RSS

Dở khóc dở cười những câu chuyện ‘sốc văn hóa’ khi đi du học

09:00 13/05/2018

Khi đọc “nội quy phòng tắm”, cô mới “ngã ngửa” với quy định “không được tắm quá 1 lần/ngày, không quá 5 phút/lần”…

Mùa thi kết thúc, mùa tựu trường đang đến gần. Có được học bổng du học hay đỗ đại học liệu đã đủ? Đặt chân đến một vùng hoàn toàn mới, với những con người hoàn toàn xa lạ, các sinh viên lại phải giải bài toán làm thế nào để “sống sót”. Ngoài những lỗi cư xử khiến các bạn trẻ ngượng “cháy mặt” thì có những bạn đã rơi vào tình trạng học hành sa sút, thậm chí trầm cảm vì không thể thích nghi. Người ta đặt tên cho tình trạng này là “sốc văn hóa”. Vậy đâu là nguyên nhân và giải pháp để có thể chống “sốc văn hóa”?

Từ “sốc nhẹ” đến “sốc nặng”

Trở về Việt Nam nghỉ hè sau một năm du học Úc, Thùy Linh chia sẻ câu chuyện dở khóc dở cười của cô. Lúc vừa chân ướt chân ráo, từ Việt Nam qua, Linh đã được bà chủ nhà căn dặn về việc sử dụng tiết kiệm nước. Ban đầu Linh nghĩ đơn giản đó là lời nhắc nhở chung chung, nhưng khi đọc “nội quy phòng tắm”, cô mới “ngã ngửa” với quy định “không được tắm quá 1 lần/ngày, không quá 5 phút/lần”.

Tất nhiên là giữa tiết trời nóng nực của mùa hè nước Úc, cô không thể căn đúng thời lượng tắm. Ngay khi bước ra khỏi cửa phòng tắm, Linh đã thấy bà chủ đứng ngoài cửa và đe dọa: “Bạn vi phạm quy định, nếu ngày mai bạn còn vi phạm nữa, bạn sẽ bị phạt không được tắm 2 ngày”.

Ngỡ ngàng và bức xúc vì không ngờ ở một nước tiên tiến như Úc mà người ta còn can thiệp cả vào chuyện cá nhân như tắm rửa, Linh kể cho cô bạn cùng phòng, người trọ ở đây trước Linh. Cô bạn cười nói trước đây đã có cậu bạn người Trung Quốc chỉ được tắm vào thứ Ba, thứ Năm, thứ Bảy vì hay quên khóa vòi nước. Sau này Linh mới hiểu Úc là quốc gia có ý thức tiết kiệm nước nhất thế giới. Giá nước ở đây rất cao và người Úc thường chỉ dành 4 hoặc 5 phút để tắm và họ có hẳn một “đồng hồ cát” được phát bởi công ty nước để đo thời gian tắm.

Đi tới những nơi công cộng, hay ở bất kỳ đâu, Linh cũng thấy những dòng cổ động như “Nước là tương lai của chúng ta” hoặc “Chỉ nên sử dụng một nửa lượng nước nếu có thể”. Ở Úc một thời gian, Linh biết tới hệ thống lọc nước biển để sử dụng thành nước ăn và sinh hoạt hàng ngày. Thế nhưng, hệ thống có hiện đại tới đâu thì nước mặn đã lọc vẫn có những vị khác nước ngọt rất dễ dàng nhận ra. Có lẽ vì thế mà người Úc, dù giàu hay nghèo đều có ý thức tiết kiệm nước rất cao, ngay cả khi họ là triệu phú và có thừa khả năng để thanh toán tiền nước. Linh cười chốt lại câu chuyện của mình: “Qua Úc mới biết người Úc quý nước sạch như thế nào, giờ về Việt Nam được tắm xả láng nhưng tự dưng lại có cảm giác “tiếc của”. Đúng kiểu khổ quen rồi sướng không chịu được”.

Khác với Linh, Hoàng Anh gặp cú sốc lớn hơn, khiến cậu suýt bỏ dở khóa học MBA của mình tại Anh. Lý do đầu tiên phải kể đến là… bất đồng ngôn ngữ. Nói đến chuyện bất đồng ngôn ngữ với một người đạt điểm IELTS 8.0 như Hoàng Anh có vẻ khó tin nhưng đó lại là sự thật. Ở Việt Nam trước khi đi, cậu hầu như chỉ “cày” bộ đề, cốt sao để có thành tích cao, một bảng điểm đẹp mà không chú ý đến việc trau dồi kỹ năng giao tiếp. Khi đặt chân đến Anh, Hoàng Anh trở nên ngại giao tiếp, không dám nói chuyện với bạn bè bản xứ. Ở trên lớp, lời giảng của giáo sư cậu nghe câu được câu chăng.

Bí bách trong học vấn, Hoàng Anh còn bị bạn cùng phòng “soi mói” vì thường xuyên để đồ đạc lung tung. Lúc ở Việt Nam, cậu chỉ lo mỗi việc học mà không bao giờ phải đụng tay làm bất cứ việc gì, đến khi sang đây, cậu thấy những việc tưởng như lặt vặt này quá tốn thì giờ và chiếm hết thời gian nghỉ ngơi của mình. Hoàng Anh vẫn còn nhớ ngày nhận thông báo “fail” (trượt) môn học đầu tiên. Về nhà với tâm trạng đầy u tối, Hoàng Anh nghe tiếng cậu bạn cùng phòng người Hàn Quốc hét lên trong nhà vệ sinh: “Gọi mẹ mày đến đây mà dọn đồ cho mày, đồ bẩn thỉu”.

