RSS

Ngôi sao Mỹ giúp người Việt nổi tiếng với nghề nail

05:00 08/08/2020

Người Mỹ dễ dàng nhận ra Tippi Hedren qua vai diễn trong bộ phim kinh dị The Birds, nhưng đối với cộng đồng người Việt, bà là người đặt nền móng cho ngành công nghiệp nail làm nên tên tuổi họ.

40 năm trước, nữ diễn viên Hollywood đến thăm Làng Hy Vọng của người Việt gần Sacramento, California. Trước chuyến đi, Hedren đã băn khoăn suy nghĩ về việc đào tạo một kỹ năng hay ngành nghề nào đó để giúp họ tự nuôi sống bản thân ở nước Mỹ.

Khi gặp một nhóm phụ nữ người Việt, bà ngạc nhiên nhận thấy họ rất say mê móng tay của mình.

Ngôi sao Hollywood Tippi Hedren. Ảnh: chicago reader

"Chúng tôi đang cố gắng định hướng nghề nghiệp cho họ. Tôi đưa đến một người thợ may và một người đánh máy, bất kỳ cách nào để họ học được nghề gì đó. Và họ thích những chiếc móng tay của tôi", Hedren, ngôi sao hiện đã 85 tuổi, kể.

Thuan Le là một trong những phụ nữ có mặt vào thời khắc đó.

"Nhóm chúng tôi đứng gần cô ấy và nhìn thấy móng tay của cô ấy rất đẹp", bà nhớ lại. "Chúng tôi nói chuyện với nhau. Tôi nhìn vào mắt Hedren và biết rằng cô ấy đang suy nghĩ điều gì đó. Cô ấy bảo 'à, các chị có thể học làm móng' ". Chúng tôi nhìn nhau còn cô ấy nói 'đúng, sơn sửa móng'".

Hedren thành lập viện thẩm mỹ riêng và mở một lớp học địa phương để dạy cho 20 phụ nữ cách làm móng tay. Nhiều người trong số đó sau này định cư ở Nam California và cung cấp dịch vụ chăm sóc móng với mức giá thấp hơn các đối thủ cạnh tranh. Điều này đã làm thay đổi nhanh chóng và mạnh mẽ bộ mặt của ngành công nghiệp làm móng trong khu vực.

 

Hedren (áo vàng hàng cao nhất) và các học viên của khóa học làm móng đầu tiên năm 1975. Ảnh: Thuan Le

Mỗi bộ móng ở các mỹ viện sang trọng có giá 50 USD, nhưng ở salon của người Mỹ gốc Việt có giá thấp hơn 30-50%, theo tạp chí Nails. Hiện nay, ngành công nghiệp nail trị giá 8 tỷ USD và 80% thợ làm móng ở Nam California, 51% trên cả nước Mỹ, là người Việt. Nhiều người trong các thợ làm móng đó là "hậu duệ" của 20 phụ nữ mà Hedren gặp từ thuở ban đầu.

Nghề nail không chỉ giúp nhiều người có cuộc sống ổn định ở Mỹ, với thu nhập khoảng 645 USD một tuần theo số liệu năm 2014, mà còn tạo điều kiện để họ gửi tiền về cho gia đình ở Việt Nam. Le nhớ lại khi mới bắt đầu vào nghề, cô cố gắng gửi 50-100 USD về nhà hàng tháng, dù tiền lương chỉ vừa đủ để cô nuôi sống bản thân mình.

Tam Nguyen - người sáng lập kiêm chủ tịch một trường mỹ viện ở Garden Grove và Laguna Hills, California, có mẹ là bạn thân của bà Le, cho hay theo những gì ông thấy, gần như mọi người Mỹ gốc Việt làm nail hiện nay vẫn gửi tiền về cho người thân ở nhà.

Lượng kiều hối hiện chiếm 8% nền kinh tế Việt Nam và dự kiến đạt 14 tỷ USD trong năm nay, tăng 2 tỷ USD so với năm ngoái, theo Reuters. Một nửa số tiền này đến từ Mỹ.

"Đó là động lực của họ", ông cho biết. "Tôi đã nói chuyện với nhiều người Việt tốt nghiệp nghề làm móng giống như thế. Họ nói: 'Tôi cần phải làm việc ngay và có công việc ổn định để gửi tiền về cho cha mẹ và anh em' ".

 

Một tiệm chăm sóc móng của người Việt ở California. Ảnh: kcet

Theo Nguyen, thành công của người gốc Việt trong ngành công nghiệp làm đẹp xuất phát từ một số yếu tố, như tinh thần kinh doanh và sự tỉ mẩn của họ, nhưng đặc biệt là quan điểm làm việc không ngại khó ngại khổ. "Can đảm cũng như quyết tâm thành công và tạo ra cuộc sống tốt hơn cho bản thân, đó là xuất phát điểm thực sự của tinh thần người Việt".

 Có thể người Mỹ gốc Việt sẽ thành công với bất kỳ nghề gì mà Hedren dạy cho những phụ nữ mà bà gặp vào ngày đó nhưng những bàn tay của người Nam California sẽ mãi mãi biết ơn Thuan Le vì đã chú ý đến móng tay của ngôi sao Hollywood.

Nguồn: VnExpress.net

Cạm bẫy ở sân bay Thái Lan

Cạm bẫy ở sân bay Thái Lan

Hàng loạt du khách nước ngoài bị buộc tội trộm đồ ở khu hàng miễn thuế tại sân bay quốc tế tại Bangkok, Thái Lan, và phải trả nhiều tiền để đổi lấy tự do.