RSS

Úc bình yên đến mức hàng xóm cũng không biết tên nhau - Lời kể của du học sinh Việt

14:00 31/07/2020

Cậu bạn băn khoăn liệu có phải mọi người quá bận rộn hay đơn giản không muốn giao tiếp quá nhiều với những người sống xung quanh hay không mà hầu như chẳng bao giờ Đức gặp những người hàng xóm, và chẳng biết tên hay bất cứ điều gì về họ.

Sau khi hoàn thành THPT tại Việt Nam, tháng 10/2016, Minh Đức lên đường sang Úc theo học ngành Công nghệ thông tin tại Đại học Deakin như dự định từ trước đó. 2 năm học tập và sinh sống tại xứ sở Kangaroo đã cho anh chàng du học sinh này những trải nghiệm tuyệt vời nhưng cùng với đó là không ít khó khăn mà nhìn từ bên ngoài mọi người khó có thể hiểu được hết.

"nước Úc thực sự vô cùng yên bình và chất lượng cuộc sống khiến mình rất hài lòng"

Khi được hỏi về điều gì mà Đức ấn tượng nhất về nước Úc và về quãng thời gian học tập tại đây, Đức ngay lập tức trả lời "sự yên bình và chất lượng cuộc sống".

Nước Úc mang đến cho Đức trải nghiệm về sự yên bình đến khó tả dù đang sống giữa lòng thành phố Melbourne. Dù nhịp sống đô thị vẫn diễn ra tấp nập những hoàn toàn không phải khung cảnh xô bồ, ồn ào, chen lấn. Sự yên bình đến từ không khí dễ chịu, không gian thoáng đãng và nhiều cây xanh khắp thành phố. Rất nhiều người lựa chọn đi bộ nên vẻ xứ "Mèo buồn" cũng có vẻ chậm lại.

"Mình đã rất bất ngờ vì nơi đây an toàn hơn mong đợi. Khi đi trên đường phố, hầu như không cần phải lo lắng hay đề phòng việc sẽ bị giật đồ. Nếu lỡ về khuya, chuyện đi một mình trên đường cũng không hề đáng ngại. Mình rất ít khi bắt gặp tai nạn hay va chạm giao thông, vì mọi người ở thành phố này lựa chọn phương tiện công cộng rất nhiều".

"Chất lượng cuộc sống ở đây cũng là một trong nhưng lí do lớn nhất khiến mình yêu nước Úc. Thực phẩm tươi ngon, an toàn, thời tiết hợp lòng người, các dịch vụ xã hội tương đối tốt mà chi phí sinh hoạt không quá đắt đỏ. Mình đã có 2 năm đầu tiên khá hài lòng tại đây".

Thế nhưng, một điều mà Đức cảm thấy chưa thực sự hài lòng chính là quan hệ giao tiếp giữa mọi người. Cậu bạn băn khoăn liệu có phải mọi người quá bận rộn hay đơn giản không muốn giao tiếp quá nhiều với những người sống xung quanh hay không mà hầu như chẳng bao giờ Đức gặp những người hàng xóm, và chẳng biết tên hay bất cứ điều gì về họ.

Tự lập vất vả hơn nhiều những gì mọi người vẫn nghĩ

Mọi người thường cho rằng du học sinh có thể đi làm thêm là đủ để trang trải cho cuộc sống. Thế nhưng Đức cho biết, tự lập chẳng bao giờ dễ dàng, mà muốn tự lập ở một nơi xa nhà như vậy càng vất vả và nhiều khó khăn hơn.

"Chương trình học không bao giờ là nhẹ nhàng cả. Học trên lớp không thể nào đủ, bạn cần dành rất nhiều thời gian cho nó ở nhà. Nhưng bạn cũng muốn đi làm thêm để giúp đỡ bố mẹ giảm bớt áp lực tài chính. Cân bằng thời gian học tập và làm việc thực sự là một bài toán khó" - Đức chia sẻ.

