Lý do thực sự đằng sau cuộc đối đầu của Facebook và chính phủ Úc?
Hãy thử tượng tượng bạn đọc được trên một trang báo điện tử thông tin về hành trình di chuyển của một bệnh nhân COVID-19. Cơ quan y tế cảnh báo bất cứ ai có mặt tại các địa điểm trong hành trình này cần đi xét nghiệm.
Bạn có nhiều người thân sống gần khu vực, và muốn chia sẻ thông tin lên mạng xã hội Facebook để cảnh báo những người thân của mình. Tuy nhiên, bạn không thể nhấn nút “Đăng tải”. Lý do là vì nội dung bạn chia sẻ là một tin tức, và Facebook không còn cho phép chia sẻ tin tức.
Kịch bản này có thể sẽ trở thành thực tế nếu Facebook thực hiện điều mà mạng xã hội này đã cảnh báo tuần qua về việc cấm đăng tải nội dung tin tức của các cơ quan báo chí Úc lên hạ tầng của mình. Đây là nước đi mới nhất trong cuộc đấu trí diễn ra đã hơn hai năm qua giữa chính quyền Úc và các doanh nghiệp cung cấp hạ tầng mạng xã hội.
Ủy ban Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng Úc (ACCC) trong hai năm qua đã soạn thảo một bộ quy tắc về chia sẻ lợi nhuận truyền thông để điều chỉnh mối quan hệ giữa Facebook, Google và các cơ quan báo chí. Chính phủ Úc thể hiện sự quyết tâm trong việc thông qua bộ quy tắc này trong những tháng tới - đây chính lý do dẫn tới việc Facebook đe dọa “cấm cửa” nội dung tin tức của các cơ quan báo chí nước này.
Nếu điều này xảy ra, Giám đốc điều hành của Facebook tại Úc, ông Will Easton ra thông báo cho biết, Facebook sẽ “bất đắc dĩ” phải ngăn các nhà cung cấp nội dung Úc và người dùng Facebook tại nước này chia sẻ tin, kể cả tin tức quốc tế, trên các hạ tầng mạng xã hội Facebook và Instagram. Theo cách nói của ông Easton, Facebook đường như bị dồn tới đường cùng và việc “cấm cửa” nội dung tin tức không phải lựa chọn đầu tiên, mà là lựa chọn cuối cùng hãng này. Trước đó, Facebook cũng đã gọi đề xuất của Úc là một sự can thiệp chưa từng có tiền lệ.
Ban đầu, bộ quy tắc chia sẻ lợi nhuận mới của Úc sẽ chỉ áp dụng cho Facebook và Google. Hai đại gia hạ tầng mạng xã hội đã phát động một chiến dịch của chính mình để chống lại bộ quy tắc với một lá thư ngỏ gọi đây là một đề xuất “bất công”. Họ cũng tự tạo ra các mẩu quảng cáo trên chính các hạ tầng của mình nhằm gửi thông điệp cảnh báo đến Úc.
Lời đe dọa của Facebook giống như điều trước đây từng xảy ra với Google. Năm 2014, công cụ tìm kiếm này đã ngừng cung cấp dịch vụ tin tức Google News tại Tây Ban Nha để tránh việc phải trả thù lao cho các cơ quan báo chí. Các nhà lập pháp Pháp hiện nay cũng đang gây áp lực với Google nhằm buộc công ty này phải thương lượng và trả thù lao cho các cơ quan báo chí.
Nhiều quốc gia châu Âu khác cũng đang có những động thái tương tự. Tuy nhiên, chưa nước nào thể hiện một quyết tâm sắt đá như Úc.
