Bỏ ra hàng tỉ đồng, vỡ mộng giấc mơ định cư nước Mỹ
Trong khi có rất nhiều khách hàng đóng số tiền lớn cho Cty TNHH Total Consultancy Limited Việt Nam (TCLVN), nhưng chưa thể đạt được visa vào Mỹ, cũng không thể lấy lại số tiền đã đóng, công ty này vẫn quảng cáo rầm rộ kiếm khách hàng mới. Rất mong báo Lao Động phản ánh, cảnh báo để các khách hàng mới cân nhắc kỹ trước khi đóng số tiền lớn cho công ty”, anh N.T.H (quận 5, TPHCM), khách hàng từng đóng cho TCLVN hơn 800 triệu đồng - nói.
Các phiếu thu đóng tiền đi định cư tại Mỹ của Cty TNHH Total Consultancy Limited Việt Nam (TCLVN).
Vỡ mộng “giấc mơ Mỹ”
Trao đổi với PV báo Lao Động, anh N.H.T (SN 1980, quận 1, TPHCM) cho biết, tháng 3.2016, do có nhu cầu định cư Mỹ theo diện EB3 (chương trình lao động nhập cư và định cư của chính phủ Mỹ), anh đến văn phòng Cty TCLVN (số 8, đường số 6, KDC Him Lam, phường Tân Hưng, quận 7, TPHCM) để được tư vấn.
Nhiều khách hàng của Công ty TCLVN phản ánh họ rơi vào trường hợp tương tự như anh N.H.T. Ảnh: Trần Tuấn
“Đại diện Cty nói tỉ lệ đậu visa diện EB3 rất cao, có kết quả ở từng giai đoạn mới đóng tiền tiếp và sẽ được hoàn tiền khi không xin được visa vào Mỹ”, anh T, cho biết đó là lý do anh nhanh chóng chuyển số tiền dịch vụ hơn 1 tỉ đồng cho Cty. Ngày 24.3.2017, anh T. nhận được hẹn phỏng vấn visa từ Lãnh sự quán Mỹ ở TPHCM. “Trong cuộc phỏng vấn ở lãnh sự quán, người phỏng vấn có hỏi tôi về chi phí đã đóng cho TCLVN, tôi trả lời là hơn 1 tỉ đồng. 1 tuần sau đó, tôi nhận được phản hồi của Lãnh sự quán Mỹ cho biết, hồ sơ của tôi bị từ chối theo điều khoản 221(g) của Luật Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ và chuyển về Sở Di trú Mỹ để xem xét”, anh T. cho hay.
Sau khi nhận được thư từ chối từ Lãnh sự quán Mỹ, anh T liên hệ với TCLVN và giám đốc Trần Tôn Nữ Kiều Loan để yêu cầu thanh lý hợp đồng, nhận lại số tiền đã đóng như quy định tại điều 6 của hợp đồng dịch vụ được 2 bên ký vào tháng 3.2016. “Phía công ty từ chối thanh lý hợp đồng cho tôi với lý do Lãnh sự quán chưa từ chối hẳn mà hồ sơ vẫn được chuyển về Sở Di trú để xem xét. Họ cũng bảo tôi tiếp tục chờ đợi nhưng không nói là chờ đợi đến bao giờ” - anh T cho biết.
Từ năm 2017 đến nay, anh T thường xuyên vào website của Sở Di trú Mỹ nhưng đều nhận được thông báo hồ sơ của anh vẫn đang trong diện xem xét. Lo lắng vì số tiền bỏ ra quá lớn, anh T nhiều lần đến trực tiếp công ty để tìm gặp bà Loan - Giám đốc công ty - để hỏi về tiến trình xử lý hồ sơ nhưng không gặp được, anh điện thoại thì không liên lạc được.
“Từ đó đến nay công ty 4 lần thay đổi địa chỉ. Địa chỉ mới nhất là một văn phòng chia sẻ, tôi tìm đến thì được biết nhân viên công ty cũng không thường xuyên đến đây làm việc” - anh T nói.
Nhận phản ánh của anh T, trong vai người có nhu cầu định cư Mỹ diện EB3, phóng viên báo Lao Động liên hệ đến hotline của công ty TCLVN và được tư vấn chi tiết.
Theo đó, ứng viên không cần bằng cấp, chuyên môn, tài chính chỉ cần trên 18 tuổi, chưa có tiền án tiền sự sẽ đủ điều kiện tham gia. Số tiền cần đóng để công ty giúp hoàn thiện các thủ tục là 537 triệu đồng, được đóng thành hai đợt.
