Gia đình Donald Trump: Con đường từ dân nhập cư thành Tổng thống Mỹ và định nghĩa thật sự về ‘thành công’
Có người đã từng nói, câu chuyện nước Mỹ là câu chuyện của những người nhập cư theo đuổi giấc mơ của họ ở một miền đất hứa. Đó là câu chuyện của nhà sáng lập Google Sergey Brin, nhà sáng lập và CEO tài năng của Apple Steve Jobs, ông trùm kinh doanh Elon Musk hay câu chuyện của gia đình tổng thống Mỹ, Donald John Trump.
Từ những người Đức di cư không một xu dính túi trở thành ông trùm tỉ phú, đó là câu chuyện về những con người nghị lực nhà Trump, dù có những tấm bi kịch và những đổ vỡ trong hôn nhân cũng không làm lu mờ đi sự thành công phi thường. Nếu bạn nghĩ bạn đã biết về Donald Trump, thì hãy đợi tới khi bạn gặp gia đình ông ấy để thấy, mọi sự thành công đều có nguyên nhân đằng sau đó.
Lên đường tới miền đất hứa
Câu chuyện bắt đầu với ông nội của Trump, ông Friedrich Trump, đến New York từ Đức chỉ với một chiếc va li duy nhất vào năm 1885 khi ông mới 16 tuổi trên con tàu S.S.Eider.
“Bước đầu tiên để có được Donald Trump mà ta biết ngày nay là ông nội của ông ấy không muốn làm người nấu rượu”, người viết tiểu sử về ông Trump, Gwenda Blair đã chia sẻ với tờ báo Deutsche Welle của Đức về việc Friedrich Trump rời bỏ nghề làm rượu gia truyền ở Kallstadt, nước Đức như vậy.
Ông Trump đã từng tiết lộ trong cuốn sách xuất bản năm 2004 mang tên “Trump: Tư duy như một tỷ phú” rằng, gia tộc bên nội của ông có gốc gác từ một luật sư người Đức có tên Hanns Drumpff. “Một trong những tổ tiên của tôi, một người trồng nho làm rượu, đã đổi họ thành Trump vào cuối những năm 1600. Một bước đi đúng, tôi nghĩ thế, vì Tòa tháp Hanns Drumpff thì nghe không hấp dẫn chút nào”, ông Trump viết trong cuốn sách.
Sau khi tới Mỹ, ông Friedrich làm thợ cắt tóc ở Lower East Side thuộc Manhattan, rồi sau đó đem số tiền dành dụm của mình chuyển đến Seattle ở tuổi 21. Năm 30 tuổi, ông mở Nhà hàng và Khách sạn Arctic tại tỉnh British Columbia trong thời kỳ Sốt vàng Klondike và tài sản của ông đã gia tăng một cách nhanh chóng trong thời kỳ này.
Cuối cùng, với khoản tiền tích lũy được, Friedrich đến New York và bắt đầu khởi nghiệp một công ty nhỏ kinh doanh bất động sản. Năm 1918, các hợp đồng bất động sản đã giúp ông kiếm được nửa triệu USD. Nhưng tới năm 49 tuổi, ông đã qua đời trong một dịch cúm ở Tây Ban Nha, công việc kinh doanh được vợ ông cùng cậu con trai 12 tuổi, Fred Trump thừa kế và tiếp tục quản lý.
Ông Fred đã từng làm việc bán thời gian khi còn học phổ thông để chu cấp cho người em trai sáng dạ, John, người sau này trở thành giảng viên của Viện Công nghệ Massachusetts. Hơn 30 năm sau, Fred đã tạo được thành công lớn khi nắm lấy hầu hết các dự án của chính phủ trong nỗ lực nhằm đưa Mỹ thoát khỏi khủng hoảng và dự án cung cấp nhà ở cho các cựu chiến binh. Với nguồn gốc Đức của mình, Fred đã từng phải nhận là người Thụy Điển vì lo ngại những người bạn làm ăn người Do Thái kỳ thị và trong Thế chiến II, Mỹ và Đức thuộc hai chiến tuyến đối lập.
