RSS

Nhìn ra thế giới: Với những lý do này, Thụy Sĩ quả xứng đáng là ‘quốc gia đáng sống’ trên thế giới

06:39 11/09/2018

Nhỏ bé, bình yên nhưng lại cực kỳ giàu có và thịnh vượng, Thụy Sĩ là vùng đất kết hợp hài hoà giữa truyền thống và hiện đại. Thuỵ Sĩ như một bức tranh ghép từ những địa danh khó quên, những vùng đất đẹp như mơ và những ngọn núi hùng vĩ. Không những thế, đất nước này còn có những điều kỳ lạ cực thú vị khác mà không phải ai cũng biết. Hãy cùng chúng tôi khám phá xem đó là điều gì nhé.

Ảnh: leafly.com

Thuỵ Sĩ là một quốc gia không giáp biển thuộc Tây Âu với dân số khoảng 7,5 triệu người. Thụy Sĩ là quốc gia theo thể chế Cộng hoà liên bang gồm 26 bang với thủ đô là thành phố Bern, với hai trung tâm kinh tế lớn là Geneva và Zurich. Do vị trí địa lý đặc biệt, nằm giữa nhiều nước lớn nên ngôn ngữ được sử dụng ở Thuỵ Sĩ rất đa dạng với 4 ngôn ngữ chính gồm: tiếng Đức, tiếng Ý, tiếng Pháp và tiếng Romansh.

Đất nước an toàn nhất thế giới

Thuỵ Sĩ có lịch sử về sự trung lập, đất nước này không xảy ra bất cứ một cuộc chiến tranh nào từ năm 1815 cho đến nay. Vì vậy, không khó hiểu vì sao đất nước này lại được các tổ chức quốc tế quan trọng trên thế giới như: trụ sở Liên Hợp Quốc tại Châu Âu, Uỷ ban Chữ thập đỏ quốc tế, tổ chức Thương mại thế giới,… chọn làm địa điểm đặt trụ sở chính.

Ngoài ra, để đề phòng trường hợp có chiến tranh hạt nhân xảy ra, Thụy Sĩ đã xây dựng sẵn các hầm trú ẩn và lô cốt từ thành thị cho đến nông thôn, đáp ứng đủ chỗ cho 100% dân số. Vì vậy, nếu có chiến tranh xảy ra, người dân Thuỵ Sĩ vẫn sẽ luôn được an toàn.

Ảnh: blogs.bl0rg.net

 

Ảnh: lemanbleu.ch

Hơn thế nữa, trong trường hợp có chiến tranh, các đường cao tốc có thể trở thành đường băng để máy bay có thể hạ cánh, bằng cách tháo bỏ những con lươn dải phân cách. Điều này cũng chứng minh rằng cơ sở hạ tầng ở Thuỵ Sĩ cực kỳ tốt.

Ảnh: ivivu.com

Một điều khá đặc biệt, khu vực quân đội của Thuỵ Sĩ không phô trương, không xây dựng to lớn như những quốc gia khác mà lại cải trang thành nhà dân, nằm ngay trong những ngôi làng, sống hòa mình vào với người dân để đảm bảo an toàn cho họ. Không những thế, lực lượng quân đội này có thể ứng phó với tình huống khẩn cấp ngay lập tức.

Ảnh: internasional.kompas.com

Bề ngoài thể hiện sự yên bình, nhưng không phải yếu kém, lực lượng quân đội Thụy Sĩ có thể phản ứng rất nhanh, cho nên khi du lịch đến đây mọi người nên lưu ý cụm từ “Don’t mess with S” tạm dịch là đừng gây rối với Thụy Sĩ.

Chất lượng cuộc sống thuộc top đầu thế giới

Theo những khảo sát của các nhà khoa học hay báo chí truyền thông về chỉ số chất lượng cuộc sống, Thụy Sĩ là quốc gia tốt nhất để sinh con. Điều này dựa vào các yếu tố như mức độ tội phạm, chất lượng cuộc sống, chăm sóc sức khoẻ,…

Ảnh: informationng.com

Cũng theo tổ chức Y tế thế giới WHO, người dân Thuỵ Sĩ có tuổi thọ cao thứ 2 thế giới với tuổi thọ trung bình của nam giới và nữ giới lần lượt là 81,3 và 85,3 tuổi, chỉ đứng sau Nhật Bản. Ngoài ra, bạn hoàn toàn có thể yên tâm khi đến với quốc gia này, vì nơi đây có tỉ lệ tội phạm thấp nhất thế giới.

