RSS

Một virus, hai hậu quả - khi New York vỡ trận, California lại không

18:02 21/05/2020

Những hậu quả khác nhau do đại dịch gây ra ở New York và California - hai bang giàu có ở hai bờ nước Mỹ - sẽ là chủ đề cho những nghiên cứu trong tương lai.

Cho đến ngày 14/3, Thị trưởng San Francisco London Breed nhận thấy đã đọc đủ các phân tích và cảnh báo để đi đến quyết định phải đóng cửa thành phố để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19. Dữ liệu cho thấy xu hướng gia tăng các ca lây nhiễm nhanh chóng có thể khiến hệ thống y tế San Francisco, dù tốt đến mấy, sớm không thể chống đỡ trước đại dịch.

“Chúng ta phải phong toả thôi”, bà Breed kể với báo ProPublica.

Trong thư gửi Thống đốc bang California Gavin Newsom, bà Breed lý giải quyết định của mình, và nhận được sự đồng tình của thống đốc. Ông đồng thời đề nghị bà nên phối hợp với các hạt lân cận.

Mot virus, hai hau qua - khi New York vo tran, California lai khong hinh anh 1 2020050515_nysf_3x2.jpg

Du thuyền Grand Princess đậu ngoài khơi San Francisco. Một hành khách trên thuyền đã thiệt mạng do nhiễm bệnh Covid-19. Ảnh: Getty.

Ngày 16/3, khi số ca nhiễm Covid-19 ở San Francisco chỉ mới dưới 40 và chưa có ca tử vong nào, bà Breed ra lệnh cấm mọi hoạt động không cần thiết và yêu cầu người dân hạn chế ra ngoài. “Khi đó, chúng tôi thực sự không có nhiều giải pháp tốt hơn”, Breed nói.

Ba ngày sau khi San Francisco và các hạt lân cận đóng cửa, Thống đốc Newsom tuyên bố lệnh tương tự trên toàn bang California vào ngày 19/3.

Cũng trong khoảng thời gian này, ở thành phố New York, Thị trưởng Bill de Blasio cũng toan tính việc đóng cửa. Ông bị chỉ trích liên tục vì không đóng cửa hệ thống trường học của thành phố, chịu phản đối ngay từ chính Sở Y tế dưới quyền.

Cuối cùng, dường như đã bị thuyết phục phần nào rằng cứ mỗi giờ trì hoãn đóng cửa sẽ dẫn đến bước đi sai lầm chết người, ông de Blasio ra lệnh kêu gọi người dân “trú ẩn trong nhà”. Theo quyết định này, chỉ nhân viên các cơ quan khẩn cấp và cảnh sát, nhân viên y tế mới được đi lại không hạn chế trên phố.

“Chiến tranh lạnh” dưới bảo, trên không nghe

Tuy nhiên, Thống đốc bang New York Andrew Cuomo không đồng tình với quyết định của Thị trưởng de Blasio về việc đóng cửa thành phố New York vì cho rằng điều này quá nguy hiểm và chỉ khiến người dân sợ hãi. Theo ông Cuomo, vấn đề nằm ở việc sử dụng ngôn ngữ, vì “trú ẩn trong nhà” khiến người ta liên tưởng đến cách ứng phó cho một thảm hoạ hạt nhân.

Hơn hết, ông Cuomo nói chỉ thống đốc mới có thẩm quyền tuyên bố lệnh như vậy.

Mot virus, hai hau qua - khi New York vo tran, California lai khong hinh anh 2 2020050515_nysf_nyc.jpg

Thành phố New York là tâm dịch của nước Mỹ với số người tử vong đến gần 20.000 người, tính đến ngày 15/5. Ảnh: Magnum Photos.

Việc ông de Blasio và ông Cuomo đối đầu với nhau không phải chuyện lạ, theo báo ProPublica, một màn “chiến tranh lạnh” thường được cho là trẻ con và phản tác dụng. Khi ông de Blasio cuối cùng cũng ra lệnh đóng cửa hệ thống trường học tại thành phố, thì ông Cuomo vội vã tuyên bố với công chúng rằng ông mới là người ra quyết định.

“Không thành phố nào có thể tự cô lập mà không có được sự đồng ý của cấp bang”, Cuomo nói.

Đến ngày 22/3, Thống đốc Cuomo buộc phải tuyên bố giới nghiêm trên toàn bang. Động thái này diễn ra 6 ngày khi thành phố San Francisco đã đóng cửa, 5 ngày sau khi Thị trưởng de Blasio đề xuất tương tự, và 3 ngày sau khi toàn bộ bang California đã thực hiện giới nghiêm. Khi đó, bang New York đối mặt với sự lây lan chóng mặt của dịch bệnh với số ca nhiễm là 15.000 và xu hướng tăng gấp đôi sau mỗi 3-4 ngày.

Các quan chức y tế cảm nhận rất sâu sắc về những con số tàn phá nêu trên. Một quan chức tại thành phố New York nhớ lại những ngày then chốt tháng 3 rằng: “Chúng tôi đã nói rất rõ với chính quyền bang về tác động của từng ngày, từng giờ, từng phút”.

