Những người Việt tự nguyện đi Anh rồi bị ép làm nô lệ
Nhiều nghiên cứu về người Việt đi lậu sang Anh cho thấy khối nợ khổng lồ là điểm yếu của họ. Vì sợ không trả nổi nợ, họ bị những kẻ buôn người bóc lột, ép làm nô lệ, cưỡng hiếp.
“Trong chuyến đi, tôi không sợ bọn đưa người. Chủ yếu tôi sợ nhất là phải về làng trước khi sang được châu Âu, không trả được nợ”, một người di cư Việt Nam có tên “Cam” từng chia sẻ trong nghiên cứu Đường tới Anh quốc: Điều tra thực địa di dân Việt Nam do tổ chức France Terre d’Asile thực hiện và công bố năm 2017.
Những chia sẻ như của Cam không phải là hiếm trong số người di cư Việt Nam qua châu Âu. Đa số họ phải vay các khoản tiền lớn để chi trả cho đường dây đưa người.
Chính vì những khoản nợ khổng lồ đó, người di cư Việt Nam, từ việc tự nguyện ra đi ban đầu, đến một thời điểm nào đó trong cuộc hành trình lại trở thành nạn nhân của sự bóc lột, lạm dụng trong tay những kẻ đưa người bất hợp pháp, theo một số nghiên cứu lớn về di dân Việt Nam sang Anh.
Họ thường đã phải trả 15.000-45.000 USD cho đường dây, có thể tự bỏ tiền túi, hoặc có thể vay từ người quen, ngân hàng, hay những đối tượng cho vay nặng lãi. Có những người phải vay nặng lãi một khoản mới để trả nợ cũ, nhưng lãi suất sẽ tăng lên.
“Tất cả người di cư đều nói nếu không trả được nợ, gia đình họ ở Việt Nam sẽ bị dọa giết, bị trả đũa, hoặc ngân hàng sẽ lấy nhà cửa, ruộng vườn”, nghiên cứu của France Terre d’Asile viết.
“Họ có những khoản nợ khổng lồ, gia đình đang trông cậy vào họ, vì vậy rất khó để họ đổi ý trước khi đến được điểm đến cuối cùng là nước Anh… dù họ nhận ra những kẻ đưa người đã lừa dối họ”, Nadia Sebtaoui, chuyên gia về người di cư ở Paris, nói với Zing.vn.
Cảnh tái hiện một trại trồng cần sa và một nạn nhân buôn bán người bị buộc phải làm việc tại đó. Ảnh: Cơ quan Chống Tội phạm Quốc gia Anh.
Không sợ gian khổ, chỉ sợ không trả được nợ
“Tôi phải đi… tôi phải đi làm và trả nợ. Tôi chỉ sợ khoản nợ, chứ không sợ gian khổ”, một nạn nhân bị buôn bán có tên “Nam” cho biết trong nghiên cứu Between Two Fires (tạm dịch: Giữa hai đầu số phận) của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) và Đại học Bedfordshire (Anh). Nghiên cứu này được công bố tháng 4/2019, trong đó phỏng vấn hàng chục người Việt từng di cư bất hợp pháp sang Anh.
“Đe dọa về việc không có giấy tờ, đe dọa về việc bị trục xuất, nói đi nói lại, là cách (những kẻ buôn người) kiểm soát người di cư”, Mimi Vũ, chuyên gia hàng đầu về chống buôn bán người Việt Nam, nói với Zing.vn từ TP.HCM. “Những người đang nợ rất nhiều tiền, và chỉ muốn sang Anh kiếm tiền, nên họ dễ bị kiểm soát”.
Một số người di cư vay tiền từ chính những kẻ đã đề nghị đưa lậu họ sang nước ngoài, hay những đối tượng có liên hệ với chúng.
“Môi giới (đưa người) đến nhà tôi, và bảo tôi hãy vay tiền để chi trả (cho chuyến đi). Những người cho tôi vay tiền là người của họ luôn”, người tên “Nam” cho biết. “Họ nói tiền lương tôi gửi về sẽ được trừ vào nợ”.