Hậu sinh khả úy – Giáo dục nghiêm khắc và con đường trở thành một ‘ông trùm’
Năm 1946, đúng vào thời kỳ đỉnh cao của sự bùng nổ kinh tế thời hậu chiến thì Donald Trump ra đời. Có lẽ máu kinh doanh bất động sản đã ở sẵn trong ông do thừa hưởng từ gia đình và môi trường sống lúc đó. Ông là người con trai thứ 2 trong gia đình có 5 anh chị em, mẹ ông là người nhập cư từ Scotland, bà Mary Anne MacLeod đã đi từ đảo Lewis tới Mỹ vào năm 1930. Bà là một người phụ nữ hấp dẫn, mạnh mẽ và quyết đoán. Mary gặp Fred Trump ở một buổi khiêu vũ khi bà vẫn còn làm việc như một người giúp việc trong gia đình. Sau khi trở thành vợ của Fred, bà trở thành một người quảng giao trong giới thượng lưu New York và tham gia rất nhiều hoạt động từ thiện và giúp đỡ cộng đồng.
Mặc dù sinh ra khi gia đình đã khá giàu có, những đứa trẻ nhà Trump đều phải tự kiếm tiền bằng việc bán những chiếc vòng giấy hay những công việc vặt trong dịp hè. Bà Mary cũng nổi tiếng khắt khe trong việc giáo dục các con khi không một lời chửi thề nào được phép cất lên bên trong căn nhà của họ. Cậu bé Donald có tính cách khá nổi loạn, và khi bị phát hiện giấu con dao bấm ở trong phòng ngủ, gia đình đã ngay lập tức gửi cậu tới trường quân sự để giáo dục. Học viện Quân sự New York là một trường nội trú khó khăn nổi tiếng bởi tính kỷ luật và giáo dục thể chất khắc nghiệt. Trong môi trường đó, một Donald Trump mạnh mẽ, cương nghị đã được tôi rèn và trở nên nổi tiếng trong trường khi là đội trưởng đội bóng chày đoạt huy chương “Neatness and Order”.
Ngoài sự giáo dục nghiêm khắc, Donald Trump đã từng nói ông học được nhiều giá trị từ cha của mình. Đặc biệt, trực giác nhạy bén của ông trên thương trường được rèn luyện qua việc theo cha đến công trường và nhìn ông tận dụng từng đồng tiền một. “Cha tôi sẽ nhặt nhạnh mùn cưa, đinh, phế liệu, ông ấy sẽ sử dụng tất cả những thứ có thể dùng được, tái chế chúng bằng cách nào đó và đem bán”, ông Trump cho biết.
Tạp chí Times đã từng viết về cha của ông Donald Trump như sau: “Trong bộ âu phục lịch lãm, với ngoại hình đẹp như tạc và nụ cười tươi rói, trông ông hệt như một ngôi sao điện ảnh. Ông bước qua những chiếc đinh tán và sàn nhà bằng ván ép, nhặt lấy những chiếc đinh không sử dụng để giao lại cho thợ mộc vào ngày hôm sau”. Chính từ những hành động nhỏ bé và lối sống tiết kiệm, để ý tỉ mỉ đó, ông Fred đã gián tiếp dạy dỗ cậu con trai tinh tường của mình về việc làm kinh tế thực chất là gì. Đó không phải chỉ là việc kiếm tiền từ mọi thứ mình có được, mà là còn là sự trân trọng, không lãng phí tài nguyên, là dám mơ ước thực hiện những thương vụ lớn nhưng không được quên để ý tiểu tiết.
Với di sản đồ sộ của cha mình gây dựng, đáng nhẽ anh trai cả của Donald là Freddy được kỳ vọng là người sẽ quản lý toàn bộ tài sản của gia đình, nhưng ông lại không có hứng thú với việc đó. Theo như Donald Trump đánh giá thì anh trai ông là một người quá tốt bụng, và vì thế “mọi người đã lợi dụng anh ấy”. Donald Trump sau đó đã tiếp tục truyền thống kinh doanh của gia đình, ông bắt đầu chinh phục lĩnh vực kinh doanh bất động sản ở Manhattan với những thành công vang dội.
