Quy trình huấn luyện quân sự giúp nữ phi công Mỹ cứu máy bay nổ động cơ
Từng là phi công tiêm kích hải quân Mỹ, cơ trưởng Shults có đủ bản lĩnh để xử lý khi máy bay chở khách Boeing 737 bị nổ động cơ.
Diễn biến vụ hành khách bị hút khỏi máy bay Mỹ nổ động cơ
Chiếc Boeing 737-700 của hãng hàng không Southwest Airlines bất ngờ bị nổ động cơ khi đang bay từ thành phố New York đến Dallas hôm 17/4, khiến một hành khách bị hút ra ngoài và thiệt mạng. Trong tình huống hiểm nghèo, nữ cơ trưởng Tammie Jo Shults đã bình tĩnh điều khiển phi cơ hạ cánh khẩn cấp xuống bang Philadelphia, bảo đảm an toàn cho 148 hành khách còn lại và 5 thành viên tổ lái.
Trước khi trở thành phi công dân sự, cơ trưởng Shults từng là một trong những nữ phi công hải quân đầu tiên của Mỹ, cũng là phụ nữ Mỹ đầu tiên được lái tiêm kích F/A-18 Hornet. Sự bình tĩnh và kỹ năng xử lý sự cố bất ngờ dường như được cơ trưởng Shults tích lũy từ quá trình đào tạo khắc nghiệt của hải quân, cũng như nhiều năm làm sĩ quan huấn luyện trong lực lượng này, theo Balance Careers.
Để trở thành phi công hải quân, đặc biệt là người điều khiển tiêm kích phản lực, những người như Shults cần có trình độ học vấn cao, thể trạng tuyệt vời, khả năng lãnh đạo và nhiều phẩm chất khác. Sau khi được tuyển vào chương trình đào tạo phi công, ứng viên sẽ phải trải qua tối thiểu hai năm đào tạo trước khi được biên chế cho đơn vị chiến đấu.
Tất cả phi công hải quân Mỹ đều phải có quân hàm sĩ quan, đòi hỏi ứng viên phải là cử nhân các trường cao đẳng hoặc đại học dân sự, hay tốt nghiệp từ Học viện hải quân Mỹ ở bang Maryland.
Nếu được tuyển chọn, học viên sẽ bắt đầu chương trình kéo dài 12 tuần tại Trường huấn luyện sĩ quan, có trụ sở tại Căn cứ không quân hải quân (NAS) Pensacola. Họ sẽ được học những quy định và nguyên tắc cơ bản của hải quân Mỹ, trải qua nhiều buổi huấn luyện bơi và rèn luyện thể lực khắc nghiệt, đồng thời theo học khóa cơ bản về hệ thống động lực hải quân.
Bài huấn luyện sinh tồn khi nhảy dù xuống biển của hải quân Mỹ. Ảnh: US Navy. |
Học viện hải quân Mỹ là điểm đến tiếp theo, cũng là giai đoạn khắc nghiệt nhất mà các học viên như Shults phải trải qua. Chỉ khoảng 1.300 ứng viên, chiếm 10% số người thi tuyển, được nhận vào cơ sở đào tạo danh tiếng này. Mỗi người đều phải có thành tích học tập xuất sắc, nổi bật trong vai trò lãnh đạo và giỏi các môn thể thao.
Để trở thành phi công hải quân, học viên phải vượt qua được loạt bài thi lựa chọn phi công (ASTB). Nội dung của ASTB không thay đổi nhiều kể từ khi ra đời trong Thế chiến II, bao gồm bài thi toán, vấn đáp, đánh giá kiến thức về cơ khí, hàng không và hàng hải, nhận thức không gian và đam mê với ngành hàng không. Mỗi năm có khoảng 10.000 ứng viên trải qua các bài kiểm tra này.
Sau khi hoàn tất ASTB, ứng viên tiếp tục phải đối đầu với hàng loạt bài đánh giá thể lực, tâm lý và kiểm tra lý lịch, để chứng minh họ có đủ điều kiện sức khỏe để làm phi công. Mỗi người đều phải có thị lực 20/20, bơi tốt và thoải mái khi ở dưới nước, không bị mù màu hay có vấn đề về nhận thức chiều sâu. Hải quân Mỹ hiện nay chấp nhận các ứng viên từng phẫu thuật mắt.