Ảnh: lonelyplanet.com

Đặc biệt, dù thời gian làm việc thấp nhưng Thuỵ Sĩ nằm trong top những nước có thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới. Theo Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), người Thụy Sĩ làm việc trung bình 35,2 giờ trên một tuần. Trong khi đó số giờ làm việc trung bình ở Anh là 36,4, ở Tây Ban Nha là 38, ở Hy Lạp là 42,1 và ở Thổ Nhĩ Kỳ là 48,9 giờ. Thế nhưng, mức thu nhập trước thuế trung bình của người lao động ở đất nước này rơi vào khoảng 6.502 france mỗi tháng (tương đương $6.497). Quả là một con số đáng mơ ước phải không nào?

Đồng hồ Thuỵ Sĩ

Nhắc đến Thuỵ Sĩ mà không nói đến đồng hồ, quả thật là một thiếu sót vô cùng lớn. Thành phố Geneva, ngay từ thế kỷ 16 đã nổi tiếng với ngành sản xuất đồng hồ. Để kêu gọi dân chúng từ bỏ thói quen đeo trang sức, cải cách tôn giáo Jean Calvin đã vận động giới thợ kim hoàn chuyển sang sản xuất đồng hồ khiến số lượng nghệ nhân ở đây tăng lên đáng kể. Sau một thế kỷ, những người làm đồng hồ ở Geneva nhiều tới nỗi một số phải tìm tới vùng khác để mưu sinh. Ngay từ khi mới ra đời, các yêu cầu về chất lượng đồng hồ ở Thụy Sĩ được theo dõi rất nghiêm ngặt. Để trở thành thợ đồng hồ lành nghề đúng nghĩa, một người sau khi học việc năm năm phải làm được một chiếc đồng hồ nhỏ có chuông báo thức đeo trên cổ và một chiếc đồng hồ đặt bàn với kích thước khác biệt.

Ảnh: ablogtowatch.com

Đến thế kỷ 19 và 20, chất lượng và độ chính xác đồng hồ Thụy Sĩ đạt mốc phát triển mới, đưa đẳng cấp của chúng vươn ra thế giới. Một loạt thương hiệu tên tuổi như Omega, Rolex ra đời vào thời gian này. Không những thế, Thụy Sĩ là một trong những nước đầu tiên sản xuất đồng hồ đeo cổ tay. Năm 1903, hãng Dimier Freres & Cie đăng ký bằng sáng chế thiết kế đồng hồ đeo tay và biến nó trở thành tiêu chuẩn trong ngành công nghiệp như ngày hôm nay.

Ảnh: watchswiss.com

Bạn sẽ phải ngạc nhiên khi biết nơi đây mới chính là nơi sở hữu mặt đồng hồ lớn nhất Châu Âu, và tất nhiên là to hơn cả Big Ben rồi.

“Đến Đức mua ô tô, tới Thuỵ Sĩ mua đồng hồ”, đây là câu nói mà các quý ông sành điệu thường rỉ tai nhau mỗi khi đề cập đến các thú chơi của phái mạnh. Thụy Sĩ là đất nước thống trị ngành sản xuất đồng hồ trên thế giới và tất nhiên người Thụy Sĩ rất đúng giờ.

Sôcôla và phomat

Thuỵ Sĩ là nơi sáng tạo ra công thức sôcôla sữa đầu tiên trên thế giới cách đây hơn một thế kỷ. Dù đất nước nhỏ bé này không có khí hậu nhiệt đới nhưng lại nổi tiếng với nghệ thuật chế biến sôcôla nhờ nguồn sôcôla sữa ngon nhất thế giới được tạo ra từ loại sữa và kem mịn thượng hạng. Chính vì vậy, không có quốc gia làm sôcôla ngon được như Thuỵ Sĩ. Mỗi người dân Thuỵ Sĩ tiêu thụ trung bình gần 12kg sôcôla mỗi năm, một kỷ lục thế giới. Một khi đã nếm thử, thật khó để từ chối loại kẹo ngọt lừng danh ở nơi đây.

