Trung Quốc toan tính gì khi đầu tư ở Hungary?
Những nỗ lực của Hungary nhằm tăng cường quan hệ với Bắc Kinh trong những năm gần đây, đã được các chính trị gia và truyền thông địa phương xem xét kỹ lưỡng, theo Epoch Times.
Trong một chuyến công du đến nước Trung Âu này năm 2011, cựu Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tuyên bố Hungary sẽ trở thành cửa ngõ vào thị trường châu Âu của Trung Quốc. Chuyến đi của ông Ôn Gia Bảo đã ghi dấu cuộc họp đầu tiên cho ‘Cơ chế hợp tác 16 + 1’, và sự khởi đầu những nỗ lực của Trung Quốc nhằm gây ảnh hưởng lên Hungary.
Được giới thiệu chính thức vào tháng 4/2012, Cơ chế hợp tác 16 + 1 là một sáng kiến của Bắc Kinh nhằm tăng cường hợp tác với 11 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) và 5 quốc gia Balkan, bao gồm: Albania, Bosnia và Herzegovina, Bulgaria, Croatia, Cộng hòa Séc, Estonia, Hungary, Latvia, Lithuania, Macedonia, Montenegro, Ba Lan, Romania, Serbia, Slovakia và Slovenia. Cơ chế ‘16+1’ kêu gọi hợp tác kinh tế với Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cơ sở hạ tầng, tài chính và công nghệ.
Cơ chế này cuối cùng đã trở thành một mô hình cho các nước Trung và Đông Âu trong dự án phát triển đầy tham vọng tiếp theo của Bắc Kinh, được công bố vào năm 2013: “Một vành đai, Một con đường” (OBOR, còn được gọi là Sáng kiến Vành đai và Con đường).
Sáng kiến OBOR mưu toan xây dựng các mạng lưới thương mại, tập trung vào Bắc Kinh, thông qua các dự án cơ sở hạ tầng, tài trợ trên khắp châu Âu, Đông Nam Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh.
Theo số liệu của Bộ ngoại giao Trung Quốc, tính đến tháng 4/2018, Trung Quốc đã đầu tư tổng cộng 3,27 tỷ USD vào Hungary.
Tuy nhiên, tại một cuộc họp của Diễn đàn Dân chủ Nam Á gần đây được tổ chức tại Geneva, Thụy Sỹ, như là một phần của Phiên họp thứ 39 của Hội đồng Nhân quyền LHQ, một nhóm các tham luận viên từ châu Âu, đã công khai đặt câu hỏi về động lực của Bắc Kinh, đối với các dự án ở nước ngoài của Trung Quốc.
Theo một bài báo đăng trên tờ Nhật báo Kinh doanh Ấn độ ‘Business Standard’ hôm 18/9, cựu thành viên Nghị viện châu Âu Paulo Casaca cho rằng: “Các nước châu Âu đã bắt đầu hiểu rằng cái bẫy nợ, mà nó đã khiến Sri Lanka phải trao cảng biển [cho Trung Quốc] bởi vì họ không thể đối mặt với các khoản thanh toán cho chính quyền Trung Quốc, liên quan đến các khoản vay”.
Cảng mà ông Casaca đề cập đến, là cảng Hambantota, được Sri Lanka bàn giao cho Trung Quốc vào tháng 12/2017, sau khi không thể hoàn trả khoản nợ 6 tỷ USD, và Sri Lanka phải chuyển nó thành cổ phần của Trung Quốc.
Trong khi đó, ông István Szent-Iványi, cựu nghị sỹ châu Âu từ Hungary, cho rằng dự án OBOR là một mối quan ngại, bởi vì đó là “kế hoạch mở rộng quyền lực” của Bắc Kinh, để thiết lập những vị trí chiến lược, gây ảnh hưởng ở Đông Á, Châu Phi và Châu Âu.
“Tôi muốn nâng cao nhận thức về [OBOR] bởi vì nó thực tế đặt ra một mối đe dọa thực sự và nghiêm trọng. Trung Quốc đang thách thức trật tự thế giới”, ông Szent-Iványi nhấn mạnh.
Vị chính trị gia Hungary này đã chỉ ra rằng Djibouti là một quốc gia mà Bắc Kinh đang thách thức các quy tắc quốc tế được thiết lập.
Vào tháng 3/2018, các quan chức Mỹ đã thể hiện sự lo ngại của mình tại một phiên điều trần của Hạ viện, về vai trò ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở Djibouti, nơi Bắc Kinh vừa xây dựng căn cứ quân sự ở nước ngoài đầu tiên của mình. Trong tháng 9/2018, các bức ảnh vệ tinh cho thấy Bắc Kinh đang mở rộng căn cứ Djibouti, một động thái được các chuyên gia cho là cạnh tranh với lợi ích của Washington khi Mỹ cũng có một căn cứ quân sự ở đó.
“Điều Trung Quốc thực sự muốn, là giành quyền kiểm soát. Họ muốn trở thành nhà lãnh đạo toàn cầu. Đối với chúng ta ở châu Âu, đó là một vấn đề bởi vì họ muốn đẩy chúng ta ra khỏi thị trường”, nhà khoa học chính trị Đức Siegfried O. Wolf, giám đốc nghiên cứu tại Đại học Heidelberg, phát biểu tại Diễn đàn Dân chủ Nam Á.
“Ví dụ, tại Trung Á, nếu Trung Quốc đang cung cấp tiền cho các dự án cơ sở hạ tầng mới, họ có rất nhiều ảnh hưởng. Vì vậy, khi Trung Quốc xây dựng đường sắt, sẽ không có bất kỳ dự án nào của Đức hoặc Pháp. Chỉ có tàu hỏa của Trung Quốc mới chạy trên những tuyến đường đó”, ông Wolf nhận định.
