Điều bất ngờ ở Úc qua lời kể du khách Việt
Tại một khu chợ ở Australia, giá cả được nhiêm yết, người mua không phải trả giá. Có lẽ nơi đây thành ngữ “hàng tôm hàng cá” như ở Việt Nam không còn giá trị bởi họ mua bán theo nhu cầu, không chèo kéo, không chặt chém.
Trời Brisbane đang vào mùa đông. Lạnh quá. Tôi đang co ro đi tới bất ngờ gặp chị đẩy chiếc xe đầy ắp hàng hóa đi ngược lại để ra bãi xe. Đến nơi, chị dừng xe, mở cốp. Chị lấy từ trong xe chiếc nón lá đội lên đầu…
Chợ Inala vốn là chợ Việt Nam ở tiểu bang Queensland, Australia. Ở đây, người Việt làm chủ nhiều cửa hàng và buôn bán hầu hết những mặt hàng đáp ứng nhu cầu mà người Việt cần đến.
Họ bán từ cây kim sợi chỉ đến miếng thịt, con cá thậm chí cả những mặt hàng lớn, sang trọng. Khách hàng đến đây thuộc nhiều quốc tịch, nhiều sắc dân nhưng đông nhất vẫn là người Việt.
Thương xá Inala. |
Trên xe hàng của chị, nhiều túi hàng gói kín được chị đưa vào xe. Nhìn chiếc nón lá trên đầu chị, lòng tôi như ấm lại.
Ngay tại Việt Nam nhiều khi muốn tìm chiếc nón lá cũng khó huống chi ở đất nước xa xôi này. Đến túi hàng cuối cùng, thò ra ngọn bạc hà. Thế nào trưa nay, gia đình chị cũng quây quần bên nồi canh chua…
Phải xa xứ mới thấy được những gì của Việt Nam đều quý. Tôi thương chiếc nón lá chị đội. Tôi yêu ngọn bạc hà trong túi hàng của chị. Những thứ tưởng chừng như đơn giản mộc mạc nhưng tại nơi đất khách lại là hồn quê hồn nước.
Chiếc nón lá và ngọn bạc hà trên đất Úc. |
Chị lên xe dập mạnh cửa. Nhiều tiếng kêu vang lên. Tôi nhìn theo tiếng kêu đó thì ra một bầy quạ. Chợt nhớ lại, ở quê mình mỗi lần nghe tiếng quạ kêu ai cũng cho có điềm gở.
Ở đây quạ sống thành từng đàn, nhởn nhơ chào khách đến, tiễn khách đi…
Một con quạ đen đậu trên biển báo bên đường. |
Chúng tôi vào bên trong thương xá. Một tấm biển đập vào mắt chúng tôi “Vietnamese Cuisine – Món ăn quê nhà”. Hình ảnh những đĩa thức ăn thật bắt mắt.
Chúng tôi bước vào. Một thanh niên ăn vận đơn giản nhưng lịch sự, lễ phép đưa thực đơn giới thiệu món ăn: “Cô chú thích ăn gì cứ cho con biết”.
Tôi hỏi lại: “Sao con biết cô chú người Việt mà con nói tiếng Việt?”. “Con qua đây lâu rồi. Con làm nhà hàng cũng nhiều năm nên nhìn qua là con biết ngay. Ở đây, khách đủ quốc tịch, họ đến chỉ vì thích món ăn Việt”, anh trả lời.
Món ăn quê nhà. |
Chúng tôi gọi cơm tấm, bún bò và phở, 3 món ăn của 3 miền. Không lâu sau đó, thức ăn được mang ra. Cơm tấm ngon, bún bò đặc trưng hương vị Huế, phở Bắc đúng vị Bắc. Ở nơi xa xôi như thế này, được ăn những món ăn như thế sao không khỏi nhớ đến quê hương.
Khách đông. Nhân viên phục vụ túa ra từng bàn. Họ còn trẻ, là du học sinh làm thêm để có tiền đi học. Xa nhà, nhu cầu ăn ở sinh hoạt khá cao buộc lòng họ phải làm thêm.
Tiền công mỗi giờ được trả từ 10 – 15 đô la Australia tùy theo năng lực và công việc. Quán ăn này phục vụ khách suốt ngày và dường như không lúc nào ngớt khách.
