RSS

Australia trở thành cường quốc điện mặt trời mái nhà thế nào

14:53 07/10/2020

Ở Australia, trung bình cứ 4 ngôi nhà là có một căn lắp điện mặt trời trên mái, vượt xa mức trung bình toàn cầu.

Australia là nước xuất khẩu than lớn thứ hai trên thế giới nhưng cũng đã âm thầm trở thành một cường quốc năng lượng tái tạo. Tại đây, một phần tư số ngôi nhà có lắp pin mặt trời trên mái - tỷ lệ lớn hơn bất kỳ nền kinh tế lớn nào khác và vượt xa mức trung bình toàn cầu.

Australia vượt xa Đức, Nhật Bản và Mỹ, những quốc gia được coi là dẫn đầu về năng lượng sạch. Tại California, bang dẫn đầu tại Mỹ về sử dụng năng lượng mặt trời, chưa đến 10% khách hàng có tấm pin mặt trời trên mái nhà.

Hầu hết người Australia lắp điện mặt trời mái nhà không phải vì mong muốn lớn lao như chống lại biến đổi khí hậu. Nhiều người chỉ đơn giản là hưởng ứng các ưu đãi do chính quyền các bang đưa ra, cộng với việc giá tấm pin mặt trời giảm mạnh trong những năm gần đây, trong khi giá điện lưới thì tăng.

Nhiều mái nhà ở Bundaberg lắp pin mặt trời. Ảnh: Peter Row.

Nhiều mái nhà ở Bundaberg lắp pin mặt trời. Ảnh: Peter Row.

Ở hai trong số các bang đông dân nhất đất nước - Queensland và New South Wales - có tới một nửa số nhà có tấm pin mặt trời. "Tương lai cho New South Wales và cả đất nước là năng lượng của chúng ta đến từ mặt trời, gió và thủy điện. Không chỉ vì nó tốt cho môi trường mà còn vì nó tốt cho nền kinh tế" Matt Kean, Người phụ trách Năng lượng và Môi trường New South Wales, cho biết.

Ông nói thêm rằng đây là một trong những lý do Australia có tỷ lệ sử dụng năng lượng mặt trời mái nhà cao hơn bất kỳ đâu trên hành tinh. "Mọi người đang làm điều đó vì họ muốn tiết kiệm tiền", ông nói.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, Australia đã giới hạn các mục tiêu liên bang trong việc hạn chế lượng khí thải carbon. Thủ tướng Scott Morrison thì lại ủng hộ ngành công nghiệp than. Năm ngoái, Australia xuất khẩu nhiều than thứ hai thế giới sau Indonesia. Chính phủ cũng đã phê duyệt một dự án lớn để xuất than sang Ấn Độ.

Tuy nhiên, chính quyền các tiểu bang nước này thì có cách tiếp cận rất khác. Sau khi liên bang thất bại trong việc áp dụng chính sách năng lượng tái tạo vào đầu những năm 2000, các bang của Australia bắt đầu đưa ra các chính sách riêng, khuyến khích chủ nhà lắp pin mặt trời và mua pin lưu trữ năng lượng.

Những ưu đãi đó đã khởi đầu cho sự bùng nổ năng lượng mặt trời. Điện mặt trời trên mái nhà thường xuyên cung cấp khoảng 5% nhu cầu điện năng của Australia, so với chỉ dưới 1% ở Mỹ.

"Than vẫn là nguồn phát điện quan trọng ở đó, nhưng có những thời điểm điện mặt trời mái nhà đóng góp hơn 6% sản lượng", Rishab Krishna Shrestha - nhà phân tích tại Wood MacKenzie Power and Renewables, cho biết.

Mức độ dùng điện mặt trời mái nhà đặc biệt cao ở Queensland - ở vùng đông bắc đất nước và bao gồm Cairns và Brisbane. Bang này có thời tiết nóng ẩm tương tự Florida và cũng tự gọi mình là "bang Sunshine".

