Cử tri dao động - 'thế lực' định đoạt bầu cử Mỹ
Ba cuộc tranh luận tổng thống sắp tới có thể giúp vợ chồng Karen - Marlin Boltz cân nhắc bầu cho Trump hay Biden. Hiện tại, họ chưa thể quyết định.
4 năm trước, hai vợ chồng bầu cho ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump, nhưng 4 năm qua, họ không chịu được cách ông khiến đất nước bị chia rẽ và khuyến khích chủ nghĩa da trắng thượng đẳng. Họ thích Joe Biden, nhưng lại phản đối ý tưởng về việc đánh thuế cao hơn và chi tiêu nhiều hơn của ứng viên tổng thống đảng Dân chủ.
Nhà Boltz sống tại một vùng nông thôn cách thành phố Pittsburgh, bang Pennsylvania, nửa giờ lái xe. Quan điểm của vợ chồng Boltz không giống với con cái. Con trai họ, sống ngay cạnh nhà, bảo thủ hơn và ủng hộ Trump. Con gái họ sống tại Seattle và người con trai khác ở Chicago thì kiên quyết rằng Trump phải rời Nhà Trắng.
"Chúng tôi tự thấy mình là người ôn hòa, bảo thủ trong các vấn đề tài chính và tự do về hôn nhân đồng giới", Marlin Boltz cho hay. "Không ứng viên nào phù hợp với chúng tôi... Chúng tôi chưa bao giờ phân vân như vậy trước một cuộc bầu cử".
Vợ chồng Karen - Marlin Boltz tại nhà riêng ở thị trấn Cabot, gần thành phố Pittsburgh, bang Pennsylvania. Ảnh: Washington Post.
Khi cuộc tranh luận đầu tiên trong ba cuộc đối đầu trực tiếp giữa Trump và Biden bắt đầu vào tối 29/9, khoảng 10% số cử tri, đủ lớn để làm xoay chuyển kết quả bầu cử, vẫn chưa thể quyết định sẽ bỏ phiếu cho ai. Các cuộc thăm dò quốc gia những ngày gần đây cho thấy 3-11% cử tri vẫn chưa chắc chắn hoặc vẫn cân nhắc chuyển bên.
Những cử tri dao động ở các bang chiến trường như vợ chồng Boltz đã phải nghe rất nhiều lời chê bai, chế giễu nhằm vào mình vì không thể nhìn thấy sự khác biệt giữa Trump và Biden, nhưng những lời dị nghị đó không đủ xóa tan hoài nghi của họ.
Trong các cuộc phỏng vấn, những người này chia sẻ rằng họ cảm thấy phải có nghĩa vụ giữ một tâm trí cởi mở trước màn đối đầu giữa hai ứng viên tại buổi tranh luận sắp tới và mong muốn xem họ thể hiện như thế nào dưới áp lực.
Nhiều người vẫn thích ý tưởng Trump là một người phá cách, mang đến cho hệ thống chính trị ở Washington liều thuốc điều trị bằng liệu pháp sốc. Tuy nhiên, họ lại e dè vì cách xử lý sai lầm của ông trước Covid-19 hay sợ hãi trước ác cảm của ông đối với người nhập cư hay người tị nạn.
Nhiều người luôn yêu thích Biden nhưng họ lại lo lắng liệu ông có lạc bước hay ông có bị nghiêng về phe cánh tả trong đảng của mình hay không.
"Tôi sẽ đưa ra quyết định dựa trên các cuộc tranh luận", George Cottingham, 25 tuổi, sinh viên ngành sản xuất âm nhạc ở Racine, Wisconsin, nói. "Tôi muốn thấy mục đích của họ. Tôi luôn biết liệu một ai đó có đủ khả năng hay không bằng cách xem họ diễn thuyết".
Cottingham cho hay Covid-19 thực sự là một mối đe dọa lớn, nhưng anh thấy việc Tổng thống Trump hoài nghi về biện pháp đeo khẩu trang cũng có cái lý của ông. "Tất cả mọi người đều nên đeo khẩu trang nhưng Trump đưa ra những phát ngôn chống lại điều đó nhằm giữ cho mọi người không bị hoảng loạn. Tôi thấy ông ấy chỉ là đang cố gắng giữ mọi thứ bình ổn", anh nói.