Suýt nữa thì Hoàng Anh ẩu đả với “tên Hàn Quốc” nếu những người bạn khác không can ngăn. Tuy nhiên, điều làm cậu cảm thấy hụt hẫng là không ai trong phòng bênh vực mình. Cảm thấy cô đơn và lạc lõng, suốt cả tuần đó, điều mong mỏi duy nhất của cậu là được về nhà. Rất may mấy hôm sau, có một người bạn cũ của Hoàng Anh đến chơi và đã củng cố lại tinh thần cho cậu.

Hết “sốc xuôi” lại “sốc ngược”

Chuyên gia tâm lý Thu Hiền cho biết, những vấn đề của Thùy Linh và Hoàng Anh gặp phải được định nghĩa là tình trạng “sốc văn hoá” (Culture shock). Đây là trạng thái thường gặp khi thay đổi môi trường sống như việc đi từ nước này sang nước khác hoặc từ vùng này sang vùng khác. Khung cảnh khác lạ, ngoại ngữ không thông hiểu và những thói quen “kỳ quặc” của người dân bản địa là nguyên nhân của “sốc văn hoá”. Chính vì thế, “sốc văn hoá” không chỉ xảy ra khi một người đi từ nước này sang nước khác. Thực chất, bất cứ thay đổi nào trong môi trường sống xung quanh cũng có thể đem lại những cú “sốc văn hoá”. Nếu một người lần đầu tiên rời xa gia đình để chuyển lên thành phố học đại học, môi trường mới và những trải nghiệm mới có thể là một cú sốc đối với nhịp điệu sinh học và phong cách sống vốn có của anh ta.

Chuyên gia này cho biết, điều khó khăn nhất khi trải qua cú sốc văn hóa đó chính là chúng ta còn không nhận biết được việc mình đang bị ảnh hưởng bởi nó. Chỉ biết rằng đôi khi chúng ta cảm thấy rất buồn, cô đơn và mọi thứ xảy ra đều không đi đúng quy luật mà mình muốn, nhưng lại không hề biết rằng đó chỉ là một phản ứng hết sức bình thường khi tới sinh sống ở một nền văn hóa mới. “Một số người khi phải trải qua cú “sốc văn hoá” quá nặng sẽ luôn có cảm giác mệt mỏi, dễ cáu kỉnh và nóng giận bất thường”, bà Hiền nói.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Danny Goh, Tổng giám đốc Tổ chức Giáo dụcQesson nói: “Điều thú vị của sốc văn hóa là ở giai đoạn đầu, nó khiến cho bạn có cảm giác thích thú khi khám phá một thế giới mới nhưng sau đó, bạn cảm thấy mình không thuộc về chốn này và ngay lập tức, bạn thu mình vào vỏ ốc. Nhưng khi đã vượt qua để thích nghi với môi trường mới thì về nhà, bạn lại có cảm giác hụt hẫng, thấy mọi thứ thật khác và khó thích nghi. Như thế là một lần nữa, bạn lại bị sốc văn hóa ngay tại quê hương”.

Cần phải nhấn mạnh lại rằng sốc văn hóa hoàn toàn bình thường, thường là không thể tránh được và phần lớn mọi người đều vượt qua được. Trên thực tế, “sốc văn hóa” có những mặt rất tích cực. Trải qua nó, các bạn sinh viên sẽ tìm được kinh nghiệm có ý nghĩa và có thêm nhiều kỹ năng giá trị để quản lý cuộc sống tốt hơn.

Kinh nghiệm chống “sốc văn hóa”

Chia sẻ kinh nghiệm chống “sốc văn hóa”, ông Danny Goh, Tổng giám đốc Tổ chức Giáo dục Qesson nói: “Du học sinh cần phải tìm hiểu thật kỹ văn hóa nơi mình sắp đến để có thể tiên liệu trước những tình huống gặp phải trong khi đi du học. Khi chẳng may rơi vào tình trạng “sốc văn hóa”, tình trạng 99,9% du học sinh gặp phải, các bạn không nên hoảng sợ mà hãy suy nghĩ theo hướng tích cực và sử dụng sự hài hước của mình để vượt qua mọi trở ngại. Nếu được, hãy viết về nó như một cách xả stress hoặc gọi điện về nhà. Tuy nhiên, tôi không khuyến khích phương án gọi điện về nhà vì khi bạn đã trưởng thành, không thể chuyện gì cũng gọi điện cho bố mẹ”.

Nguồn: Alouc.com

Lᴜộc ɢà ᵭổ łɦẳпɢ пước lã ʋào là ɗại: Dùпɢ loại пước пày łɦịł пɢọł lừ, ɗɑ ɢiòп sầп sậł, ƙɦôпɢ sợ пứł

Lᴜộc ɢà ᵭổ łɦẳпɢ пước lã ʋào là ɗại: Dùпɢ loại пước пày łɦịł пɢọł lừ, ɗɑ ɢiòп sầп sậł, ƙɦôпɢ sợ пứł

Kɦi lᴜộc ɢà, ɱộł số ɱẹo пɦỏ ɗưới ᵭây có łɦể ɢiúρ ɱóп ăп củɑ ɓạп łɾọп ʋẹп ɦơп, ɢà ƙɦôпɢ пứł ɗɑ, łɦịł пɢọł ʋà ɾắп.