Peter Row đứng trên mái nhà của ông tại Bundaberg. Ảnh: NYT

Peter Row đứng trên mái nhà của ông tại Bundaberg. Ảnh: NYT.

Peter Row sống tại Bundaberg, một thành phố chỉ cách Brisbane hơn 200 dặm về phía bắc. Ông đã lắp một hệ thống 6,57 kW trên mái nhà vì quá mệt mỏi việc tiền điện tăng. Trước khi lắp đặt hệ thống trị giá 3.000 USD, tiền điện hàng tháng của ông thường khoảng 190 USD. Nhưng từ khi lắp điện mặt trời, công ty điện trả lại ông trung bình 30 USD mỗi tháng vì sản xuất điện nhiều hơn tiêu thụ.

"Tôi ghét cái nóng, vì vậy điều hòa không khí thực sự quan trọng với tôi," ông Row, 59 tuổi, cho biết, "Thông thường, nếu bạn chạy điều hòa vào mùa hè, tiền điện sẽ rất cao".

Một lý do khác khiến Australia nhanh chóng mở rộng năng lượng điện mặt trời mái nhà là các bang của họ đã tìm cách hợp lý hóa quy chuẩn xây dựng và giúp việc xin giấy phép dễ dàng hơn. Tại Mỹ, các thành phố tự quản có xu hướng kiểm soát mã số và cấp phép, khiến việc lắp đặt trở nên tốn kém và tốn thời gian.

"California có thể làm gì để đạt được tỷ lệ sử dụng 30%?", Bernadette Del Chiaro, Giám đốc điều hành của Hiệp hội lưu trữ và năng lượng mặt trời California cho biết, "Đó là dỡ bỏ rào cản".

Bất chấp sự phát triển của điện mặt trời, phương pháp tiếp cận hệ thống điện của Australia cũng có những điểm yếu do khách hàng thường xuyên gặp phải tình trạng mất điện. Các chuyên gia đổ lỗi cho hệ thống lưới điện không đáng tin cậy, bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ kỷ lục và hư hỏng do cháy rừng.

Bản thân sự phát triển của điện mặt trời mái nhà cũng gây ra một số vấn đề. Theo truyền thống, các nhà máy điện cung cấp điện và các hộ gia đình sử dụng nó, giúp các quan chức dễ dàng quản lý lưới điện. Hiện nay, nhiều chủ nhà vừa là người tiêu dùng vừa là nhà cung cấp, tùy thuộc vào thời điểm trong ngày. Điều đó buộc các nhà quản lý lưới điện phải sắp xếp các nhà máy điện có thể tăng hoặc giảm sản lượng nhanh hơn để cân bằng cung cầu.

Kane Thornton, CEO Clean Energy Council - một hiệp hội ngành năng lượng tái tạo tại Australia cho biết một trong những thách thức lớn hơn đang nảy sinh là lưới điện không được thiết kế và xây dựng cho điện mặt trời trên mái nhà cao. "Nó được thiết kế cho các nhà máy nhiệt điện than", ông nói.

Hơn một nửa trong số khoảng hai chục nhà máy nhiệt điện than đang hoạt động dự kiến sẽ ngừng hoạt động trong vòng 15 năm và chưa rõ loại nào sẽ thay thế. Trong khi các nhà bảo vệ môi trường muốn có nhiều năng lượng tái tạo hơn, các nhà lập pháp bảo thủ khẳng định rằng đất nước cần tiếp tục sử dụng than.

Warren Entsch, một thành viên quốc hội từ Queensland nói rằng mọi người phải thực tế khi thực hiện chuyển đổi. "Tôi tin rằng than đá sẽ là một phần của nền kinh tế của chúng ta một thời gian dài nữa trong tương lai", ông nói.

