Giữa dịch Covid-19, chủ nhà hàng Việt ở Cali tặng cơm sườn, gỏi cuốn... cho bác sĩ Mỹ
Chị Helen Nguyễn, chủ nhà hàng Phở Hà Nội ở California đã tặng các món cơm Việt như cơm gà, cơm tôm rang me, cơm sườn... cho các bác các sĩ, y tá để động viên tinh thần những người ở tuyến đầu chống dịch Covid-19 nơi nước Mỹ đang chịu nhiều tổn thất nhất vì dịch Covid-19.
Cơm Việt Nam ngon lạ kỳ
Chị Helen Nguyễn (Nguyễn Thị Minh Huyền) đang chuẩn bị các món ăn Việt để tặng các y bác sĩ ở bệnh viện California.
Mới đây, báo The Mecurry News của Mỹ đã có một bài viết ca ngợi hàng loạt nhà hàng ở khu vực Bay Area (California, Mỹ) đã gửi hàng ngàn phần ăn miễn phí tới những người làm việc ở tuyến đầu chống dịch Covid-19. Họ gọi đây là "những bữa ăn của lòng biết ơn" (meals of gratitude) được chế biến từ nguyên liệu organic, đem tặng các y bác sĩ để động viên tinh thần của họ.
Đáng chú ý, có tên một nhà hàng Việt được nhắc tới, đó là nhà hàng Phở Hà Nội đã chuyển hàng trăm phần ăn Việt (trong đó có cả món chay) tới các bệnh viện, cơ sở y tế ở San Joe (California) như Kaiser Santa Clara, bệnh viện El Camino và bệnh viện O’Connor, Valley Health Center and Regional.
Tờ báo này viết: "Trong lúc nghỉ giải lao vì kiệt sức, các nhân viên y tế ở Regional Medical Center (San Jose) thưởng thức món tôm rang me".
Món tôm rang me được tờ The Mecurry News ca ngợi
Phần hộp cơm tôm rang me được chuyển tới bệnh viện
Từ California, chị Helen Nguyen (Nguyễn Thị Minh Huyền) chia sẻ với Thanh Niên, chị đã mang tặng 600 phần ăn (bắt đầu từ 26.3) cho các nhân viên y tế đang làm việc ở tuyến đầu chống dịch, tuy nhiên, do chủ nhà đã giảm giá thuê khoảng 30%, cùng với sự đóng góp từ những người bạn thân nên số phần tặng sắp tới có thể lên tới 2.000 - 3.000 phần.
"Tôi rất ngạc nhiên về phản hồi của các bác sĩ, y tá, là tại sao món tôm rang me Việt Nam lại ngon đến như vậy", chị Hiền phấn khởi chia sẻ.
Ngoài cơm tôm rang me, chủ nhà hàng Phở Hà Nội (có 2 chi nhánh) còn chuẩn bị các phần cơm gà hấp muối, gà nướng, mì gà rô- ti, cơm sườn nướng, gỏi cuốn, bò ragu, cơm chay đem tặng các bệnh viện.
Mặc dù món nổi tiếng nhất là phở, tuy nhiên, chị Hiền e ngại phở khi đem ra khỏi nhà hàng thì khó ngon như ban đầu nên đã gửi cơm để họ dễ làm nóng bằng lò vi sóng. Một món tuyệt ngon nữa của nhà hàng là nem cua bể chị cũng không dám mang tới vì sau hai tiếng thì món nem không còn ngon nữa, đặc biệt là nước mắm rất khó mang vào bệnh viện.
Món cơm gà thả rong nuôi ở trang trại đã được nhà hàng Phở Hà Nội đóng hộp mang tới bệnh viện, hôm sau đã điều chỉnh là gà xé ra chứ không phải món gà chặt để dễ ăn với các bác sĩ Mỹ
Sau khi thưởng thức các món Việt, các y bác sĩ mới "vỡ lẽ" là món ngon Việt không chỉ có phở và gỏi cuốn, vốn được biết tới lâu nay. Chị Hiền rất hạnh phúc và hãnh diện vì sự thay đổi này. Sau khi ăn xong, các bác sĩ, y tá đều giữ tờ giấy cảm ơn họ và địa chỉ nhà hàng ghi phía sau để hết dịch, họ sẽ tới nhà hàng Phở Hà Nội để khám phá món Việt.
Bác sĩ bệnh viện Good Samaritan ở Los Gatos, California thích thú với món Việt được tặng (mì gà rô ti)
Các bác sĩ và y tá cảm ơn nhà hàng Phở Hà Nội đã tặng món Việt
Chị Huyền cho biết, nhà hàng của chị áp dụng các tiêu chuẩn của Mỹ về vệ sinh, hình thức sang trọng, sạch đẹp. Theo chị, "không phải đồ ăn mình mang tới tặng bệnh viện họ sẽ nhận ngay, đồng thời, ở đây, lương của các bác sĩ, y tá rất cao nên họ rất sành". Vì đã có một số bác sĩ đã từng đến ăn tại nhà hàng Phở Hà Nội nên họ biết và yên tâm nhận các phần ăn chị đem tới tặng (nhà hàng thường xuyên có khoảng 30% khách ngoại quốc tới ăn bên cạnh khách Việt).
Hiện căng tin của các bệnh viện đóng cửa hết nên cả bác sĩ và bệnh nhân đều khó khăn về tìm đồ ăn uống. Đồ ăn được mang tới tặng họ rất mừng, vì nếu không họ tự lái xe ra ngoài mua đồ ăn rất xa mà có khi không có vì các nhà hàng đã hầu như đóng cửa hết, chỉ còn bán mang đi.