Thực đơn bằng tiếng Việt. |
Rời quán, chúng tôi dạo một vòng quanh thương xá. Nhiều cửa hàng bán quần áo, dụng cụ sinh hoạt thưa người. Hôm nay là ngày thường lượng khách tương đối vắng, chỉ có người lớn tuổi và những du khách ghé qua…
Cơm tấm sườn và phở. |
Vào cửa hàng cá. Chỉ là một cửa hàng thôi nhưng ở đây thật phong phú. Cá được xếp thành hàng, ngay ngắn theo từng chủng loại. Cá lớn có, nhỏ có với đủ loại cá hồi, cá thu, cá ngừ đại dương…
Hết cá đến tôm, cua, bạch tuộc. Nhìn những thùng cua, con nào cũng thật to. Đặc biệt ở đây chỉ có cua đực bởi theo lời giải thích của người bán, khi bắt được cua cái phải thả lại về biển để chúng tiếp tục sinh sản. Cua còn sống được cột chặt bằng một sợi dây thật nhỏ…
Bên trong thương xá. |
Khách hàng tha hồ chọn lựa. Chủ cửa hàng là một người Việt điều động nhân công chế biến, làm sạch những con cá khách hàng mua theo yêu cầu. Cá nào giá nấy, không phải trả giá, không phải to tiếng.
Có lẽ nơi đây thành ngữ “hàng tôm hàng cá” như ở Việt Nam trở nên ít giá trị bởi ai cũng nhã nhặn lịch sự. Mua bán theo nhu cầu, không chèo kéo, không chặt chém.
Ghi chú trên biển hiệu: “Chúng tôi nói tiếng Việt” (trong vòng tròn). |
Cửa hàng thịt gần đó cũng vậy. Những khoanh thịt rất tươi ngon đang chờ khách.
Chị Minh Tú, người định cư nhiều năm ở đây, cho biết: “Thức ăn dồi dào, phong phú. Người bán lịch sự. Giá cả phải chăng, nhưng dẫu sao tôi vẫn nhớ chợ ở quê nhà.
Cái không khí thân tình, cái mộc mạc chân phương của người dân mình tôi không thể nào quên được”.
Tiệm thịt bán các loại bò, heo, gà. |
Kế bên hàng thịt, hàng cá là hàng rau xanh. Rau xanh ở Australia phong phú không kém gì ở Việt Nam. Chúng tôi rất ngạc nhiên khi nhìn thấy những củ cải trắng, cà tím quá lớn. Những trái mãng cầu với hình thù kỳ dị không kích thích được người mua.
Rau xanh cũng như bất kỳ loại hàng nào cũng đều được bày bán ngăn nắp, trật tự. Giá cả lúc nào cũng niêm yết đầy đủ. Gần đó, một shop bán thức ăn mang về đầy đủ các món ăn dân dã Việt Nam.
Các loại xôi, bánh ú, bánh giò. Ngọt mặn có đủ. Người chủ cho biết, những mặt hàng này đều do gia đình anh thực hiện nên hương vị rất giống ở quê nhà.
Tủ thịt. |
Chợ người Việt Inala rất đa dạng và phong phú. Ở đây, người không biết tiếng Anh vẫn có thể sinh hoạt bình hường bởi giao dịch và quảng cáo đều bằng tiếng Việt. Thậm chí có cửa hàng còn ghi rõ: “Chúng tôi nói tiếng Việt”.
Một sắc thái người Việt không thể thiếu ở chợ Inala là cảnh lê la ở quán vỉa hè. Quán Nhỏ với 4 chiếc bàn kê trên vỉa hè luôn đầy khách với cà phê, thuốc lá.
Cũng những câu chuyện tầm phào, dường như những khách hàng ngồi ở đây đều rảnh rỗi không một chút vướng bận gì về sinh kế.
Cá các loại. |
Chúng tôi ra về, bỏ lại sau lưng tiếng chào từ giã của bầy quạ đen. Rất cám ơn sự mến khách của người Australia và tấm lòng của những người Việt xa xứ. Hi vọng sẽ có ngày trở lại Inala để thưởng thức những món ăn Việt.
Một số hình ảnh khác của thương xá:
Hàng cá. |
Rau xanh. |
Một quán cà phê vỉa hè. |
Theo Vietnamnet
Bấł ƙể ℓà cɦâп ɢiò łɾước ɦɑy sɑᴜ, ɓạп cũпɢ ƙɦôпɢ пêп ɱᴜɑ пɦữпɢ ℓoại пày, cẩп łɦậп ƙẻo "łiềп ɱấł łậł ɱɑпɢ"
Kɦi ɱᴜɑ cɦâп ɢiò, ɦãy пɦớ пɦữпɢ ɱẹo пày ᵭể cɦọп ᵭược ℓoại łươi пɢoп ʋà ɑп łoàп cɦo sức ƙɦỏe.