Chuyện một người vô gia cư sống nhờ cộng đồng người Việt tại Mỹ
“Người Việt các bạn rất tốt. Họ thông cảm cho hoàn cảnh của tôi, họ không phán xét, họ không khinh bỉ hay coi thường tôi, họ rất thân thiện và đón nhận tôi như là một người Việt vậy”, Martìnez cảm động nói.
Jacob Martìnez (không phải tên thật), vô gia cư, không giấy tờ, nhiều năm qua sống nương tựa vào cộng đồng người Việt ở phố Bolsa, mà theo lời ông thì họ “đón nhận tôi như là một người Việt vậy”, theo báo Người Việt.
Jacob Martìnez, 53 tuổi chia sẻ rằng quê ông ở Mexico, và cách đây gần 20 năm, quê ông đầy băng đảng, bạo lực và nghèo đói. Vào khoảng năm 2001, ông vượt biên sang Mỹ bằng cách nằm gọn trong cốp xe của anh trai khi đi qua cửa khẩu San Ysidro, biên giới phía nam giữa San Diego và Tijuana. Hồi đó luật lệ ở Mỹ còn dễ, ông ra Nha lộ vận (DMV) xin được cấp thẻ ID. Đó là thứ giấy tờ duy nhất mà ông có tới giờ này, mặc dù nó đã hết hạn từ lâu.
Sau khi vượt biên sang Mỹ, ông Martìnez ở cùng gia đình người anh trai ở Fountain Valley. Từ nhỏ ông đã mơ ước được chơi đàn guitar và violin mà chưa bao giờ có cơ hội, “cho nên khi đi ngang qua lớp học nhạc, tôi đứng lặng hàng giờ ngoài cửa để nhìn vào. Khi biết ý muốn của tôi, một thầy giáo đã mời tôi vào lớp và cho tôi học miễn phí từ năm 2002- đến năm 2005”.
Vốn có năng khiếu và đam mê âm nhạc, Martìnez được thầy giáo khen ngợi. Nhiều lần ông được thầy ghi danh vào ban nhạc giao hưởng trong các buổi trình diễn ngoại khóa của sinh viên tại trường, “đó là thời điểm hạnh phúc nhất trong cuộc đời tôi”.
“Nhưng cho tới một hôm, thầy giáo nói ‘Martìnez, ông đã học đủ ở đây rồi, nếu ông muốn học sâu hơn về âm nhạc, thì ông phải tìm những thầy dạy riêng’. Tôi biết rằng đã tới lúc tôi phải rời khỏi trường học miễn phí. Ở đó không còn chỗ cho tôi, vì tôi đã học ba năm rồi”, ông Martìnez kể.
Ông kể tiếp: “rồi cũng tới một ngày, chị dâu nói với tôi rằng, họ không muốn tôi ở nhà họ nữa. Vậy là tới lúc tôi phải ra ngoài tự lo cho mình…. Tôi đành dọn ra ở riêng. Thật không dễ dàng tìm được một chỗ ở vì tôi không có giấy tờ. Tôi xin đi làm nghề quét dọn, lau chùi ở nhà hàng, suốt 8-10 tiếng mỗi ngày với số tiền mặt chỉ 2-3USD/giờ. Sau đó tôi đi phụ đủ thứ việc như bốc vác, rửa xe. Số tiền người ta trả cho tôi, rốt cuộc chỉ đủ trả tiền thuê một căn phòng tồi tàn, để đêm tôi về ngủ”.
“Tôi tự hỏi rằng, mình làm 8-10 tiếng như vậy, chỉ để lo một chỗ ngủ thôi sao? Trong khi đó tôi không còn thời gian để tập luyện đàn. Ngón tay tôi trở nên cứng nhắc, những kiến thức về âm nhạc của tôi rơi rụng dần. Tôi quyết định nghỉ việc để dành thời gian cho đam mê chơi nhạc của mình. Tôi chấp nhận trở thành kẻ vô gia cư”.
Hiện tại, chỗ ngủ ban đêm của ông Martìnez là cái hành lang có mái che của một nhà hàng Buffet theo kiểu Nhật, “tôi lang thang đã hơn chục năm, ngủ ở đâu cũng chỉ được vài hôm rồi bị đuổi hoặc người vô gia cư khác làm phiền. Cuối cùng tôi tìm ra nơi này thật tuyệt. Tôi đã ở đây gần ba năm rồi. Không có nơi đâu tốt hơn”.