Ảnh: pinterest.co.kr

Ngoài sôcôla, những người sành ăn còn bị thu hút bởi phomat Thuỵ Sĩ. Là quê hương của 450 loại phô mai khác nhau, người Thuỵ Sĩ gọi phomat của mình bằng cái tên mang nghĩa “phomat từ đồng cỏ vùng núi cao”. Các bậc thầy làm phomat lui về các căn nhà gỗ ở vùng núi cao để tạo ra những miếng phomat đặc biệt. Họ đều làm phomat theo các bước truyền thống từ xưa. Thợ làm phomat đưa bò lên chăn thả ở núi Alps Thuỵ Sĩ trong 5 tháng, sữa nguyên chất được lấy từ đàn bò này dùng để làm phomat. Phomat ở nơi đây phải trải qua quá trình phân loại và “làm chín” trong vòng 6 tháng. Các viên phomat nặng 10kg ở đây có thể “sống” trong vòng 10 năm. Vì vậy, phomat Thuỵ Sĩ được coi là “vua của các loại pho mát”.

Ảnh: pinsdaddy.com
Ảnh: hangttle.wordpress.com

Thậm chí ở Mỹ người ta còn tạo ra một loại phô mai có tên là Swiss cheese vì nó có vị giống như loại phô mai Emmental của Thụy Sĩ.

Năm điều cấm trong giao tiếp

Cư dân Thuỵ Sĩ với những phẩm chất khác biệt đã làm nên những con người văn minh và lịch sự. Nhưng trước khi đến nơi đây, bạn nên biết về 5 điều cấm kỵ trong giao tiếp của người Thuỵ Sĩ để trở thành những vị khách du lịch đáng mến trong mắt người dân bản địa nhé.

Chó là nhân viên cứu hộ

Saint Bernard hay còn có những tên gọi khác như St. Barnhardshund, Alpine Mastiff và Bernhardiner là một giống chó khá cổ xưa cách đây khoảng 1000 năm. Chúng có nguồn gốc từ vùng dãy núi Alps nối liền giữa Ý và Thuỵ Sĩ, là kết quả giao phối giữa giống chó ngao Tây Tạng, các loài chó bản địa của Thuỵ Sĩ với giống Great Dane và chó núi Pyrenees. Giống chó này được xem là một phần của lịch sử trong nền văn hóa Thụy Sĩ.

Ảnh: pilotguides.com

Saint Bernard có tính cách nhẹ nhàng hơn ngoại hình của nó rất nhiều. Không quá vui tươi, hiếu động hay hung dữ như những dòng chó khác, loài chó này lại có một bản tính rất ôn hòa, tốt bụng, tình cảm và thân thiện, chúng có thể chăm sóc những người thân yêu trong gia đình, đặc biệt là người già, trẻ em và kể cả bệnh nhân, người khuyết tật.

Giống chó Saint Bernard trở nên nổi tiếng trên thế giới vào giữa thế kỉ 17 khi tham gia cứu hộ trong vụ lở tuyết gần Hospice và đã cứu sống hơn 2000 người tại trận thảm họa này. Loài chó khổng lồ thường đeo trên cổ một bình rượu mạnh dùng để hồi sức và chống lạnh cho các nạn nhân bị tuyết vùi. Chúng có khả năng đánh hơi giúp chúng dễ dàng tìm kiếm những người mất tích dù họ có bị vùi dưới tuyết, và khả năng cảnh báo bão và lở tuyết.

Ảnh: flickr.com

Mỗi mùa đông, hàng triệu du khách trên thế giới lại đổ về đất nước Thụy Sĩ để trải nghiệm các loại hình thể thao như trượt tuyết, trượt băng, trượt với gậy ở đường bằng phẳng… Vậy nên, chính quyền địa phương ở Thuỵ Sĩ đã sử dụng giống chó này như những nhân viên cứu hộ đắc lực để bảo vệ sự an toàn cho các du khách. Và nếu bạn có ý định chụp ảnh với những chú chó này tại đây thì xin chia buồn, vì chính quyền nơi đây đã chính thức ban hành lệnh cấm chụp ảnh tự sướng với loài chó này do e ngại tác động của con người sẽ ảnh hưởng đến lũ chó và khiến chúng bị stress trong lúc làm nhiệm vụ.

