Úc: Hệ thống health star rating có thực sự đáng tin?
Chỉ với 1/3 số thực phẩm đóng gói được dán nhãn theo hệ thống xếp hạng về mức độ lành mạnh (health star rating), rất khó để khẳng định người tiêu dùng Úc đang chọn đúng loại thức ăn tốt nhất cho sức khỏe của mình.
Kết quả khảo sát gần đây cho thấy đa số các loại thực phẩm dán nhãn health star rating đều đạt đánh giá từ 3 sao trở lên.
Các nhà nghiên cứu về sức khỏe cộng đồng cho rằng tất cả các loại thực phẩm trên thị trường đều phải áp dụng hệ thống đánh giá sao này, bởi người tiêu dùng có quyền được biết thứ họ vừa mua sẽ ảnh hưởng tốt hay xấu đến thân thể mình.
Health Star Rating (HSR) là chương trình dán nhãn xếp hạng độ lành mạnh dành cho thực phẩm, được chính phủ công bố năm 2014 nhằm giải quyết vấn nạn bệnh béo phì. Hệ thống này đánh giá thành phần dinh dưỡng tổng quan của thức ăn và cho kết quả từ 0.5 đến 5 sao, theo mức độ an toàn tăng dần.
LIỆU CÓ NÊN TIN TƯỞNG 100% VÀO “SAO”?
Trên lý thuyết, thực phẩm càng nhiều sao thì càng ít gây hại, thậm chí tốt cho sức khỏe.
Thế nhưng, nhiều người đã nghi ngờ tính chính xác của hệ thống đánh giá khi thức uống bột chocolate chứa tới gần 50% đường như Milo lại được xếp 4.5 sao.
Trước áp lực của công chúng, Nestle đành phải thỏa hiệp và gỡ nhãn 4.5 sao khỏi sản phẩm Milo của mình vào năm 2018. Trước đó, đã có nhiều tổ chức sức khỏe cộng đồng tuyên bố loại thức uống này chỉ có thể đạt tối đa 1.5 trên tổng số 5 sao.
HSR CÓ HIỆU QUẢ NHƯ MONG ĐỢI?
Sau khi chính phủ tiến hành đánh giá hệ thống xếp hạng sao vào tháng 6, Viện nghiên cứu sức khỏe toàn cầu George đã khởi động dự án kiểm tra tính xác thực của HSR và phản ứng của công chúng đối với hệ thống này.
Theo một bài báo trên Australian and New Zealand Journal of Public Health, kết quả nghiên cứu trong 4 năm cho thấy có rất ít bằng chứng để khẳng định HSR sẽ giúp người tiêu dùng mua được thực phẩm lành mạnh và tốt cho sức khỏe hơn.
Trong suốt 4 năm thực hiện dự án, các nhà nghiên cứu nhận thấy chỉ có 20 – 28% tổng số thực phẩm đóng gói được dán nhãn đánh giá của HSR. Trong đó, có đến 75% đạt rating ít nhất 3 sao.
“Người tiêu dùng có vẻ nhanh tiếp thu và hứng thú hơn với hệ thống đánh giá thực phẩm bằng sao. Chắc chắn là họ thích nó hơn những điều lệ khô khan về dinh dưỡng hàng ngày, HSR thực sự đã thay thế vị trí của chúng,” Alexandra Jones tại Viện nghiên cứu sức khỏe toàn cầu George cho biết.
“Vấn đề đáng quan ngại ở đây là hệ thống HSR không được áp dụng rộng rãi cho lắm.
“Người tiêu dùng bị che mắt bởi loạt thực phẩm thiếu nhãn đánh giá. Họ chẳng hề được biết về những loại thức ăn không lành mạnh xung quanh mình.”
MUÔN KIỂU “LÁCH LUẬT”
Jones là một luật sư hoạt động trong lĩnh vực sức khỏe cộng đồng. Cô nhận định các công ty trong ngành công nghiệp thực phẩm đang cố tận dụng mọi “khe hở” của các chính sách được đưa ra nhằm trục lợi cho mình.
“HSR đã biến thành công cụ marketing hiệu quả trong ngành thực phẩm, nhưng người tiêu dùng lại bị lừa dối, bởi họ không có cái nhìn toàn cảnh về mức độ an toàn của các sản phẩm được bày bán trên thị trường,” cô nói.
“Hiện tại, các sản phẩm không lành mạnh chỉ cần ‘chơi khăm’ khách hàng bằng cách không dán nhãn đánh giá lên bao bì, và thế là xong.
“Hơn nữa, do sơ hở của thuật toán đánh giá thành phần dinh dưỡng, một số loại thực phẩm chứa nhiều muối, đường và chất béo lại có được rating cao.”
Song, Jones cho biết vẫn còn thời gian để HSR chứng minh tính hiệu quả của mình.
Cô tin rằng hệ thống đánh giá sao này vẫn là công cụ tốt phục vụ cho cuộc chiến chống bệnh béo phì.
“Chế độ ăn uống không lành mạnh là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến nhiều bệnh tật, thậm chí cái chết trên toàn thế giới. Tỷ lệ béo phì ngày một tăng cao do sự xuất hiện tràn lan của thực phẩm đóng gói chứa nhiều đường, muối và chất béo,” cô nói.
“Chúng ta cần có một hệ thống đánh giá đủ chuẩn mực để xác định loại thực phẩm nào đó là tốt hay xấu với sức khỏe.”
Nguồn: Vietucnews.net
Tɦᴜốc ɓổ ƙɦôпɢ ɓằпɢ łɦực ρɦẩɱ ɓổ: Cácɦ cɦăɱ sóc пɢũ łạпɢ łốł пɦấł ɢiúρ ɓạп sốпɢ łɦọ ɦơп
Tɦeo các ɓác sĩ, sức ƙɦỏe củɑ пɢũ łạпɢ qᴜyếł ᵭịпɦ łᴜổi łɦọ củɑ ɓạп. Đây ℓà ɓí qᴜyếł ℓựɑ cɦọп łɦực ρɦẩɱ cɦăɱ sóc cơ łɦể łốł пɦấł ɓạп пêп łɦɑɱ ƙɦảo ᵭể ℓᴜôп ƙɦỏe ɱạпɦ ʋà łɾườпɢ łɦọ.