RSS

Toàn văn bài chỉ trích gay gắt nhằm vào TT Trump: Cựu BTQP Mỹ bất ngờ lên tiếng sau 2 năm im lặng từ chức

18:56 04/06/2020

Donald Trump tìm cách chia rẽ người Mỹ, cựu bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nhấn mạnh.

Tướng Hải quân James Mattis đã từ chức Bộ trưởng Quốc phòng vào tháng 12/2018 để phản đối chính sách Syria của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Kể từ thời điểm ấy, ông Mattis chưa bao giờ lên tiếng về các quyết sách của tổng thống.

Sự bất mãn của ông Mattis đối với ông Trump không phải một điều bí mật trong Lầu Năm Góc. Nhưng sau khi từ chức, ông Mattis - trước làn sóng chỉ trích - một mực cho rằng đối với một cựu tướng lĩnh, cựu thành viên nội các thì phê phán tổng thống đương nhiệm là không đúng đắn và phản tác dụng. Ông Mattis cho rằng làm như vậy sẽ đe dọa tới bản chất đứng ngoài chính trị của quân đội.

"Khi anh rời khỏi chính quyền vì xung đột chính sách, anh cần cho người còn lại ở đó cơ hội nhiều nhất có thể để bảo vệ đất nước", ông Mattis nói.

Tuy nhiên, sự việc đang diễn ra ở nước Mỹ thời điểm này đã khiến ông Mattis không thể im lặng được nữa. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã quyết định lên tiếng trước những hành động gần đây của nhà lãnh đạo mà ông từng phục tùng. Dưới đây là phần lược dịch bài viết của ông James Mattis được đăng tải trên Atlantic.

Toàn văn bài chỉ trích gay gắt nhằm vào TT Trump: Cựu BTQP Mỹ bất ngờ lên tiếng sau 2 năm im lặng từ chức - Ảnh 1.

ĐOÀN KẾT CÓ SỨC MẠNH

Tôi đã theo dõi những sự kiện diễn tiến trong tuần này, một cách giận dữ và kinh sợ. Dòng chữ "Equal Justice Under Law" (Công lý bình đẳng theo luật pháp) được chạm trên trán tường của Tòa án Tối cao Mỹ. Đây chính xác là điều mà người biểu tình đang yêu cầu một cách chính đáng. Đây là một đòi hỏi lành mạnh và thống nhất - điều mà tất cả chúng ta có thể ủng hộ.

Chúng ta không nên bị xao nhãng bởi số lượng nhỏ những kẻ phạm pháp. Những cuộc biểu tình được định nghĩa bởi hàng chục nghìn con người có nhận thức, những người kiên định rằng chúng ta sống đúng với giá trị của mình - giá trị như một con người, và giá trị như một quốc gia.

Khi tôi gia nhập quân đội, cách đây khoảng 50 năm, tôi đã thề sẽ ủng hộ và bảo vệ Hiến pháp. Có nằm mơ tôi cũng không thấy những người lính cùng mang lời thề ấy sẽ được lệnh vi phạm quyền của đồng bào mình theo Hiến pháp dưới bất cứ hoàn cảnh nào - nữa là để tổ chức một màn chụp ảnh đáng kinh ngạc cho vị Tổng tư lệnh, cùng các lãnh đạo quân đội đứng kế bên.

Chúng ta phải loại bỏ bất cứ ý nghĩ nào cho rằng các thành phố của chúng ta là một "chiến trường" mà lực lượng quân đội của chúng ta được kêu gọi "làm chủ". Trong nước, chúng ta chỉ nên sử dụng quân đội khi các thống đốc bang yêu cầu, vào những dịp hiếm hoi. Quân đội hóa phản ứng của mình, như ta chứng kiến ở Washington, D.C., tạo nên một cuộc xung đột - một cuộc xung đột sai trái - giữa quân đội và xã hội dân sự. Nó làm xói mòn nền tảng đạo đức vốn đảm bảo mối quan hệ đáng tin cậy giữa những con người đang khoác trên mình bộ quân phục và xã hội - mà họ đã nguyện thề bảo vệ và bản thân họ là một phần trong đó. Giữ trật tự xã hội là trách nhiệm của các lãnh đạo bang và địa phương, những người hiểu cộng đồng của mình sâu sắc nhất, chịu trách nhiệm với người dân.

