RSS

'Việt kiều hồi hương ăn Tết chả nhẽ về tay không'

19:44 24/01/2020

"Người ở nhà thường tò mò về cuộc sống nước ngoài, hỏi xem thu nhập được bao nhiêu, bảo mình 'chắc giàu lắm' nên không mua quà về thì cũng kỳ", Hữu Bảo (35 tuổi), nói với Zing.vn.

Chiều 23 Tết, mở ứng dụng mua sắm quen thuộc, Minh Thư (23 tuổi) đếm sơ sơ: 6 món trong mục mặt hàng đang trên đường vận chuyển, 4 món ở số lượng hàng đang đóng gói. Điện thoại của cô gái trẻ cũng ở trong tình trạng thường xuyên có người gọi ship đồ vào những ngày cận Tết.

Tự nhận mình là người thích ăn diện, nghiện mua sắm, cô không thể nhớ xuể số tiền bỏ ra cho việc sắm Tết.

“Cả năm mới có một lần Tết, mình lại là con gái nữa nên cần chăm chút cho bản thân”, Thư giải thích.

Đã thành thói quen, cô đều lên kế hoạch cụ thể trong đầu: Mùng Một đi chúc Tết diện áo dài này, áo khoác dạ này đi với chân váy rồi xách túi nào là đẹp, đi chỗ này chụp ảnh thì diện bộ nào là hợp cảnh.

'Viet kieu hoi huong an Tet cha nhe ve tay khong?' hinh anh 1 zakupoholizmgorne1080x675.jpg

Tâm lý làm việc cả năm vất vả nên nhiều người thường phung phí tiền sắm Tết.

Cứ thế, nếu cảm thấy còn thiếu món nào hay đôi giày hiện tại không “ăn nhập” với bộ đồ định mặc, Thư lại không ngần ngại bỏ thêm tiền, miễn sao mua được món hàng ưng ý.

Từ khi kết thúc Tết Dương lịch, cô đã bắt đầu rục rịch sắm Tết. Thứ chiếm lĩnh nhiều nhất trên News Feed của cô vào “tháng củ mật” là quần áo, mỹ phẩm. Tin nhắn trao đổi của cô với người mua còn nhiều hơn các cuộc trò chuyện, tán gẫu với bạn bè.

Trên thực tế, quần áo mới với Thư là chưa đủ. Luôn muốn có vẻ ngoài lung linh nhất vào năm mới, Thư còn đi nhuộm lại tóc, uốn mi, làm móng. Mỗi lần như vậy, trung bình cô mất ít thì vài trăm nghìn, nhiều thì vài triệu đồng.

“Sắm Tết xong, tài khoản mình còn đúng mấy trăm nghìn”, Thư thành thật. Toàn bộ số tiền thưởng Tết 5 triệu đồng, cô tiêu sạch cho việc mua sắm.

“Ở nhà mình, ai chưa lập gia đình vẫn được ông bà, bố mẹ, họ hàng mừng tuổi nên mình vẫn có tiền đi chơi với bạn bè. Có chăng, sau Tết mình lại vất vả đi thanh lý áo quần đã mua vì mặc một lần, có ảnh chụp ‘sống ảo’ là đủ rồi”, Thư giải thích.

“Vung tiền” mua sắm mỗi dịp Tết đến xuân về đã là câu chuyện quen thuộc trước thềm năm mới. Với những người mang tâm lý cả năm đã làm việc vất vả, Tết là dịp tiêu pha, sắm sửa thoải mái, có thể phung phí nhưng không thành vấn đề nghiêm trọng, sau Tết lại tiếp tục “cày cuốc” tiếp.

Còn với nhiều người khác, Tết Nguyên đán lại khiến họ đau đầu, xoay xở với bài toán cân đối chi tiêu, “co khoản này, đắp thêm vào khoản kia” vì có quá nhiều thứ cần bỏ tiền để có một cái Tết tươm tất, đầy đủ.

Bài toán chi những khoản nào, tiêu những gì thường khiến các bà nội trợ đau đầu dịp Tết. Ảnh: Quỳnh Danh.