"Đi làm thêm về thường khá mệt nên rất dễ bỏ bê việc học để nghỉ ngơi bù sức cho buổi làm việc vừa mới xong. Mình phải thừa nhận có những lúc mình hoàn toàn không có thời gian để học tập nghiêm túc chỉ vì đi làm thêm".

"Mà đi làm thêm cũng có vô số những chuyện không như mong đợi. Gặp một quản lý khó tính, suốt ngày phải nghe quát mắng vô lý khiến mọi người đều cảm thấy ức chế nhưng không phải bất cứ những lúc như vậy đều có thể bỏ việc ngay. Tìm kiếm một công việc khác có một môi trường tốt, thu nhập phù hợp ở nước ngoài không đơn giản như ở Việt Nam. Đặc biệt, vì là du học sinh, người tuyển dụng cũng sẽ khắt khe hơn trong việc có chọn bạn hay không".

Nhớ nhà là cảm giác tồi tệ nhất

Cảm giác nhớ nhà có lẽ ai cũng hiểu và ai cũng đã từng trải qua nhưng khi ở một nơi xa nhà ngàn cây số thì cảm giác ấy rất khó để có thể diễn tả.

"Mình đã chuẩn bị tâm lý trước là sẽ rất nhớ nhà, nhưng không ngờ những gì thực tế phải trải qua thì tồi tệ hơn nhiều. Những ngày đầu tiên, chỉ muốn chạy ngay về với bố mẹ nhưng không thể nào làm được. Dần dần, nhịp sống và học tập ổn định hơn, mình cũng vượt qua được giai đoạn nhớ nhà nhất, nhưng mỗi dịp sinh nhật bố mẹ, những ngày lễ truyền thống chỉ được nhìn cả nhà quây quần bên mâm cơm qua màn hình máy tính, bạn bè thì liên tục gửi ảnh cùng nhau đi chơi, gặp gỡ, không thể nào mà không chạnh lòng".

Thế nhưng, có một may mắn mà Đức cho rằng tuyệt vời hơn cả chính là kỳ nghỉ hè kéo dài khoảng 2-3 tuần, trùng đúng dịp Tết Nguyên Đán tại Việt Nam nên bạn có thể trở về nhà và đón năm mới cùng gia đình. Sau một năm xa nhà, cái Tết được trở về càng thêm quý giá và ý nghĩa.

Bên cạnh đó, Đức cũng có một cộng đồng những người bạn là du học sinh Việt Nam tại đây làm điểm tựa tinh thần. Những người bạn có cùng ngôn ngữ thường xuyên tổ chức các chương trình tập thể để tăng cường tình đoàn kết và vơi bớt nỗi nhớ nhà. Như Đức chia sẻ, đó cũng chính là những người bạn thân thiết nhất luôn sẵn sàng giúp đỡ bất cứ khi nào gặp khó khăn.

Hiện còn 1,5 năm nữa Đức sẽ kết thúc chương trình học. Cậu bạn du học sinh Việt Nam có chia sẻ mong muốn tìm kiếm cơ hội ở lại làm việc từ 1-2 năm để nâng cao kinh nghiệm trước khi về nước lập nghiệp.

"Với mình, đi du học là một quyết định lớn đúng đắn. Nước Úc đã mang đến cho mình những trải nghiệm tuyệt vời nhưng quan trọng nhất là bản thân mình trưởng thành hơn mỗi ngày, sống có trách nhiệm hơn. Ngày trước, mình thậm chí còn không tự nấu được một bữa cơm nhưng bây giờ có thể tự tin làm được rất nhiều việc hơn thế. Mình rất mong đợi đến ngày hoàn thành những kế hoạch của bản thân và trở về Việt Nam với một tư duy khác và một bản lĩnh khác".

Người Việt ở Úc làm nghề gì phổ biến với mức thu nhập ra sao

Người Việt ở Úc làm nghề gì phổ biến với mức thu nhập ra sao

Người Việt ở Úc làm gì nhiều nhất và thu nhập mỗi ngành nghề như thế nào? Có nghề có thể kiếm 2000 AUD/ tuần.