Từ một cậu bé ngoại thành ở quận Queens, Donald khởi sự là một người ngoài cuộc ở khu trung tâm phía đông New York, nhưng sự táo bạo của Donald đã gây kinh ngạc cho nhiều nhà phát triển ở đó. Trong một hợp đồng phức tạp, ông mua khách sạn Commodore đang sụp đổ trên đường số 42 với giá 70 triệu USD và cải tạo tòa nhà thành khách sạn The Grand Hyatt vào năm 1980. Đó là một thành công lớn và với Donald sau thương vụ với số lãi 50%, tương lai của một ông trùm đã dần hình thành.
Người vợ đầu tiên của ông Donald Trump cũng là một người nhập cư có ý chí vươn lên. Cựu người mẫu Ivana Zelníčková là người gốc Cộng hòa Czech tài giỏi, khi một thân một mình lập nghiệp tại Mỹ với tư cách là vận động viên Olympics. Ngoài niềm đam mê thể thao và người mẫu, bà Ivana còn học thêm về lĩnh vực kinh doanh. Chính những điều này đã giúp bà ghi điểm trong mắt ông, và đây là cặp vợ chồng quyền lực ở New York. Bà cũng tham gia vào việc kinh doanh cùng chồng, có lần ông Trump có vẻ nuối tiếc khi chia sẻ rằng: “Cuộc sống hôn nhân của tôi như thể là sống cùng đối tác vậy”. Sau khi ly hôn với Ivana, ông kết hôn với cựu hoa hậu Marla Maples. Donald Trump kết hôn với người vợ thứ ba của mình là bà Melania cũng là một người mẫu đến từ Slovenia, đây cũng là một câu chuyện thành công khác của người nhập cư, giờ đây bà trở thành đệ nhất phu nhân của nước Mỹ.
Những người nhập cư làm nên “Giấc mơ Mỹ” và định nghĩa về sự thành công
Gia đình ông Trump là những người nhập cư với gia cảnh khiêm tốn nhưng nỗ lực không ngừng để vươn lên và trở thành tầng lớp trung lưu sung túc trong xã hội Mỹ.
Tuy vậy, một trong những động thái đầu tiên ở cương vị tổng thống của ông Trump là cho ra chính sách nhập cư gây nhiều tranh cãi. Nhưng giới truyền thông thường chỉ khai thác và nhấn mạnh vào tính châm biếm của việc bản thân gia đình ông Trump cũng là những người nhập cư nhưng ông lại chống người nhập cư. Thật ra, mặc dù ngăn chặn dòng người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ là điểm mấu chốt trong chiến dịch tranh cử của Trump, nhưng ông vẫn thường lên tiếng ủng hộ nhập cư hợp pháp. Cả nước Mỹ trừ những người thổ dân da đỏ thì đều là dân nhập cư, lịch sử của nước Mỹ là lịch sử của dân nhập cư, nhưng đến khi trở thành một cường quốc và nổi tiếng với “Giấc mơ Mỹ” thì vấn nạn người nhập cư trái phép có thể đe dọa an ninh cũng như nền kinh tế của quốc gia này.
Trước ông Trump, ông Obama cũng thực hiện chính sách trục xuất người nhập cư trái phép, trong 8 năm cầm quyền của ông Obama, đã có 3,1 triệu người nhập cư trái phép bị trục xuất khỏi nước Mỹ. Chính sách của ông Trump nói một cách ngắn gọn thì chẳng qua chỉ là với mục tiêu trục xuất nhiều người nhập cư không giấy phép hơn và phải nhanh hơn so với những gì ông Obama đã làm.
Việc lấy nguồn gốc nhập cư của ông Trump ra để đả kích chính sách chống nhập cư trái phép của ông lộ rõ ý đồ của những người tạo ra làn sóng phản đối ông, bởi nó khá dễ để nhận ra sự gượng ép, khiên cưỡng. Bỏ qua những luồng dư luận trái chiều, thì rõ ràng thành công của gia đình ông Trump là cả một sự nỗ lực trong hoàn cảnh hỗn loạn của nước Mỹ những năm bất ổn và vùng dậy.
