RSS

Cú sốc không được vào đại học của tham tán Giáo dục Australia tại Việt Nam

14:30 07/08/2018

Người giữ một trong 8 vị trí tham tán giáo dục trên toàn cầu của Australia đã phải đối diện với cú sốc lớn khi ở tuổi thiếu niên.

Joanna Wood, áo cổ vàng, ở tuổi 15, cùng 4 chị em gái, đứng trước ngôi nhà của gia đình. Ảnh: NVCC.

Joanna Wood, áo cổ vàng, ở tuổi 15, cùng 4 chị em gái, đứng trước ngôi nhà của gia đình. Ảnh: NVCC.

"Khi nghe bố nói con không thể vào Đại học đâu, nhà mình nghèo lắm, tôi đã khóc rất nhiều vì thất vọng", bà Joanna Wood, Tham tán Giáo dục và Khoa học, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam, kể lại với VnExpress thời điểm bà vừa tốt nghiệp trung học cách đây hơn 30 năm.

Ở tuổi 16 đầy mơ mộng khi ấy, Joanna mong muốn được học chuyên ngành kế toán. Nước mắt lưng tròng, cô bé Joanna hỏi mẹ: "Mẹ ơi sao mẹ không nói gì?", nhưng mẹ Joanna không thể tác động để bố cô thay đổi quyết định, bà không có thu nhập nên không có tiếng nói trong gia đình. Joanna là con thứ hai trong gia đình có 5 chị em gái, bố là lao động chính, trong khi mẹ đảm nhận việc vun vén.

Từng chọn học nghề sau khi hoàn thành chương trình trung học, bố Joanna giải thích đó là điều cô cần làm vì nó giúp cô kiếm được công việc để nuôi sống bản thân. Cố bình tâm, Joanna tự đặt mình vào vị trí của bố mẹ, những người di cư từ New Zealand sang Brisbane, Australia, họ phải nỗ lực mỗi ngày để chăm lo cho 5 cô con gái. Joanna cuối cùng chấp nhận phương án mà bố nêu ra, vào học trường kinh doanh ở địa phương.

Với sự nhanh nhạy, Joanna nhanh chóng tìm được việc tại công ty môi giới chứng khoán Morgans, nhưng cô vẫn băn khoăn không biết đây có phải ngành phù hợp và mình muốn theo đuổi hay không. Để "giải thoát cho bản thân", cô liều lĩnh tìm cách đi ra nước ngoài nhằm thay đổi. Trong suốt 4 năm, từ 1989 đến 1992, Joanna làm nhiều việc như dịch vụ du lịch, bán hàng... ở các nước New Zealand, Anh, Israel, Ấn Độ. Hết thời gian thử nghiệm, Joanna quay lại Australia và lại đi khắp nước tìm việc. 

Bất ngờ đến với cô ở tuổi 26, khi Joanna có con và chấp nhận làm mẹ đơn thân. Hai mẹ con lúc đó sống ở thủ đô Canberra.

"Không có bằng cấp danh giá trong tay, phải lo kinh tế để nuôi con, tôi đã hoang mang tự hỏi: Ôi mình sẽ làm thế nào để tiếp tục sống đây?", Joanna nhớ lại.

Suy tính mãi, cô xác định nếu muốn có cuộc sống tốt hơn, cho mình và cho con, không có cách nào tốt hơn là đi học trở lại. Thế là Joanna quyết định ghi danh học thêm một khoá học nghề tại Viện Công nghệ Canberra, để từ đó học lên đại học vì hai hệ thống này liên kết với nhau.

Không có đủ tiền để sắm máy tính hay xe hơi, bà mẹ trẻ hàng ngày phải đạp xe đi khắp nơi, với cô con gái chưa đầy một tuổi sau xe, đến phòng máy tính chung, đi làm thêm và trở về chăm sóc nhà cửa.

Hóa ra việc sở hữu tấm bằng cử nhân về chính sách của Đại học Quốc gia Australia (ANU) vẫn chưa phải là "giấc mơ thành hiện thực" với Joanna, vì cô không thấy hứng thú với những cơ hội việc làm liên quan. Sau một vài năm làm quản lý trung tâm trồng trọt, tư vấn thương mại, Joanna tình cờ thử sức ở vị trí hợp tác quốc tế về biến đổi khí hậu cho chính phủ, rồi làm nghiên cứu chính sách tại Bộ Giáo dục và Đào tạo Australia. 

