Mỹ đánh sập cầu nối internet của hàng triệu dân Trung Quốc
Lệnh cấm được áp dụng từ ngày 20/9 sẽ khiến siêu ứng dụng của Trung Quốc biến mất khỏi thị trường Mỹ.
Nhiều năm qua, WeChat đã trở thành "siêu ứng dụng" không thể thiếu trong cuộc sống của người Trung Quốc. Họ dùng nó để trò chuyện, mua sắm, thanh toán, đặt xe và hàng tá chức năng khác. Không chỉ ở Trung Quốc, WeChat đã phát triển và thành cầu nối giữa những người Trung Quốc trên khắp thế giới.
Tuy nhiên, ứng dụng này sẽ sớm biến mất khỏi thị trường Mỹ. Cầu nối WeChat có thể sẽ đứt gãy ở quốc gia có khoảng 2,5 triệu người nhập cư từ Trung Quốc.
TikTok và WeChat là 2 cái tên bị chính quyền Mỹ nhắm tới với lý do an ninh quốc gia. Ảnh: Bloomberg.
"Tôi cảm giác như sắp ngất đi. Đây là cách duy nhất và dễ dàng nhất để tôi liên lạc với gia đình", Juliet Shen, 27 tuổi, sống tại Brooklyn, New York chia sẻ sau khi biết tin chính phủ Mỹ sắp cấm tải về WeChat ở nước này. Cha mẹ của Shen sống ở Trung Quốc, anh trai sống ở Nicaragua, và mọi người thường xuyên liên lạc qua WeChat.
WeChat sẽ ra sao khi bị Mỹ cấm?
Lệnh cấm WeChat, TikTok tại các kho ứng dụng của Mỹ được Bộ Thương mại Mỹ công bố vào sáng 18/9 (giờ Mỹ). Lệnh cấm này có hiệu lực từ ngày 20/9, tức chỉ sau 2 ngày nữa.
Sau kỳ hạn, 2 ứng dụng nói trên sẽ bị xóa khỏi App Store, Google Play và mọi kho ứng dụng khác có thể truy cập từ Mỹ. Trong khi TikTok vẫn có khả năng hoàn thành thương thảo với Oracle để lập công ty tại Mỹ trước lệnh cấm, thì WeChat không có cơ hội nào như vậy. Điều này khiến lượng tải WeChat tăng vọt sau thông tin trên.
Bloomberg dẫn số liệu từ Sensor Tower cho biết WeChat đã trở thành ứng dụng được tải nhiều thứ 100 tại Mỹ trong ngày 18/9. Đây là lần đầu tiên ứng dụng lọt vào top đầu, bởi nó thường chỉ đứng ở vị trí từ 1.000-1.500 tại Mỹ.
Đây là ứng dụng liên lạc quen thuộc của người Trung Quốc hoặc những người có họ hàng, đối tác sống tại Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg.
Hầu hết người dùng Trung Quốc hoặc có làm việc với đối tác Trung Quốc đều quen thuộc và đã cài đặt ứng dụng này. WeChat thường xuyên đứng ở vị trí thứ 4 trong số những ứng dụng được tải nhiều nhất trên App Store. Tuy nhiên chỉ trong hơn 1 tháng qua, đã có 2 lần số lượt tải WeChat tăng vọt, theo số liệu của Sensor Tower. Đó là ngày 7/8, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh cấm giao dịch với WeChat, TikTok trong 45 ngày; và ngày 18/9, khi lệnh cấm chính thức được ban hành.
"WeChat tại Mỹ sẽ bị đóng tất cả các chức năng", Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross chia sẻ trên kênh Fox Business.
Theo đại diện của Bộ Thương mại Mỹ, họ không yêu cầu người đang dùng các ứng dụng phải xóa hoặc ngừng sử dụng. Tuy nhiên, họ sẽ không thể tải lại hoặc cập nhật TikTok hoặc WeChat. Các giao dịch thực hiện qua WeChat cũng sẽ bị cấm tại Mỹ sau ngày 20/9. Điều đó có nghĩa là người dùng tại Mỹ sẽ không thể gửi tiền cho người khác qua tài khoản WeChat.
Các công ty cung cấp máy chủ cho WeChat tại Mỹ cũng sẽ phải ngừng giao dịch, đồng nghĩa ứng dụng này sẽ không hoạt động tốt tại Mỹ nữa. Người Mỹ cũng sẽ không thể tải về các bản cập nhật WeChat trong tương lai.