“Tôi thường đến đây lúc nửa đêm, khi mọi nhân viên đã về hết. Tôi đặt đồng hồ báo thức để rời đi lúc 6 giờ sáng, khi nhân viên của nhà hàng còn chưa tới làm việc. Tôi cố gắng giữ cho mọi thứ ở nơi đây sạch sẽ, dù một cái rác nhỏ tôi cũng không bao giờ vứt xuống… Tôi phải giữ cho nơi này sạch sẽ, để không làm phiền ai, thì người ta mới cho tôi ngủ lâu dài”, ông chia sẻ.
“Tôi không dám ăn gì sau 6 giờ tối, đó là nguyên tắc, vì tôi không có nơi nào để đi vệ sinh trong đêm khuya. Ban ngày, tôi thường vào Walmart để mua vài thứ lặt vặt và tiện thể đi vệ sinh ở đó… Ngày nào đi chơi đàn dạo, tôi kiếm được chừng vài ba chục đồng. Còn ngày mưa gió không kiếm được là bao”.
Ông kể tiếp: “cách đây vài tháng, đột nhiên vào khoảng 3 giờ sáng, khi tôi đang ngủ say, thì bị dựng dậy bởi hai viên cảnh sát. Tôi vô cùng hoảng sợ, không hiểu chuyện gì”.
“Viên cảnh sát hỏi tôi: Ông cho tôi xem giấy tờ? Tôi vội móc cái ID đã hết hạn ra trình cho họ. Cảnh sát rọi đèn pin xem rất kỹ ID, tôi rất hồi hộp. Viên cảnh sát không nói gì, ông ta chỉ hỏi tiếp: ‘Tối qua, có người đập cửa kính của nhà hàng này, ông có biết ai không?’”.
Tôi nói tôi không hề hay biết gì. Tôi ở đây đã gần ba năm rồi, tôi không bao giờ làm điều gì phá hoại nhà hàng này cả, tôi chỉ ngủ và sáng sớm tôi rời khỏi đây.
Viên cảnh sát nhắc tôi rằng nếu thấy kẻ nào tình nghi thì báo cho họ biết, rồi đưa danh thiếp, tặng cho tôi mấy đồng. Họ còn dặn tôi không nên dùng tiền này để uống rượu hay hút chích. Tôi nói với họ rằng tôi chỉ đam mê chơi đàn, còn lại tôi không nghiện ngập gì.
Họ vui mừng rời đi. Từ đó tôi không bao giờ thấy cảnh sát tới nữa, “tôi nghĩ mình hãy sống lành mạnh, không làm phiền tới ai, thì người ta cũng sẽ đối đãi tốt với mình thôi”.
Martìnez kể rằng, ông đã đi khắp mọi thành phố trong vùng Little Saigon để chơi đàn dạo, từ Anaheim, Fullerton tới Fountain Valley, Huntington Beach. Nhưng nơi đâu ông cũng bị xua đuổi vì cảnh sát nói ông không có giấy phép chơi đàn ở đó. Duy nhất chỉ có phố Bolsa của cộng đồng người Việt là có chỗ cho ông được nương tựa.
“Tôi không ngờ, khi đánh liều tới xin ban quản lý khu thương xá này cho tôi chơi đàn, họ lại vui vẻ cấp cho tôi giấy phép”.
“Người Việt các bạn rất tốt. Họ thông cảm cho hoàn cảnh của tôi, họ không phán xét, họ không khinh bỉ hay coi thường tôi, họ rất thân thiện và đón nhận tôi như là một người Việt vậy”, Martìnez cảm động nói.
Gần chục năm sống trong cộng đồng Việt, ông khoe: “Ở trong cộng đồng Việt lâu, tôi đã học được bài “Lòng Mẹ” và chơi được bài này bằng đàn violin và cả đàn guitar. Tôi mong sao sau này có ai đó cho tôi được chơi đàn trở lại trong ban nhạc của họ, dù là không có thù lao, tôi cũng vui vẻ cam lòng”.
Người Việt ở Úc làm nghề gì phổ biến với mức thu nhập ra sao
Người Việt ở Úc làm gì nhiều nhất và thu nhập mỗi ngành nghề như thế nào? Có nghề có thể kiếm 2000 AUD/ tuần.