Cuộc đấu trí của người mẹ có con du học Úc khi siêu thị trống trơn
Về hay ở là quyết định hết sức căng thẳng và khó khăn của mỗi gia đình du học sinh, trong đó có gia đình tôi khi dịch Covid-19 bùng phát.
Trong bất cứ xã hội nào, có người này thì cũng có người kia, suy nghĩ nào thì cũng có sự đồng tâm và ngược ý, chỉ có một điều tôi nghĩ rằng nó sẽ đạt được sự đồng thuận của mọi bậc phụ huynh trên đất nước hình chữ S: Đó chính là tình yêu thương dành cho con cái mình.
Một du học sinh trang bị đồ bảo hộ khi về nước. Ảnh chụp tại sân bay Nội Bài
Trong giai đoạn dịch Covid-19 làm toang hoác toàn thế giới, từ những cường quốc đến những nước đang phát triển thì thật khó mà nói thay được tâm tư suy nghĩ về hành động riêng của từng cá nhân.
Về hay ở là quyết định hết sức căng thẳng và khó khăn của mỗi gia đình du học sinh, trong đó có gia đình tôi.
Dù rất tin tưởng ở khả năng đáp ứng và giải quyết của con gái nhưng thú thật, những ý kiến hay động thái của người có con đi du học đầu tháng 3 này làm tôi phân tâm.
Hàng ngày, 2 mẹ con tôi vẫn gọi điện hoặc chat với nhau, cùng trao đổi tình hình để đưa ra đối sách thật nhanh.
Con gái tôi ở Úc và nhóm bạn đang ở Canada, Anh, Mỹ lúc đầu có lo lắng nhưng thật may là chúng tự lập và “lì đòn” từ bé nên bình tĩnh khi đối diện với những khó khăn trong giai đoạn khủng hoảng.
Vì là con gái của một bà mẹ Việt Nam chuẩn nghèo, được sinh ra và lớn lên thời bao cấp nên bản năng cần kiệm, căn cơ, biết biến tấu các thể loại gạo mốc, bo bo thành những thứ dễ ăn, vượt qua thời kỳ gian khổ được di truyền trong máu.
Những ngày đầu bất ổn, khi giấy vệ sinh, gạo, mì… hết nhẵn nhụi trên các kệ hàng siêu thị, con gọi điện làm tôi cũng lo lắng. Nhưng sau khi liệt kê nhà còn hẳn 18 cuộn giấy vệ sinh, nửa bao gạo, rồi nước tương, mì gói vẫn còn một ít thì tôi yên tâm hơn.
Tôi bèn hướng dẫn con, tuy không có gạo, bánh mỳ, hay các loại mỳ trong siêu thị, con có thể mua bột mỳ thô về. Nhà có lò nướng nên có thể tự làm bánh mỳ, bánh ngọt. Trong những năm tuổi thơ khó khăn ở Hà Nội, chỉ cần có 1 tí bột mỳ, 1 tí đường, đổ tẹo nước ngoáy lên chiên cũng ra được 1 món ngon.
Con vẫn đi học bình thường, ghé siêu thị mua 2 hộp ca cao to, bánh quy, chocolate, đề phòng trong trường hợp xấu nhất, chính phủ chưa kịp giải cứu thì vẫn có thứ bỏ bụng để duy trì dinh dưỡng cho cơ thể.
Nếu phải ra ngoài thì tránh chỗ đông người, luôn mang theo chai nước rửa tay khô, tích cực rửa tay, hạn chế đi lại bằng các loại phương tiện công cộng…
Tình hình trở nên căng thẳng hơn khi các hãng hàng không bắt đầu huỷ chuyến, dừng các chuyến bay về Việt Nam.
Lúc này thú thật là bụng tôi cũng thấy run run, bèn lại ỉ ôi trao đổi tiếp tình hình để quyết định chuyện đi về. Mẹ con cùng thảo luận và phân tích nhưng quyết định cuối cùng là ở con, tôi hoàn toàn tôn trọng.
Trước ngày cuối cùng của chuyến bay về Việt Nam, tôi lại rón rén trao đổi lần nữa, nhưng cũng không thay đổi được lập trường của cháu.
Thế là con gái ở Melbourne và đứa cháu ở Sydney quyết định ở lại Úc cùng mọi người đối mặt với dịch.
Chính phủ đã ban bố lệnh lockout tới toàn dân, con tôi hàng ngày ở nhà học online, nấu ăn và chat với bạn bè đang ở lại nước ngoài, gọi điện về cho mẹ hỏi thăm sức khoẻ ông bà và mọi người, không quên hỏi thêm bữa nay mẹ ăn gì, tăng được mấy cân rồi.
Thật ra tôi luôn nghĩ trong đầu, việc con ở lại Úc, chỉ cần ở yên trong nhà, ăn uống đầy đủ, hạn chế tiếp xúc với người lạ vẫn an toàn hơn việc chen chúc đông đúc lúc đợi chờ làm thủ tục, một thời gian rất dài ngồi trên máy bay và 14 ngày cách ly tập trung.
Hơn nữa nhìn cảnh các bạn lính nghĩa vụ và sinh viên tình nguyện cùng trang lứa phải vất vả phục vụ bà con cách ly, thấy có chút đau lòng. Con không về nước, bớt thêm được tí cực cho các bạn.
Đây cũng là 1 trải nghiệm tốt để hoàn thiện kỹ năng sinh tồn, cách đối diện với khó khăn của các du học sinh ở lại.
Kelly Clarkson đã hát “What doesn’t kill you makes you stronger” – “Cái gì không làm tổn hại bạn, sẽ làm cho bạn mạnh mẽ hơn”.
Theo Vietnamnet
Người Việt ở Úc làm nghề gì phổ biến với mức thu nhập ra sao
Người Việt ở Úc làm gì nhiều nhất và thu nhập mỗi ngành nghề như thế nào? Có nghề có thể kiếm 2000 AUD/ tuần.