RSS

Tò mò cuộc sống gian khó và thành công của người Việt tại Úc

15:00 26/07/2019

Người Việt ở Úc rất giỏi làm ăn và đã thành công ở nhiều lãnh vực. Người lao động tay chân thì chịu khó, nhiều doanh nhân gốc Việt đã sử dụng trí óc để lập công ty và có chỗ đứng vững.

Người Việt làm gì ở Úc?

Theo Người lao động, người Việt rất giỏi làm ăn và đã thành công ở nhiều lãnh vực, nếu biết tiếng Anh thì dĩ nhiên sẽ có nhiều cơ hội hơn. Bài viết này chỉ đề cập đến công việc làm ăn của đại bộ phận người Việt không thể sử dụng tiếng Anh như là một ngôn ngữ thứ hai.

Tùy theo “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” của từng bang, người Việt sinh sống bằng nhiều ngành nghề khác nhau. Chẳng hạn như người Việt ở bang Queensland có thế mạnh về đánh bắt hải sản, người Việt ở Sydney hay Melbourne thì may tại gia, giữ trẻ, mở nhà hàng, buôn bán nhỏ... Người Việt ở bang Tây Úc rất thành công trong lĩnh vực nông nghiệp (mà người Việt thường gọi là làm “farm”).

Nghề làm “farm” ở Úc rất công phu, thu nhập không phải là ít. Trong những lần về Việt Nam chơi, giới làm “farm” đã tranh thủ đem vào Úc đủ thứ các hạt giống rau cải. Vì thế cho nên có thể nói rằng, hiện thời trên toàn nước Úc, bất cứ loại rau cải nào có ở Việt Nam thì xem như có ở xứ kangaroo này: Từ rau răm, rau quế, ngò om, ngò gai, hành hương, hẹ... cho đến rau đắng, cần nước, xà lách xoong...

Những thứ rau này ở Việt Nam thuộc hàng dân dã tầm thường nhưng sang đến Úc trở thành cao lương mỹ vị vì rất đắt tiền. Đặc biệt, vào mùa đông, giá cả tăng lên gấp bội vì khó trồng hơn, phải chăm sóc kỹ lưỡng trong nhà kín. Bởi vậy mùa đông được xem là mùa hốt bạc của giới làm “farm”.

Cười ra nước mắt có lẽ là nghề làm bánh mì, cả thợ làm bánh mì và chủ lò bánh mì đều có nỗi khổ, nhưng không có nỗi khổ nào giống nỗi khổ nào. Thợ làm bánh mì phải thức hôm thức khuya để sáng hôm sau bánh được giao tận nơi cho các “shop tàu” (người Việt thường gọi những cửa hiệu bán những sản phẩm, hàng hóa châu Á là “shop tàu” để phân biệt với những siêu thị của Úc) và vì vậy, hạnh phúc gia đình thường là không ổn hoặc không lấy vợ được. Bánh mì Việt Nam rất khác bánh mì Úc. Người Việt mình ở đây vẫn thích ăn những loại bánh mì giống như ở Việt Nam, cho nên giới làm bánh mì người Việt luôn sẵn sàng làm hài lòng khách hàng, vẫn giữ cách chế biến bánh mì truyền thống.

Về phần chủ lò bánh mì, đôi khi cũng mở miệng kêu trời. “Luật” của các “shop tàu” là nếu bán không hết thì được “return” (có nghĩa là được trả hàng lại). Nhằm bữa xui, chủ lò gom về cả xe bánh mì ế.

Đối với những bà con có tuổi. Ở nhà có thời gian rảnh rỗi, có thể nấu các món ngon Việt Nam như xôi chè, phở, hủ tiếu, bún mắm... theo kiểu “take away” (mua mang đi chứ không phải ngồi ăn tại chỗ) đem bỏ mối cho các “shop tàu”, thu nhập không đến nỗi tệ.

Những năm sau này, mối quan hệ mậu dịch giữa Úc và Việt Nam phát triển thuận lợi, nhiều nông hải sản từ Việt Nam được nhập ồ ạt qua Úc chẳng hạn như cá kèo, cá bông lau, cá diêu hồng, các loại trái cây như nhãn, dừa, chuối sứ,... các loại rau củ như khoai mì, khoai sắn, khoai lang và các loại bánh mứt. Đây là những món ăn mà bất cứ người Việt xa quê nào cũng “cầm lòng không đặng”. Do đó, các “shop tàu” lúc nào cũng dập dìu khách thập phương mà đa số là người Việt.