Một số cử tri chưa quyết định là những người từ lâu đã cảm thấy xa lạ với hai đảng phái chính trị lớn, những người từng bỏ phiếu cho Gary Johnson theo đảng Tự do hay ứng viên Jill Stein thuộc đảng Xanh hồi năm 2016. Giờ đây, họ nghĩ rằng lá phiếu của mình có thể sẽ mang đến tác động lớn hơn nếu chúng giúp định đoạn thắng lợi về tay ai, Biden hay Trump.
Roan Kirschbaum, 28 tuổi, sinh viên ngày thiết kế âm thanh tại thành phố Oshkosh, bang Wisconsin, và đang tìm việc làm, từng chỉ bầu cho ứng viên đảng Xanh trong quá khứ. Nhưng lần này, anh sẵn sàng bỏ phiếu cho Trump hoặc Biden và hy vọng rằng thông qua cuộc tranh luận, họ sẽ trả lời được câu hỏi những quan điểm cực đoan trên mạng xã hội đang làm thay đổi không khí chính trị đất nước như thế nào.
"Đấy là một cuộc tấn công xấu xa nhằm vào loài người và tôi chưa thấy hai ứng viên bàn về nó", anh nói.
Theo Kirschbaum, Trump "tốt hơn Biden ở khoản lắng nghe người dân Mỹ", nhưng vấn đề của Trump là ông "không quan tâm tới việc làm điều đúng đắn".
"Chẳng hạn như với Covid-19, ông ấy muốn mọi người không hoảng loạn nhưng lại không thừa nhận rằng đeo khẩu trang là việc làm cần thiết. Liệu có gì khác biệt không nếu phe Dân chủ lãnh đạo đất nước? Biden là một người ủng hộ khoa học, nhưng tôi cũng không biết nữa".
Với Pete Jordan, 57 tuổi, đến từ hạt Becker, bang Minnesota, sự lưỡng lự của ông bắt nguồn từ tâm lý chán chường, mệt mỏi. Là một cử tri độc lập nhưng nghiêng về phe Dân chủ, hồi năm 2016, ông bầu cho ứng viên Hillary Clinton. "Tôi rất mong bà ấy chiến thắng nhưng điều đó không xảy ra. Tôi đã đắng họng", Jordan chia sẻ.
Nhưng nỗi chán ghét của Jordan đối với Tổng thống Trump đang giảm dần theo thời gian. Jordan không chịu được cái cách mà Fox News cổ vũ Trump, nhưng ông thấy các hãng truyền thông khác như CNN và MSNBC không khác gì "trò hề" khi chống Trump bằng mọi cách.
"Donald Trump được bầu và quỹ hưu trí 401(k) của tôi đã tăng 35%, làm sao tôi ghét ông ấy được vì điều này? Nhưng ông ấy không ngớt khoa trương về những gì ông ấy nghĩ. Ông ấy muốn mình là tâm điểm của sự chú ý. Hãy ngậm miệng và điều hành đất nước", Jordan nhấn mạnh.
Ông muốn xem các cuộc tranh luận trước rồi mới quyết định sẽ bầu cho ai. Jordan hy vọng Biden sẽ cho ông một lý do để đứng về phía đảng Dân chủ. Nhưng nếu cuộc bầu cử diễn ra vào ngày mai, ông quyết định sẽ ở nhà.
"Tôi đang vô cùng phân vân", ông nói. "Tôi không còn đủ kiên nhẫn trước những hỗn loạn, rối ren nữa".
Vợ chồng Boltz, các cử tri Cộng hòa lâu năm, muốn những cuộc tranh luận sắp tới sẽ tiết lộ những gì mà chiến dịch tranh cử của hai ứng viên chưa nói đến, như ai sẽ giải quyết vấn đề chi phí y tế? Ai sẽ ủng hộ các cuộc biểu tình đòi công bằng sắc tộc nhưng vẫn kiên quyết chống bạo lực? Ai thực sự có khả năng đoàn kết đất nước.
4 năm trước, họ đã xem các cuộc tranh luận và thích quan điểm của một "kẻ ngoại đạo" như Trump, nhưng lo lắng trước thái độ kỳ thị người nhập cư của ông.
"Ông ấy không muốn ai đến Mỹ cả. Tại sao lại làm thế?", Karen đặt câu hỏi.