"Ôi trời ơi, tôi đã lầm về việc làm cho chính phủ là nhàm chán, thực tế tôi có thể tạo nên những thay đổi, tác động đến cuộc sống của mọi người. Vì thế ngay lập tức tôi vô cùng yêu thích công việc của mình", Joanna hào hứng nói.

Việc nhận dạng được "điều mình muốn làm" ở tuổi 40 đã thúc đẩy cô một lần nữa quay trở lại trường đại học, theo đuổi chương trình Thạc sĩ tại ANU về chính sách công. Tiếp đó Joanna giành được vị trí giám đốc khu vực Đông Nam Á về giáo dục quốc tế của Bộ Giáo dục và Đào tạo Australia.

Với những trải nghiệm của chính bản thân, Joanna dành mối quan tâm lớn cho dạy nghề, cô đứng ra phát triển sáng kiến Các khóa đào tạo kỹ năng quốc tế của Australia, bao gồm các khóa đánh giá về các giáo viên dạy nghề, được triển khai ở khoảng 10 quốc gia. Hiện Joanna là Tham tán giáo dục và khoa học của Australia phụ trách các nước Việt Nam, Thái Lan, Capuchia và Lào. Trên toàn thế giới, Australia chỉ có 8 vị trí tham tán này. 

Ở tuổi 51, nhìn lại chặng đường của mình, bà Joanna và cảm thấy biết ơn vì những gì mình thu được.

"Ban đầu tôi nghĩ học nghề là điều gì đó rất dễ dàng, chẳng hạn như tập đánh máy, ghi chép địa chỉ trên bì thư... Nhưng thực tế tất cả những gì tôi được đào tạo đã giúp tôi tích luỹ được rất nhiều kỹ năng để làm tốt trong các môi trường chuyên nghiệp sau này", Joanna giải thích. Quá trình tích lũy kinh nghiệm cũng giúp một người rèn luyện sức chịu đựng, sự kiên cường, phát triển các kỹ năng của cá nhân.

Bà Wood trong văn phòng làm việc tại Đại sứ quán Australia tại Hà Nội. Ảnh: Giang Huy.

Bà Wood trong văn phòng làm việc tại Đại sứ quán Australia tại Hà Nội. Ảnh: Giang Huy.

Làm sao để không bỏ cuộc?

"Tôi là người rất may mắn vì tôi luôn nhận được sự động viên của mọi người xung quanh, để tôi giữ được niềm tin vào chính mình", Joanna nói, khi được hỏi về những nhân tố giúp bà luôn nỗ lực. 

Ở trường trung học, cô bé Joanna ngày nào thường xuyên nhận được sự khích lệ của cô giáo dạy thực hành kinh doanh, một người có mái tóc đỏ rất ấn tượng. Cô giáo luôn nói với Joanna rằng "em là học sinh rất thông minh". 

Ở nhà, dù bố mẹ Joanna không thể nuôi cô học đại học nhưng cũng luôn nhắc nhở con gái rằng cô là người rất sáng dạ. Và điểm số tốt nghiệp 92/100 của Joanna đã chứng minh họ không sai.

Một người khác cũng có tác động lớn đến con đường sự nghiệp của Joanna, đó là cô em gái thứ 4. "Có lần em hỏi tôi điều gì khiến chị cảm thấy yêu thích nhất, quãng thời gian nào hạnh phúc nhất trong đời?", câu hỏi đó khiến Joanna như bị hút vào luồng suy nghĩ "mình thực sự muốn làm gì". Khi nhận ra mình muốn làm công việc hợp tác với các nước, cô đã chạy đua với thời gian để có được tấm bằng Thạc sĩ.

Đó là thời điểm căng thẳng nhất với Joanna, khi cô thường xuyên phải thức khuya để học bài, dậy lúc 5h sáng để học trước khi đi làm lúc 7h30 sáng. Khi trở về nhà cô chỉ ăn tối nhẹ rồi lại lao vào học. "Làm điều đó liên tục thật chẳng dễ dàng gì, nhưng tôi phải nỗ lực để thay đổi cuộc sống của mình", Joanna nói.

