RSS

Đánh bắt trái phép hàng ngàn con cá mập ở Đông Timor, tàu cá Trung Quốc được thả chỉ nhờ 100,000 đô la

17:00 02/07/2018

Thuỷ thủ đoàn cùng những chiếc thuyền và số cá mập trị giá hàng triệu đô la từng bị cảnh sát Đông Timor bắt giữ nay đã được thả trở về Trung Quốc như không hề phạm bất kỳ tội danh nào.

Khi cảnh sát ở Đông Timor bắt được một lượng lớn các tàu đánh cá Trung Quốc với hàng ngàn con cá mập chết trên tàu hồi năm ngoái, bằng chứng về đánh cá bất hợp pháp quy mô lớn dường như không thể chối cãi.

Nhưng sau 9 tháng điều tra thuỷ thủ đoàn, những chiếc thuyền và mẻ cá trị giá hàng triệu đô la đã được thả trở về Trung Quốc như không hề phạm bất kỳ tội danh nào.

Sea Sepherd đã hợp tác chặt chẽ với cảnh sát Đông Timor trong cuộc đột kích.

Khoản thanh toán 100.000 đô la Mỹ dường như đã đảm bảo việc thả tự do cho thuỷ thủ. Nhưng ai đã trả tiền, và số tiền đã đi đâu?

Cuộc đột kích có sự tham gia của cảnh sát Đông Timor và Australia được chụp lại và và theo dõi trong nhiều tháng bởi tổ chức Sea Shepherd – chủ sở hữu con tàu Ocean Warrior đã theo dõi đoàn tàu cá Trung Quốc rời khỏi bờ biển phía nam Đông Timor.

Cũng chính tàu Ocean Warrior đã đưa cảnh sát ra biển tháng 9 năm ngoái để đột kích tàu Trung Quốc, nơi họ tìm thấy hàng ngàn con cá mập đông lạnh trên mỗi tàu, bao gồm cá mập báo và cá mập đầu búa được bảo vệ theo Công ước CITES.

15 chiếc thuyền và những thuyền viên Trung Quốc của Honglong Fisheries ngay lập tức bị giam giữ, trong khi các công tố viên ở Đông Timor điều tra các hoạt động của họ và chuẩn bị một vụ kiện chống lại họ.

Trên tàu Trung Quốc, họ tìm thấy hàng ngàn con cá mập đông lạnh, bao gồm cả những loài cá mập được bảo vệ.

Nhưng Tòa án quận ở Baucau đã thả thuỷ thủ đoàn và cho phép họ đưa tàu trở về Trung Quốc, với lý do họ không làm gì sai - đổi lại với khoản bảo lãnh 100.000 đô la Mỹ.

Một đội trưởng tàu Trung Quốc vẫn đang bị giam giữ, nhưng các nguồn tin cho biết ông ta cũng sẽ sớm được tự do.

ABC hiểu rằng số cá mập đông lạnh khổng lồ, thay vì bị tịch thu, đã theo các tàu đến Trung Quốc - nơi chúng có thể trị giá hàng triệu đô la.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Thủy sản Đông Timor, Estanislau da Silva, đã nói với các phóng viên ở Dili rằng không có bằng chứng cho thấy thủy thủ đoàn đã vi phạm luật Timor, và tòa án đã thả họ vì không có cá mập cần được bảo vệ trên tàu.

Nhưng những người phản đối bao gồm cả Sea Shepherd cho rằng quyết định này có không thoả đáng, đồng thời đặt ra những câu hỏi về ảnh hưởng của Trung Quốc ở Đông Timor.

Họ đặt câu hỏi rằng số tiền đã đi đâu. Một nguồn tin quan trọng nói với ABC dường như không có biên nhận hoặc hồ sơ về số tiền được trả vào kho bạc của chính phủ.

Số cá mập đông lạnh khổng lồ, thay vì bị tịch thu, đã được chuyển đến Trung Quốc - nơi chúng có thể trị giá hàng triệu đô la.

Đông Timor đã cấp giấy phép đánh bắt cá 12 tháng cho Honglong Fisheries vào năm 2016 với giá 500.000 đô la Mỹ. Tuy nhiên, Pingtan Marine - công ty sở hữu Honglong Fisheries - đã tuyên bố rằng mỗi tàu đánh cá của họ có thể tạo ra doanh thu 1 triệu đô la hàng năm. Như vậy, khoản tiền 100.000 đô la để thả 15 chiếc thuyền và thuỷ thủ chẳng hề đáng là bao so với lợi nhuận khổng lồ và chỉ đơn giản là chi phí làm ăn với Đông Timor.

Sea Shepherd cũng đã đặt câu hỏi: Nếu thuỷ thủ đoàn không làm gì sai, tại sao họ lại phải trả một khoản tiền?

"Tại sao phải trả 100.000 đô la? Có điều gì đó không đúng", Gary Stokes, Giám đốc phụ trách khu vực Châu Á của Sea Shepherd nói.

Ông Stokes cũng phản đối tuyên bố của tòa án rằng không có cá mập nào trên tàu.

"Điều làm chúng tôi rất tức giận là luật pháp Đông Timor đã có quy định rất rõ ràng về việc cấm đánh bắt các loài được liệt kê trong Công ước CITES, bao gồm cá mập đầu búa,” ông nói.

