Những câu chuyện di trú Úc đằng sau các vụ b.ạo h.ành gia đình
Các con số thống kê từng cho thấy có một phần ba phụ nữ đã từng bị b.ạo h.ành thể xác hoặc t.ấn c.ông t.ình d.ục trong đời. Một vấn n.ạn đang được cảnh báo xảy ra rất nhiều trong cộng đồng di dân, trong đó có nhiều trường hợp có liên quan đến hồ sơ bảo lãnh vợ chồng.
Những trường hợp bị bạo hành và tìm đến Hội Phụ nữ người Việt ở Sydney nhờ sự giúp đỡ không phải là hiếm trong cộng đồng người Việt. Hội phụ nữ cho biết hầu như tuần nào hội cũng tiếp nhận các trường hợp bị bạo hành, và 98% nạn nhân trong số đó là phụ nữ.
Nạn bạo hành xảy ra ở bất kỳ gia đình nào, không phân biệt gia cảnh giàu nghèo, địa vị xã hội hay trình độ học thức. Và các hình thức bạo hành bao gồm cả bạo hành về thể xác, gây chấn thương cơ thể và cả những loại bạo hành để lại dư chấn lâu dài hơn rất nhiều như bạo hành về mặt tinh thần, xúc phạm, làm nhục hoặc đe dọa.
Và trong các trường hợp bạo hành đó, không hiếm những câu chuyện liên quan đến visa bảo lãnh định cư.
“Gần nửa số nạn nhân bạo hành là những phụ nữ đang ở Úc với visa tạm thời”
Số lượng những người gọi đến đường dây hỗ trợ trong trường hợp bạo hành không ngừng tăng lên trong những năm qua, từ 6,000 cuộc gọi trong tài khoá 2014 – 15 đã tăng lên gấp đôi ở năm sau đó.
Gần nửa số nạn nhân bạo hành là những phụ nữ đang ở Úc với visa tạm thời.
“Đó là vấn đề chung của những phụ nữ có visa tạm thời phải đối mặt. Lo sợ sẽ không có ai cưu mang, tiếng Anh hạn chế, hiểu biết pháp luật rất ít, và trên hết là lo sợ bị đuổi về nước,” cô Ánh Linh, phó chủ tịch Hội phụ nữ người Việt ở Sydney cho biết.
“Đôi khi người trong hội cũng biết chuyện và tìm cách can thiệp, nhưng chính nạn nhân lại không muốn được giúp đỡ và che giấu câu chuyện, nên chúng tôi cũng không thể làm gì hơn.”
Chị P., một phụ nữ 40 tuổi ở Việt Nam, đã từng li di và có con riêng. Chị làm quen một người đàn ông ở Úc qua mạng xã hội và đã được ông này bảo lãnh sang Úc theo diện vợ chồng. Đối với gia đình bà con ở Việt Nam, cuộc đời chị từ nay có lẽ sang trang khi lại một lần nữa kết hôn với người chồng mới ở một đất nước giàu có. Chị không hề biết rằng người chồng mới của chị cũng chỉ là một người thất nghiệp đang sống dựa vào trợ cấp xã hội.
Chị dự định sang Úc trước một thời gian, khi đã có giấy tờ sẽ bảo lãnh người con riêng sang sau. Chị nghĩ rằng mình nên biết ơn người đàn ông đã bảo lãnh chị vì ông ấy đã cho chị một cuộc sống mới. Và ngay khi người đàn ông này bắt đầu có những hành vi vũ phu, chị cũng cho rằng mình nên chấp nhận vì ảnh hưởng bởi nếp nghĩ của người Á Đông.
Những trận hành hạ kéo dài làm tổn thương cả thể xác và tâm lý, và hồ sơ bảo lãnh của chị thì vẫn đang chờ đợi không biết bao giờ mới có kết quả. Những lần như vậy người đàn ông này lại doạ sẽ không bảo lãnh nữa mà sẽ trả chị về nước. Mọi chuyện càng trở nên tồi tệ hơn khi ông này quay về với vợ cũ, càng ngày càng coi thường vợ mới và đánh đập càng nhiều hơn vì chị như cái gai trong mắt ông ta. Cho đến khi Hội phụ nữ biết chuyện can thiệp báo cảnh sát và họ đưa chị ra nhà trọ ở tạm vài ngày trong thời gian giúp chị xin visa nhân đạo.
Các sinh viên mong được lấy chồng để được ở lại cũng là nạn nhân
N. (nhân vật được giấu tên), một sinh viên tìm đến Hội phụ nữ nhờ giúp đỡ khi đã có thai với một người đàn ông Úc gốc Việt. Cô kể thời gian đầu cô sang Úc để du học, trong thời gian đó cô quen với một người đàn ông Việt có quốc tịch Úc. Hai người bắt đầu sống chung và người đàn ông này hứa hẹn sẽ bảo lãnh cho cô để được ở lại Úc.
Nhưng đến khi N. có thai thì bi kịch mới bắt đầu.
Lúc này visa sinh viên của N. đã hết hạn vì cô không đi học, N. trở thành người sống bất hợp pháp và hoàn toàn lệ thuộc vào người được cho là chồng mình. Thế nhưng kể từ lúc quen nhau đến lúc N. có thai, người đàn ông được coi là chồng chưa từng làm giấy tờ bảo lãnh cô, tất cả chỉ là những lời hứa hẹn ban đầu. Người này bắt đầu trở nên hung hãn và đánh đập cô, mỗi lần như vậy thường xuyên đe dọa sẽ không tiếp tục bảo lãnh để cô bị trục xuất về Việt Nam. Vì lo sợ, vì muốn ở lại Úc, N. đã phải cắn răng chịu đựng.