Bà tiết lộ học sinh ở Australia cũng phải chịu "gánh nặng đại học" như ở Việt Nam, do đó chính phủ phải can thiệp bằng cách thực hiện các khảo sát, từ đó đưa ra các thông điệp khác nhau, dành riêng cho học sinh, phụ huynh nhằm giúp họ thay đổi nhận thức. "Ảnh hưởng của gia đình và cộng đồng rất lớn, trong việc để các em học sinh hiểu rằng chúng có nhiều cách để phát triển sự nghiệp. Đại học không phải cánh cửa duy nhất", bà Joanna nói.

Theo các thống kê chính thức năm 2016 của Australia, hơn 1,4 triệu người học đại học, trong khi có đến hơn 4,2 triệu người học nghề (kể cả người nước ngoài). Đáng chú ý, số liệu năm 2017 cho thấy người học nghề ở Australia lại có thu nhập cao hơn cử nhân, với mức tương đương là hơn 56.000 đô la Australia (AUD) và hơn 54.000 AUD. 

"Tôi muốn nhắn nhủ với các em học sinh chưa thể học đại học rằng đó không phải là ngày tận thế, các em có rất nhiều các khác nhau để thực hiện ước mơ", bà Joanna cho biết. 

Các lựa chọn với một học sinh là học nghề, học bán thời gian, theo các khóa ngắn hạn hoặc học trên mạng. Tổng cộng Joanna đã trải qua 4 khóa học nghề, đồng thời với một khóa học dành cho cử nhân và một khóa của thạc sĩ. Bà cho rằng thế hệ trẻ đừng ngần ngại thử những điều mới, nếu nó không hiệu quả, hãy đổi hướng. Quá trình tích lũy kinh nghiệm sẽ giúp các em có được các kỹ năng tốt như làm việc nhóm, kết nối, có tư duy phản biện, linh hoạt và khả năng ứng biến với những thay đổi của môi trường làm việc.

Trước thực trạng sinh viên Việt Nam tốt nghiệp đại học mà không tìm được công việc như ý, chấp nhận làm việc phổ thông với mức lương thấp, bà Joanna cho biết "lỗi hệ thống" đó cũng xảy ra ở nhiều nước, không riêng gì Việt Nam. Vấn đề là các bạn trẻ đó cần nuôi dưỡng hoài bão của mình, tự hỏi mình muốn làm gì, mình có thể làm gì và cần có những kỹ năng gì để bổ sung, từ đó tìm được công việc xứng đáng. 

"Câu hỏi làm sao giữ được động lực cho bản thân không phải điều dễ trả lời, nhất là khi các bạn phải đối mặt với sự thất bại. Tôi đã phải học cách đặt ra hai phương án, nếu mình đạt được mục tiêu thì thế nào và nếu không thì sao? Tôi tự an ủi mình rằng nếu không đạt được điều mình muốn thì đó là số phận của mình như thế. Sau đó vẫn dốc sức vào làm điều mình muốn", bà Joanna nói.

Cùng Việt Nam xây dựng tiêu chuẩn nghề quốc tế

Sau hơn một năm làm việc với các cơ quan của Việt Nam về giáo dục và việc làm, bà Joanna đánh giá Việt Nam đang có nhiều yếu tố để phát triển hệ thống đào tạo nghề mang tầm quốc tế. 

Việt Nam đứng thứ 8/72 nước về Khoa học, thứ 22 về Toán và 32 về Đọc hiểu, trong chương trình đánh giá giáo dục quốc tế (PISA) năm 2015. Thế hệ trẻ của Việt Nam rất tích cực và có động lực rõ ràng, với hệ thống luật pháp tốt, chính phủ cam kết chặt chẽ về Cách mạng 4.0. 

"Tất cả những điều này cho thấy Việt Nam đang có cơ hội lớn để phát triển hệ thống dạy nghề, và Australia là một trong nhiều đối tác muốn hợp tác với Việt Nam", bà Joanna nói. Hiện bà và các cộng sự ở Việt Nam đang phát triển chương trình hành động, trong đó có tính đến các ngành nghề và liên kết với Australia.

"Với một đường bờ biển dài chạy dọc đất nước và truyền thống làm nông nghiệp, tôi cho rằng Việt Nam có thể tập trung vào phát triển các ngành như dịch vụ du lịch, hậu cần, gia công, chế biến, chăm sóc sức khoẻ. Các ngành đó phù hợp với tiềm năng và thế mạnh của Việt Nam", bà Joanna nói. 

