Trung Quốc nhận cảnh báo từ Úc
Đây có thể là nước cờ trả đũa của Bắc Kinh vì lập trường ngày càng cứng rắn của Canberra đối với nền kinh tế đang trỗi dậy trong thời gian gần đây.
Trung Quốc "đang tìm cách thiết lập một căn cứ quân sự thường trực tại quốc đảo Vanuatu". Thông tin gây sửng sốt do hãng truyền thông Fairfax Media (Úc) tiết lộ đã dẫn đến phản ứng gay gắt của lãnh đạo Úc và New Zealand hôm 10-4, trong khi giới chức ngoại giao của quốc đảo Thái Bình Dương phải lên tiếng trấn an hàng xóm.
Ác mộng
Fairfax Media dẫn lời các quan chức quân sự cấp cao giấu tên nói Bắc Kinh và Vanuatu đang trong giai đoạn đầu của cuộc đàm phán về vị trí căn cứ quân sự nói trên. Cũng theo đó, viễn cảnh của một tiền đồn quân sự Trung Quốc sát nách Canberra đã được thảo luận ở cấp cao nhất tại Úc và Mỹ.
Một tiền đồn quân sự của Trung Quốc mọc lên ngay ở sân sau của Úc chính là cơn ác mộng lớn nhất đối với nước này, theo cảnh báo của các chuyên gia quốc phòng. Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull tuyên bố: "Chúng tôi vô cùng lo ngại đối với việc thiết lập bất cứ căn cứ quân sự nước ngoài nào ở các quốc đảo Thái Bình Dương và các láng giềng của chúng tôi". Cùng chia sẻ sự bất bình này, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern tuyên bố chính phủ của bà phản đối mạnh mẽ hành động quân sự hóa trên Thái Bình Dương.
Các binh lính Vanuatu trong một lần đón tàu khu trục Hải quân Trung Quốc tới thăm Ảnh: VANUATU DAILY POST
Phía Vanuatu lập tức bác bỏ thông tin của truyền thông Úc. Bộ trưởng Ngoại giao của quốc đảo này, ông Ralph Regenvanu, hôm 10-4 nhấn mạnh: "Không ai trong chính phủ Vanuatu từng thảo luận về một căn cứ quân sự Trung Quốc ở đây. Chúng tôi là một quốc gia không liên kết. Chúng tôi không quan tâm tới quân sự hóa và không hề quan tâm tới bất cứ loại căn cứ quân sự nào trên đất nước mình". Phát ngôn viên của đại sứ Trung Quốc tại Vanuatu, ông Chen Ke, cũng khẳng định ý tưởng Trung Quốc đang thiết lập căn cứ quân sự ở Vanuatu thật "nực cười".
Tuy nhiên, những phủ nhận trên dường như không thể dập tắt lo ngại trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng hoạt động mạnh ở Nam Thái Bình Dương, hứa hẹn nhiều dự án hạ tầng và đổ tiền vào các quốc đảo đang phát triển trong khu vực. Bộ trưởng Ngoại giao Úc Julie Bishop cùng ngày thừa nhận lợi ích ngày càng gia tăng của Bắc Kinh ở Thái Bình Dương nhưng nhấn mạnh Úc có quan hệ tốt với Vanuatu.
"Tôi tự tin rằng Úc là đối tác chiến lược lựa chọn của Vanuatu" - bà Bishop nói. Chính phủ Úc cho biết viện trợ cho quốc đảo có dân số hơn 270.000 người này 54 triệu USD trong năm 2017-2018 và cung cấp đa số các khoản đầu tư, viện trợ nước ngoài trực tiếp cũng như là nguồn du khách chủ yếu cho người hàng xóm.
Chủ nghĩa cơ hội
Nằm cách Úc chưa đầy 2.000 km ở phía Đông Bắc, Vanuatu từng là nhà của một căn cứ Hải quân Mỹ trong Thế chiến II, giúp cản đường quân đội Nhật Bản. Trong một báo cáo cho Viện Nghiên cứu Lowy (tại TP Sydney), người đứng đầu Trường Cao đẳng An ninh Quốc gia thuộc Trường ĐH Quốc gia Úc Rory Medcalf nhận định bất cứ căn cứ hải quân hay không quân nào trong tương lai ở Vanuatu sẽ giúp Trung Quốc gây sức ép với Úc, đánh vào mạng sườn Mỹ và căn cứ của Mỹ ở Guam, đồng thời thu thập tình báo trong trường hợp nổ ra khủng hoảng an ninh khu vực.
Trong khi đó, giảng viên cấp cao về nghiên cứu an ninh Adam Lockyer tại Trường ĐH Macquarie (Úc) cho rằng đây có thể là nước cờ trả đũa của Bắc Kinh vì lập trường ngày càng cứng rắn của Canberra đối với sự trỗi dậy của họ thời gian gần đây. Truyền thông Trung Quốc thời gian qua nhiều lần công kích Thủ tướng Turnbull vì ra mặt chống lại sự can thiệp nước ngoài vào chính trường Úc cũng như việc ông thẳng thắn chỉ trích các tuyên bố chủ quyền sai trái của Bắc Kinh ở biển Đông.
"Ai cũng biết Nam Thái Bình Dương là khu vực sống còn đối với Úc. Trung Quốc biết điều này (thiết lập căn cứ quân sự) sẽ khuấy đảo chúng ta, làm chúng ta tổn thương và nếu chúng ta bị tổn thương, chúng ta có thể sẽ bớt kiên quyết hơn" - ông Lockyer nhận định. Ông Lockyer cũng cho rằng Bắc Kinh mạnh tay với Canberra để "dằn mặt" các nước khác trong khu vực.
Vậy bước đi tiếp theo của Bắc Kinh là gì? Hiện vẫn chưa rõ liệu nước này có thực sự xây dựng căn cứ ở khu vực hay không. Theo ông Lockyer, Bắc Kinh hành động theo kiểu chớp cơ hội, thay vì theo đuổi các căn cứ quân sự mới như kế hoạch. "Họ đang thiết lập một mạng lưới những mối quan hệ gần gũi khắp thế giới. Nếu một cảnh cửa mở ra, chắc chắn họ sẽ nắm lấy" - chuyên gia này nhận định.
Tɦᴜốc ɓổ ƙɦôпɢ ɓằпɢ łɦực ρɦẩɱ ɓổ: Cácɦ cɦăɱ sóc пɢũ łạпɢ łốł пɦấł ɢiúρ ɓạп sốпɢ łɦọ ɦơп
Tɦeo các ɓác sĩ, sức ƙɦỏe củɑ пɢũ łạпɢ qᴜyếł ᵭịпɦ łᴜổi łɦọ củɑ ɓạп. Đây ℓà ɓí qᴜyếł ℓựɑ cɦọп łɦực ρɦẩɱ cɦăɱ sóc cơ łɦể łốł пɦấł ɓạп пêп łɦɑɱ ƙɦảo ᵭể ℓᴜôп ƙɦỏe ɱạпɦ ʋà łɾườпɢ łɦọ.