RSS

Tâm sự Việt kiều: Khó khăn chồng chất khi “tìm việc ở xứ chuột túi”

10:00 24/06/2019

Thật sự, tìm việc ở Úc vừa dễ lại vừa khó. Đoạn trường chỉ du học sinh nào từng trải mới thấu.

 

Xứ chuột túi, người làm việc giỏi rất được tôn trọng và được tạo điều kiện đặc biệt, chứ không bị cào bằng hay đố kỵ. Đó là động lực cho chúng tôi luôn cố gắng

“Chị lớn tuổi vậy, học xong ra trường xin việc liệu họ có nhận không?”. Đang học năm cuối khoa công nghệ thông tin ở Trường Swinburne (tiểu bang Victoria, Úc), một bạn trẻ học cùng đã hỏi tôi câu thật… dễ ngoảnh mặt làm ngơ!

Mới nghe, tôi cũng hơi phật ý. Ở Úc, những câu hỏi như thế là khiếm nhã. Nhưng rồi chợt nhớ cậu bạn du học sinh mới sang Úc chưa lâu, nên tôi vui vẻ trả lời: “Được chứ em, mình đủ năng lực thì họ tuyển thôi!”.

Vật vã làm thêm

Thật sự, tìm việc ở Úc vừa dễ lại vừa khó. Đoạn trường chỉ du học sinh nào từng trải mới thấu. Dennis Nguyễn không giấu nổi sự ngậm ngùi khi nhớ về những ngày kiếm việc làm thêm để trang trải chi phí sinh hoạt, học hành.

Cũng như những du học sinh không có sự hỗ trợ mạnh từ gia đình, Dennis phải vừa học vừa quần quật làm thêm. Công việc không hề dễ kiếm, nhất là đối với du học sinh chân ướt chân ráo mới qua và tiếng Anh còn hạn chế. Dennis chấp nhận làm ở một tiệm thịt với tiền lương bằng nửa số lương tối thiểu theo quy định.

Anh tâm sự: “Hồi còn ở VN, tôi chưa từng vào bếp, mà giờ phải làm đủ mọi việc từ chặt gà, xay thịt đến dọn vệ sinh. Ngay ngày đầu được giao việc, thái thịt lóng ngóng thế nào tôi cắt luôn vào tay, máu văng tung tóe”.

Vì chủ chỉ trả lương tiền mặt, không trả thuế, không hợp đồng, nên anh không có chế độ bảo hiểm đền bù cho nhân công, cũng không được chế độ nghỉ khi bị tai nạn lao động. Anh phải tự trả phí bác sĩ và ngay hôm sau vẫn đi làm dù vết thương còn đau nhức…

May mắn hơn Dennis, Đăng Lê được gia đình hỗ trợ tài chính du học, nên việc làm thêm không quá cấp thiết. Đăng đi làm chủ yếu muốn có thêm cơ hội rèn luyện tiếng Anh, học hỏi kinh nghiệm và dành dụm cho những chuyến du lịch tìm hiểu nước Úc và thế giới. Anh tránh không xin việc ở những nhà hàng VN.

Anh đọc mẩu tin tuyển người trên trang mạng Úc nên điện thoại xin việc, người tiếp nói giọng Úc, nhưng khi anh đến thử việc thì quản lý lại là VN. Họ thỏa thuận mức lương tiền mặt cũng thấp hơn luật quy định. Nghĩ mình mới vào, Đăng đồng ý với hi vọng quen việc sẽ được tăng lương.

“Thời gian sau, khi đã rành rẽ công việc, tôi chủ động đề nghị tăng lương theo cách thức một số chuyên gia trên mạng khuyên. Chủ ậm ừ không trả lời rõ, nhưng bắt đầu kêu đi làm ít dần và sau đó viện cớ mùa này ít khách, khi nào đông khách sẽ gọi lại!” – Đăng kể kỷ niệm buồn.

Ngày mai trời lại sáng

Dennis đã thành chuyên gia công nghệ ở Úc – Ảnh: nhân vật cung cấp

Bị nghỉ việc vì “tội” đòi tăng lương, Đăng quyết định xin việc “chuyên nghiệp” và nộp đơn vào những nơi phù hợp chuyên ngành của mình. Với khả năng tiếng Anh khá vững, cũng không khó để Đăng tìm một việc thích hợp. Nhưng tiếc thay, vì visa của anh chưa được thường trú nên anh chỉ được nhận làm tạm thời dù anh đủ năng lực và người quản lý cũng rất hài lòng.

Còn Dennis phải vật lộn qua nhiều công việc khác nhau, có khi làm 16 tiếng mỗi ngày để đủ tiền học phí. Cuối cùng anh cũng tốt nghiệp cử nhân loại giỏi khoa công nghệ thông tin và tìm được một việc với mức lương khởi điểm không mấy cao. Anh vẫn kiên trì làm để học hỏi kinh nghiệm và tranh thủ luyện tiếng Anh.

Không lâu sau, những nỗ lực của anh đã không uổng phí. Tin vui đến dồn dập, sau khi cưới được cô bạn gái, anh đạt điểm thi tiếng Anh cao đủ để Bộ Di trú cấp visa định cư diện tay nghề.

