Nhiều người Italy tháo chạy từ trước lệnh phong tỏa
Hàng nghìn người hoảng loạn tìm cách rời khỏi vùng Lombardy khi nghe tin chính phủ Italy áp lệnh phong tỏa hơn 16 triệu dân để ngăn Covid-19.
Cả vùng Lombardy, bao gồm thủ phủ Milan, và 14 tỉnh khắp khu vực phía bắc Italy, những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của Covid-19, hôm 8/3 bị áp lệnh phong tỏa cho đến ngày 3/4, khi số ca tử vong tăng từ 233 lên 366, mức tăng hơn 50% chỉ trong 24 giờ.
Người dân di chuyển tại ga tàu thành phố Milan hôm 8/3. Ảnh: AFP.
Từ chiều 7/3, hàng nghìn người đã vội vàng đổ ra các ga tàu hoặc lên ôtô rời đi sau khi dự thảo lệnh phong tỏa các khu vực trên được tờ Corriere della Sera tiết lộ. Sáng 8/3, hàng chục cảnh sát và nhân viên y tế đeo khẩu trang, mặc đồ bảo hộ chờ sẵn ở các ga tàu ở Lombardy để ngăn những hành khách di tản về khu vực phía nam né lệnh phong tỏa.
"Thông tin bị rò rỉ đã khiến nhiều người cố gắng bỏ trốn, gây phản tác dụng với mục tiêu mà lệnh phong tỏa đề ra", Roberto Burioni, giáo sư vi sinh học và virus học tại đại học Vita-Salute San Raffaele ở Milan, nói. "Nếu không may, một số người bỏ trốn sẽ bị nhiễm bệnh".
Nhiều người vội vã rời khỏi thành phố Milan đêm 7/3 khi thông tin về lệnh phong tỏa bị rò rỉ. Video: Reuters
Các vùng Lombardy, Emilia-Romagna và Veneto chiếm 85% trong tổng số 7.375 ca nhiễm hiện nay ở Italy và hơn 90% số ca tử vong. Vùng Puglia ở phía nam ghi nhận 26 ca, trong khi các tỉnh Basilicata và Calabria chỉ 3 và 4 ca.
Michele Emiliano, thống đốc vùng Puglia, hôm qua đã ký lệnh buộc tất cả những người đến từ các vùng phía bắc Italy trong những giờ qua phải cách ly.
"Hãy xuống tàu ở ga đầu tiên, đừng lên máy bay tới các thành phố Bari và Brindisi, hãy lái xe quay lại, hãy rời khỏi xe buýt ở bến tiếp theo", ông viết trên Facebook, nhắc nhở những người đang cố rời khỏi khu vực phía bắc. "Đừng mang dịch bệnh ở Lombardy, Veneto và Emilia đến Puglia của chúng tôi. Các bạn đang đưa virus vào phổi của anh chị em, ông bà, cô chú, bố mẹ, anh chị em họ của các bạn".
Theo sắc lệnh phong tỏa, cảnh sát và các lực lượng vũ trang sẽ tuần tra các điểm ra vào vùng Lombardy, như ga tàu, lối ra vào đường cao tốc, cũng như các khu vực biên giới của 14 tỉnh. Người dân chỉ được phép rời khỏi những khu vực này trong trường hợp khẩn cấp và có thể bị phạt tiền và phạt tù tới 3 tháng nếu vi phạm lệnh cấm.
Vùng Lombardy và các tỉnh thuộc diện phong tỏa ở Italy. Đồ họa: 9News.
Tuy nhiên, giới chức địa phương chưa quyết định liệu có hoãn hoạt động hàng không hay không. Hãng hàng không Italy Alitalia tuyên bố sẽ đình chỉ tất cả chuyến bay nội địa và quốc tế từ sân bay Malpensa của Milan và chỉ duy trì một lượng nhỏ chuyến bay nội địa từ sân bay Linate của thành phố này.
Tuy nhiên, các trận đấu thuộc giải Serie A vẫn được tổ chức ở các sân không khán giả, dù Bộ trưởng Thể thao Italy đã kêu gọi ngừng giải đấu. 3 tù nhân đã thiệt mạng sau một cuộc bạo loạn trong nhà tù thành phố Modena, vùng Emilia sau khi có sắc lệnh khẩn cấp cấm các chuyến thăm thân nhằm ngăn ngừa lây lan virus.