Với những cống hiến của loài chó Saint Bernard, chúng đã được Hiệp hội chó giống Mỹ công nhận vào năm 1885 và trở thành loài chó cứu hộ, chó bảo vệ và làm việc trong các cơ quan giám sát chuyên nghiệp.

Bên cạnh đó, có một điều mà ít ai biết, nếu muốn nuôi chó ở Thuỵ Sĩ bạn sẽ phải đóng thuế. Có lẽ, bạn sẽ thấy buồn cười nhưng đây là sự thật. Các khoản thuế phải đóng hàng năm của người dân được xác định dựa trên cân nặng và kích thước của chú chó được nuôi. Ngoài ra, người dân còn phải tham gia và đáp ứng yêu cầu của một khoá huấn luyện, để biết cách làm thế nào chăm sóc vật nuôi một cách tốt nhất.

Đập nước lớn nhất Châu Âu

Thuỵ Sĩ có khoảng 219 đập nước nhưng nổi tiếng nhất là đập Grande Dixence, được xây dựng trên sông Dixence, một phụ lưu trên thượng nguồn sông Rhône trong vùng núi Alps phía tây nam Thụy Sĩ gần biên giới với nước Pháp. Khai trương vào năm 1957, công trình này đạt rất nhiều kỷ lục, là đập bê tông trọng lực cao nhất thế giới với chiều cao 285m. Cho đến nay vẫn chưa có công trình nào sánh bằng, trọng lượng nặng nhất với 15 triệu tấn, nặng hơn cả Kim tự tháp.

Ảnh: myswitzerland.com

Đập nước lớn nhất của Châu Âu – Grande Dixence ra đời, nhằm thu dẫn nước sông băng để đảm bảo nguồn cung cấp nước và năng lượng cho Thuỵ Sĩ. Đập nước này lưu trữ nước của 35 dòng sông băng. Đập được vận hành trong Tổ hợp Thủy điện Cleuson – Dixence với công suất 2069MW đạt sản lượng điện hàng năm 2000GWh.

Ảnh: atlasofplaces.com

Dao tiện ích Thụy Sĩ

Bắt nguồn từ sở thích leo núi, cắm trại của người bản địa, năm 1891, Thụy Sĩ đã sản xuất ra loại dao cá nhân được yêu thích nhất trên thế giới “Swiss Army Knife”. Với thiết kế nhỏ gọn, hữu dụng, dao tiện ích gồm có dao, kéo, mở rượu, muỗng, mở đồ hộp, tô vít, kìm, kính lúp, đột lỗ trên vải da, thậm chí cả tăm xỉa răng và nhíp nữa. Thế nhưng, không phải mọi thứ trên con dao đều do Thuỵ Sĩ chế tác, cái mở nút chai luôn luôn được sản xuất tại Nhật Bản. Những con dao này ngày một được phát triển thêm những tính năng mới để thỏa mãn nhu cầu của người mê du lịch tận hưởng cảm giác giữa thiên nhiên.

Bạn đừng quên sắm cho riêng mình một con dao như thế này nhé. Trong những chuyến đi du lịch đây chắc chắn là vật dụng không thể thiếu vì nó sẽ phát huy tác dụng vô cùng hữu ích trong nhiều hoàn cảnh đấy.

Ảnh: sobermanpower.wordpress.com

Dù chỉ là một đất nước nhỏ bé nhưng Thuỵ Sĩ quả thật có quá nhiều điều để chúng ta có thể khám phá và tìm hiểu. Hãy lên kế hoạch cho những chuyến phiêu lưu và khám phá những chân trời mới để thấy thế giới thật rộng lớn và bao la.

Nguồn: Dkn.tv

Cạm bẫy ở sân bay Thái Lan

Cạm bẫy ở sân bay Thái Lan

Hàng loạt du khách nước ngoài bị buộc tội trộm đồ ở khu hàng miễn thuế tại sân bay quốc tế tại Bangkok, Thái Lan, và phải trả nhiều tiền để đổi lấy tự do.