“Những kẻ buôn người có vô số chiêu. Chúng giả vờ quan tâm, và sẽ cho nạn nhân vay tiền hoặc thậm chí đưa nạn nhân đi du lịch”, Michael Brosowski, nhà sáng lập và Giám đốc điều hành Blue Dragon, tổ chức bảo vệ trẻ em khỏi nạn buôn người, nói với Zing.vn. “Nhưng đều chỉ vì một động cơ: tạo lòng tin rồi lợi dụng”.
Trong một vụ ông từng gặp, một kẻ buôn người có ít nhất 10 “bạn gái” ở các làng khác nhau. “Hắn đi chơi, lên giường, đi du lịch với họ trong tận một năm. Cho tới khi chán, hắn rủ các cô gái sang Trung Quốc. Họ cứ thế biến mất”.
Gánh khoản nợ hàng chục nghìn USD, một người di cư tên “Thang” còn tin rằng mình đang bị lừa.
“Họ chỉ bảo ‘cứ làm việc đi. Chúng tôi sẽ nói khi anh trả hết được nợ’”, Thang nói với nhóm nghiên cứu của Between Two Fires. “Có gì đó không đúng… Tôi đã làm việc hơn ba năm, nhưng mới chỉ trả được hơn nửa số nợ”.
“Tôi lo là nếu không trả được nợ, chúng sẽ giết tôi”, người nhập cư lậu ở Anh có tên “Quang” nói với nhóm nghiên cứu của IOM/Đại học Bedfordshire. “Tôi không muốn bị trục xuất… vì tôi không thể trả được nợ, và tính mạng tôi sẽ gặp nguy hiểm”.
Chiếc xe tải bị phát hiện chở thi thể 39 người di cư đang được cảnh sát lái khỏi hiện trường chiều 23/10. Ảnh: AP.
Hành trình trả nợ và những cái chết nơi đất khách
Nhiều người di cư lậu Việt Nam sẵn sàng chấp nhận mọi hình thức bóc lột, mọi khổ ải để có cơ hội đến Anh kiếm tiền trả nợ.
Người di cư có tên “Tran” trong báo cáo của IOM/Đại học Bedfordshire đã vay 20.000 euro để vượt biên sang Anh. Khi tới Moscow, anh bị đánh đập nhiều lần và giam giữ. Anh phải đi qua rừng nhiều tuần liền, rồi tới Pháp, nhưng tại đây, anh bị nhốt tới 12 tháng. Anh cố vượt biên từ Dunkirk sang Anh hơn 10 lần, tất cả đều “nguy hiểm đến tính mạng”, bao gồm một lần trong xe tải đông lạnh mà anh “tưởng rằng mình đã chết”.
Tương tự, người di cư tên “Quang” (đã nhắc tới ở trên) mô tả việc bị đánh đập, bỏ đói trên hành trình sang Anh: “Tôi bị đánh rất nhiều lần. Tôi rất sợ, và họ không cho đủ thức ăn, chỉ cho để tôi sống qua ngày”, người này nói.
“Tôi bị đánh đập nhiều lần đến mức bây giờ thường bị đau đầu và có hiện tượng mất trí nhớ… sau này khi đi khám, bác sĩ chẩn đoán tôi bị chấn thương não”, người khác tên “Tho” nói trong nghiên cứu Between Two Fires của IOM/Đại học Bedforshire.
“Khi ở xa nhà, đặt sinh mạng vào tay người khác, (người di cư) bị yếu thế trước sự bóc lột, lạm dụng, vì không có pháp luật trừng phạt”, ông Brosowski từ tổ chức Blue Dragon nói với Zing.vn.
Nghiên cứu Đường tới Anh quốc: Điều tra thực địa di dân Việt Nam của France Terre d’Asile cũng phỏng vấn nhiều người từng trải qua hành trình cực nhọc tương tự. Nghiên cứu kể về trường hợp người di cư tên “Anh”, ban đầu chỉ định sang Nga nhưng do việc làm khan hiếm vào mùa đông nên phải vay mượn, tìm đường sang châu Âu.
“Anh” này phải đi qua rừng ở Belarus để tới Ba Lan trong nhóm 6 người. Tuyến đường qua Ukraine mà người Việt thường đi buộc phải chuyển hướng do xung đột ở miền đông nước này năm 2014.