Xe vận chuyển thức ăn mang tới bệnh viện
Có chi tiết khó xử là hôm đầu mang cơm gà chặt kiểu Việt Nam tới (còn xương) thì các bác sĩ y tá nói là họ không biết gặm xương, nên hôm sau chị đã nói nhân viên chịu khó lọc hết xương gà! Món cơm gà thịt ngọt chắc được các bác sĩ và y tá thích thú vì đây là gà thả rong nuôi ở trang trại (nuôi 4 tháng mới ra một lứa), rất khác biệt với gà công nghiệp ở Mỹ.
Lời cảm ơn các bác sĩ, y tá từ nhà hàng Phở Hà Nội (thay mặt cho cộng đồng người Việt, cảm ơn bạn đã làm thay đổi cuộc sống của bệnh nhân) và lời cảm ơn từ các bác sĩ, y tá (chúng tôi đang cố gắng giữ cho mọi người được an toàn).
Khó khăn trong dịch bệnh
Chị Nguyễn Thị Minh Huyền cho biết, nhà hàng Phở Hà Nội của chị trước đây bán hơn 3.000 phần mỗi ngày, hiện giờ chỉ còn 800 phần mỗi ngày cho 2 nhà hàng cộng lại, hình thức bán mang đi. Dịch bệnh đã ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế nhà hàng. Nhà hàng đang đắt khách, ra vào rầm rầm, đùng một cái thì trống lốc, không còn ai hết, nhất là trong tuần đầu "lockdown" (phong tỏa).
Từ 70 nhân viên, trong đó có một số người nước ngoài, vừa qua chị đã phải cho nhân viên nghỉ bớt, chỉ còn giữ lại 15 người. Chị nói họ thông cảm và ký giấy thất nghiệp cho nhân viên để họ lãnh tiền thất nghiệp, mặc dù điều này thiệt thòi cho chị sau này, các nhà hàng khác không dám ký giấy thất nghiệp như vậy.
Bình thường giá 12 USD/tô phở. Mấy nay dịch thì chị giảm giá 20% để nhiều người mua được. Một tô phở ở đây rất lớn, phải 2 người ăn mới hết. Một ngày, cả hai nhà hàng mới bán được 800 tô phở. Tuy vậy, khi chị bán phở trở lại ai cũng mừng, vì đây là món rất dễ ăn, đặc biệt với người già. Có người thấy nhà hàng mở lại mừng quá, bo hẳn cho nhân viên 50 USD vì họ đã được ăn lại vị phở họ ưa thích.
Món phở tại nhà hàng Phở Hà Nội trước khi đóng cửa
Chị Minh Huyền chia sẻ, chị sinh ra ở Hà Nội nhưng lớn lên ở Sài Gòn, sau đó theo chồng qua Mỹ và vài năm gần đây mở nhà hàng phở vị Hà Nội, không nấu đường phèn mà tăng độ ngọt bằng nhiều xương bò và sá sùng, do vậy, vị khá khác biệt với các dòng phở Nam ở Mỹ. Xương bò ngâm muối và dấm qua một đêm để khử mùi, hầm từ 7h sáng đến 9h đêm, sau đó cho hồi quế thảo quả vừa phải có có mùi thơm nhẹ. Ngày nào, nồi nước xương hầm 500 lít cũng đỏ lửa, mang lại nồi nước dùng thơm phức, thế mà dịch bệnh đến thật bất ngờ làm ai cũng lao đao.
Mặc dù khó khăn mùa dịch, chị và chồng vẫn có tâm nguyện mang tặng những phần ăn động viên các bác sĩ, y tá. Tiền chủ yếu là của vợ chồng chị, hoặc một số bạn thân thấy chị làm thị chị nhận, chứ không lấy từ người lạ vì sợ mang tiếng tranh thủ PR.
Chủ trang trại gà thì ngạc nhiên là trong mùa dịch sao chị đặt gà nhiều thế, tưởng chị bán được, sau khi nghe kể chuyện đem tặng thì chủ trang trại đã tặng thêm vài thùng gà để cùng chung tay với chị.
Hàng trăm phần ăn Việt đang được nhà hàng chuẩn bị mang tới bệnh viện
Món cơm sườn nướng do The Meccury News chụp
Khu vực chị ở là một trong những nơi có lệnh phong tỏa sớm nhất, từ ngày 16.3. Trước ngày đóng cửa, người ta đã nháo nhào đi siêu thị để mua đồ ăn. Nhiều người Việt đã cảm nhận được sự nghiêm trọng nên đã lai rai mua đồ dự trữ từ đầu tháng 3. Tới ngày 17.3, ra chợ đã không còn gì để mua. Chị phải nhờ bạn bè mua giúp mấy thùng khẩu trang để trang bị cho nhân viên nhà hàng khi làm việc.
Chị Huyền cũng như những người dân Mỹ đang ngày đêm mong chờ dịch bệnh sẽ sớm được kiểm soát. Trong những ngày chờ đợi và chiến đấu với dịch bệnh thế này, có được sự chia sẻ, quan tâm giữa con người với con người càng làm ấm lòng của những người đang dốc hết sức chiến đấu với dịch bệnh.
Link nguồn: https://thanhnien.vn/doi-song/giua-dich-covid-19-chu-nha-hang-viet-o-cali-tang-com-suon-goi-cuon-cho-bac-si-my-1206864.html
Người Việt ở Úc làm nghề gì phổ biến với mức thu nhập ra sao
Người Việt ở Úc làm gì nhiều nhất và thu nhập mỗi ngành nghề như thế nào? Có nghề có thể kiếm 2000 AUD/ tuần.