Theo một bản dự thảo của bộ quy tắc được công bố hồi tháng Bảy vừa qua, Facebook sẽ phải thông báo với các cơ quan báo chí về những dữ liệu mà mạng xã hội này thu thập từ người đọc tin tức, cũng như thông báo với các cơ quan này về những thay đổi trong thuật toán gây tác động đến việc đánh giá xếp hạng nội dung tin tức. Facebook cũng phải cho phép các cơ quan báo chí có thể vô hiệu hóa phần bình luận trong những bài viết chia sẻ tin tức của họ, hoặc chặn bình luận từ những người dùng cụ thể.
Bên cạnh đó, Facebook cũng phải tham vấn các cơ quan báo chí trong việc phát triển công cụ nhận diện nguồn tin gốc để sử dụng vào mục đích đánh giá xếp hạng nội dung, nhằm đảm bảo rằng tác giả thật sự của nội dung sẽ nhận được thù lao tương xứng.
Đáng chú ý, bộ quy tắc này yêu cầu Facebook và các cơ quan báo chí thương lượng về mức thù lao mà mạng xã hội này phải trả cho nội dung tin tức được chia sẻ. Nếu hai bên không đạt được sự nhất trí, mức thù lao sẽ được quyết định bởi trọng tài. Hai bên đưa ra mức giá mong muốn, và một ban trọng tài độc lập sẽ lựa chọn giá của một trong hai bên. Facebook nếu không chấp nhận mức giá này sẽ phải đối mặt với những khoản phạt lớn.
Động thái của Facebook nhìn qua thì giống như là một sự phản ứng thái quá trước một bộ quy tắc có vẻ như chưa đòi hỏi gì quá đáng. Bộ quy tắc này không áp đặt mức thù lao mà Facebook phải bỏ ra - tinh thần của nó chủ yếu vẫn là các bên đàm phán để tìm được tiếng nói chung. Tuy nhiên, Facebook lập luận rằng nội dung tin tức không chiếm phần đáng kể và cũng không mang lại lợi nhuận đáng kể cho mạng xã hội này, trong khi các cơ quan báo chí thì đang được hưởng lợi từ một lượng lớn độc giả tiếp cận thông tin qua hạ tầng Facebook.
Nếu đúng như vậy, Facebook có thể mang số liệu này tới bàn đàm phán để giành lợi thế cho mình. ACCC thực tế chỉ đang tìm cách giải quyết sự mất cân bằng trong quyền lực thương lượng giữa hai bên, chứ không áp đặt kết quả của việc thương lượng.
Động thái leo thang căng thẳng của Facebook sẽ có ý nghĩa hơn nếu cuộc tranh luận về bộ quy tắc chia sẻ lợi nhuận của Úc được đặt trong bối cảnh lớn hơn của một cuộc chiến toàn cầu xung quanh vấn đề kiểm soát hạ tầng mạng xã hội. Facebook dường như muốn khẳng định rằng thông điệp là nhằm hướng tới người Mỹ hơn là người Úc khi công ty này dành cuộc phỏng vấn duy nhất về chủ đề này cho kênh tin tức NBC của Mỹ, trong khi từ chối đề nghị phỏng vấn của tất cả các cơ quan báo chí Úc.
Trên phạm vi toàn cầu, Facebook đã từng tránh được kịch bản các chính phủ sử dụng công cụ pháp lý để điều chỉnh mối quan hệ của công ty này với các cơ quan báo chí thông qua việc chủ động đàm phán với các nhà cung cấp nội dung.
Nếu Facebook hiện thực hóa lời đe dọa của mình, người dùng Úc sẽ là người chịu thiệt hại đầu tiên từ vụ đối đầu này. Và có nhiều lý do để cho rằng điều này sẽ thành sự thật. Sau khi Facebook đưa ra lời đe dọa, người đứng đầu chính phủ Úc đã lên tiếng tái khẳng định lập trường cứng rắn, không thay đổi của nước này. Về phía Facebook, công ty này cũng ở vào thế phải hiện thực hóa những lời đe dọa của mình để không bị mang tiếng là dọa suông.