“Lạnh và khổ, chúng tôi không ăn gì trong hai ngày, phải uống nước từ tuyết tan”, Anh nói với nhóm nghiên cứu. Họ phải cố vượt biên 20 lần mới vào được Ba Lan, vì họ đều bị cảnh sát chặn rồi lại thả ra ở biên giới Nga. Anh nghe nói đã có người chết trên chặng đường này.
Trong báo cáo của IOM/Đại học Bedfordshire, một số người di cư Việt cũng chứng kiến các đồng hương bỏ mạng trên hành trình. “Một số thậm chí còn mất mạng trên đường. Sai một li rồi bỏ mạng là chuyện thường”, người có tên “Thang” nói với nhóm nghiên cứu.
“Nhiều người chết do phải bám lâu nên mỏi và buông tay. Họ ngã và bị xe tải đằng sau cán lên”, một di dân khác nói về chặng từ Pháp qua Anh đặc biệt gian nan.
Bà Mimi Vũ, với tư cách tình nguyện viên, từng người từng nhiều lần tới thăm Vietnam City, trại tồn tại hơn 10 năm cho tới giữa năm 2018 của người di cư Việt Nam sắp vượt biên qua Anh.
“Họ nợ nhiều tiền”, bà Vũ nói với Zing.vn về di dân ở Vietnam City. “Rất nhiều người đang chạy trốn những người cho vay nặng lãi, các chủ nợ, hay có khi là xã hội đen. Họ ra đi có thể vì đang cố gắng trả nợ, hoặc có thể muốn quỵt nợ”.
Bên trong Vietnam City, trại di cư của người Việt ở phía bắc Pháp tồn tại đến giữa năm 2018. Ảnh: Mimi Vũ.
Nghiên cứu Baseline research report: the current situations of Vietnamese returnees from the United Kingdom (Tình hình những người từ Anh trở về Việt Nam) năm 2014 của Bộ Ngoại giao Anh, khảo sát 346 người di cư lậu Việt đã về nước, cho thấy họ đã chịu những nguy hiểm tới tính mạng như bị nhốt chật kín trên xe tải hay xe đông lạnh, bám vào xe, nhảy ra khỏi xe đang chạy. Phụ nữ có nguy cơ bị lạm dụng tình dục.
Khảo sát Returnees in Nghe An (Những người trở về Nghệ An) do Alliance Anti-Traffic (AAT) thực hiện năm 2014 trên 140 người di cư lậu Việt trở về tỉnh Nghệ An cho thấy 22% từng bị những kẻ đưa người nhốt, cấm gọi điện.
Báo cáo của France Terre d’Asile ghi nhận trường hợp một người di cư Việt Nam bị bắt cóc, đánh đập, đe dọa 5 ngày liền vì tự đi vào nơi dừng xe tải mà chưa trả tiền cho băng nhóm vận chuyển người.
Từ di cư tự nguyện trở thành nô lệ hiện đại
Trải qua nhiều khổ ải, cực nhọc, nhưng dù có cơ may sang tới Anh, người di cư Việt vẫn chưa an toàn. Nhiều người tiếp tục trở thành nạn nhân của bóc lột, lạm dụng, trở thành “nô lệ thời hiện đại”.
Giới chuyên môn phân biệt giữa “người di cư” tự nguyện, và “nạn nhân bị buôn bán”, tức những người bị đưa đi, mua bán một cách ép buộc, hay “nô lệ hiện đại”, tức những người bị cưỡng bức lao động.
Tương tự, khái niệm đường dây “đưa người” khác với “buôn người”. “Đưa người” (smugglers) nói đến hành vi tổ chức vận chuyển người di cư (có thể bất hợp pháp). “Buôn người” nhìn chung bao gồm hành vi cưỡng ép lao động, bóc lột tình dục nhờ các hình thức kiểm soát như đe dọa, các khoản nợ.
Khi bị cưỡng ép lao động, bóc lột tình dục như trên, họ từ “người di cư” trở thành “nạn nhân của buôn bán người”.