"Ngay lập tức, người dùng có thể gặp lỗi hoặc thiếu chức năng trên WeChat. Ứng dụng vẫn có thể dùng được, nhưng sẽ không đầy đủ chức năng như trước", một đại diện của Bộ Thương mại Mỹ giải thích với Reuters cách mà nước này sẽ chặn WeChat.
Không chỉ dùng để liên lạc, WeChat còn có chức năng thanh toán, chuyển tiền và rất nhiều tính năng khác. Ảnh: Reuters.
Bên ngoài nước Mỹ, các chức năng của WeChat không bị hạn chế. Việc cấm WeChat tại Mỹ sẽ chỉ khiến cho phương tiện kết nối người Trung Quốc tại Mỹ bị đứt gãy.
Cuộc sống của người Trung Quốc tại Mỹ bị đảo lộn
Tuy đã có thông tin từ đầu tháng 8, lệnh cấm chính thức do Bộ Thương mại Mỹ công bố cũng khiến nhiều người Mỹ gốc Trung Quốc bất ngờ. Cuộc sống của họ quá phụ thuộc vào WeChat, và họ vẫn chưa nghĩ ra được ứng dụng nào khác thay thế để liên lạc với người thân ở Trung Quốc. Facebook, Google hay Twitter đều bị chặn hoặc không cung cấp dịch vụ tại Trung Quốc.
"Đây là cách làm giống hệt Trung Quốc", Lan Xuezhao, người làm việc trong ngành đầu tư tại San Francisco chia sẻ. Bà Lan về Trung Quốc mỗi năm một lần, và nhận xét rằng trải nghiệm công nghệ tại 2 quốc gia là ngày càng khác biệt. Nhiều người thân lớn tuổi của bà Lan vẫn dùng WeChat và không muốn phải đổi sang ứng dụng khác.
"Những người như tôi không có cách nào sống thiếu WeChat. Nó đã trở nên quá quan trọng", người phụ nữ này chia sẻ trên New York Times.
Tác động của lệnh cấm WeChat sẽ lớn hơn rất nhiều so với TikTok. Ảnh: AP.
Đối với những người không thể thiếu WeChat như bà Lan, lựa chọn duy nhất trong thời gian tới có thể là sử dụng ứng dụng mạng riêng ảo hay VPN. Bằng cách này, họ có thể tiếp tục dùng WeChat tại Mỹ. VPN cũng là công nghệ quen thuộc với những người muốn truy cập Google, YouTube hay Facebook ở Trung Quốc.
Trong mùa dịch, khi các chuyến bay bị cấm, WeChat là phương tiện liên lạc quan trọng của những người gốc Trung Quốc. Ngoài tính năng gọi người thân, nhiều người cũng phải sử dụng WeChat để liên lạc với các khách hàng tại Trung Quốc.
"Tôi không biết phải làm gì. Sống làm sao được đây", Hong Allen, chuyên gia dinh dưỡng sống tại Washington, người có nhiều khách hàng tại Trung Quốc chia sẻ.
QQ, ứng dụng nhắn tin cũng thuộc về Tencent có thể là lựa chọn tốt thứ hai cho những người gốc Trung Quốc. FaceTime cũng là một sự lựa chọn khác, vì ứng dụng của Apple không bị cấm tại nước này. Tuy nhiên, tất cả đều khó so sánh với WeChat, một siêu ứng dụng đã quá quen thuộc và cần thiết với người gốc Trung.
"Điều chúng tôi lo sợ đã trở thành hiện thực. Dù hứa hẹn rằng sẽ không làm ảnh hưởng tới người dùng cá nhân, chính phủ Mỹ lại cấm hoàn toàn WeChat", nhóm có tên Liên minh người dùng WeChat tại Mỹ cho biết. Nhóm này đã đưa đơn yêu cầu Bộ Thương mại Mỹ thay đổi quyết định lên tòa án tại San Francisco.
Link nguồn: https://zingnews.vn/my-danh-sap-cau-noi-internet-cua-hang-trieu-dan-trung-quoc-post1132910.html
Cạm bẫy ở sân bay Thái Lan
Hàng loạt du khách nước ngoài bị buộc tội trộm đồ ở khu hàng miễn thuế tại sân bay quốc tế tại Bangkok, Thái Lan, và phải trả nhiều tiền để đổi lấy tự do.