Một số người ở lại vùng cách ly đã bày tỏ ủng hộ với các biện pháp nhằm kiểm soát ổ dịch ở Italy.
"Tất nhiên, tôi cảm thấy khá hoang mang và lo sợ", Alessia Scoma, 30 tuổi, làm tư vấn kinh doanh ở Milan, nói. "Nhưng tôi đồng tình với biện pháp này và cảm thấy xấu hổ thay những người đã rời Lombardy và bỏ trốn một cách vô trách nhiệm. Họ có thể lây nhiễm cho người thân và đó là điều tôi không bao giờ có thể tha thứ".
Bên ngoài khu vực cách ly, nhiều người bày tỏ lo lắng.
"Mẹ tôi ở Bergamo (tỉnh Bergamo, vùng Lombardy)", Francesca Nava, 45 tuổi, ở Rome, nói. "Bà ấy 70 tuổi rồi và đang bị bệnh nặng. Ý nghĩ không thể gặp mẹ trong vài tuần hoặc có thể vài tháng và nhỡ có chuyện gì xảy ra với bà ấy khiến tôi thấy khó thở và hoàn toàn bất lực".
Ricciardi, một trong những nhà khoa học tham gia ký vào sắc lệnh phong tỏa, cho rằng thông tin bị rò rỉ và gây hoảng loạn khi Thủ tướng Giuseppe Conte gửi bản dự thảo kế hoạch cho các khu vực để chờ họ chấp thuận.
Ông Conte gọi việc rò rỉ thông tin là "không chấp nhận được". "Thông tin này đã tạo ra sự bất ổn, bất an và hoang mang, chúng ta không thể dung thứ", ông nói trong một cuộc họp báo sáng qua.
Italy đã đóng cửa tất cả trường học trên toàn quốc. Các rạp chiếu phim, rạp hát, phòng gym, bể bơi, khu trượt tuyết đều sẽ ngừng hoạt động. Các quán bar, nhà hàng có thể mở cửa từ 6h đến 18h, nhưng phải đảm bảo đủ không gian cho khách hàng đứng cách nhau ít nhất một mét. Các đám cưới và đám tang đã bị cấm ở những khu vực có dịch. Tuy nhiên, giao thông công cộng ở tất cả các khu vực đang bị phong tỏa dự kiến vẫn được duy trì.
Đường ra sân bay Linate ở thành phố Milan không bóng người hôm 8/3. Ảnh: AFP
Beppe Sala, thị trưởng Milan, kêu gọi người dân "thay đổi lối sống". "Xin hay ở yên trong nhà nhiều nhất có thể", ông nói. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo những hậu quả của lệnh phong tỏa
"Chúng ta đang đối mặt với tình trạng khẩn cấp, nhưng việc phong tỏa một phần tư đất nước sẽ gây ra thiệt hại không thể đo đếm được với các gia đình Italy. Người dân có nguy cơ mất việc. Tôi hy vọng chính phủ sẽ nhanh chóng kích hoạt các quỹ. Dù muốn hay không, Milan vẫn là trái tim của quốc gia này".
Giáo sư Burioni cho rằng việc hy sinh lối sống quen thuộc là cần thiết để để kiềm chế sự lây lan của virus.
"Việc quan trọng nhất bây giờ là mỗi người trong chúng ta hãy ở nhà", ông nói. "Hãy tránh những giao tiếp xã hội không cần thiết nhiều nhất có thể. Chúng ta có trách nhiệm làm những gì cần thiết để ngăn chặn sự lây nhiễm. Chúng ta đã thấy chính sách nghiêm ngặt ở Trung Quốc có tác động rất tốt. Chúng ta cần phải làm như vậy".
Anh Ngọc (Theo Guardian)
Link nguồn: https://vnexpress.net/the-gioi/nhieu-nguoi-italy-thao-chay-tu-truoc-lenh-phong-toa-4066259.html
Cạm bẫy ở sân bay Thái Lan
Hàng loạt du khách nước ngoài bị buộc tội trộm đồ ở khu hàng miễn thuế tại sân bay quốc tế tại Bangkok, Thái Lan, và phải trả nhiều tiền để đổi lấy tự do.