Lệ phí visa cho vợ/chồng đến Úc đã tăng gần 400 phần trăm trong vòng 5 năm qua
Lệ phí visa cho vợ/chồng đến Úc đã tăng gần 400 phần trăm trong vòng năm năm qua, nhiều người làm quần quật để kiếm tiền, nhiều người… bỏ cuộc!
Lệ phí visa cho người phối ngẫu từ ngày 1/7/2017 từ mức $6,865 tăng lên thành $7,000 – cao hơn đáng kể so với những quốc gia hàng đầu thế giới khác.
Đó là chưa tính những chi phí khác, kiểm tra hạnh kiểm (police checks), khám sức khỏe, và tiền dịch vụ làm hồ sơ đóng cho những đại diện di trú.
Thời gian duyệt xét hồ sơ lâu hơn một năm là chuyện thường, khiến hàng chục ngàn cặp vợ chồng, hôn phu, hôn thê, phải sống trong tình trạng lấp lửng.
Phúc trình Immigration Intake into Australia do Ủy ban Năng suất Úc thực hiện theo yêu cầu của chính phủ liên bang công bố hồi đầu tuần lưu ý rằng, lệ phí visa cao có thể khiến nhiều người Úc phải bỏ nước mà đi, để được sống cùng người phối ngẫu của họ ở ngoại quốc.
“Đây chính là lý do chúng tôi quyết định định cư ở Đức thay vì Úc,” Callum Dahner-McLean nói với SBS. “Phí visa của tôi là 30 euro mỗi năm và lệ phí để nộp hồ sơ xin quốc tịch tổng cộng là 175 euro.”
Tăng 400% trong 5 năm
Lệ phí visa người phối ngẫu đã mang về hàng trăm triệu đô la trong thu nhập của chính phủ, nhưng dường như không có sự giải thích rõ ràng cho các chi phí xin chiếu kháng này.
Theo Ủy ban Năng suất, có vẻ như là không có cách tiếp cận hệ thống để hiểu cách chính phủ đặt ra lệ phí cho từng loại visa.
Hồi tháng Sáu vừa qua, khi SBS đặt câu hỏi với văn phòng của Tổng trưởng Di Trú về lệ phí visa đắt đỏ, nhận được sự giải thích về những tiêu tốn cho các loại dịch vụ xã hội, như HECS (chương trình cho vay đi học) và Medicare mà người có visa phối ngẫu được thụ hưởng ở Úc.
Nhưng cũng chính Bộ Di Trú Úc thể hiện sự mâu thuẫn của họ, khi lập luận rằng những người di dân đến Úc với visa người phối ngẫu sẽ đi làm và đóng số tiền thuế lớn hơn là số tiền mà các dịch vụ xã hội phải chi dùng cho họ.
Năm 2008, một phúc trình được thực hiện theo yêu cầu của Bộ Di Trú cho thấy, chính phủ thực sự thu được lợi nhuận từ các chương trình visa Úc. Nhưng vào thời điểm cách đây 6 năm đó, lệ phí visa phối ngẫu chỉ $1,390.
Theo nhiều phúc trình mà chính phủ đã ủy nhiệm thực hiện, những người đến Úc từ ngoại quốc với visa dành cho người phối ngẫu có xu hướng tạo nên một tác động tích cực trong ngân sách liên bang và có nhiều khả năng sẽ làm việc hơn những người sinh trưởng tại Úc, mặc dù lúc ban đầu tiền công của họ thường thấp hơn những người hôn phu hôn thê Úc của họ.
Gánh nặng cho tình yêu và tuổi trẻ
Lệ phí visa cho hôn phu hôn thê thực sự là một gánh nặng, đặc biệt là đối với các cặp vợ chồng trẻ, và họ chiếm đa số trong những người nộp hồ sơ xin visa. Số liệu Bộ Di Trú cho thấy, khoảng 56 phần trăm những người nộp đơn xin visa này có độ tuổi dưới 35.
Với nhóm visa sum họp gia đình, phúc trình mới nhất của Ủy ban Năng suất Úc khuyến nghị một sự gia tăng đáng kể trong lệ phí visa bảo lãnh cha mẹ, nhưng với visa người phối ngẫu và trẻ em phụ thuộc đi cùng, báo cáo này nói rõ sẽ không có sự thay đổi.
Đối với nhiều cặp vợ chồng trẻ, lệ phí visa và thời gian duyệt xét visa khiếu họ cảm giác như cuộc sống bị đình trệ, và dừng lại.