Sự cố mất điện liên tục gần đây ở California, lần đầu kể từ cuộc khủng hoảng năng lượng cách đây hai thập kỷ, nêu bật những nguy cơ do biến đổi khí hậu và sự chuyển đổi nhanh chóng sang năng lượng tái tạo mà không có kế hoạch cẩn thận. Thời tiết nóng hơn có thể làm tăng nhu cầu điện, trong khi nguồn cấp từ lưới điện phụ thuộc quá nhiều vào các tấm pin mặt trời và tuabin gió có thể trở nên thất thường, tạo ra ít điện hơn vào những ngày nhiều mây và không có gió.

Các tấm pin mặt trời lắp trên mái của The Friendly Society Private Hospital tại Bundaberg, Australia. Ảnh: NYT

Các tấm pin mặt trời lắp trên mái của The Friendly Society Private Hospital tại Bundaberg, Australia. Ảnh: NYT.

Khi giá năng lượng tái tạo giảm, các nhà máy nhiệt điện than và khí đốt tự nhiên ngày càng phải vật lộn để cạnh tranh. Một số đã phải đóng cửa hoặc tìm cách xin bảo hộ phá sản.

Các chuyên gia cho biết khi Australia, California và các khu vực khác trên thế giới tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, họ sẽ phải đầu tư nhiều hơn vào pin hoặc các hình thức lưu trữ năng lượng khác.

Tại Australia, giá pin lưu trữ dự kiến giảm 10 đến 15% trong năm nay, theo Warwick Johnston của công ty tư vấn SunWiz. Điều đó đang thúc đẩy sự quan tâm đến điện mặt trời mái nhà. Có hơn 70.000 hệ thống pin lưu trữ gia đình ở nước này vào năm ngoái, và ông Johnston dự kiến có thêm 28.000 hệ thống được lắp đặt trong năm nay.

Eytan Lenko, Chủ tịch Beyond Zero Emissions, một tổ chức vận động và nghiên cứu khí hậu, đã lắp đặt một hệ thống năng lượng mặt trời 17 kW tại nhà ở Melbourne năm ngoái. Ông nói rằng, pin lưu trữ từ điện mặt trời giúp nhà ông sáng đèn trong một cơn bão vào tháng 8 gây mất điện toàn thành phố. Tuy nhiên, điểm yếu là pin thường chỉ cung cấp năng lượng cho tối đa 5 giờ mỗi lần. Điều đó đã hạn chế việc sử dụng chúng.

Theo Kean, Australia phải làm cho hệ thống điện đáng tin cậy hơn, giảm chi phí và giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu với sự trợ giúp của năng lượng mặt trời, gió và các công nghệ tái tạo khác. "Những người tranh cãi về than đá, khí đốt và hạt nhân thực sự đang tranh cãi về năng lượng đắt hơn, bẩn hơn. Tương lai không phải là những thứ đó", ông tuyên bố.

Theo: Vnexpress

Tɦᴜốc ɓổ ƙɦôпɢ ɓằпɢ łɦực ρɦẩɱ ɓổ: Cácɦ cɦăɱ sóc пɢũ łạпɢ łốł пɦấł ɢiúρ ɓạп sốпɢ łɦọ ɦơп

Tɦᴜốc ɓổ ƙɦôпɢ ɓằпɢ łɦực ρɦẩɱ ɓổ: Cácɦ cɦăɱ sóc пɢũ łạпɢ łốł пɦấł ɢiúρ ɓạп sốпɢ łɦọ ɦơп

Tɦeo các ɓác sĩ, sức ƙɦỏe củɑ пɢũ łạпɢ qᴜyếł ᵭịпɦ łᴜổi łɦọ củɑ ɓạп. Đây ℓà ɓí qᴜyếł ℓựɑ cɦọп łɦực ρɦẩɱ cɦăɱ sóc cơ łɦể łốł пɦấł ɓạп пêп łɦɑɱ ƙɦảo ᵭể ℓᴜôп ƙɦỏe ɱạпɦ ʋà łɾườпɢ łɦọ.