RSS

Vì sao người Việt ở Úc không dám “đá chim & ăn tiết canh”?

10:00 29/07/2019

Nước Úc có số lượng người Việt định cư đông đảo, đứng thứ hai trên thế giới chỉ sau Mỹ. Hồi mới qua định cư, đa số bà con chưa thông thạo luật pháp nước sở tại, cho nên có những hành vi ‘tự nhiên như ở nhà‘ mà không biết rằng làm như vậy là mang họa vào thân.

Bạo hành với động vật hoang dã

Số là có anh chàng nọ lứa tuổi U.30 cùng gia đình sang định cư ở khu Cabramatta, ngoại ô TP.Sydney vào giữa thập niên 1990. Do chưa có việc làm gì ráo nên buồn nản, anh ta thường lang thang trong tâm thế của một kẻ chán đời. Một ngày đẹp trời nọ, anh ta ngồi trầm tư trên ghế đá ở một công viên nhìn ra vịnh Sydney.

Công viên ở TP.Sydney là nơi có khá đông cư dân bản địa cùng du khách đến thư giãn. Điều thú vị là chim hải âu cũng tụ tập ở công viên với số lượng đông đảo nhằm tìm kiếm thức ăn, tạo thành một bức tranh vô cùng sống động.

Một công viên ở Sydney nơi mà chim đậu rất nhiều và người dân không được ‘bạo hành’ với chúng

Hễ ở đâu có người ngồi là tức khắc hải âu bu tới, không chỉ 1, 2 con lẻ tẻ mà là cả bầy, chúng mạnh dạn “xơi” luôn cả phần thức ăn của du khách và cả khi bạn đang ngồi trong nhà hàng cạnh bờ biển. Có người gọi đám chim hải âu này là “Những tên cướp biển”.

Loại bỏ yếu tố bị quấy rầy khi ta đang ăn, thì việc từng bầy hải âu bu quanh chỗ ngồi của du khách đã là một minh chứng hùng hồn về “môi trường thiên nhiên bền vững”, thân thiện giữa người và động vật hoang dã. Thế nhưng với anh chàng Việt kiều nói trên thì sự việc không thi vị như vậy.

Đang thất nghiệp “rầu thúi ruột” mà cứ bị mấy con hải âu quấy rầy, trong một phút phản xạ tự nhiên, anh ta…đá mấy con chim. Xui cho anh ta là có một viên cảnh sát thấy “sự bạo hành” ấy, thế là anh bị mời về đồn lập biên bản. May là sau đó có người thân, định cư lâu năm, đến đồn cảnh sát giải thích nguyên nhân: bởi vì anh ta mới qua nên chưa hiểu luật pháp nước Úc, do ở VN người ta không chỉ đá mà còn săn bắn chim chóc “như cơm bữa”.

Đúng là ở VN “chim trời cá nước”, ai săn bắt được thì cứ việc cho lên bàn nhậu. Cuối cùng thì cảnh sát cũng thông cảm thả “anh chàng đá chim” ra về. Nói đến con chim, chợt nhớ đến…con vịt.

Tai họa món tiết canh

Trong thực đơn nhà hàng, quán ăn ở nước Úc, không có món tiết canh. Khi làm thịt gia cầm, các nhà máy sản xuất vứt bỏ tiết, đầu, chân và bộ đồ lòng, còn lại cái mình đóng gói bán ở các siêu thị. Do đó muốn ăn lòng gà, lòng vịt hoặc món tiết canh thì chỉ có làm thịt sống ở nhà. Thế nhưng nước Úc cấm người dân làm thịt gia cầm, gia súc tại gia.

Rất nhiều người Việt không biết quy định giết mổ của nước sở tại khi thói quen ăn uống mê món tiết canh

Hồi mới qua định cư, chưa nắm được quy định này nên có người, do thèm quá, sẵn sàng mổ con vịt làm tiết canh, bộ đồ lòng làm món xào, còn lại nấu cháo, đúng “bài bản” như ở xứ mình. Sự việc “tư gia biến thành lò mổ” được phát hiện bởi những người đổ rác bản xứ. Họ tình cờ thấy lông vịt trong bao rác của một vài gia đình Việt kiều nên báo cho cơ quan chức năng.

Thế là nhà chức trách cử người đến “làm việc” với những gia đình giết mổ gia cầm, báo hại phải “giải trình”. Sau sự cố ấy, bà con đành nhịn thèm, không dám làm thịt con gà, con vịt tại nhà nữa.

Thế nhưng cũng có người liều mạng, âm thầm thịt con vịt để làm tiết canh, những thứ phế thải, nhất là bộ lông, đều được đem chôn kín ở sân vườn sau nhà, giống như tẩu tán tang vật. Đúng là sống ở những nước văn minh quá cũng khổ. Nhưng biết làm thế nào được, “nhập gia” phải “tùy tục” thôi.

Theo Thanh Niên

Người Việt ở Úc làm nghề gì phổ biến với mức thu nhập ra sao

Người Việt ở Úc làm nghề gì phổ biến với mức thu nhập ra sao

Người Việt ở Úc làm gì nhiều nhất và thu nhập mỗi ngành nghề như thế nào? Có nghề có thể kiếm 2000 AUD/ tuần.