Tiến sĩ Daniel Silverstone, người đứng đầu khoa nghiên cứu về công lý, Đại học Liverpool John Moores (Anh), đã tiến hành nghiên cứu Combating modern slavery experienced by Vietnamese nationals en route to, and within, the UK (Tạm dịch: Chống nạn nô lệ hiện đại đối với người Việt trên đường đi và ở trong nước Anh), theo đề nghị của cơ quan chống buôn người của chính phủ Anh.
Ông đã phỏng vấn các trường hợp người Việt được xác định là nạn nhân của buôn bán người, đồng thời khảo sát hồ sơ người Việt từ National Referral Mechanism (NRM), cơ quan của Anh chịu trách nhiệm nhận dạng và hỗ trợ các nạn nhân buôn bán người.
Trong báo cáo của ông Silverstone, một nạn nhân nữ người Việt kể lại câu chuyện của mình và “hai cô gái khác tương tự”, từ hồ sơ của NRM.
“Đàn ông tới liên tục, cả ngày lẫn đêm. Hai cô gái đó có vẻ khá trẻ, chỉ 16-17. Họ bị ép phải quan hệ tình dục với nhiều đàn ông… Hai em đó đã làm việc trong tiệm làm móng khi mới vào Anh, nhưng chúng bảo các em không trả nợ kịp và ép các em làm gái mại dâm”.
Theo ông Silverstone, có những người Việt trở thành nạn nhân của buôn người ngay trong hành trình tới Anh. Có những người trở thành nạn nhân sau khi đã đến Anh, tức vào được Anh rồi mới bị cưỡng ép, bóc lột.
“Điều này cho thấy khả năng có một số đường dây buôn bán người Việt đang hoạt động trong lòng nước Anh”, ông viết. Người di cư có thể bị “chuyển qua tay” một số băng đảng buôn người.
Một số phụ nữ tới Anh với hy vọng tìm việc làm chính đáng nhưng rơi vào tay những kẻ buôn người, bị chúng ép làm gái mại dâm. Ảnh: Getty Images.
Một nạn nhân, không rõ tên, kể câu chuyện thương tâm, bắt đầu bằng bản hợp đồng dọn nhà, trông trẻ 5 năm để được giúp đỡ rời Việt Nam đi sang nước ngoài.
“Nhưng (khi đến Pháp) tôi bị đưa lên lầu, nhốt trong phòng… Mở tủ ra, tôi thấy quần áo ngủ, bao cao su… và rất lo lắng. Tối đó, một người đàn ông vào phòng… và cưỡng hiếp tôi”, nữ nạn nhân này nói. “Hắn gọi điện thoại và bảo tôi nghe, đầu dây bên kia chính là người phụ nữ đã đưa tôi sang… Bà nói tôi đã ký hợp đồng làm việc cho bà ta 5 năm”.
“Tôi đã bỏ nhiều tiền để đưa cô ra khỏi Việt Nam, bây giờ cô phải nghe lời, làm việc cho tôi”, bà ta nói với nữ nạn nhân.
“Họ nhốt tôi vào nhà, bắt tôi ngủ với đàn ông mà họ đưa tới đó”, một người di cư khác được phỏng vấn trong nghiên cứu của tiến sĩ Silverstone cho biết.
“Tôi từ chối… thì họ nói có người đã bán tôi cho họ, và tôi phải làm việc để trả nợ thì mới được đi. Khi tôi nhất quyết từ chối, họ nhốt tôi vào phòng, bỏ đói tôi… Tôi phải làm việc không biết bao lâu ở đó. Rồi một người trong nhóm đưa tôi lên xe tải, trốn trong thùng gỗ. Tôi đến Anh, và lại tiếp tục bị cưỡng ép như vậy”.
Vượt biên sang Anh: “Không khác gì mua xổ số”
Đe dọa bạo lực là một hình thức cưỡng ép thường thấy ở trại trồng cần sa. Người tên B. trong báo cáo của ông Silverstone rời Việt Nam ra nước ngoài để kiếm tiền trả nợ, cuối cùng được đưa đến một trại cần sa trong nhà máy bỏ hoang ở Ireland. Trong đó là cái nóng ngột ngạt, với hàng trăm cây cần sa có ống tưới được lắp đặt kỹ lưỡng, được trồng dưới ánh đèn.