Nhiều người Úc gốc Việt thành danh ở xứ sở Kangaroo

Bên cạnh những người Việt phải lao động tay chân để sống thì ở đất nước Kangaroo, vẫn có những doanh nhân gốc Việt rất thành công và giàu có.

Mua lại Capital City khi công ty đang kinh doanh thua lỗ và trên bờ vực phá sản, Lê Hồ đã làm được điều thần kỳ khi giúp doanh nghiệp lội ngược dòng và trở thành cái tên dẫn đầu thị trường với doanh thu 10 triệu đôla Úc.

Với thành tích đó, Lê Hồ đã trở thành một trong 29 nữ doanh nhân thành đạt của nước Úc được vinh danh bởi cuốn sách #IfSheCanICan. Tờ báo hàng đầu nước Úc là Sydney Morning Herald cũng đặt cho cô biệt hiệu "Nữ hoàng rác thải".

Được biết, niềm yêu thích kinh doanh của Lê Hồ được hình thành ngay từ khi cô còn rất trẻ. Khi ở độ tuổi 20, cô đã khởi nghiệp lần đầu tiên với một cửa hàng áo cưới. Sáu năm sau đó, cô đã có trong tay 6 cửa hàng. Tuy nhiên, sau đó khi thị trường thương mại điện tử bùng nổ một cách nhanh chóng, hoạt động kinh doanh của Lê Hồ gặp không ít khó khăn từ các đối thủ cạnh tranh đó. Vì thế cô đã rẽ sang một hướng kinh doanh hoàn toàn mới.

Trắng tay khởi nghiệp, thành công trên đất Úc

Theo VNE, từ tay trắng khởi nghiệp, công ty của chàng trai vùng đất mỏ trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên lọt vào Top 100 doanh nghiệp hàng đầu tại xứ sở Kangaroo.

Hoàng Hiếu Huy sinh năm 1983 tại Quảng Ninh. Sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, năm 2005, anh hăm hở cho chuyến phiêu lưu mới tại Canberra (Australia). "Thực tế, ngay khi bắt đầu lên Hà Nội, tôi đã có kế hoạch du học để biết thêm về những góc nhìn mới từ các quốc gia phát triển về kinh doanh và marketing", anh chia sẻ.

Lần đầu tiên sống ở nước ngoài, dù đã có sự chuẩn bị khá kỹ, khi đặt chân tới Australia anh vẫn gặp nhiều khó khăn do rào cản ngôn ngữ và văn hoá. Học chuyên khối A, việc giao tiếp bằng tiếng Anh thực sự là một vấn đề lớn. Những ngày đầu, việc đi siêu thị mua đồ ăn, di chuyển cũng là khiến anh khá lúng túng.

Dành ưu tiên cho việc luyện giao tiếp, anh bắt đầu tự tin để thích ứng. Do du học tự túc, để trang trải chi phí học tập và sinh hoạt đắt đỏ, Huy đi làm thêm. Từ việc khoan bê tông, rửa chén bát tại nhà hàng, làm nhà máy in vào buổi đêm đến việc thu hái hoa quả thời vụ tại các nông trang hay sửa xe đạp cho các sinh viên... anh đều không nề hà.

Tò mò cuộc sống gian khó và thành công của người Việt tại Úc - Ảnh 2

Hiếu Huy, thứ 2 từ trái sang

Hai năm sau, anh hoàn thành chương trình cử nhân và tiếp tục học Thạc sĩ tại Đại học Quốc gia Australia (ANU). Huy thi đỗ vị trí kế toán tại Viện Quản lý Ngân sách Công trình xây dựng Australia. Trong thời gian làm việc tại đây, anh bắt đầu nhận thấy tiềm năng phát triển cho dịch vụ thuê ngoài trong ngành kế toán.

Anh cho biết hơn 90% công ty tại Canberra có quy mô nhỏ và vừa, trong khi giá thuê một nhân viên phụ trách kế toán khá đắt đỏ. Hầu hết lãnh đạo doanh nghiệp thường kiêm nhiệm luôn vấn đề sổ sách chi tiêu. Vì không có chuyên môn cộng thêm việc quản lý hoạt động kinh doanh, các ông chủ gặp rất nhiều khó khăn khi quản lý tài chính.

"Mình thấy đây là cơ hội để đưa ra giải pháp cho các công ty, hay ít nhất họ có thể vừa quản lý được tài chính vừa không băn khoăn quá nhiều về khoản tiền phải trả để thuê nhân viên kế toán", Huy cho hay.