Không ngờ Tết lại tốn kém vậy

Lập gia đình được 3 tháng, Phương Anh (26 tuổi) đã có cơ hội trải nghiệm việc tự mình quán xuyến, lo toan Tết từ A-Z cho cả nhà.

Lường trước những khó khăn gặp phải, cô cẩn thận lên kế hoạch thu chi từ cả tháng trước Tết.

Tiền sắm hoa đào, cây quất, đồ trang trí ngày Tết (5 triệu), tiền bánh kẹo, hoa quả (2 triệu), tiền thức ăn trong 5 ngày lễ (4 triệu), tiền biếu ông bà hai bên (10 triệu), tiền mừng tuổi (5 triệu), tiền lễ chùa đầu năm (1 triệu).

Sau một hồi liệt kê, các con số không khỏi làm Phương Anh giật mình. Số tiền phải chi cho Tết đã vượt quá mức thu nhập 15 triệu/tháng của chồng và 10 triệu/tháng của cô.

Năm đầu về nhà chồng, cô muốn thể hiện mình là người chu toàn, là dâu đảm nên sẵn sàng chi mạnh tay hơn mọi năm. Song, cô không ngờ người lớn sắm Tết lại tốn kém nhiều đến vậy.

“Mặc dù không phải mua quá nhiều đồ đạc mới vì đã sắm sửa quanh năm, vẫn còn vô số thứ phải tính toán và chuẩn bị. Cứ thế, khoản chi tiêu cho Tết ngày càng cao”, người vợ trẻ cho hay.

Tiền sắm sửa đào quất, tiền biếu bố mẹ hai bên, tiền lì xì cho trẻ con là những khoản không thể tránh khỏi vào dịp đầu năm mới Âm lịch. Ảnh: Quỳnh Danh.

Tiêu tốn trên mức dự kiến, Phương Anh cho hay cô buộc phải dè xẻn lại khoản may áo dài cho bản thân dù rất mong muốn. Bánh kẹo mời khách đến thăm nhà, cô cũng tính sẽ mua bớt lại và tranh thủ dùng luôn số quà Tết của công ty tặng.

“Biết trước sẽ phải chi nhiều, mình bắt đầu sắm sửa ngay từ đầu tháng Chạp để có nhiều sự lựa chọn và có giá cả rẻ hơn, tránh việc mua quá cận tết vừa hết hàng giá lại cao”, cô đúc kết.

"Việt kiều hồi hương ăn Tết chả nhẽ về tay không"

Chuẩn bị về Việt Nam đón Tết Âm lịch, bên cạnh niềm háo hức sắp được quây quần bên gia đình sau gần 10 cái Tết xa nhà, Hữu Bảo (35 tuổi, Đức) còn đau đầu nghĩ chuyện mua quà cho người ở nhà.

“Việt kiều mà, chả nhẽ lại về nước tay không. Mặt khác, người ở nhà thường hay tò mò về cuộc sống ở nước ngoài, hỏi xem thu nhập được bao nhiêu, bảo mình “chắc giàu lắm” nên không mua quà về thì cũng kỳ kỳ”, Minh chẹp miệng.

2 tuần trước ngày bay, anh dành cả cuối tuần rảnh rỗi để lê la nhiều cửa hàng, siêu thị trong thành phố.

Thuốc bổ cho bà ngoại, mỹ phẩm cho các chị em trong nhà, sữa cho cô em mới sinh em bé mấy tháng trước, áo khoác lông cừu cho đứa cháu gái.

Tất cả được Bảo ghi chép đầy đủ, liệt kê cụ thể số lượng từng món, tránh mua sót. Ngoài ra, anh cẩn thận nhẩm tính quà sao cho từng nhà ai cũng có phần, không thừa không thiếu.

Kết cục, số cân nặng hành lý ký gửi xách về được 40 kg thì Bảo chứa đồ gần hết 37 kg, chưa kể một số món được anh cẩn thận xách tay.

Trong số đó, tốn chỗ nhất là chiếc hộp đồ chơi máy bay trực thăng mua cho đứa cháu trai đã chiếm gần hết diện tích một chiếc vali. Ngoài ra, chiếc bếp từ đôi nặng gần 3 kg mẹ Bảo nhờ mua cũng cồng kềnh không kém.

