là người chiến thắng sau khi tất cả phiếu bầu được kiểm", Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier nói tại một diễn đàn ngày 4/11, nhấn mạnh điều quan trọng là cả hai ứng viên đều chấp nhận kết quả chung cuộc.

Nhưng trong khi ông Raab, ông Altmaier và những người khác kêu gọi thận trọng, Thủ tướng Slovenia Janez Jansa đã chúc mừng Trump và đảng Cộng hòa qua Twitter.

"Rõ ràng là người dân Mỹ đã bầu cho Donald Trump và Mike Pence giữ chức thêm 4 năm. Truyền thông chính thống càng trì hoãn và phủ nhận sự thật thì chiến thắng cuối cùng của Tổng thống Mỹ sẽ càng lớn hơn. Xin chúc mừng đảng Cộng hòa vì đã có kết quả tốt trên khắp nước Mỹ", ông Jansa viết trên Twitter ngày 4/11.

Jansa là chính trị gia cực hữu đã ủng hộ Trump từ trước cuộc bỏ phiếu. Ông từng nói rằng Biden sẽ là "tổng thống Mỹ yếu ớt nhất nếu đắc cử".

Năm 2000, cuộc đua giữa George W. Bush và Al Gore lâm vào thế bế tắc khi chiến thắng chung cuộc phụ thuộc vào việc ai giành được bang Florida. Cuối cùng, Tòa án Tối cao Mỹ đã ra quyết định ủng hộ Bush 5 tuần sau Ngày Bầu cử.

Trump đã gợi ý rằng Tòa án Tối cao - nơi ông đã đề cử ba trong số 9 thẩm phán - sẽ phải một lần nữa quyết định người chiến thắng.

Trên Twitter, các từ khóa Trump, Biden và Bầu cử Mỹ 2020 đang nằm trên top thịnh hành tại nhiều nơi trên thế giới như Nga, Pakistan, Malaysia, Keny, khắp châu Âu và Mỹ Latinh.

Nga, nước bị giới chức Mỹ cáo buộc cố gắng can thiệp vào cuộc bầu cử, chưa đưa ra phản ứng chính thức nào.

Nhưng nhà lập pháp thân Điện Kremlin Vyacheslav Nikonov khuyên người Nga "tích trữ bỏng ngô để xem chương trình sắp diễn ra", nói rằng xã hội Mỹ đang bị chia rẽ nghiêm trọng.

"Kết quả của cuộc bầu cử này sẽ là kết quả tồi tệ nhất đối với nước Mỹ", Nikonov, người đã hoan nghênh chiến thắng năm 2016 của Trump, viết trên Facebook. "Dù ai thắng trong cuộc chiến pháp lý, một nửa người Mỹ sẽ không coi người đó là tổng thống hợp pháp. Hãy tích trữ thật nhiều bỏng ngô".

Giám đốc điều hành Kenneth Roth của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền tại New York, một trong những tổ chức dân quyền hàng đầu thế giới, cho rằng việc vội vàng tuyên bố một trong hai ứng viên chiến thắng là điều rất nguy hiêm. Ông khuyên mọi người không nên đưa ra ý kiến cho đến khi tất cả phiếu được kiểm. Với số lượng phiếu bầu qua thư rất cao trong năm nay, một số bang dự kiến mất vài ngày để kiểm toàn bộ phiếu.

Chính quyền Trung Quốc, quốc gia có quan hệ với Mỹ xấu đi nghiêm trọng dưới thời Trump, nói rằng bầu cử là vấn đề nội bộ và họ "không có ý kiến gì".

Tuy nhiên, nhiều người dùng mạng xã hội Trung Quốc đã chế giễu việc hệ thống bầu cử Mỹ không thể đưa ra kết quả nhanh chóng và rõ ràng.

Tại Nigeria, Thượng nghị sĩ Shehu Sani nói rằng tình thế không chắc chắn ở Mỹ gây gợi nhớ đến châu Phi. "Châu Phi từng học hỏi nền dân chủ của Mỹ, giờ Mỹ lại học theo nền dân chủ của châu Phi".

Ở Australia, đám đông theo dõi kết quả khi uống bia trong một quán bar kiểu Mỹ ở Sydney. Glen Roberts, đội mũ bóng chày có khẩu hiệu "Khiến châu Âu vĩ đại trở lại", nói: "Từ hồi Trump bước chân vào chính trường, tin tức thú vị hơn rất nhiều. Bạn không bao giờ lường trước được ông ấy sẽ nói gì, thật là hay. Tin tức sẽ nhạt nhẽo đi nếu Trump thua".

Những người khác nhấn mạnh tác động của bầu cử Mỹ với toàn thế giới. "Tôi nghĩ nó ảnh hưởng đến tất cả chúng ta, những gì đang xảy ra ở Mỹ sẽ có ý nghĩa quan trọng ở đây trong 4 năm tới", Luke Heinrich, cư dân Sydney, nói.

Cạm bẫy ở sân bay Thái Lan

Cạm bẫy ở sân bay Thái Lan

Hàng loạt du khách nước ngoài bị buộc tội trộm đồ ở khu hàng miễn thuế tại sân bay quốc tế tại Bangkok, Thái Lan, và phải trả nhiều tiền để đổi lấy tự do.