Lý do giới siêu giàu Mỹ không chọn phe trước bầu cử tổng thống
Khi ngày bầu cử tổng thống chỉ còn cách một tháng, không ai trong 10 người giàu nhất nước Mỹ tiết lộ họ sẽ bỏ phiếu cho ứng viên nào.
Hầu hết người thuộc danh sách giàu nhất nước Mỹ đều là tỷ phú công nghệ. Đa số công ty công nghệ lớn và ban lãnh đạo của họ đều mâu thuẫn với chính quyền Tổng thống Donald Trump về nhiều vấn đề, từ nhập cư đến biến đổi khí hậu.
Do đó, ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden, đối thủ của Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng, nhận được sự ủng hộ từ nhiều các doanh nhân công nghệ nổi tiếng như nhà sáng lập LinkedIn Reid Hoffman, cựu CEO Google Eric Schmidt, hay Laurene Powell Jobs, vợ góa của người đồng sáng lập Apple Steve Jobs.
Họ đều là tỷ phú, đang đầu tư tài chính và sức lực nhằm ngăn Trump tái đắc cử, nhưng không nằm trong top đầu danh sách giàu có tại Mỹ. Những người đứng đầu bảng xếp hạng, với giá trị tài sản ròng không dừng lại ở hàng tỷ mà là hàng chục tỷ, lại giữ im lặng về cuộc bầu cử tổng thống sắp tới.
Ngay cả Warren Buffett, tỷ phú duy nhất không thuộc lĩnh vực công nghệ trong top 10 và công khai ủng hộ Hillary Clinton hồi năm 2016, giờ đây cũng tránh nêu quan điểm.
Theo bình luận viên Theodore Schleifer của tạp chí Vox, bản thân các ứng viên tổng thống cảm thấy sự ủng hộ từ giới siêu giàu, đặc biệt là những lãnh đạo công ty công nghệ lớn, giờ đây là một trở ngại, thay vì lợi thế, xuất phát từ sự ác cảm của công chúng đối với họ ngày càng tăng trong vài năm gần đây.
Ngay cả khi ứng viên muốn sự ủng hộ công khai từ họ, các tỷ phú được cho là cũng sẽ khó xử, bởi đang đối mặt nhiều khó khăn liên quan đến vấn đề chính trị. Họ phải vượt qua phong trào chống độc quyền, cùng những cáo buộc vô cớ rằng được thế lực chính trị "chống lưng", nên dường như không muốn bộc lộ thêm về bản thân bằng cách công khai ứng viên mà họ lựa chọn.
Vì vậy, để thuận lợi cho tất cả các bên, giới siêu giàu không công khai ủng hộ ứng viên tổng thống nào và các ứng viên cũng không đòi hỏi họ phải thể hiện điều đó với mọi người. Chiến dịch của Biden thậm chí bày tỏ sự lo ngại đối với Thung lũng Silicon, khi không công bố danh sách những doanh nhân và lãnh đạo công nghệ đứng về phía cựu phó tổng thống Mỹ.
Điều này trái ngược với cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2016, khi chiến dịch của cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đưa ra danh sách những người ủng hộ bao gồm CEO nền tảng phim trực tuyến Netflix Reed Hasting, CEO Facebook Sheryl Sandberg và ba tỷ phú sáng lập ứng dụng thuê phòng Airbnb. Không ai trong số họ lên tiếng về cuộc bầu cử năm nay, dù vài người âm thầm quyên góp cho Biden.
Tình hình của bầu cử tổng thống 2020 cũng đã thay đổi nhiều so với năm 2016. Đảng Dân chủ giờ đây tranh luận rằng liệu các tỷ phú Thung lũng Silicon và công ty của họ có đang nắm quá nhiều quyền lực trong xã hội Mỹ hay không. Chiến dịch của Biden còn đặc biệt chỉ trích Facebook vì không kiểm soát các bài đăng của Trump kiên quyết hơn, nên việc quảng bá về sự ủng hộ của các tỷ phú công nghệ với Biden sẽ bị "lệch tông".
