RSS

Nghị sĩ Anh: Đóng kín biên giới, di dân càng rơi vào tay bọn tội phạm

06:00 05/11/2019

Ủy ban chuyên trách ngoại vụ Anh nhận định những chính sách tập trung đóng cửa biên giới của Anh sẽ phản tác dụng và kêu gọi chính phủ Anh thay đổi cách tiếp cận.

Ngày 4-11, báo Guardian dẫn đánh giá của các nghị sĩ Anh cho rằng vụ phát hiện 39 thi thể trong xe container ở hạt Essex (Anh) nên trở thành "hồi chuông cảnh tỉnh với chính phủ Anh để cân nhắc lại cách tiếp cận với vấn đề di cư".

Nghị sĩ Anh: Đóng kín biên giới, di dân càng rơi vào tay bọn tội phạm - Ảnh 1.

Cảnh sát Anh cho biết đang trong quá trình xác nhận danh tính chính thức các nạn nhân trong container ở hạt Essex hôm 23-10 - Ảnh chụp màn hình PA

Những lo ngại của các nghị sĩ đã được phản ánh trong một báo cáo mới của Ủy ban chuyên trách ngoại vụ Anh (FASC) - một trong nhiều ủy ban chuyên trách của Hạ viện Anh.

Các nghị sĩ cho rằng những chính sách tập trung đóng cửa biên giới sẽ khiến các di dân lựa chọn những con đường nguy hiểm hơn để vào Anh và đẩy họ vào tay bọn đưa người nhập cư lậu.

"Vụ phát hiện 39 thi thể trong xe container ở hạt Essex đã khiến tất cả chúng ta sốc. Toàn bộ câu chuyện sẽ chưa sáng tỏ trong một khoảng thời gian, nhưng đây không phải là thảm kịch duy nhất" - nghị sĩ Tom Tugendhat, chủ tịch Ủy ban chuyên trách ngoại vụ Anh, nhận định.

Ông nói rằng trước khi chính thức rời Liên minh châu Âu (Brexit), các quan chức Anh nên tiếp tục tham gia các cuộc họp của Liên minh châu Âu về vấn đề di cư.

"Ngày nay, hàng trăm gia đình trên khắp thế giới đang mất đi những người thân yêu của mình. Những người này bị buộc phải chọn canh bạc chí mạng khi giao phó mạng sống cho những kẻ đưa người nhập cư lậu. Vụ việc này nên là hồi chuông cảnh tỉnh với Bộ Ngoại giao và chính phủ Anh" - ông Tom Tugendhat đánh giá.

Nghị sĩ Anh: Đóng kín biên giới, di dân càng rơi vào tay bọn tội phạm - Ảnh 2.

Nghị sĩ Tom Tugendhat, chủ tịch Ủy ban chuyên trách ngoại vụ Anh - Ảnh chụp màn hình báo Guardian

Nghị sĩ này cũng nói thêm: "Nước Anh có một lịch sử đầy tự hào về việc giúp đỡ những người chạy trốn khỏi xung đột và ngược đãi, cũng như hợp tác với các bên khác để bảo vệ quyền con người. Chúng ta nên lãnh đạo bằng cách làm gương".

Trong khi đó, Đài BBC dẫn lời một người phát ngôn chính phủ Anh khẳng định: "Việc giải quyết nạn buôn người tại mỗi giai đoạn trong hành trình di cư - ở nước ngoài, tại biên giới Anh và bên trong lãnh thổ Anh - là một ưu tiên chính" của nước này.

"Nước Anh làm điều này bằng cách giải quyết vấn đề di cư bất hợp pháp, từ việc giảm các nhân tố dẫn đến di cư - xung đột, bất ổn, nghèo đói - cho tới tăng cường an ninh biên giới và các hoạt động chống buôn người" - người phát ngôn chính phủ Anh nói.

Người này cho biết chính phủ và các cơ quan thực thi pháp luật của Anh hiện làm việc chặt chẽ với các đối tác quốc tế, các quốc gia trung chuyển chính và những nước là nơi xuất phát của các di dân để chống lại ngành công nghiệp phi pháp toàn cầu này.

Nguồn: Tuoitre.vn

Cạm bẫy ở sân bay Thái Lan

Cạm bẫy ở sân bay Thái Lan

Hàng loạt du khách nước ngoài bị buộc tội trộm đồ ở khu hàng miễn thuế tại sân bay quốc tế tại Bangkok, Thái Lan, và phải trả nhiều tiền để đổi lấy tự do.