"Tôi từng nghĩ Trump luôn khoe khoang về việc xây bức tường biên giới nhưng khi các cố vấn ở bên, họ sẽ kìm hãm được ông ấy. Tuy nhiên, chuyện đó đã không xảy ra. Và tôi không ngờ được chuyện ông ấy lại lạm dụng Twitter đến thế. Tôi không thích như vậy, không giống một tổng thống chút nào", bà nói.
Karen hạn chế xem các bản tin trên truyền hình vì chúng đa phần chỉ có hai thái cực, tán dương hoặc chỉ trích Trump, tùy thuộc vào kênh. Bà thường nghe đài phát thanh NPR mỗi sáng vì thông tin có vẻ trung dung hơn. Nhưng Karen sẽ theo dõi tranh luận để tận mắt chứng kiến liệu Trump "có điên khùng và hoang dại hơn trong 4 năm tới hay không" hay liệu Biden có thể thực sự làm gì để thay đổi tình hình đất nước.
Erin Tollefsrud, 35 tuổi, đến từ Minnesota. Ảnh: Washington Post.
Tại vùng nông thôn Minnesota, Erin Tollefsrud, 35 tuổi, là một cử tri dao động điển hình. Cô từng bỏ phiếu cho cả ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa George W. Bush và ứng viên đảng Dân chủ Barack Obama. Hồi năm 2016, cô lại bầu cho một ứng viên không thuộc đảng Dân chủ hay Cộng hòa.
Tollefsrud từng thích ứng viên Andrew Yang từ đảng Dân chủ nhưng ông đã bị loại. Cô hoài nghi những người theo đảng Dân chủ như Biden bởi theo cô, họ xa lạ và không thiện cảm với người dân nông thôn và người sở hữu súng. Song Tollefsrud cũng lo lắng vì tính cách bốc đồng cùng những phát ngôn có phần thù địch của Trump tại các cuộc vận động tranh cử.
Dù vậy, Tollefsrud thích việc Trump dành sự chú ý cho người dân ở vùng nông thôn Mỹ và cô nhận thấy ông là người có gì nói đấy.
"Không ứng viên nào đại diện cho tôi cả", cô nói. "Cả hai đều già, da trắng, là nam giới và giàu có".
Trong cuộc tranh luận tối 29/9, Tollefsrud muốn xem liệu Biden có thể đứng vững và đáp trả lại những lời công kích cá nhân từ Trump hay không.
"Tuổi tác của ông ấy (Biden) thực sự gây lo âu", cô cho hay. "Hãy nhìn chân dung các tổng thống sau khi kết thúc nhiệm kỳ, họ đều trông già hơn, căng thẳng hơn và ủ rũ hơn".
Với Paul Jass, một nhà hóa học sống gần Milwaukee, tuổi tác của Biden khiến anh ái ngại nhưng sự thiếu nguyên tắc của Tổng thống Trump cũng làm anh e dè. Vậy nên, Jass chưa thể đưa ra quyết định. Anh hy vọng có thể làm sáng tỏ mọi khúc mắc của bản thân sau ba cuộc tranh luận sắp tới.
Scott Williams, 21 tuổi, sinh viên Đại học Concordia ở thành phố St. Paul, bang Minnesota, chưa từng đi bỏ phiếu nhưng hiện tại, anh khá thờ ơ về cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên mà mình tham gia với tư cách cử tri.
Williams dự định xem cuộc tranh luận sắp tới với bạn gái. Anh tò mò về cách Trump và Biden tương tác với nhau. Sau khi mất công việc tại một nhà hàng do Covid-19 rồi sau đó phải nhận công việc bán thời gian ở một quán ăn khác, Williams đặc biệt quan tâm đến việc hai ứng viên sẽ ngăn chặn dịch bệnh như thế nào.
Dù vậy, anh không ấn tượng với cả hai ứng viên. Williams cho rằng Trump không đủ tiêu chuẩn để trở thành tổng thống còn Biden thì "quá già". Nếu không ai truyền được cảm hứng cho anh, Willams sẽ không đi bỏ phiếu.
Link nguồn: https://vnexpress.net/cu-tri-dao-dong-the-luc-dinh-doat-bau-cu-my-4168645.html
Cạm bẫy ở sân bay Thái Lan
Hàng loạt du khách nước ngoài bị buộc tội trộm đồ ở khu hàng miễn thuế tại sân bay quốc tế tại Bangkok, Thái Lan, và phải trả nhiều tiền để đổi lấy tự do.