Đường sắt Budapest – Belgrade
Tuyến đường sắt bị chất vấn là dự án đầu tư trọng yếu của Trung Quốc ở Trung Âu. Dự án hiện đại hóa 350 km đường sắt, nối thủ đô Belgrade của Serbie và thủ đô Budapest của Hungary. Bắc Kinh dự định sử dụng tuyến đường sắt này – một dự án OBOR – để vận chuyển hàng hóa đến cảng Piraeus của Hy Lạp, thuộc sở hữu của công ty vận tải biển COSCO của Trung Quốc. Hàng hóa sẽ đi qua Hungary, để được vận chuyển đến phần còn lại của châu Âu.
Đoạn đường sắt dài 152 km tại Hungary, trên toàn bộ tuyến đường 350 km , hiện đang trong giai đoạn lập kế hoạch, và dự kiến sẽ được hoàn thành vào năm 2023, theo một bài báo ngày 14/9 đăng trên tờ Daily News (Tin tức Hàng ngày) của Hungary. Bắc Kinh sẽ tài trợ 85% nâng cấp đường sắt, với tổng chi phí ước tính hơn 3 tỷ USD.
Lý do đằng sau việc nâng cấp đường sắt, là một chủ đề tranh luận ở Hungary, với một số câu hỏi liệu dự án này có thực sự giúp ích cho nền kinh tế của đất nước hay không?
Trong một bài báo bình luận ngày 31/5, trang web tin tức Index của Hungary đặt câu hỏi về mức giá khổng lồ, kết luận rằng việc nâng cấp đoạn đường sắt trên đất Hungary sẽ “vô nghĩa như những phát triển ở Sri Lanka”.
Một bài báo bình luận khác do tờ Index công bố vào tháng 4/2018, cho là dự án chỉ tốt cho việc “thúc đẩy các mục tiêu kinh tế nước ngoài của Trung Quốc”, với rất ít lợi ích kinh tế cho Hungary.
Đầu tư của các công ty Trung Quốc
Theo thông tin từ Bộ ngoại giao Trung Quốc, bên cạnh dự án đường sắt, các công ty Trung Quốc cũng đã đầu tư vào lĩnh vực hóa học, tài chính, viễn thông, năng lượng mới và hậu cần của Hungary.
Trong lĩnh vực viễn thông, gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei cung cấp hơn 70% dân số Hungary với thiết bị và dịch vụ viễn thông di động, theo trang web của công ty Huawei.
ZTE, một công ty viễn thông hàng đầu khác của Trung Quốc, đã làm việc với các nhà cung cấp dịch vụ di động Hungary, để cung cấp các dịch vụ Internet 2G, 3G và 4G. Theo một bài báo ngày 13/9 của Tân Hoa Xã, hãng thông tấn do nhà nước Trung Quốc điều hành, công ty ZTE đang mưu toan trở thành nhà cung cấp mạng 5G cho Hungary. 5G là thế hệ tiếp theo của công nghệ truyền thông di động không dây.
Nhiều quốc gia, kể cả Mỹ, đã nêu lên những lo ngại an ninh, về rủi ro Trung Quốc tiến hành các hoạt động gián điệp thông qua thiết bị Huawei và ZTE, vì cả hai công ty này đều có quan hệ chặt chẽ với Bắc Kinh.
Ảnh hưởng của Trung Quốc đối với đời sống chính trị Hungary
Ảnh hưởng tiền tệ của Trung Quốc đã gây áp lực, buộc Hungary phải tuân thủ kế hoạch chính trị của Bắc Kinh.
Tại một phiên điều trần của Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An Ninh Mỹ Trung (USCC) thuộc Nghị viện Mỹ vào tháng 4/2018, ông Erik Brattberg, một nhà nghiên cứu tại tổ chức tư vấn chính sách nước ngoài cho hòa bình thế giới ‘Carnegie Endowment for International Peace’, chỉ ra rằng đầu tư của Trung Quốc đã dẫn đến một “ảnh hưởng rõ ràng, không thể nghi ngờ được, đối với những quyết định chính sách [Hungary]” ở cấp EU.
Ví dụ như, vào tháng 7/2016, một tuyên bố của EU về phán quyết của tòa án trọng tài quốc tế La Hay, về những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, đã không trực tiếp đề cập đến Bắc Kinh, do sự phản đối từ Hungary và Hy Lạp.
Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã leo thang quân sự hóa các lãnh thổ tranh chấp ở Biển Đông, một động thái gây ra sự phản ứng mạnh mẽ của các quốc gia lân cận, những nước cũng có tuyên bố chủ quyền lãnh thổ trong khu vực.
Sau đó, vào tháng 3/ 2017, Hungary được cho là đã gây áp lực lên khối EU, không đưa thêm tên của mình vào một bức thư chung bởi các đại sứ quán quốc tế, tố cáo Bắc Kinh được cho là đã tra tấn các luật sư bị giam giữ tại Trung Quốc.
Theo tờ báo doanh nghiệp Handelsblatt của Đức, vào tháng 4/2018, 27 trong số 28 đại sứ của EU cùng đưa ra một báo cáo chỉ trích dự án OBOR của Trung Quốc vì đã phá vỡ các tiêu chuẩn minh bạch quốc tế, trong khi tăng cường lợi ích của Trung Quốc. Quốc gia EU đơn độc không tham gia chỉ trích Bắc Kinh chính là Hungary.
Nguồn: Dkn.tv
Cạm bẫy ở sân bay Thái Lan
Hàng loạt du khách nước ngoài bị buộc tội trộm đồ ở khu hàng miễn thuế tại sân bay quốc tế tại Bangkok, Thái Lan, và phải trả nhiều tiền để đổi lấy tự do.