"Khi chúng tôi lên tàu, chúng tôi chỉ cho cảnh sát Timor đi đến tủ đông phía trước. Họ đào sâu và thực sự tìm thấy cá mập đầu búa.

Bằng chứng được cảnh sát quốc gia nắm giữ và được trình lên tòa án ở Baucau, và vì lý do nào đó đã bị loại ra, để rồi toà kết luận tàu cá Trung Quốc không vi phạm bất kỳ luật nào."

Thật vậy, đây không phải là lần đầu tiên Honglong Fisheries bị buộc tội đánh bắt trái phép ở Đông Timor. Sea Shepherd bắt đầu giám sát sau khi đội tàu trên dỡ số lượng lớn cá mập lên một con tàu mẹ chỉ cách bờ biển nước này 500m, vào tháng 2 năm 2017.

Tuy nhiên, ông Stokes nói vào dịp đó công ty chỉ bị phạt hơn 500 đô la Mỹ, cùng với một lời cảnh cáo. Cứ từ 2 đến 3 tháng, một chiếc tàu lớn chứa tủ đông lạnh sẽ gặp gỡ tàu con ngoài khơi, mang theo tất cả số cá mập.

"Toàn bộ doanh nghiệp là bất hợp pháp. Nhưng quan hệ của họ với các quan chức khiến điều đó vẫn tiếp diễn."

Con tàu mẹ - Fu Yuan Y Leng 999 - sau đó đã bị bắt ở quần đảo Galapagos với 300 tấn cá mập trên tàu, phần lớn trong số đó có lẽ đến từ vùng biển ngoài Đông Timor. Con tàu bị giữ lại ở Ecuador, nơi thuỷ thủ đoàn đã bị bỏ tù, nhưng họ giờ đã tự do.

Đông Timor không ký kết Công ước CITES cấm đánh bắt các loài đang bị đe dọa.

Nhưng Sea Shepherd nói Honglong Fisheries rõ ràng đã phá vỡ luật Đông Timor bằng nhiều cách. Họ vi phạm các điều khoản trong giấy phép của họ. Thực tế, họ chỉ được phép đánh bắt cá ngừ chứ không phải cá mập.

Đoàn đã nhiều lần đặt lưới đáy đại dương, chứ không phải là lưới trôi, cho phép họ các loài cá ở vùng nước sâu bao gồm cá mập, chứ không phải cá ngừ. Ước tính 95% số cá tìm thấy trên tàu là cá mập, bao gồm cá mập đầu búa.

Pingtan Marine dính nghi án tra tấn lao động và rửa tiền

Pingtan Marine là một công ty niêm yết NASDAQ của Mỹ có trụ sở tại Phúc Châu, Trung Quốc, có tai tiếng về đánh cá và nhân quyền.

Trong năm 2014, Pingtan đã bị trục xuất khỏi Indonesia sau khi hai công ty hàng hải mà họ kiểm soát bị cáo buộc lien quan đến gian lận và hối lộ, cũng như việc buôn lậu và buôn bán trái phép các loài được bảo vệ.

Bộ thủy sản của Indonesia đã phát hiện ra rằng một trong những công ty, Dwikarya, đã tra tấn các thành viên thuỷ thủ đoàn và vi phạm nghiêm trọng những quy định về lao động khác. Dwikarya phủ nhận cáo buộc, nhưng giấy phép đánh bắt cá của họ đã bị hủy bỏ.

Tòa án tối cao của Indonesia cũng tìm thấy bằng chứng về những con tàu tra tấn nô lệ thời hiện đại liên quan đến Pingtan, theo một báo cáo tiến hành bởi công ty nghiên cứu Aurelius Value cho các nhà đầu tư NASDAQ năm ngoái.

Pingtan từng bị cấm hoạt động tại Indonesia vào năm 2014, sau khi hai công ty con bị cáo buộc liên quan đến lừa đảo và hối lộ.

Theo Sea Shepherd, cũng như thuỷ thủ Trung Quốc bị bắt giữ ở Đông Timor trong chín tháng, hầu hết các thành viên đội tàu đến từ Philippin được phép rời đi sau khi các tàu bị bắt năm ngoái. Ông Stokes nói rằng những người Philippin vẫn đang chờ khoản thù lao từ Honglong Fisheries.

ABC đã cố gắng nhiều lần để liên lạc với lãnh đạo ở cả Pingtan Marines và Honglong Fisheries, nhưng cả hai công ty đều không trả lời.

Trong một tuyên bố hồi tháng trước, Pingtan đã bác bỏ các cáo buộc vi phạm luật Đông Timor trong quá trình cấp phép vào năm 2016.

Ông Stokes nói Sea Shepherd đang cố gắng theo dõi 15 chiếc thuyền Trung Quốc, với hy vọng vẫn có thể đưa những hoạt động sai trái ra công lý, và ngăn chặn những phi vụ đánh bắt bất hợp pháp khổng lồ.

 Mai Dung - Tin Tức Úc

Cạm bẫy ở sân bay Thái Lan

Cạm bẫy ở sân bay Thái Lan

Hàng loạt du khách nước ngoài bị buộc tội trộm đồ ở khu hàng miễn thuế tại sân bay quốc tế tại Bangkok, Thái Lan, và phải trả nhiều tiền để đổi lấy tự do.