Gia đình Tô Quốc Vinh đã được cho ở lại Úc
Gia đình Tô Quốc Vinh vui mừng báo tin đã được cho phép định cư vĩnh viễn ở Úc sau gần 10 năm trong tình trạng bấp bênh dù có hai đứa con sinh ra ở đây.
Hoàn cảnh của gia đình anh Tô Quốc Vinh sau khi di dân đến đây theo diện tay nghề vào 2007 nhưng không may lại trở thành nạn nhân của việc lừa đảo di trú đã làm nhiều người thương cảm.
Sau 10 năm theo đuổi các vụ tranh tụng kéo dài, đến tháng 8 năm 2017 thì gia đình anh rơi vào cảnh khánh kiệt và đối mặt với việc bị trục xuất khỏi Úc vì vi phạm luật di trú.
Lúc đó một thỉnh nguyện thư đã được lập ra trên mạng để kêu gọi sự cứu xét từ Bộ trưởng Di trú và có hơn 11 ngàn chữ ký ủng hộ.
Trường hợp của anh Tô Quốc Vinh cũng được sự hỗ trợ pháp lý miễn phí của cố vấn di trú Tạ Quang Huy ở Melbourne.
Và tới hôm qua, gia đình anh hết sức vui mừng thông báo đã nhận được thường trú để định cư ở Úc.
Câu chuyện gia đình người Việt có hai con nhỏ sống tại Sydney đối mặt với nguy cơ bị “trục xuất khỏi Úc” đăng tải trên SBS Vietnamese đã nhận được sự đồng cảm và chia sẻ của nhiều người Việt sống tại các tiểu bang và thành phố tại Úc.
Từ con số khiêm tốn 200 chữ ký vào thỉnh nguyện thư trên trang mạng change.org của gia đình anh Tô Quốc Vinh, lời cầu xin đã chạm đến trái tim của nhiều người.
Sau khi câu chuyện của anh Tô Quốc Vinh được lan tỏa trên trang mạng xã hội, anh đã tìm đến sự giúp đỡ của cố vấn di trú Tạ Quang Huy, văn phòng tại Melbourne và được ông Huy tư vấn pháp lý miễn phí.
Trong một tin nhắn cho Ban Việt Ngữ, anh Tô Quốc Vinh cảm ơn mọi người: "Thay mặt cho gia đình, tôi xin thông báo rằng ngài Thứ Trưởng Di Trú Úc, Alex Hawke đã đích thân can thiệp vào hồ sơ và đã cấp thường trú cho cả gia đình Tô Quốc Vinh."
"Tiện đây, chúng tôi thật cảm ơn sự hỗ trợ không ngừng từ văn phòng của nghị viên Chris Hayes, đại biểu cho vùng Cabramatta."
Đến Úc qua lời giới thiệu của bạn
Câu chuyện di trú của gia đình anh Quốc Vinh bắt đầu từ lời giới thiệu của một người bạn sống tại Úc cách đây 10 năm.
“Tôi nghe người bạn giới thiệu có một công ty bảo lãnh di dân qua Úc theo dạng tay nghề. Tôi bán cửa tiệm cắt tóc của mình trên đường Hai Bà Trưng ở Sài Gòn để đưa vợ qua đây. Khi đến nơi thì mới vỡ lẽ không có công ty nào như vậy ở Úc”.
Anh Vinh cho SBS biết anh phải đóng khoản tiền lệ phí hơn 10 ngàn đô la vào năm 2007 để làm visa này.
Khi không thể tìm ra công ty di trú đã bảo lãnh mình qua lúc đầu, anh tìm kiếm việc làm ở một số nơi khác và được một nơi nhận vào làm.
Tiệm cắt tóc mới hứa hẹn sẽ bảo lãnh anh, nhưng lợi tức của nơi này không đủ điều kiện để bảo lãnh anh và một nhân viên khác cùng một lúc. Bộ di trú bác hồ sơ của anh lần thứ nhất.
Lúc này một người bạn của anh vừa mở một tiệm cắt tóc ở John St Cabramatta và hứa hẹn sẽ bảo lãnh anh.
Nghe theo lời tư vấn của một luật sư người Việt, anh tin tưởng vào lời đề nghị này mà không mảy may tìm hiểu luật bảo lãnh công nhân tại Úc.
Bộ Di trú bác đơn của anh lần thứ hai vì lý do anh đã sai luật ngay từ ngày mới qua Úc, không làm việc cho công ty bảo lãnh mình mà lại nhận lời của một công ty khác. Sau khi được luật sư tham vấn, anh đưa đơn kháng lại phán quyết của Bộ di trú.
Gia đình anh Tô Quốc Vinh đã phải lệ thuộc vào visa tạm thời (bridging visa) để chờ đợi ra tòa và tham gia các vụ tranh tụng kéo dài từ năm 2012 đến nay.
Theo: SBS
Người Việt ở Úc làm nghề gì phổ biến với mức thu nhập ra sao
Người Việt ở Úc làm gì nhiều nhất và thu nhập mỗi ngành nghề như thế nào? Có nghề có thể kiếm 2000 AUD/ tuần.