Cho đến ngày 15/5, bang New York có gần 350.000 ca nhiễm và 27.500 ca tử vong, gần bằng 1/3 của cả nước Mỹ. Con số tương ứng tại bang California là 75.000 và xấp xỉ 3.000. Thành phố New York, nơi đông dân và mật dộ dân cư cao nhất nước, có khoảng 20.000 ca tử vong; trong khi San Francisco, thành phố đông dân thứ 13 nhưng mật độ dân cư cao thứ hai nước Mỹ, có chưa tới 35 ca tử vong.

Theo ProPublica, những hậu quả khác nhau ở hai bờ sẽ là chủ đề cho những nghiên cứu trong tương lai, khi các nhà khoa học tìm hiểu rõ hơn về đặc điểm chủng virus mới, tác động của nó với những nhóm dân cư cụ thể, và những yếu tố ảnh hưởng như đói nghèo, các bệnh lý sẵn có, hay vai trò của hệ thống giao thông công cộng trong việc phát tán virus.

Dù mật độ dân cư ở San Francisco cũng cao, nơi này không có hàng triệu người ngày ngày sử dụng tàu điện ngầm hay xe buýt như tại thành phố New York. New York cũng có số lượng người Mỹ gốc Phi nhiều hơn, trong khi đây là một trong những nhóm bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch.

Mot virus, hai hau qua - khi New York vo tran, California lai khong hinh anh 3 2020050515_nysf_california_street.jpg

Đường phố San Francisco vắng vẻ trong ngày 18/3 sau khi thành phố này thực hiện giới nghiêm. Ảnh: Getty.

Tuy nhiên, việc bang New York chậm trễ trong việc áp đặt giới nghiêm rõ ràng là một nguyên nhân dẫn đến sự thiệt hại về nhân mạng lớn, ProPublica nhận định.

Hồi tháng 4, hai chuyên gia dịch tễ học hàng đầu, Britta L. Jewell tại trường Hoàng gia London và Nicholas P. Jewell tại Đại học UC, Berkeley, viết trên tờ New York Times rằng lẽ ra New York có thể giảm tỷ lệ tử vong đến một nửa nếu chính quyền thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt sớm hơn một hoặc hai tuần.

Tiến sĩ Tom Frieden, cựu giám đốc Sở Y tế thành phố New York, đồng tình với nhận định này. “Rất nhiều cái chết lẽ ra có thể được ngăn chặn”.

Thống đốc Cuomo sau này cũng thừa nhận lẽ ra ông cần hành động sớm hơn, thấy được các nguy cơ rõ ràng hơn. Nhưng cũng rất nhanh, ông đổi giọng và chuyển sang chỉ trích các cơ quan y tế thế giới và cấp liên bang. Tại một cuộc họp báo, ông khẳng định: “Các thống đốc không thể gây ra đại dịch toàn cầu”.

Một quan chức trong bộ máy của ông Cuomo cực lực bảo vệ cấp trên, rằng bang New York đã hành động nhanh hơn bất kỳ bang nào kể từ khi phát hiện ca dương tính đầu tiên vào ngày 1/3 cho đến khi giới nghiêm toàn bang vào ngày 22/3.

“Ba tuần, và 20 triệu người (phải giảm dần các hoạt động). Quả là điên rồ”, người này nói.

Vị này cũng so sánh với California, khi trường hợp dương tính đầu tiên được phát hiện ngày 26/1, ca tử vong đầu tiên xảy ra ngày 4/3, mà đến 19/3 mới có lệnh giới nghiêm toàn bang - một khoảng cách gần hai tháng.

Mot virus, hai hau qua - khi New York vo tran, California lai khong hinh anh 4 2020050515_nysf_patients.jpg

Bệnh nhân Covid-19 được chuyển đến cơ sở điều trị ở Bronx, New York, ngày 6/4. Ảnh: Getty.

Tuy nhiên, rất nhiều quan chức y tế và nhà khoa học chỉ ra sự cố ý lập lờ về mốc thời gian trong so sánh trên. Theo họ, mãi đến ngày 28/2 thì chính quyền liên bang mới cảnh báo toàn quốc về một đại dịch chết người. Do vậy, phản ứng của các bang chỉ nên được đánh giá sau mốc này.

Trong một quan điểm khác, ProPublica cho rằng mốc thời gian để cả bang New York và California cần hành động quyết liệt được tính từ ngày 17/1, sau khi chính quyền liên bang quyết định kiểm tra sức khoẻ của mọi hành khách đến từ Trung Quốc. New York và California đều là điểm đến thường xuyên của nhóm người này.

(Dù vậy, Thống đốc Cuomo hôm 24/4 đã dẫn ra nghiên cứu cho thấy virus corona đi vào bang này từ châu Âu, chứ không phải Trung Quốc).

