Lễ tân người Việt ở Mỹ xấu hổ vì du khách đồng hương làm hỏng và lấy đồ trong khách sạn
Các khách sạn ở Mỹ thường không lên kiểm tra phòng khi khách check-out, mà để khách tự giác báo tình trạng phòng, ví dụ đã làm hư hỏng thứ gì hoặc uống bao nhiêu chai bia trong minibar.
Khách Việt kéo vali qua cửa, chuông reo lên còn cô lễ tân Kim Chi lặng người khi biết rằng họ đã lấy khăn tắm của khách sạn.
Kim Chi, 22 tuổi, là du học sinh Việt Nam tại Mỹ, làm lễ tân bán thời gian trong một khách sạn 4 sao ở New York. Trong suốt 5 năm làm việc trong ngành dịch vụ, Chi gặp nhiều điều vui, buồn. Tuy nhiên, kỷ niệm khiến cô cảm thấy buồn và xấu hổ nhất là về hai vợ chồng du khách người Việt.
Sự cố xảy ra vào đầu tháng 7 vừa qua. Khi đó, Chi đang trong ca trực thì quản lý khách sạn đến nói chuyện với cô bằng giọng thân thiện: "Lát nữa có hai du khách Việt Nam đến New York chơi và ở lại ba ngày. Đồng hương với cháu đấy, hãy chăm sóc họ chu đáo nhé".
Áo choàng, khăn tắm là những món đồ thường bị khách lấy trộm, nên nhiều khách sạn trên thế giới gắn chíp theo dõi bên trong. Ảnh: Express.
Sống xa nhà từ khi mới 17 tuổi, và khách sạn Chi làm việc ít khi đón người Việt, nên biết tin cô rất vui và hào hứng. Mọi việc diễn ra suôn sẻ cho đến khi đôi vợ chồng trả phòng, kết thúc kỳ nghỉ. Các khách sạn ở Mỹ thường không lên kiểm tra phòng khi khách check-out, mà để khách tự giác báo tình trạng phòng, ví dụ đã làm hư hỏng thứ gì hoặc uống bao nhiêu chai bia trong minibar.
Tuy nhiên, hai khách Việt đã tự ý mang theo toàn bộ khăn tắm trong phòng khách sạn, hai viên đá cẩm thạch cùng vài đồ dùng để trang trí. Đây là những món đồ không được phép lấy. Ngoài ra, khách cũng làm hỏng đồ của khách sạn nhưng không thông báo dù lễ tân đã hỏi.
Mọi việc chỉ vỡ lở khi khách kéo vali qua cửa khách sạn để ra taxi. Lúc này, chuông kêu lên và nhân viên khách sạn giữ họ lại. Sau khi bị phát hiện trộm và làm hỏng đồ khách sạn, nữ du khách mới kéo Chi lại gần và nói: "Em giúp chị với. Tại chị thấy mấy món đó đẹp quá".
Nhiều khách sạn ở châu Âu và Mỹ không cần nhân viên lên kiểm phòng khi khách rời đi, mà tin tưởng vào sự trung thực của khách. Ảnh: Phương Anh.
"Lúc đó, tôi quá thất vọng vì cách hành xử của họ nên quyết định lập biên bản theo đúng quy định của khách sạn. Khách phải trả số tiền làm hỏng đồ, tiền phạt vì trộm đồ. Tôi đã phục vụ tận tình, chu đáo nhưng họ tặng tôi một kỷ niệm đau lòng nhất trong suốt 5 năm làm nghề", Chi nói.
Sau hôm đó, Chi ngại ngùng và xấu hổ khi gặp quản lý, dù cô không làm gì sai. Vài nhân viên buồng phòng thỉnh thoảng kể lại sự việc và nhắc đến cụm từ "khách Việt Nam" cũng khiến Chi bối rối.
Theo Wochit, khách thuê phòng khách sạn được phép mang xà bông, dao cạo râu, bàn chải và kem đánh răng, chai dầu gội, sữa tắm nhỏ sau khi trả phòng. Tại một số khách sạn, bạn cũng có thể mang theo dép đi trong phòng về nhà, vì đó là vật dụng dùng một lần.
Tuy nhiên, bạn không được lấy ga, gối, chăn, đệm hay áo choàng, khăn tắm. Đó là những thứ bạn phải trả tiền nếu lấy đi. Một số khách sạn sẽ phạt tới 20 USD nếu khách mang theo túi vải để sẵn trong tủ khách sạn về nhà. Túi này đựng đồ bẩn và gửi xuống bộ phận giặt, là của khách sạn.
Người Việt ở Úc làm nghề gì phổ biến với mức thu nhập ra sao
Người Việt ở Úc làm gì nhiều nhất và thu nhập mỗi ngành nghề như thế nào? Có nghề có thể kiếm 2000 AUD/ tuần.