Hiện Dennis đang làm cho một công ty công nghệ phần mềm của Úc, được tôn trọng và hưởng chế độ đãi ngộ xứng đáng, điều mà khi còn khiêng vác những tảng thịt nặng nề với anh chỉ là mơ ước.

Vợ Dennis luôn cảm thấy hãnh diện mỗi khi nhắc đến chồng mình: “Ngoài tình yêu với chồng, em còn ngưỡng mộ sự chịu khó và thương những vất vả mà chồng em đã vượt qua!”.

Trang Phạm, cô sinh viên sau khi kể cho tôi nghe những ngày đầu khốn khó không kém gì trường hợp Dennis, đã chân tình: “Cuộc sống em bên này khá vất vả, em phải làm đủ mọi việc, không như hồi ở VN cái gì cũng có cha mẹ lo sẵn.

Nhưng em cảm thấy biết ơn những khó khăn đã trải qua, vì nhờ đó em đã trưởng thành lên rất nhiều. Học hỏi được nhiều thứ, tự mình làm được nhiều việc, không ỷ lại vào cha mẹ. Biết quý giá trị thực và trân trọng những người làm việc kiếm tiền chân chính”.

Dennis lúc còn lao động chân tay – Ảnh: nhân vật cung cấp

Đơn xin việc khác VN

Đặc biệt, ngoài những nỗ lực bản thân, các du học sinh cũng cần hiểu thêm luật pháp và văn hóa Úc, để lá đơn xin việc không bị “dị ứng” ngay từ đầu. Hồ sơ xin việc ở Úc rất khác VN, chỉ tập trung xem xét kỹ năng và trình độ ứng viên. Có những nguyên tắc tối kỵ mà không phải bạn trẻ nào qua du học cũng biết.

Đó là khi nộp đơn xin việc, không nên kèm hình ảnh dù là hình thẻ, không để tuổi tác cũng như không ghi giới tính hay vùng miền, sắc tộc. Đơn cũng không nhất thiết phải ghi tên thật trên giấy khai sinh, mà có thể để tên bạn muốn được họ gọi. Cũng không cần để địa chỉ nhà bạn, trừ khi được yêu cầu gửi thư liên lạc. Còn nếu nộp online, bạn chỉ cần địa chỉ email.

Công ty nào tuyển người mà ghi rõ giới hạn tuổi tác, giới tính, tình trạng gia đình, sắc tộc… thì theo luật đều có thể bị phạt vì phân biệt đối xử. Thông tin tuyển người cũng phải tránh ghi những điểm có thể nhằm để xác định tuổi tác, như họ đăng tuyển người “có kinh nghiệm” chứ không thể ghi “cần 10 năm kinh nghiệm”.

Ở một số trường đại học như Swinburne (điểm đến của nhiều nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia VN) đã dành hẳn một môn học chỉ dẫn cách làm đơn xin việc. Môn học này không phải đóng lệ phí và cũng không tính điểm, nhưng lại là môn học bắt buộc.

Thực tế, nhiều du học sinh hay bị vướng mắc vấn đề visa. Nhiều người khi ra trường đủ kỹ năng tay nghề cũng như giỏi tiếng Anh, nhưng công ty lại không tuyển du học sinh.

Điều này có khi trở thành câu hỏi khó giải đáp như kiểu “cái trứng có trước hay con gà có trước”. Bởi họ sẽ được thêm điểm để xin visa thường trú ở Úc nếu có việc toàn thời gian, nhưng nhiều công ty sẽ không nhận nếu họ không có visa thường trú!

Thế nên, nhiều du học sinh tốt nghiệp xong cầm tấm bằng vẫn loay hoay không biết làm gì. Chuyện người tốt nghiệp cử nhân, thạc sĩ phải đi chạy bàn, phụ bếp hay cắt cỏ, đóng sàn gỗ, lau chùi nhà vệ sinh… là điều không lạ lùng gì.

Nhưng cũng may là không mấy ai kỳ thị việc chân tay này, cũng như không ít du học sinh Việt đã vươn lên và đảm trách những việc quan trọng được kính trọng ở xứ Úc…

Luật pháp Úc rất bảo vệ người lao động, nhưng cũng khó tránh những kỳ thị ngầm cũng như vẫn có chuyện “phép vua thua lệ làng”. Thông báo tuyển dụng ghi rõ chỉ cần nữ hoặc nam với độ tuổi giới hạn không hiếm thấy trong những thông tin tuyển người bằng tiếng Việt.

Úc cũng có quy định mức lương tối thiểu và phù hợp cho cấp bậc ngành nghề, nhưng chuyện trả lương thấp hơn quy định vẫn xảy ra và nhiều người vẫn lờ đi để “được yên thân”.

Người Việt ở Úc làm nghề gì phổ biến với mức thu nhập ra sao

Người Việt ở Úc làm nghề gì phổ biến với mức thu nhập ra sao

Người Việt ở Úc làm gì nhiều nhất và thu nhập mỗi ngành nghề như thế nào? Có nghề có thể kiếm 2000 AUD/ tuần.