Trung Quốc muốn làm mờ nhạt thế thượng phong của Mỹ chứ không muốn thay thế Mỹ?
Cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc đang diễn ra khốc liệt. Nhưng liệu điều đó có đến mức gọi là Chiến tranh Lạnh và gắn chặt với ông Tập Cận Bình?
Cuộc đấu hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc diễn ra trên quy mô đầy đủ và mang tính toàn diện. Hai bên cùng cạnh tranh về mức độ giàu có, sức mạnh, và tầm ảnh hưởng, cả ở Đông Á và trên toàn cầu. Hai bên cạnh tranh cả về mô hình quản trị chính trị và phát triển kinh tế cũng như cách nhìn về cấu trúc và các quy tắc của trật tự quốc tế.
Một cuộc cạnh tranh như thế được thúc đẩy bởi những thay đổi lịch sử và thay đổi cấu trúc sau Cuộc Chiến tranh Lạnh Mỹ-Xô và gần đây là cuộc Khủng hoảng Tài chính Toàn cầu năm 2008-2009. Những sự kiện này và hậu quả của chúng đã làm thay đổi cân bằng quyền lực toàn cầu, đặc biệt là quỹ đạo chiến lược tương đối của Mỹ và Trung Quốc. Hiện trạng mới đã đổ thêm dầu vào tình trạng căng thẳng, nghi ngờ, và cạnh tranh giữa hai cường quốc lớn nhất thế giới. Mỗi bên đều quyết tâm tối đa hóa vị thế của mình.
Đối đầu Mỹ-Trung ngày nay có nhiều nét khác với đối đầu Mỹ-Xô thời trước
Tuy nhiên cuộc cạnh tranh này không nhất định phải là một cuộc chơi có “tổng bằng 0”, trong đó bên chiến thắng sẽ lấy đi tất cả. Cuộc cạnh tranh đó không nhất thiết loại bỏ hợp tác song phương. Và sự đối đầu này không nhất thiết phải gắn với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình vì phần lớn những động lực lịch sử và cấu trúc cho cuộc cạnh tranh đã có từ trước khi ông Tập lên nắm quyền vào năm 2012.
Đáng lưu ý nhất, đây không phải là cuộc đấu tranh hệ tư tưởng mang tính sinh tồn như giữa Mỹ và Liên Xô trước đây.
Các mục tiêu ý thức hệ và chiến lược của hai nước không nhất thiết loại trừ lẫn nhau. Có khả năng lớn Trung Quốc chưa muốn phá hủy hệ thống của Mỹ và thay thế Mỹ để lãnh đạo toàn cầu. Thực sự thì Bắc Kinh gần như chắc chắn thừa biết rằng “bá quyền toàn cầu” là điều không thể đạt được đối với họ và cũng không phải là điều cần thiết để đảm bảo các lợi ích của Trung Quốc, để mà họ phải dốc sức vào đó. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể nhận thức được rằng theo đuổi mục tiêu thống lĩnh toàn cầu có thể phản tác dụng, gây ra những bất ổn không có lợi cho lợi ích và an ninh của chính Trung Quốc. Có thể dựa trên việc quan sát ví dụ của Mỹ, Trung Quốc tính toán rằng làm thế sẽ mang lại nhiều gánh nặng và là điều không khả thi.
Trung Quốc vẫn muốn tận dụng chính hệ thống trật tự của Mỹ?
Cách tiếp cận thực tế hơn của Trung Quốc có lẽ là điều mà các lãnh đạo Trung Quốc đã nói tới nhiều lần, đó là “trật tự đa cực” toàn cầu.
Trung Quốc tìm cách phổ biến mô hình quản trị và phát triển của mình thông qua quá trình theo đuổi và thúc đẩy trật tự đa cực theo hướng mà họ gọi là “cộng đồng chung vận mệnh của nhân loại”.