Kế hoạch ứng phó lộ khuyết điểm

Nỗ lực khống chế bệnh dịch lây lan ở California, ngoài yếu tố phối hợp nhịp nhàng giữa chính quyền địa phương và chính quyền cấp bang, còn phải kể đến sự tin tưởng của chính quyền vào các chuyên gia y tế. Tình hình ở bang New York thì lại trái ngược.

Dù kế hoạch chính thức về phản ứng tình huống dịch bệnh của New York nhấn mạnh sự chia sẻ thông tin liên tục giữa cấp bang và cấp địa phương, cơ quan y tế của bang tỏ ra không tuân thủ quy trình này, và ngó lơ cơ quan y tế thành phố New York trong tháng 2.

Cho đến tận tháng 5, một quan chức thành phố New York nói họ vẫn không thể có đủ số liệu cơ bản ở cấp bang, chẳng hạn như số lượng máy thở tại các bệnh viện hoặc số lượng nhân viên các viện dưỡng lão. “Như thể họ được ra lệnh không tiết lộ gì với chúng tôi”, người này nói.

Chính quyền Cuomo bác bỏ cáo buộc này của cơ quan y tế thành New York, khẳng định họ vẫn hợp tác đầy đủ với tất cả sở y tế địa phương.

Mot virus, hai hau qua - khi New York vo tran, California lai khong hinh anh 5 2020050515_nysf_hart.jpg

Nhân viên chôn thi thể những người thiệt mạng do dịch Covid-19 ở Hart Island, thành phố New York, ngày 9/4. Ảnh: Getty.

Kế hoạch sẵn sàng ứng phó bệnh dịch của bang New York được thiết lập từ năm 2006 và dày đến hàng trăm trang, nhấn mạnh hai yếu tố sống còn để đối phó, bao gồm một lượng dự trữ đầy đủ các thiết bị y tế khẩn cấp và đồ bảo hộ, và cơ chế mở rộng số giường bệnh nhanh nhất có thể.

Ở yếu tố đầu tiên, Thống đốc Cuomo không giấu giếm sự thất vọng khi biết nguồn dự trữ kho không đủ đáp ứng. Về yếu tố thứ hai, mãi đến ngày 16/3 ông Cuomo mới chỉ đạo một đội chuyên trách để gia tăng số lượng giường trị bệnh, yêu cầu mức tăng gấp 50% trong 24 giờ.

Mãi đến hai tuần sau đó, ông Cuomo mới tuyên bố thành lập một “tổng hành dinh” chuyên giải quyết việc bổ sung thiết bị y tế và mở rộng số giường bệnh trên toàn bang, để sẵn sàng cung ứng cho những nơi cần thiết. Bước đi này diễn ra gần một tháng kể từ khi New York có ca dương tính đầu tiên.

Khủng hoảng chưa dừng lại ở đó. Howard Zucker, người đứng đầu ngành y tế bang New York, từng cho phép những cụ già tại các nhà dưỡng lão được trở về các cơ sở này, dù họ có kết quả xét nghiệm dương tính. Quyết định này bị báo chí địa phương chỉ trích dữ dội, buộc chính quyền phải thu hồi lại gần đây.

Trong khi đó, Hiệp hội điều dưỡng bang New York quyết định kiện cơ quan y tế cấp bang và người lãnh đạo là ông Zucker vì tắc trách trong việc bảo đảm cung cấp thiết bị bảo hộ đầy đủ cho nhân viên y tế tuyến đầu, và việc ông bật đèn xanh cho các bệnh viện để buộc điều dưỡng phải quay về làm việc dù họ được xét nghiệm dương tính với virus.

Một khảo sát của hiệp hội cho biết khoảng 70% y tá khẳng định họ đã phơi nhiễm với virus trong quá trình làm việc; 11% cho biết họ dương tính với virus.

Như thường lệ, cơ quan y tế bang New York khẳng định đã rất nỗ lực để bảo vệ các y, bác sĩ. Cơ quan này cho biết đã gửi đến những cơ sở điều trị trên toàn bang 29 triệu khẩu trang, 475.000 tấm che mắt, 16 triệu áo khoác và 446.000 đôi găng tay.

“Bang New York tiếp tục thực hiện mọi biện pháp cần thiết để chắc chắn những nhân viên y tế, đặc biệt là những người thực hiện lấy mẫu và chăm sóc trực tiếp bệnh nhân, có đầy đủ hỗ trợ trong giai đoạn khẩn cấp chưa từng có này”, đơn vị này phản biện trong thông cáo.

Link nguồn: https://zingnews.vn/mot-virus-hai-hau-qua-khi-new-york-vo-tran-california-lai-khong-post1086219.html

Cạm bẫy ở sân bay Thái Lan

Cạm bẫy ở sân bay Thái Lan

Hàng loạt du khách nước ngoài bị buộc tội trộm đồ ở khu hàng miễn thuế tại sân bay quốc tế tại Bangkok, Thái Lan, và phải trả nhiều tiền để đổi lấy tự do.