"Dấu chấm hết" của kỷ nguyên siêu đập khổng lồ như Tam Hiệp ở Trung Quốc
Nhiều chuyên gia nhận định, sự kết thúc của kỷ nguyên siêu đập khổng lồ ở Trung Quốc đang bắt đầu.
Tờ Bloomberg hôm 4/7 đưa tin, tập đoàn Tam Hiệp của Trung Quốc hồi đầu tuần đã cho khởi động đơn vị phát điện đầu tiên tại nhà máy thủy điện lớn thứ 7 thế giới Ô Đông Đức nằm trên ranh giới tỉnh Tứ Xuyên – Vân Nam, Trung Quốc.
Đập Tam Hiệp. Ảnh: Getty
Cách đó khoảng 170 km, xuôi dòng sông Kim Sa (nhánh thượng du của sông Trường Giang), là nhà máy thủy điện khổng lồ Baihetan - dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2021.
Khi hoạt động hết công suất, 2 nhà máy thủy điện khổng lồ này có thể sản xuất ra nhiều điện hơn mọi nhà máy điện ở Philippines cộng lại. Ngoài giá trị về thủy điện, đây cũng là 2 con đập siêu khổng lồ cuối cùng trong kỷ nguyên bùng nổ xây dựng của Trung Quốc, kéo dài hơn nửa thế kỷ qua. Kỷ nguyên này cũng làm dấy lên tranh cãi gay gắt về sự đánh đổi giữa lợi ích của năng lượng tái tạo, phòng chống lũ lụt và cái giá phải trả về môi trường cũng như xã hội.
Giờ đây, ngành công nghiệp thủy điện Trung Quốc đang chuyển hướng sang các dự án nhỏ hơn và thủy điện tích năng (thủy điện có hồ tích nước bằng bơm). Các kỹ sư đã "cạn kiệt" các vị trí dễ dàng nhất có thể cung cấp năng lượng cho tua bin khổng lồ, trong khi chi phí của các nguồn năng lượng khác như năng lượng mặt trời lại rẻ hơn, đồng nghĩa với việc không đáng để di chuyển tới các vị trí khó khăn hơn.
"Việc phát triển năng lượng tái tạo và năng lượng đốt than vô cùng rẻ. Vậy tại sao bạn lại phải bỏ ra khoản tiền khổng lồ để xây dựng nhà máy thủy điện nằm sâu ở cao nguyên Tây Tạng. Tương lai của thủy điện là thủy điện tích năng và các thủy điện nhỏ hơn", Frank Yu, nhà phân tích tại công ty hóa chất Wood Mackenzie, cho hay.
Kỷ nguyên xây dựng đập của Trung Quốc bắt đầu vào những năm 50 và đạt đỉnh cao trong 2 thập kỷ qua. Sau khi nhà máy thủy điện Baihetan hoạt động hết công suất vào cuối năm 2022, Trung Quốc sẽ hoàn thành 5 trong 10 nhà máy thủy điện lớn nhất thế giới trong 10 năm.
Năm 2017, các con đập ở Trung Quốc có thể sản sinh ra nhiều điện hơn tổng số điện của riêng mỗi quốc gia trên thế giới, ngoại từ Mỹ và Ấn Độ.
Khai thác các con sông, chảy từ các đỉnh núi tuyết từ phía tây tới đồng bằng màu mỡ ở phía đông, luôn là mối quan tâm hàng đầu của lãnh đạo Trung Quốc. Hơn 4.000 năm trước, hoàng đế Hạ Vũ được biết đến nhờ dựng đê, đắp đập và đào kênh để kiểm soát lũ lụt tàn phá nền văn minh cổ đại.
Năm 1949, Mao Trạch Đông nắm quyền và ưu tiên việc xây đập. Tuy nhiên, kỹ thuật xây dựng khi đó còn yếu. Hậu quả là không ít thảm họa xuất hiện như vỡ đập Bản Kiều hay đập Shimantan năm 1975, cướp sinh mạng của 24 vạn người, theo Bloomberg.
Cuối những năm 90, ngành công nghiệp xây đập của Trung Quốc bắt đầu nổi danh. "Thời điểm đó, Trung Quốc đã tăng gấp 4 lần công suất lắp đặt và chiếm hơn một nửa mức tăng trưởng thủy điện toàn cầu", Samuel Law, nhà phân tích tại Hiệp hội Thủy điện quốc tế, cho hay.
Thời kỳ xây dựng siêu đập khổng lồ hiện đại của Trung Quốc bắt đầu một cách nghiêm túc với dự án dài hạn chặn dòng sông Dương Tử (Trường Giang) bằng đập thủy điện lớn nhất thế giới - đập Tam Hiệp.
Dự án đã gây nhiều tranh cãi ở quốc gia đông dân nhất thế giới. Những người đề xuất dự án đã đưa ra những lợi ích về năng lượng sạch, cải thiện giao thông đường thủy và cơ hội để chế ngự một trong những con sông dễ bị lũ lụt nhất Trung Quốc.
Những người phản đối tập trung phản biện vào con số hàng triệu người buộc phải dời đi chỗ khác an cư và việc mất đi các địa điểm văn hóa cũng như khảo cổ.