Sự thành công này đã từng được trích dẫn để lấy làm cảm hứng cho những ‘Giấc mơ Mỹ’ của những người dân nhập cư mong muốn một thiên đường trên mặt đất. Không một ví dụ nào hùng hồn hơn câu chuyện từ những người nhập cư trở thành người nắm quyền lực lớn nhất cường quốc số 1 thế giới. Nhà văn kiêm sử gia James Truslow Adams đã tạo ra cụm từ “Giấc mơ Mỹ” trong cuốn sách xuất bản năm 1931 của ông có tựa đề là Epic of America (Thiên hùng ca Mỹ):
“Giấc mơ Mỹ là giấc mơ của một vùng đất mà ở đó cuộc sống tốt đẹp hơn, giàu có hơn và đầy đủ hơn cho mọi người. Ở đó mỗi người có cơ hội theo khả năng hoặc thành tựu của mình…”.
“…Nó không phải là một giấc mơ về các loại xe hơi hay đơn thuần là tiền lương cao, nó là một giấc mơ về trật tự xã hội mà trong đó mọi người đàn ông và phụ nữ đều sẽ có thể đạt được tầm vóc đầy đủ từ khả năng bẩm sinh của mình, và được những người khác công nhận họ vì những gì của chính họ, không phân biệt môi trường hoàn cảnh sinh ra hay địa vị ngẫu nhiên của họ.”
Gia đình nhà Trump đã chứng minh được điều đó, họ vươn lên từ nghèo khó để đạt được giấc mơ của mình nhưng không vì thế mà lơ là việc giáo dục con cái và duy trì truyền thống gia đình. Chính điều này đã hình thành một Donald Trump thành công như ngày nay. Và cho tới khi đã trở thành tổng thống Mỹ, địa vị được mệnh danh là quyền lực nhất thế giới, ông Trump đã định nghĩa sự thành công như thế này:
“Trong những thị trấn trên khắp đất nước, thật dễ để nhìn ra cái mà chúng ta đã lãng quên, thứ mà chúng ta đã quá dễ dàng quên lãng, đó là một thực tế rằng chất lượng cuộc sống của chúng ta không được quyết định bởi thành công về mặt vật chất, mà chính là bởi thành công về mặt tâm linh. Tôi xin được chia sẻ với bạn tại đây, và tôi xin được chia sẻ với bạn trên cương vị là một người thành công về mặt vật chất, một người đã quen biết với rất rất nhiều người thành công về mặt vật chất, những người thành công nhất về mặt vật chất. Xin được nói rằng rất nhiều người trong số họ thật đáng thương, thật bất hạnh. Và tôi cũng biết rất nhiều người chẳng có thành công gì về mặt vật chất, nhưng lại có gia đình lớn, có đức tin. Họ không có tiền, ít nhất là không có nhiều tiền, nhưng họ hạnh phúc. Với tôi, tôi phải nói với các bạn rằng, đó là những con người thành công”.
Cho dù đã đạt đến đỉnh cao về danh vọng và tiền tài, con người có xuất phát điểm là con cháu của những người nhập cư đi tìm cuộc sống tốt đẹp hơn, những người đã nỗ lực hết mình để làm giàu, cuối cùng đã nhận ra rằng:
Donald Trump là vị Tổng thống chưa từng có trong tiền lệ lịch sử nước Mỹ. Trong bối cảnh của nước Mỹ và thế giới, sự xuất hiện của ông Trump trên chính trường như một làn gió mới đem đến hy vọng thay đổi cho xử sở cờ hoa cũng như cục diện toàn thế giới.
Nguồn: Dkn.tv
Cạm bẫy ở sân bay Thái Lan
Hàng loạt du khách nước ngoài bị buộc tội trộm đồ ở khu hàng miễn thuế tại sân bay quốc tế tại Bangkok, Thái Lan, và phải trả nhiều tiền để đổi lấy tự do.