RSS

Trump bám víu tia hy vọng kiểm phiếu lại

07:31 08/11/2020

Tại những bang Mỹ chưa công bố ứng viên tổng thống chiến thắng, việc kiểm phiếu lại không làm đảo chiều kết quả trong ít nhất hai thập kỷ qua.

Giữa lúc Tổng thống Donald Trump và ứng viên Dân chủ Joe Biden "giành giật" nhau từng phiếu bầu trong cuộc đua vào Nhà Trắng, Tổng thư ký bang Georgia Brad Raffensperger cho biết họ sẽ tiến hành kiểm lại phiếu, do chênh lệch giữa hai ứng viên quá thấp và cam kết sẽ minh bạch trong quá trình này.

Gabriel Sterling, lãnh đạo phụ trách hệ thống bầu cử ở Georgia, cho biết bang này còn 4.169 phiếu chưa kiểm, trong khi Biden đang dẫn trước Trump với cách biệt 1.579 phiếu. Đây là bang rất quan trọng mà Trump không thể để mất. Với 214 phiếu đại cử tri đang sở hữu, nếu không giành được 16 phiếu đại cử tri ở Georgia, Trump không thể hội đủ 270 phiếu để tái đắc cử, ngay cả khi thắng hết các bang còn lại.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng hôm 4/11. Ảnh: AFP.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng hôm 4/11. Ảnh: AFP.

Trước đó, chiến dịch của Trump cũng yêu cầu kiểm phiếu lại ở bang chiến trường Wisconsin, lập luận rằng cuộc đua tại đây "quá sít sao", sau khi AP và một số hãng truyền thông khác tuyên bố Biden đã chiến thắng và giành được 10 phiếu đại cử tri.

Một ứng viên có thể yêu cầu kiểm phiếu lại ở Wisconsin nếu cách biệt giữa hai đối thủ là dưới 1% và Trump nằm trong biên độ đó, khi bang này đã đếm được 99% số phiếu. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ được cho là khó có thể lật ngược kết quả khi cách biệt lên tới 20.000 phiếu.

Lịch sử Mỹ 50 năm qua cũng cho thấy rất ít lần việc kiểm phiếu lại giúp thay đổi người chiến thắng trong các cuộc bầu cử. Wisconsin từng tiến hành kiểm phiếu lại trên toàn bang trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, khi Trump đánh bại đối thủ Hillary Clinton với khoảng cách hơn 20.000 phiếu. Kết quả kiểm lại giúp Trump gia tăng cách biệt thêm 131 phiếu.

Hồi năm 2011, việc kiểm phiếu lại cũng được tiến hành trong cuộc đua vào Tòa án Tối cao Wisconsin. Khoảng cách giữa các ứng viên khi đó là khoảng 7.300 phiếu. Sau khi kiểm lại, cách biệt cũng chỉ thu hẹp 312 phiếu.

Tại Georgia và Nevada, hai bang có ý nghĩa quyết định chưa công bố kết quả, việc kiểm phiếu lại không bắt buộc, nhưng các ứng viên có thể đề nghị. Trong khi đó, Pennsylvania, bang chiến trường được đánh giá có khả năng định đoạt cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay, bắt buộc kiểm phiếu lại nếu cách biệt giữa hai ứng viên nằm trong một biên độ nhất định. Các ứng viên cũng có thể yêu cầu kiểm phiếu lại ở Pennsylvania.

Tuy nhiên, trong ít nhất 20 năm qua, không có lần kiểm phiếu lại trên quy mô toàn bang nào tại ba bang trên dẫn đến thay đổi người chiến thắng chung cuộc.

Năm 2004, quá trình kiểm phiếu lại được kích hoạt trong một cuộc đua vào tòa án ở Georgia, khi hai ứng viên chỉ cách nhau chưa đến 400 phiếu, nhưng sau đó cách biệt cũng chỉ thay đổi 15 phiếu. Tình huống tương tự xảy ra 5 năm sau tại Pennsylvania, khi cách biệt giữa hai ứng viên chạy đua vào tòa án là 83.000 phiếu. Kết quả cuối cùng chỉ thay đổi 281 phiếu.

Dù vô cùng hiếm hoi, cục diện một số cuộc bầu cử từng đảo chiều nhờ kiểm lại phiếu. Năm 1974, bang New Hampshire tiến hành kiểm lại sau khi hai ứng viên chạy đua vào thượng viện chỉ cách nhau 355 phiếu. Kết quả là các bên nhất trí tổ chức một cuộc bầu cử mới.

Gần đây hơn, trong cuộc đua chức thống đốc bang Washington năm 2004, ứng viên Cộng hòa Dino Rossi chỉ hơn đối thủ Christine Gregoire phe Dân chủ hơn 200 phiếu. Tuy nhiên, việc kiểm phiếu lại cho kết quả bà Gregoire nhiều hơn 130 phiếu và đắc cử.

Đối với cuộc đua vào Nhà Trắng, sự kiện kiểm phiếu lại nổi tiếng nhất diễn ra tại bang Florida hồi năm 2000. Khi đó, cựu tổng thống George W. Bush dẫn trước đối thủ Al Gore chưa đến 2.000 phiếu. Sau khi kiểm phiếu lại trên toàn bang bằng máy, rồi đếm lại một phần bằng phương pháp thủ công tại một số hạt, Tòa án Tối cao ra lệnh kết thúc quá trình này với chiến thắng cách biệt 537 phiếu dành cho Bush.

"Lịch sử cho thấy rất khó có thể lật ngược kết quả trong một cuộc bỏ phiếu trên toàn bang mà hai ứng viên cách nhau trên 1.000 phiếu", Edward Foley, giáo sư luật bầu cử tại Đại học Luật Moritz thuộc Đại học bang Ohio, cho biết. "Nó có thể xảy ra, nhưng rất hiếm".

Cạm bẫy ở sân bay Thái Lan

Cạm bẫy ở sân bay Thái Lan

Hàng loạt du khách nước ngoài bị buộc tội trộm đồ ở khu hàng miễn thuế tại sân bay quốc tế tại Bangkok, Thái Lan, và phải trả nhiều tiền để đổi lấy tự do.