Theo bà, Việt Nam cũng nên tính đến một hệ thống nghề để chuẩn bị cho cách mạng 4.0, xem xét hệ thống các ngành linh hoạt để nhân lực có thể dễ dàng chuyển đổi khi cần thiết, chẳng hạn như một người đang làm chế tạo có thể làm dịch vụ. Hệ thống dạy nghề cần khai thác được năng lực của giới trẻ và cả người lớn tuổi, giúp họ xây dựng các kỹ năng làm việc nhóm, giao thiệp, thích nghi... Hệ thống dạy nghề cũng cần phải có kết nối tốt với các ngành của nền kinh tế. Hơn thế, hệ thống dạy nghề và các trường đại học cũng cần có sự trao đổi, kết nối với nhau.

Hiện Australia phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội Việt Nam phát triển chính sách liên quan đến kỹ năng ngành nghề, xây dựng chuẩn đào tạo của từng lĩnh vực. Trong tháng 11/2017, Australia cùng 4 nền kinh tế thuộc APEC, gồm Việt Nam, Philippines, Indonesia và Trung Quốc, đã thảo luận về tiêu chuẩn nghề trong lĩnh vực hậu cần, có thể áp dụng ở tất cả 5 nước. Dự kiến nhóm công tác đưa vấn đề lên cấp quan chức cấp cao (SOM) để tiếp tục thúc đẩy trong họp APEC năm sau tại Chile.

Hệ thống tiêu chuẩn này không chỉ giúp lao động Việt Nam có cơ hội việc làm ở 4 nền kinh tế thành viên APEC mà còn giúp các nhà tuyển dụng quốc tế đặt chi nhánh tại Việt Nam tìm được nhân lực, góp phần thu hút FDI.

Nhắc đến cô con gái 25 tuổi, Emily, bà Joanna không giấu được niềm tự hào, khoe rằng cô vừa tốt nghiệp chương trình cử nhân chuyên ngành quan hệ quốc tế. 

"Bạn có thể tưởng tượng được không, con bé đang ở Việt Nam vì nó muốn học may vá để làm nhà thiết kế thời trang ở đây", Joanna cho biết.

Tự nhận mình là bạn thân của mẹ, Emily chia sẻ cô rất ngưỡng mộ Joanna vì bà đã nỗ lực nhiều trong cả sự nghiệp và nuôi dạy cô khôn lớn. Emily vẫn nhớ hình ảnh mẹ ngày ngày đạp xe đưa cô đi khắp nơi trong thành phố, thời hai mẹ con còn thiếu thốn.

"Mẹ là người luôn ở bên tôi, tôi luôn tâm niệm lời bà dặn rằng khi làm gì phải trông đợi kết quả tốt nhất, nhưng cũng chuẩn bị cho điều tệ nhất. Câu nói đó giống như kim chỉ nam với tôi và nó luôn giúp tôi cố gắng hết sức", Emily nói.

Cô cũng đồng tình với mẹ về việc học đại học không phải con đường duy nhất để các bạn trẻ bước vào đời. Mỗi người có rất nhiều lựa chọn khác nhau để làm những điều mình muốn, với điều kiện họ cần phải chăm chỉ thì mới có thể giành được kết quả như mong đợi.

Bà Wood và con gái tại Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Bà Wood và con gái tại Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Theo: Vnexpress

Tɦᴜốc ɓổ ƙɦôпɢ ɓằпɢ łɦực ρɦẩɱ ɓổ: Cácɦ cɦăɱ sóc пɢũ łạпɢ łốł пɦấł ɢiúρ ɓạп sốпɢ łɦọ ɦơп

Tɦᴜốc ɓổ ƙɦôпɢ ɓằпɢ łɦực ρɦẩɱ ɓổ: Cácɦ cɦăɱ sóc пɢũ łạпɢ łốł пɦấł ɢiúρ ɓạп sốпɢ łɦọ ɦơп

Tɦeo các ɓác sĩ, sức ƙɦỏe củɑ пɢũ łạпɢ qᴜyếł ᵭịпɦ łᴜổi łɦọ củɑ ɓạп. Đây ℓà ɓí qᴜyếł ℓựɑ cɦọп łɦực ρɦẩɱ cɦăɱ sóc cơ łɦể łốł пɦấł ɓạп пêп łɦɑɱ ƙɦảo ᵭể ℓᴜôп ƙɦỏe ɱạпɦ ʋà łɾườпɢ łɦọ.