“Hôn phu của tôi và tôi đều là sinh viên. Chúng tôi đã đóng tiền. Đó là số tiền tiết kiệm cả đời của chúng tôi,” Liza Stringer nói với SBS. “Chúng tôi phải đóng số tiền đó, thay vì có thể ra mắt gia đình anh ấy ở Canada.”
Cô Stringer và người phối ngẫu của cô được cho biết họ phải đợi từ 12 đến 15 tháng để có kết quả visa cuối cùng – trong khi đó, loại visa tương tự để cô có thể sống ở Canada chỉ có lệ phí là $500 đô la với thời gian chờ đợi chỉ 4 tháng.
Cô Stringer cho biết quá trình nộp hồ sơ và chờ đợi là vô cùng mệt mỏi, và họ vẫn đang chờ đợi quyết định cuối cùng của Bộ Di Trú.
“Cảm thấy như chúng tôi chỉ chờ đợi để được cho phép bắt đầu cuộc sống chung thực sự của mình, và chúng tôi đang bị trừng phạt chỉ vì muốn làm như vậy,” cô nói.
ade là một cô gái Úc khác có bạn trai người Đức. Cô nói với SBS cô phải để anh ở lại Đức một mình và quay về Úc để tiếp tục việc học và tiết kiệm tiền để đóng lệ phí visa.
Jada cho biết vừa đi học ở Úc cô vừa phải làm việc theo ca, còn người phối ngẫu của cô làm việc trong một tiệm bánh ở Đức – họ cần phải tiết kiệm cho lệ phí xin visa, vé máy bay, và quỹ dự phòng cho khả năng phải chờ đợi kết quả visa đến 12 tháng.
“Lệ phí visa là quá cực đoan và ở giai đoạn này, chúng tôi không có nổi,” cô nói, “nỗi sợ hãi không được cấp visa, và mất $7,000, rồi tiền vé máy bay, và thời gian cũng là một yếu tố hạn chế.”
Bỏ Úc mà đi hay cắn răng chịu đựng
Nhiều người Úc khác và bạn phối ngẫu của họ đã bỏ cuộc.
“Bạn gái người Canada của tôi và tôi đã bắt đầu quá trình xin visa này, nhưng rồi nghĩ rằng sẽ là thông minh hơn nếu dùng số tiền tiết kiệm của chúng tôi để xây dựng một cuộc sống tốt hơn ở nơi khác”, Carl Hamilton nói với SBS. “Sự bất định và gánh nặng tài chính làm chúng tôi quá khó khăn và căng thẳng không thể theo đuổi.”
“Chúng tôi khó mà quay lại Úc để sống trong tương lai gần. Đối với những người trẻ tuổi chỉ mới ở giai đoạn bắt đầu trong sự nghiệp, họ không kham nổi,” anh nói.
Hamilton cho biết anh vừa nhận được tư cách Thường Trú Nhân PR ở Canada, toàn bộ quá trình chiếm chưa tới một phần ba lệ phí visa cho người phối ngẫu ở Úc.
Đó là trường hợp người phối ngẫu có quốc tịch Canada hay là công dân của của một nước phát triển và thịnh vượng.
Nhưng với trường hợp của di dân, ở lại Úc theo dạng di dân có tay nghề cao, thì không còn lựa chọn nào khác hơn là làm quần quật và tiết giảm mọi chi tiêu để dành đủ số tiền đóng lệ phí visa cho người bạn phối ngẫu của mình.
Dave Võ, một cựu du học sinh đang ở Úc kể lại, anh đã phải đi làm thêm ngoài giờ liên tục và tìm việc làm thêm cuối tuần với hy vọng đủ tiền đóng lệ phí visa bảo lãnh bạn gái qua đây.
Nhận xét về mức lệ phí visa người phối ngẫu đắt đỏ mà một người Úc muốn mang người yêu của họ đến đây sống chung, đại diện di trú Zeke Bentley nói với SBS hồi đầu năm nay “họ đang tận dụng (kiếm tiền từ) các mối quan hệ của người dân”.
Theo Đài SBS
3 coп ɢiáρ пằɱ cɦơi łiềп ɾơi łɾúпɢ ᵭầᴜ, qᴜý пɦâп łɦeo ɢół ɢiúρ sự пɢɦiệρ lêп cɑo ʋᴜп ʋúł, ɢiàᴜ có пức ɗɑпɦ
Nɦữпɢ coп ɢiáρ пày ɱɑy ɱắп ʋậп łɾìпɦ ɦɑпɦ łɦôпɢ, có cơ ɦội łɦể ɦiệп łài пăпɢ, пâпɢ cɑo łɦᴜ пɦậρ.