“Hồ sơ phụ thuộc vào bên Mỹ hết, bên em chỉ là bên trung gian. Lập hồ sơ qua hãng, hãng xin Bộ Lao động Mỹ. Bộ Lao động cấp chứng chỉ cho bên hãng đồng ý cho tuyển lao động nước ngoài, hãng sẽ chuyển hồ sơ qua bên Sở Di trú. Thời gian kéo dài 3 - 5 năm” - nữ nhân viên cho biết.
Sau đó nhân viên TCLVN gửi mail thông tin hợp đồng cho phóng viên. Theo thông tin phía TCLVN gửi, địa chỉ của công ty nằm tại số 8, đường số 6, phường Tân Hưng, quận 7, TPHCM, nhưng khi chúng tôi tìm đến đây thì không có công ty nào có tên như vậy.
Đặc biệt, mẫu đơn đăng ký thông tin mà TCLVN gửi cho chúng tôi lại ghi tên công ty TNHH Tư vấn quản lý đầu tư Immigration có địa chỉ phường 6, quận 3, TPHCM. Khi chúng tôi tìm đến địa chỉ này cũng không có công ty nào tên là Immigration.
Sau nhiều ngày tìm hiểu, chúng tôi mới biết công ty TCLVN đã chuyển trụ sở về tầng 10, một tòa nhà nằm trên đường Điện Biên Phủ (Bình Thạnh, TPHCM) từ tháng 4.2020. Tuy vậy, địa chỉ mới này là văn phòng chia sẻ, khi khách hàng cũ tìm đến để giải đáp các khúc mắc cũng khó gặp được nhân viên của công ty do thỉnh thoảng mới có người đến làm việc.
Công ty TCLVN nói gì?
Sau nhiều lần không thể liên hệ được qua điện thoại, ngày 29.6 vừa qua, chúng tôi thấy điện thoại bà Trần Tôn Nữ Kiều Loan - Giám đốc Công ty TCLVN - đổ chuông, nhưng báo bận. Sau khi để lại tin nhắn đề nghị được trao đổi cung cấp thông tin 2 chiều liên quan đến phản ánh của bạn đọc, bà Loan giao cho luật sư của công ty tên Hoà làm việc với phóng viên thông qua email.
Số tiền 224 triệu đồng phí dịch vụ giai đoạn 3 được anh T chuyển thẳng vào tài khoản cá nhân của Giám đốc Trần Tôn Nữ Kiều Loan chưa được xuất hóa đơn.
Qua email, khi được hỏi, đại diện công ty không tiết lộ về thời điểm công ty bắt đầu thực hiện dịch vụ tư vấn lao động đi Mỹ theo diện EB3, chỉ cho biết đến thời điểm này đã có hơn 10 trường hợp khách hàng qua Mỹ thành công. Về 10 trường hợp thực hiện thành công trên tổng số bao nhiêu khách hàng của công ty, đơn vị này cũng chưa tiết lộ.
Về thông tin một số khách hàng cho biết việc họ bị lãnh sự quán Mỹ từ chối cấp visa và trả hồ sơ về Sở Di trú Mỹ do đã nộp mức phí dịch vụ quá cao cho TCLVN (điều này là vi phạm pháp luật Hoa Kỳ), đại diện công ty cho biết đây là lần đầu họ tiếp nhận thông tin này.
Đại diện TCLVN cũng cho biết, những trường hợp đã ký hợp đồng với công ty, nếu đủ điều kiện để hoàn trả tiền (phỏng vấn visa không thành công không do lỗi của khách hàng - PV), đơn vị vẫn hoàn trả theo đúng quy định.
Tuy vậy, khi phóng viên hỏi đã có khách hàng nào được hoàn tiền dịch vụ đã đóng với lý do trên chưa thì đại diện công ty chưa cung cấp thông tin.
Về việc khách hàng phản ánh đóng số tiền dịch vụ lên đến tỉ đồng nhưng không được xuất hóa đơn, đại diện TCLVN cho rằng khi hợp đồng được thanh lý thì mới có thể xuất hóa đơn theo đúng quy định.
Link nguồn: https://laodong.vn/xa-hoi/bo-ra-hang-ti-dong-vo-mong-giac-mo-dinh-cu-nuoc-my-822877.ldo
Cạm bẫy ở sân bay Thái Lan
Hàng loạt du khách nước ngoài bị buộc tội trộm đồ ở khu hàng miễn thuế tại sân bay quốc tế tại Bangkok, Thái Lan, và phải trả nhiều tiền để đổi lấy tự do.