Đầu năm 2009, Huy đã thành lập công ty Harry's Bookkeeping (sau đó đổi tên thành Tailored Accounts). Nhằm tránh rủi ro về vốn - điểm anh cho là hạn chế lớn nhất cho các start-up khi bắt đầu khởi nghiệp, anh sử dụng toàn bộ số tiền tiết kiệm của mình làm vốn đầu tư ban đầu thay vì tìm kiếm các kênh bên ngoài. Để tiết kiệm, Huy sử dụng chính nhà ở làm văn phòng và tự mình kiêm nhiệm việc quản lý, quảng bá, giấy tờ, sổ sách và bán hàng. Thời gian này, vẫn tiếp tục công việc kế toán tại cơ quan Chính phủ để có chi phí duy trì công ty và sinh hoạt hàng ngày.

Không chỉ cung cấp dịch vụ kế toán, mô hình anh hướng đến gồm cả dịch vụ tư vấn tài chính - kinh doanh- đầu tư dựa trên các số liệu. Anh cho rằng không chỉ các tập đoàn lớn mới có các phòng ban tài chính đầu tư, các doanh nghiệp nhỏ cũng có thể tiếp cận được các dịch vụ này với mức giá ưu đãi khi mô hình dịch vụ thuê ngoài của anh đi vào vận hành.

"Đây cũng là điều làm nên sự khác biệt trong mô hình kinh doanh của mình vì đa phần các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tương tự ở thành phố chỉ mới tập trung công việc thu chi hàng ngày và tư vấn", anh nói. Do không phải chi trả các khoản tiền lớn cho việc tuyển dụng, đào tạo và các thủ tục về thuế, các doanh nghiệp nhỏ sử dụng dịch vụ kế toán thuê ngoài mà anh cung cấp đã tiết kiệm 40% chi phí cho các hoạt động kế toán, tài chính và quản lý.

Là một sinh viên nhập cư mới tốt nghiệp, vừa đảm nhiệm công việc cơ quan nghiên cứu vừa kinh doanh riêng, thời gian với anh khá ngặt nghèo. Trong khi đó, anh chưa thể tạo lập quan hệ với giới doanh nghiệp để quảng bá dịch vụ của mình. Anh tận dụng kênh quảng cáo trực tuyến, nhờ đó, các mối quan hệ mới với giới doanh nghiệp đã được mở ra. Trong tuần anh luôn cố gắng gặp gỡ ít nhất một chủ doanh nghiệp để chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm và giới thiệu dịch vụ.

Cạnh tranh gay gắt trong cùng lĩnh vực Huy đang làm là một trong nhiều khó khăn ngày đầu mới kinh doanh. Phần lớn doanh nghiệp sử dụng phần mềm kế toán cài trên máy tính, đòi hỏi việc cài đặt, nâng cấp phần mềm, sao lưu dữ liệu định kỳ. Huy trăn trở tìm cách để nâng cao chất lượng dịch vụ của mình. Thời cơ đến là khi anh biết về kế toán đám mây (cloud-based accounting) khi mà các hoạt động tài chính có thể thực hiện trực tuyến và không cần cài phần mềm trên máy tính.

Công ty của anh là một trong số ít doanh nghiệp đầu tiên ở Canberra áp dụng mô hình này. Anh cũng mất khá nhiều thời gian để thuyết phục khách hàng về tính ưu việt của mô hình. Hầu hết khách hàng đều ngại thay đổi và sợ công nghệ kỹ thuật mới hoạt động không hiệu quả.

Một năm sau, khi lượng khách hàng bắt đầu gia tăng, Huy thuê thêm một nhân viên bán thời gian hỗ trợ công việc. Dần dần tuyển dụng nhân viên chính thức và đến nay công ty có khoảng 15 người làm việc trực tiếp tại trụ sở.

Điều may mắn nhất, theo Huy, khi khởi nghiệp anh hoàn toàn sử dụng nguồn vốn tự có để quay vòng. Sau 5 năm lập nghiệp công ty chưa từng phải kêu gọi vốn đầu tư từ bên ngoài hay vay vốn ngân hàng. Với 150 khách hàng là doanh nghiệp của thành phố và toàn Australia, Huy đang quản lý tương đương số vốn khoảng 100 triệu AUD. 

Nguồn: Doisongphapluat.com

Người Việt ở Úc làm nghề gì phổ biến với mức thu nhập ra sao

Người Việt ở Úc làm nghề gì phổ biến với mức thu nhập ra sao

Người Việt ở Úc làm gì nhiều nhất và thu nhập mỗi ngành nghề như thế nào? Có nghề có thể kiếm 2000 AUD/ tuần.