Không dễ để hình dung một mạng xã hội Facebook không có các bài chia sẻ tin tức. Vào ngày bầu cử tổng thống Mỹ 3/11 tới, rất có thể người dùng Facebook tại Úc đăng nhập vào tài khoản của mình và không thấy bất cứ tin tức gì về cuộc đối đầu Trump - Biden. Chưa kể đến người người dùng có thể sẽ lạc giữa những thông tin “hỏa mù” khi các cá nhân vẫn có thể cập nhật thông tin diễn biến trên Facebook, nhưng không được có đường link đính kèm.
Kết quả là người dùng Facebook phải tiếp cận thứ thông tin không được kiểm chứng, không có kèm theo bối cảnh và thông tin nền. Thay vào đó sẽ là những nhận định đánh giá chủ quan, thậm chí là tin giả và các thuyết âm mưu. Khi Facebook là lăng kính chủ yếu của nhiều người khi sử dụng mạng Internet thì tác động của một lệnh “cấm cửa” như vậy lên hệ sinh thái thông tin của Úc là một điều không thể xem nhẹ.
Nói một cách ngắn gọn, Facebook đã cảnh báo sẽ cắt giảm quyền tiếp cận thông tin của một nhóm người dùng của mình. Một điểm mấu chốt trong lập luận của phía Facebook là mạng xã hội này đã điều hướng hàng triệu độc giả Úc tới các trang tin tức, và do vậy đã mang lại lợi ích cho các tranh tin này. Theo số liệu do chính Facebook cung cấp, người dùng đã click vào các bài báo của Úc qua bảng tin của mạng xã hội này tới 2,3 tỷ lần trong 5 tháng đầu năm 2020.
Một nghiên cứu do Đại học Canberra tiến hành năm nay cũng cho thấy có tới 39% người Úc coi Facebook là nguồn cung cấp thông tin hàng đầu, và tỉ lệ này còn cao hơn nữa ở nhóm người dùng trẻ tuổi. Trong thời gian xảy ra đại dịch COVID-19, 49% người được hỏi chọn Facebook làm nguồn cập nhật thông tin về dịch bệnh này. Với thế hệ người dùng ngoài 20 tuổi trở xuống, mạng xã hội là nguồn chính để tiếp cận thông tin về Covid-19.
Nếu Facebook “cấm cửa” các nội dung tin tức, rất nhiều người trong số những đối tượng này sẽ không còn tiếp cận được thông tin nhiều như trước đây, giữa một thời điểm mà tin tức không còn đơn thuần là những gì diễn ra xung quanh mà là thông tin cần thiết để giúp con người tránh khỏi nguy cơ bệnh tật và tử vong giữa bệnh dịch. Nếu không tiếp cận được những thông tin cảnh báo kịp thời trên Facebook, rất nhiều người đã từng đi qua những địa điểm nguy cơ cao sẽ không biết được họ có khả năng đã nhiễm virus.
Để bảo vệ lợi ích kinh doanh của mình, Facebook đã đe dọa một viễn cảnh khi người Úc có thể đăng tải và chia sẻ mọi thứ trên Facebook - ngoài trừ những nội dung có vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của người dùng.
Tɦᴜốc ɓổ ƙɦôпɢ ɓằпɢ łɦực ρɦẩɱ ɓổ: Cácɦ cɦăɱ sóc пɢũ łạпɢ łốł пɦấł ɢiúρ ɓạп sốпɢ łɦọ ɦơп
Tɦeo các ɓác sĩ, sức ƙɦỏe củɑ пɢũ łạпɢ qᴜyếł ᵭịпɦ łᴜổi łɦọ củɑ ɓạп. Đây ℓà ɓí qᴜyếł ℓựɑ cɦọп łɦực ρɦẩɱ cɦăɱ sóc cơ łɦể łốł пɦấł ɓạп пêп łɦɑɱ ƙɦảo ᵭể ℓᴜôп ƙɦỏe ɱạпɦ ʋà łɾườпɢ łɦọ.