Lãnh đạo Trung Quốc nói về “cải cách hệ thống quản trị toàn cầu” chứ không phải là đòi đập đi và xây cái mới trám vào. Bắc Kinh nhìn chung vẫn ủng hộ hệ thống quốc tế hiện hành. Tuy nhiên họ muốn điều chỉnh và nâng cấp hệ thống đó để nó có tính đại diện lớn hơn cho sự cân bằng sức mạnh trên thế giới trong thế kỷ 21. Đương nhiên Trung Quốc mong muốn tối đa hóa mức độ hệ thống này phục vụ lợi ích của Trung Quốc và cách thức kinh doanh của Trung Quốc.
Nhiều nhà bình luận cho rằng cạnh tranh chiến lược hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc là một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Nhưng so sánh như vậy hơi khập khiễng vì đây không phải là cuộc đối đầu sống còn về mặt ý thức hệ. Thế giới hiện nay không gồm 2 phe với tư tưởng đối lập nhau, đi theo Bắc Kinh hoặc đi theo Washington. Trên thực tế, Mỹ và Trung Quốc phụ thuộc lẫn nhau theo những cách thức chưa từng có trong Liên Xô trước đây.
Học giả Trung Quốc Wu Xinbo cho rằng “Trung Quốc không tạo ra một đe dọa tồn tại đối với Mỹ, nhưng có đe dọa làm mờ nhạt đi thế bá quyền của Mỹ, chia sẻ vai trò lãnh đạo toàn cầu của họ, và thể hiện một phương án thay thế cho mô hình phát triển và quản trị của Mỹ”.
Trước thực tế này, Mỹ cần nhận thức và thừa nhận đầy đủ rằng cán cân sức mạnh thế giới đã thay đổi do các bước phát triển lịch sử và do sự tác động của toàn cầu hòa và sự phụ thuộc lẫn nhau, kéo theo sự thay đổi ảnh hưởng và năng lực tương đối của cả Trung Quốc và Mỹ. Đối với Mỹ hiện nay, mục tiêu thay đổi chế độ ở Trung Quốc là điều không thực tế, thậm chí phản tác dụng. Thế nên nhiều đồng minh và đối tác của Mỹ ở nước ngoài có xu hướng không muốn cùng Mỹ bước vào cuộc đối đầu thắng thua rõ ràng với Trung Quốc, cũng như tham gia kiềm chế và thay đổi Trung Quốc về thể chế chính trị.
Mỹ cần phải làm gì?
Thách thức của Trung Quốc đối với Mỹ tuy có yếu tố quân sự nhưng lại chủ yếu là trong lĩnh vực phi quân sự. Thực sự, trước tiên Mỹ cần tập trung vào nâng cao và khai thác mức độ cạnh tranh của mình về kinh tế và công nghệ.
Thay vì than phiền về “ngoại giao kinh tế” và sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc, Mỹ nên cạnh tranh lại bằng cách đưa ra các phương án thay thế cho các nước mà Trung Quốc đang nhắm tới để có được tài nguyên, thị trường, và tầm ảnh hưởng.
Tất nhiên như thế không có nghĩa là Mỹ nên chểnh mảng trong lĩnh vực an ninh truyền thống của họ. Mỹ vẫn cần tối ưu hóa năng lực, sự cảnh giác, và sự răn đe trong lĩnh vực quân sự, vũ trụ, tình báo, và mạng máy tính.
Cuối cùng để có sức mạnh đối phó với các thách thức từ bên ngoài, Mỹ cần củng cố nội bộ, xử lý hiệu quả các khủng hoảng hiện nay về chính trị, xã hội, kinh tế, và y tế công.
Cạm bẫy ở sân bay Thái Lan
Hàng loạt du khách nước ngoài bị buộc tội trộm đồ ở khu hàng miễn thuế tại sân bay quốc tế tại Bangkok, Thái Lan, và phải trả nhiều tiền để đổi lấy tự do.