Trung Quốc – Úc: Gương vỡ lại lành nhưng có còn như xưa?
Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Australia đã giảm xuống mức “thấp nhất lịch sử” khi Canberra phải đấu tranh để ngăn chặn ảnh hưởng của Bắc Kinh ở cả trong nước lẫn tại khu vực.
Khi bà Julie Bishop xuất hiện sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị ở Buenos Aires tuần này, nhà ngoại giao hàng đầu của Australia đã mô tả cuộc thảo luận của họ bằng những lời “có cánh”.
“Chúng tôi chắc chắn đã có một cuộc gặp rất nồng ấm và tích cực, như tôi mong đợi”, bà Bishop cho biết sau khi gặp ông Vương bên lề của hội nghị ngoại trưởng G20 hôm 22/5. “Tôi và Ngoại trưởng Vương Nghị rất quý mến nhau”.
Tuy nhiên, đằng sau ngôn từ ngoại giao hoa mỹ, cuộc gặp nhằm thảo luận các vấn đề bao gồm an ninh, thương mại và Triều Tiên được xem là nỗ lực để làm dịu đi những căng thẳng ngày càng trở nên rõ ràng giữa Bắc Kinh và Canberra.
|
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Ngoại trưởng Australia Julie Bishop tại hội nghị ngoại trưởng G20 ở Argentina hôm 22/5. Ảnh: AFP. |
“Australia vùng lên”
Trái ngược rõ ràng với giọng điệu lạc quan của bà Bishop, ông Vương đã ra một tuyên bố sau cuộc gặp kêu gọi Australia “tháo đôi kính bị sơn màu” và có thái độ tích cực hơn đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Theo giới quan sát, quan hệ Trung Quốc – Australia đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua, khi Canberra đấu tranh với những ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Bắc Kinh, đối tác thương mại số 1, cả trong nước lẫn tại khu vực.
“Australia đã rất tùy tiện trong việc thực hiện chính sách về Trung Quốc với lời lẽ tiêu cực như nhau, và điều đó đã tạo ra một tình huống là ở đâu có kỳ vọng ở đó cần sẽ có một sự điều chỉnh”, ông Bob Carr, cựu ngoại trưởng, giám đốc Viện Quan hệ Australia – Trung Quốc, nhận xét.
Căng thẳng đã từng bước leo thang kể từ tháng 12 khi Thủ tướng Malcolm Turnbull công bố các đạo luật mới về chống gián điệp và chống sự can thiệp của nước ngoài, việc mà nhiều người xem là nhằm vào Bắc Kinh. Dù nhấn mạnh động thái này không nhắm vào một quốc gia cụ thể nào, ông Turnbull vẫn chỉ ra các báo cáo về sự can thiệp của Trung Quốc như là cơ sở để thông qua luật.
Bắc Kinh bị cáo buộc can thiệp nội bộ từ việc tài trợ cho các ứng cử viên gốc Mãn Châu, gây áp lực cho các kênh truyền thông tiếng Hoa địa phương và thậm chí bắt cóc những người bất đồng chính kiến trên đất Australia.
“Nước Trung Quốc hiện đại được thành lập vào năm 1949 với những lời như ‘Dân tộc Trung Hoa đã vùng lên’. Đó là sự khẳng định chủ quyền, khẳng định niềm tự hào”, ông Turnbull nói sau những lần lên tiếng phản đối của Bắc Kinh hồi năm ngoái, trích dẫn câu nói của Mao Trạch Đông, bằng tiếng Anh lẫn tiếng Trung. “Và chúng tôi vùng lên, vậy nên chúng tôi nói người Australia vùng lên”.
Trong một động thái có khả năng khiến quan hệ căng thẳng hơn nữa, một nghị sĩ chính phủ hôm 22/5 đã sử dụng đặc quyền quốc hội để kết tội tỷ phú gốc Hoa Chau Chak-wing trong vụ hối lộ liên quan đến một quan chức cấp cao của Liên Hợp Quốc.
Tuần trước, Hoàn cầu Thời báo cáo buộc Australia bôi nhọ Trung Quốc với những cáo buộc vô căn cứ về sự can thiệp và đóng vai trò là “trục chính trong chính sách cứng rắn của Washington với Trung Quốc”. Trong một bài xã luận, tờ báo nói quan hệ Australia với Trung Quốc đã giảm xuống “mức thấp nhất” lịch sử và Australi giờ là “một trong những nước phương Tây có quan hệ xấu nhất” với Trung Quốc.
|
Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull nhiều lần thể hiện lập trường cứng rắn với Trung Quốc. Ảnh: AFP. |
Bài viết được đăng tải sau bài bình luận của cựu đại sứ Australia tại Trung Quốc Geoff Raby, người chỉ trích Ngoại trưởng Bishop vì đã không thăm Trung Quốc trong hai năm cũng như đưa ra những nhận xét “không thể tin nổi” về vấn đề Biển Đông và nền dân chủ.
James Laurenceson, phó giám đốc Viện Quan hệ Australia – Trung Quốc, nói rằng lời lẽ của một số quan chức Australia đã gây ra sự xung đột không cần thiết với Trung Quốc.