Những kẻ buôn người nhốt B., và nói B. sẽ phải hối hận nếu có điều gì xảy ra với những cây cần sa. Cho đến khi cảnh sát phát hiện trang trại, B. khai rằng anh luôn bị nhốt và chưa bao giờ nhận được đồng lương nào.
Người khác, được ghi trong báo cáo của ông Silverstone là “đối tượng phỏng vấn số 2”, kể về việc bị đánh sau khi làm hỏng cây cần sa.
“Tôi bị nhốt nhiều tháng và bị đánh đập nhiều lần, thường xuyên bị đau đầu. Khi tôi định chạy thoát, chúng bắt tôi lại và đánh đập tiếp”, người này nói. “Thỉnh thoảng người Việt cùng người Tây đến, cắt và thu hoạch, không chia chút tiền nào cho tôi, và còn đánh tôi”.
Đối với các tiệm làm móng, báo cáo của ông Silverstone ghi nhận nhiều người Việt làm trong tiệm móng phải làm suốt cả tuần, tiền lương một số người bị những kẻ buôn người lấy mất. Một số bị nhốt.
Một tiệm làm móng do người Việt làm chủ ở Tottenham, London năm 2017. Ảnh: New York Times.
Một người di cư khác kể rằng hàng xóm đã đề nghị giúp cô sang Anh, thậm chí còn trả tiền phí cho cô, và hứa hẹn cô sẽ làm cho tiệm sơn móng tay của ông ta, có đồng ra đồng vào gửi về gia đình.
“Nhưng khi tôi đến (Anh), hắn đón rồi đưa tôi tới một căn nhà nhỏ, cũ và bẩn thỉu. Tôi phải ở trong đó năm đầu tiên, và thật kinh khủng”, cô nói. “Hắn nói sẽ dạy tôi nghề nail và làm việc trong tiệm của hắn. Nhưng hắn đã lừa tôi đến đây để làm ôsin và nô lệ tình dục cho hắn. Hắn lạm dụng tôi cùng những người bạn của hắn tới uống rượu, dùng ma túy. Chúng thường đánh tôi và bắt tôi phục tùng”.
Sau khi đến Anh, người có tên “Tran” trong báo cáo Between Two Fires của IOM/Đại học Bedfordshire, với hơn 10 lần vượt biên từ Pháp vào Anh, bị “nhốt” trong một căn nhà tới 6-7 tháng, trước khi bị chuyển sang làm việc 6 tháng ở tiệm giặt là và 18 tháng tại nhà hàng. Dù nhận lương rẻ mạt, Tran không coi mình bị bóc lột vì vẫn trừ được những khoản nhỏ khỏi món nợ. Nhưng khi bị chuyển đến làm trong trại trồng cần sa, anh bị đánh đập và bỏ đói, cho đến một ngày trang trại bị cảnh sát đột kích.
Không được luật sư cố vấn, không biết cách chứng minh mình là nạn nhân của buôn người, Tran nhanh chóng nhận tội để được giảm án. Anh bị giam tổng cộng 17 tháng.
Về lại Việt Nam sau 9 năm xa quê, anh mang về khoản nợ còn lớn hơn lúc ra đi. Vì khoản nợ đó, vợ anh muốn ly dị, và các con đã bỏ nhà đi. Anh lại tính đường sang Trung Quốc, Hàn Quốc hoặc châu Phi để trả nợ.
“Nhiều gia đình tan nát, con cái bỏ đi mất, gánh nợ nần. Trước khi đi thì có vợ, khi về, vợ chắc sẽ bỏ”, người di cư tên “Khanh” đưa ra nhận xét đau xót trong báo cáo Between Two Fires.
“Mọi người không nhìn vào những người thất bại, mà chỉ nhìn vào những người kiếm được. Trong vài chục người mà tôi biết, chỉ vài người được toại nguyện”, Khanh nói tiếp.
“Không khác gì mua xổ số”.
Theo Zing
Cạm bẫy ở sân bay Thái Lan
Hàng loạt du khách nước ngoài bị buộc tội trộm đồ ở khu hàng miễn thuế tại sân bay quốc tế tại Bangkok, Thái Lan, và phải trả nhiều tiền để đổi lấy tự do.