Nhưng cuối cùng, dự án cũng được thông qua và bắt đầu kích hoạt vào năm 1994. Và khi máy phát điện cuối cùng của đập hoạt động, Tam Hiệp trở thành đập thủy điện lớn nhất thế giới, tạo ra tới 22,5 GW.
Ngoài ra, 2 dự án đập thủy điện khổng lồ khác là Hướng Gia Bá (6,4 GW) và Khê Lạc Độ (13,9 GW) được hoàn thành năm 2014 trên sông Kim Sa, nhánh chảy vào sông Dương Tử. Cùng với Ô Đông Đức và Baihetan, đoạn sông dài 1.200 km sẽ tập trung 5/10 nhà máy thủy điện lớn nhất thế giới.
Các siêu đập khổng lồ
Trung Quốc sở hữu nhiều siêu đập thủy điện. Ảnh: Weibo
Trung Quốc sẽ sở hữu 5/10 đập thủy điện lớn nhất thế giới khi đập Baihetan chính thức đi vào hoạt động vào năm tới. Tuy nhiên, những vị trí đắc địa để xây dựng các siêu đập thủy điện khổng lồ gần như không còn.
Các nhà máy thủy điện khổng lồ đòi hỏi dòng nước lớn chảy xuống, thay đổi về độ cao, và Trung Quốc đã khai thác hầu hết vị trí dễ dàng tiếp cận.
Sau Ô Đông Đức và Baihetan, không có con đập nào lớn hơn công suất 10 GW được xây dựng hoặc đang lên kế hoạch, theo Pavan Vyakaranam, nhà phân tích năng lượng cấp cao tại công ty phân tích dữ liệu GlobalData (Anh).
"Dù có một hệ thống các dự án thủy điện lớn nhưng Trung Quốc đã cạn kiệt các vị trí tiềm năng", Pavan nhận định.
Tăng trưởng chậm
Công suất thủy điện hàng năm của Trung Quốc giảm mạnh kể từ năm 2013.
Một câu chuyện tương tự xảy ra ở Mỹ, nơi các dự án đập thủy điện lớn của chính phủ đã giúp kéo quốc gia này khỏi cuộc Đại Suy thoái vào cuối những năm 1930. Cuối Thế chiến II, thủy điện cung cấp hơn 1/3 nhu cầu tiêu thụ điện năng của Mỹ.
Việc xây dựng đập đạt đỉnh vào những năm 1960, sau đó dần dần chững lại khi năng lượng hạt nhân phát triển và sự phản đối xây đập thủy điện ngày càng tăng của nông dân, các nhà môi trường cũng như người bản địa Mỹ. Năm 2019, thủy điện chỉ chiếm 6,6% nguồn cung cấp năng lượng của Mỹ, theo Cục Thông tin Năng lượng Mỹ.
Trở lại câu chuyện của Trung Quốc. Việc cạn kiệt các vị trí tiềm năng để xây dựng đập thủy điện khổng lồ không đồng nghĩa Bắc Kinh không còn không gian cho thủy điện. Trung Quốc vẫn có nhiều vị trí thuận lợi để xây dựng đập thủy điện nhỏ hơn với công suất 1-3 GW. Các vị trí xây dựng siêu đập khổng lồ vẫn còn nhưng chúng rất khó tiếp cận.
Vị trí tiềm năng nhất nằm ở sông Yarlung Tsangpo, Tây Tạng, nơi được cho là có thể xây dựng đập thủy điện với công suất 38 GW, gần gấp đôi đập Tam Hiệp. Chính phủ Trung Quốc đang nghiên cứu tính khả thi của dự án này, một người giấu tên trong dự án nghiên cứu chia sẻ với Bloomberg.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng tính khả thi của dự án này không cao. Để đưa được công nhân và vật liệu xây dựng tới khu vực hẻo lánh như Tây Tạng sẽ rất tốn kém, chưa kể việc phải có các đường dây điện đủ dài để đưa điện về các địa điểm thiếu điện. Ngoài ra, yếu tố chính trị cũng tác động phần nào khi con sông là nguồn chảy về nhiều nhánh sông khác ở Ấn Độ.
Không phát triển được ở trong nước, ngành công nghiệp xây đập đã mở rộng hoạt động ra nước ngoài. Các ngân hàng phát triển lớn của Trung Quốc đã tài trợ cho các dự án thủy điện trên toàn cầu gần 44 tỷ USD kể từ năm 2000, theo các nhà nghiên cứu tại Trung tâm chính sách phát triển toàn cầu của Đại học Boston.
"Các công ty thủy điện Trung Quốc đang đầu tư lớn vào các nước khác ở Nam Á, Đông Nam Á, châu Phi và Mỹ La tinh", ông Vyakaranam cho biết.
Link nguồn: https://danviet.vn/dau-cham-het-cua-ky-nguyen-sieu-dap-khong-lo-nhu-tam-hiep-o-trung-quoc-502020579593195.htm
- ảnh ' + i); $img.attr('title', '"Dấu chấm hết" của kỷ nguyên siêu đập khổng lồ như Tam Hiệp ở Trung Quốc - ảnh ' + i); i++; }); });Cạm bẫy ở sân bay Thái Lan
Hàng loạt du khách nước ngoài bị buộc tội trộm đồ ở khu hàng miễn thuế tại sân bay quốc tế tại Bangkok, Thái Lan, và phải trả nhiều tiền để đổi lấy tự do.