“Những đạo luật về chống sự can thiệp nước ngoài có thể được giới thiệu một cách rất đơn giản, rất nhẹ nhàng, rất yên bình, không vấp phải sự phản kháng nếu nội dung của chúng được giảm bớt và không nhắm vào một mình Trung Quốc khi chúng được công bố”, ông nói. “Suy nghĩ rằng chỉ có Trung Quốc đang tìm kiếm ảnh hưởng ở Australia là vô lý. Lâu nay, ảnh hưởng của Mỹ ở đất nước này còn lớn hơn ảnh hưởng của Trung Quốc.
Thế cân bằng mong manh
Về cơ bản, rạn nứt gợi lên những câu hỏi quan trọng về vị thế của Australia tại khu vực nơi mà cán cân quyền lực đang thay đổi liên tục. Mặc dù gần một phần tư kim ngạch thương mại của Australia là với Trung Quốc, Canberra đặt an ninh của mình dưới mối quan đồng minh với Mỹ cũng như “trật tự dựa trên luật lệ” hình thành từ sau chiến tranh thế giới thứ hai.
Trong các vấn đề thuộc về chính sách đối ngoại như tranh chấp ở Biển Đông, các đời chính phủ Australia, cả cánh hữu lẫn cánh tả, đã tiến gần tới đường giới hạn vì Washington.
“Đây không phải là sự bất đồng giữa Australia và Trung Quốc về một số sự việc hay vấn đề cụ thể hoặc hình thức ngôn từ được sử dụng bởi bên này hay bên kia”, ông Hugh White, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Đại học Quốc gia Australia, cho biết. “Đây là một vấn đề thực sự cơ bản, rằng Trung Quốc tìm cách thay thế Mỹ trong vai trò cường quốc hàng đầu ở châu Á và Australia rất không muốn điều đó xảy ra”.
Bị kẹp giữa hai cường quốc cạnh tranh nhau khốc liệt, đến nay Australia vẫn cố gắng duy trì thế cân bằng mong manh để thu được lợi ích kinh tế và an ninh tối đa từ mỗi mối quan hệ.
“Thực tế là trong một thời gian dài, Australia thực sự đã đi ở cả hai bên của con đường”, ông White nói. “Chúng tôi cố gắng thuyết phục nước Mỹ tin rằng chúng tôi ủng hộ Mỹ trong việc chống lại thách thức của Trung Quốc và chúng tôi cố gắng thuyết phục người Trung Quốc tin rằng chúng tôi không ủng hộ Mỹ trong việc đó”.
Nhiều nhà phân tích, bao gồm ông White, thấy chính sách tung hứng này ngày càng không thể duy trì.
“Một thời gian dài người Australia đã bám lấy suy nghĩ rằng dù người Trung Quốc có thể nói hay làm bất cứ điều gì ở những nơi như Biển Đông, người Trung Quốc kiểu gì cũng phải chấp nhận rằng Mỹ vẫn sẽ là cường quốc số 1, bởi vì rốt cuộc đó là điều kiện cần và đủ cho ‘trật tự dựa trên luật lệ’ mà các lãnh đạo chính trị của Australia nói rằng họ muốn duy trì”, ông nói.
|
Các nhà phân tích nói rằng Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull muốn Mỹ tiếp tục là siêu cường số 1 tại khu vực. Ảnh: AFP. |
Những người khác tin rằng Australia không phải lựa chọn chừng nào họ còn có thể điều chỉnh từng mối quan hệ với đủ sự khéo léo.
“Điều này đòi hỏi Australia phải có được chính sách ngoại giao phức tạp ở mức vừa phải, và thực tế đã chứng minh rằng điều này là quá sức với các lãnh đạo nước này hiện tại”, ông Carr nói. “Họ dường như đã tìm cách gây ấn tượng với Washington của ông Trump một cách vụng về khi điều đó thực sự không cần thiết”.
Cho dù Australia đối xử với Trung Quốc như đồng minh hay mối đe dọa, mọi người dường như đều đồng ý rằng nguyên trạng đang thay đổi.
“Tôi nghĩ rằng Australia phải đối mặt với thực tế là mọi thứ đang thay đổi, và tôi nghĩ chúng ta có một chút miễn cưỡng khi làm điều đó”, bà Merriden Varrall, giám đốc Chương trình Đông Á tại Viện Lowy ở Sydney nói.
“Tôi nghĩ câu hỏi Australia cần trả lời là liệu họ đủ sức mạnh để thay đổi những thứ chúng ta có thay đổi, sự can đảm để chấp nhận những thứ chúng ta không thể thay đổi và trí tuệ để nhận ra sự khác biệt”, bà nói.
Theo Zing
Tɦᴜốc ɓổ ƙɦôпɢ ɓằпɢ łɦực ρɦẩɱ ɓổ: Cácɦ cɦăɱ sóc пɢũ łạпɢ łốł пɦấł ɢiúρ ɓạп sốпɢ łɦọ ɦơп
Tɦeo các ɓác sĩ, sức ƙɦỏe củɑ пɢũ łạпɢ qᴜyếł ᵭịпɦ łᴜổi łɦọ củɑ ɓạп. Đây ℓà ɓí qᴜyếł ℓựɑ cɦọп łɦực ρɦẩɱ cɦăɱ sóc cơ łɦể łốł пɦấł ɓạп пêп łɦɑɱ ƙɦảo ᵭể ℓᴜôп ƙɦỏe ɱạпɦ ʋà łɾườпɢ łɦọ.