Về phía các tỷ phú, việc công khai quan điểm được cho là có nguy cơ ảnh hưởng đến công việc kinh doanh của họ. Nhiều "ông trùm" công nghệ đã trở nên giàu có hơn một cách đáng kinh ngạc dưới thời Trump, khi giá cổ phiếu công ty của họ tăng mạnh.
Ông chủ Amazon Jeff Bezos, người giàu nhất thế giới, là chủ sở hữu tờ Washington Post thường xuyên chỉ trích Trump. Ông chủ Facebook Mark Zuckerberg, người ủng hộ cải cách tư pháp hình sự, từng phản đối những phát ngôn về chủng tộc của Trump. Tuy nhiên, không ai công khai ủng hộ Biden trong cuộc bầu cử, khi việc này có nguy cơ "chọc giận" Tổng thống Mỹ.
Trong cuộc phỏng vấn hôm 28/9, tỷ phú sở hữu tập đoàn Tesla Elon Musk, người có giá trị tài sản ròng tăng vọt trong năm 2020, cho biết ông chưa quyết định sẽ bầu cho ai, dù là một người bảo vệ môi trường, xung đột với lập trường của Trump. Musk còn bày tỏ nghi ngờ về sự minh mẫn của Biden, khía cạnh mà Trump gần đây tìm cách khai thác.
Việc "chọn phe" trong bầu cử tổng thống cũng có thể đe dọa nỗ lực của giới lãnh đạo công nghệ trong việc xây dựng hình ảnh trung lập chính trị cho công ty, trong bối cảnh Trump và đồng minh thường xuyên cáo buộc các hãng công nghệ lớn có thành kiến với phe bảo thủ.
Bill Gates, nhà sáng lập Microsoft đã nghỉ hưu và là người giàu thứ hai nước Mỹ, không ngừng chỉ trích cách chính quyền Trump xử lý đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, ông và vợ Melinda vẫn từ chối công khai ủng hộ bất cứ ứng viên nào, bởi mong muốn giữ vững lập trường phi đảng phái.
Hai nhà sáng lập Google Larry Page và Sergey Brin, lần lượt đứng thứ 8 và 9 trong danh sách những người giàu nhất Mỹ, cũng hầu như không đưa ra bình luận công khai nào về cuộc bầu cử, dù Brin đã âm thầm quyên góp cho các nhóm cấp tiến và phản đối chính sách nhập cư của chính quyền Trump. Vợ của Brin còn đóng góp một khoản nhỏ cho chiến dịch của Biden hồi mùa hè.
Hai tỷ phú khác thể hiện sự mập mờ trong quan điểm với ứng viên tổng thống là người sáng lập tập đoàn phần mềm Oracle Larry Ellison và cựu CEO Microsoft Steve Ballmer.
Ellison là người hiếm hoi tại Thung lũng Silicon ủng hộ Trump, từng tổ chức một buổi gây quỹ cho Tổng thống và thu được 7 triệu USD. Tuy nhiên, Ellison không có mặt tại sự kiện này, đồng thời nhấn mạnh ông ủng hộ bất cứ tổng thống đương nhiệm nào, xuất phát từ lòng yêu nước.
Trong khi đó Connie, vợ của Ballmer, quyên góp 500.000 USD cho một nhóm chính trị ủng hộ Biden hồi đầu năm. Khi được hỏi Ballmer có ủng hộ Biden hay không, một phát ngôn viên cho biết cựu CEO Microsoft là người "phi đảng phái" và từ chối bày tỏ quan điểm chính trị.
Cạm bẫy ở sân bay Thái Lan
Hàng loạt du khách nước ngoài bị buộc tội trộm đồ ở khu hàng miễn thuế tại sân bay quốc tế tại Bangkok, Thái Lan, và phải trả nhiều tiền để đổi lấy tự do.