'Viet kieu hoi huong an Tet cha nhe ve tay khong?' hinh anh 2 0887412eab6e42301b7f.jpg

Ngoài ra, dịp Tết cũng là lúc nhiều cửa hàng giảm giá mạnh nên các khách hàng khó thoát khỏi cái bẫy mua sắm hấp dẫn.

Bảo nói đùa, bao nhiêu công sức đi gym, tập thể dục đã có “đất dụng võ” khi anh một mình chuyển từng ấy đồ đạc lỉnh kỉnh về Việt Nam.

Không chỉ người trong nhà, Minh còn mua quà thêm cho họ hàng xa gần, những người bạn lâu ngày không gặp.

“Riêng 30 phong socola, 20 gói bánh và kẹo dẻo để cho, tặng linh tinh cũng ngốn mất của mình kha khá tiền dù mình đã chọn mua các thương hiệu bình dân nhất”, Bảo cho hay.

“Tốn kém, đi mua tốn thời gian mà công xách cũng mệt nhưng mình vẫn vui vẻ vì lâu lắm rồi mới được đón Tết cổ truyền ở nhà”, Bảo nói chắc nịch.

Bận đến mức không có thời gian sắm Tết

Chiều 26 Tết, Thu Hà (24 tuổi) vẫn miệt mài, quay cuồng chạy deadline ở văn phòng. Những ngày này, cô càng nhẩm thấy câu “Với mọi người, Tết đã đến thật gần. Với tôi, Tết vẫn cách xa hàng cây số” đúng với bản thân.

“Công việc ngập đầu không kịp thở, lấy đâu ra thời gian mà đi mua sắm. Mình về nhà khi trời đã tối khuya, chỉ muốn lăn ra ngủ luôn chứ chẳng có tâm trí đâu mà xem quần áo ở shop nào đẹp, chỗ nào tung bộ sưu tập mới để lùng mua nữa”, cô bạn thở dài.

Hà cho hay lúc cô xong xuôi công việc, đóng laptop bắt đầu kỳ nghỉ thì cũng đã 29 Tết, thời điểm các cửa hàng thời trang đã đóng cửa gần hết, có chăng cũng chỉ còn sót lại những món tồn kho, sale mạnh nhưng mẫu mã xấu.

Song, chính Hà thừa nhận nhờ bận rộn vậy, cô lại tiết kiệm được một khoản đáng kể tiền chi tiêu dịp Tết.

'Viet kieu hoi huong an Tet cha nhe ve tay khong?' hinh anh 3 DuonghoaNVHTN_zing_12.jpg

Tuy nhiên, nếu biết chi tiêu hợp lý, mỗi người vẫn có thể sắm Tết mà không thấy quá tốn kém. Ảnh: Liêu Lãm.

“Năm ngoái chưa đi làm, mình háo hức đi shopping và chẳng bao giờ chịu cảnh không có ‘chiến lợi phẩm’ đem về. Nếu phân vân món đồ nào, mình sẽ tặc lưỡi để sau Tết dùng cũng được nên không hiếm những lần tiêu hoang. Còn năm nay, mình tính lôi hai chiếc váy mua từ đợt săn sale Noel cuối năm trước mặc đi chơi thôi”, cô nói.

Hiện tại, cô chỉ tính mua online thêm ít bánh kẹo, thịt bò khô, khô gà xé về “ăn cho đỡ buồn miệng” vì “không còn thời gian trống tự đi sắm sửa”.

“Những năm trước, mình sắm Tết phải mất tầm 5-6 triệu. Năm nay, mình chỉ tốn khoảng 2 triệu. Có lúc mình không tin là người thích mua sắm như mình, thiếu váy mới diện Tết là không chịu được lại có lúc bằng lòng với việc diện đồ cũ”, Hà kết luận.

Nguồn: Zing.vn

Người Việt ở Úc làm nghề gì phổ biến với mức thu nhập ra sao

Người Việt ở Úc làm nghề gì phổ biến với mức thu nhập ra sao

Người Việt ở Úc làm gì nhiều nhất và thu nhập mỗi ngành nghề như thế nào? Có nghề có thể kiếm 2000 AUD/ tuần.