Sau khi N. sinh con trai, mẹ ông ta vì thích cháu trai nên đã nhận đứa bé nhưng nhất quyết không nhận N. là con dâu. N. bị đuổi ra khỏi nhà, không được sống gần con, và cô cũng không dám báo cảnh sát vì sợ bị trục xuất.
N. được giới thiệu đến Hội phụ nữ người Việt ở Sydney khi đã hoàn toàn tuyệt vọng. Được những thành viên của hội giúp đỡ tìm cho cô một chỗ ở tạm, thế nhưng hiện vẫn chưa rõ liệu cô có được gặp lại con và được ở lại Úc hay không.
Một trường hợp tương tự được chị Bích Thủy từ Hội Phụ nữ Á châu chia sẻ với SBS Việt ngữ cũng liên quan đến du học sinh. Một cô bé sinh viên trong thời gian đi học đã quen một người Úc, cô đã mong được người này bảo lãnh ở lại Úc nên đã chấp nhận có thai. Thế nhưng ngay khi cô vừa sinh con, người đàn ông này lập tức ngược đãi cô và không nhận con.
Cô bé sinh viên này không còn visa ở lại Úc vì bỏ học đã lâu, không nghề nghiệp, không tiền bạc và cho biết rất sợ quay về Việt Nam vì sợ gia đình la mắng. Hội phụ nữ Á châu khi đó đã quyên góp tiền để đến thăm em bé và đang tính đến chuyện nhờ luật sư giúp đỡ. Thế nhưng khi quay lại thì cô bé đã không còn ở chỗ cũ, không biết là chuyển đi nơi khác hay là đã quay về Việt Nam.
Những câu chuyện đáng buồn như vậy không phải hiếm gặp. Ước mơ được sống tại một đất nước văn minh hạnh phúc không có gì sai, nhưng con đường để thực hiện ước mơ ấy có lẽ rất nhiều rủi ro phải đánh đổi mà các cô gái trẻ không thể nào lường trước được hậu quả.
Pháp luật Úc bảo vệ nạn nhân bạo hành gia đình, dù bạn đang ở Úc với visa gì
Đa phần những nạn nhân bạo hành thường im lặng vì mặc cảm bản thân, hoặc vì họ bị đe doạ đến tính mạng và sự an nguy. Thậm chí, họ đôi khi cũng không biết rằng mình đang là nạn nhân của bạo hành gia đình.
Đặc biệt là xảy ra với những trường hợp kết hôn giả.
Bạo hành theo luật định nghĩa không chỉ là những hành động thô bạo gây tổn thương về thể xác như đánh đập, tát, mà còn mang nhiều ý nghĩa rộng hơn bao gồm la mắng, chửi bới hoặc đối xử lạnh nhạt với người bạn đời, ngăn cấm không cho tiếp xúc với gia đình và bạn bè, không cho tiền, buộc phải lệ thuộc vào tài chính. Và hơn hết là bạo hành tình dục, cưỡng ép quan hệ.
Dựa trên pháp luật quốc tế và cụ thể là bộ Luật Gia Đình ban hành năm 1975 của Úc có thể thấy, bạo hành gia đình luôn diễn ra trong xã hội dưới nhiều hình thái khác nhau. Pháp luật Úc luôn có những điều luật để bảo vệ những nạn nhân này, và đặc biệt hơn ngay cả những nạn nhân này là đương đơn đang nộp hồ sơ xin tạm trú/thường trú theo diện vợ chồng. Úc luôn là một đất nước dân chủ, đặt quyền con người lên cao nhất nên họ luôn có những chính sách được xây dựng trên cơ sở quyền con người (human rights).
Và có một tín hiệu đáng mừng là dù tổng quan trong 10 năm từ năm 2005 đến 2016 số nạn nhân không hề giảm, nhưng số nạn nhân không dám khởi kiện hay báo cáo các cơ quan quan chức năng giảm đi đáng kể, cụ thể từ năm 2011-2013 mỗi năm có trên 300 trường hợp không báo cáo nhưng đến năm 2016 chỉ còn hơn 50 trường hợp không báo cáo.
Khi xảy ra bạo hành, nạn nhân cần thu thập chứng cứ và báo cáo càng sớm càng tốt với cơ quan chức năng như cảnh sát, hoặc đoàn thể ở địa phương để được giúp đỡ và làm chứng. Khi đó việc thu thập chứng cứ cũng dễ dàng hơn vì vẫn còn những vết tích như các bầm tím, trầy xước, và việc báo cáo về thời gian, địa điểm chuyện bạo hành cũng chính xác hơn. Tất cả những chứng cứ đó là cơ sở để luật pháp có thể bảo vệ nạn nhân một cách tốt nhất.
Theo: SBS
Tɦᴜốc ɓổ ƙɦôпɢ ɓằпɢ łɦực ρɦẩɱ ɓổ: Cácɦ cɦăɱ sóc пɢũ łạпɢ łốł пɦấł ɢiúρ ɓạп sốпɢ łɦọ ɦơп
Tɦeo các ɓác sĩ, sức ƙɦỏe củɑ пɢũ łạпɢ qᴜyếł ᵭịпɦ łᴜổi łɦọ củɑ ɓạп. Đây ℓà ɓí qᴜyếł ℓựɑ cɦọп łɦực ρɦẩɱ cɦăɱ sóc cơ łɦể łốł пɦấł ɓạп пêп łɦɑɱ ƙɦảo ᵭể ℓᴜôп ƙɦỏe ɱạпɦ ʋà łɾườпɢ łɦọ.