Bài kiểm tra khó nhất là đánh giá sức chịu quá tải và tiền đình. Ứng viên phải chịu áp lực gấp nhiều lần trọng lực Trái Đất mà không ngất xỉu, cũng như lộn nhào hàng trăm vòng mà không nôn mửa.
Trừ khi có bằng lái máy bay từ trước, học viên cần trải qua khóa học bay cơ bản. Họ phải tích lũy ít nhất 25 giờ bay dưới sự giám sát của huấn luyện viên, hoàn thành ba chuyến bay đơn không có người kèm, trong đó một chuyến đường dài. Khi đã hoàn thành yêu cầu, học viên sẽ trở lại chương trình đào tạo phi công hải quân tại NAS Pensacola.
Trong vòng 6 tuần, họ sẽ học về khí động học, sinh lý học hàng không, động cơ và phương pháp định vị. Chương trình đào tạo cũng huấn luyện cho họ kỹ năng sinh tồn nếu gặp sự cố trên biển. Chỉ khi hoàn thành giai đoạn này, học viên mới được ngồi lên máy bay huấn luyện của hải quân Mỹ.
Máy bay huấn luyện sơ cấp T-34C. Ảnh: Airliners. |
Quá trình đào tạo bay sơ cấp diễn ra ở căn cứ Whiting Field với máy bay cánh quạt T-34C. Học viên sẽ trải qua ít nhất 100 giờ bay trên T-34C hoặc mô hình mô phỏng, tiếp thu kỹ thuật bay đêm, bay theo đội hình, nhào lộn và kỹ năng ứng phó sự cố. Kết thúc giai đoạn này, tùy theo yêu cầu của hải quân và đề xuất cá nhân, học viên sẽ đào tạo chuyển loại lên những máy bay hiện đại hơn.
Phi công tiêm kích tương lai như Shults sẽ tới NAS Kingsville hoặc Meridian, bắt đầu các bài học về khí tượng học và khí động lực học nâng cao. Sau đó, họ bắt đầu thực hành trên phi cơ phản lực cận âm T-45C Goshawk. Giai đoạn đầu kéo dài 27 tuần, bao gồm làm quen máy bay, huấn luyện bay đội hình, bay trong điều kiện tầm nhìn kém và ban đêm, cũng như định vị trên không.
Quá trình học nâng cao dài 23 tuần cũng tiến hành trên dòng T-45C, tập trung vào kỹ thuật bay cao cấp, đội hình tác chiến, cơ động chiến đấu, không kích, bay bám địa hình và vận hành từ tàu sân bay. Khả năng cất hạ cánh trên tàu sân bay là điểm khác biệt lớn nhất giữa phi công hải quân và không quân Mỹ.
Tùy vào điểm tốt nghiệp trên T-45C, học viên sẽ được tặng đôi cánh vàng hoặc bạc, trở thành phi công tiêm kích và sẵn sàng chuyển loại lên các máy bay phản lực siêu âm như F/A-18.
Phi cơ T-45C chuẩn bị cất cánh từ tàu sân bay. Ảnh: US Navy. |
Việc đào tạo phi công tiêm kích F/A-18 kéo dài 9 tháng tại Phi đoàn dự bị hải quân (FRS), có nội dung tương tự khóa huấn luyện trên phi cơ T-34C và T-45C. Giai đoạn cuối đòi hỏi phi công thực hiện nhuần nhuyễn các nội dung vận hành trên tàu sân bay, bao gồm cả hạ cánh ban đêm.
Chỉ khi hoàn thành quá trình này, học viên mới được biên chế tới các đơn vị chiến đấu. Họ sẽ phải phục vụ trong hải quân ít nhất 8-10 năm, trước khi được giải ngũ và chuyển sang ngành hàng không dân sự.
Trong khi người dân và truyền thông Mỹ ca ngợi nữ phi công Shults như anh hùng vì đã xử lý tình huống khẩn cấp một cách chuẩn mực để cứu mạng mọi người, các chuyên gia cho rằng chính quá trình rèn luyện trong không quân đã giúp Shults có được "bản lĩnh thép", sẵn sàng ứng phó với những tình huống khẩn cấp trong chiến đấu cũng như công việc dân sự sau này.
Nguồn: VnExpress.net
Cạm bẫy ở sân bay Thái Lan
Hàng loạt du khách nước ngoài bị buộc tội trộm đồ ở khu hàng miễn thuế tại sân bay quốc tế tại Bangkok, Thái Lan, và phải trả nhiều tiền để đổi lấy tự do.