James Madison đã viết trong Luận cương Liên bang số 14 rằng "nước Mỹ đoàn kết, cho dù chỉ với một số binh lính, hoặc không có bất kỳ người lính nào, cũng thể hiện một vị thế đáng ngại đối với dã tâm bên ngoài, hơn là một nước Mỹ không đoàn kết, mà có cả trăm nghìn lính thiện chiến sẵn sàng ra trận". Chúng ta không cần quân đội hóa phản ứng của mình đối với các cuộc biểu tình. Chúng ta cần đoàn kết quanh một mục đích chung. Và điều đó bắt đầu bằng cách đảm bảo rằng tất cả chúng ta bình đẳng theo pháp luật.

Những chỉ đạo mà các cơ quan quân đội đưa ra với binh lính của chúng ta trước trận Normandy nhắc nhở những người lính rằng: "Khẩu hiệu của Đức Quốc xã nhằm hủy diệt chúng ta... là 'Chia rẽ và Chinh phục'. Câu trả lời của người Mỹ chúng ta là 'Đoàn kết có Sức mạnh'. Chúng ta phải triệu hồi sự đoàn kết ấy để giải quyết cuộc khủng hoảng này - với lòng tin rằng chúng ta tốt đẹp hơn nền chính trị".

Donald Trump là vị Tổng thống đầu tiên trong cuộc đời tôi không tìm cách đoàn kết người dân Mỹ - thậm chí còn không giả bộ cố gắng. Thay vào đó, ông ấy tìm cách chia rẽ chúng ta. Chúng ta đang chứng kiến hệ quả của 3 năm nỗ lực ấy. Chúng ta đang chứng kiến hệ quả của 3 năm không có một sự lãnh đạo chín chắn. Chúng ta có thể đoàn kết mà không có ông ấy, dựa trên những sức mạnh vốn có trong xã hội dân sự. Điều này sẽ không dễ dàng, như những gì ta thấy vài ngày qua, nhưng chúng ta nợ đồng bào mình, nợ những thế hệ đã qua, và nợ con cháu chúng ta điều đó.

Chúng ta có thể vượt qua khoảng thời gian thử thách này mạnh mẽ hơn, với một cảm giác mới mẻ hơn về mục đích và sự tôn trọng dành cho người khác. Đại dịch đã cho ta thấy rằng không chỉ có quân đội mới sẵn sàng hy sinh vì sự an toàn của cộng đồng. Người Mỹ ở bệnh viện, cửa hàng thực phẩm, bưu điện và nhiều nơi khác đã liều mạng để phục vụ cho đồng bào và đất nước mình. Chúng ta biết rằng chúng ta tốt đẹp hơn sự lạm quyền mà ta chứng kiến ở Quảng trường Lafayette. Chúng ta phải khước từ và bắt những người cầm quyền đang nhạo báng Hiến pháp phải chịu trách nhiệm. Chúng ta cũng phải nhớ về "những thiên thần tốt đẹp hơn" của Lincoln, và lắng nghe họ, khi chúng ta tìm cách đoàn kết lại.

Chỉ còn cách đi theo một con đường mới - thực ra có nghĩa là quay trở lại với lối đi ban đầu của những tư tưởng lập quốc - thì chúng ta mới lại trở thành một quốc gia được ái mộ và tôn trọng ở cả trong và ngoài nước.

Link nguồn: https://soha.vn/cuu-btqp-my-bat-ngo-len-tieng-sau-2-nam-im-lang-tu-chuc-toan-van-bai-chi-trich-danh-thep-nham-vao-tt-trump-20200604075949589rf20200604075949589.htm

Cạm bẫy ở sân bay Thái Lan

Cạm bẫy ở sân bay Thái Lan

Hàng loạt du khách nước ngoài bị buộc tội trộm đồ ở khu hàng miễn thuế tại sân bay quốc tế tại Bangkok, Thái Lan, và phải trả nhiều tiền để đổi lấy tự do.