Vài kinh nghiệm để vượt qua kỳ thi Quốc Tịch Hoa Kỳ
Nếu bạn hỏi câu này trong tất cả các lớp luyện thi Quốc Tịch ở California, Florida, Texas, Washingston, hay toàn nước Mỹ, thì chắc chắn ai cũng mong muốn được thi đậu Quốc Tịch Hoa Kỳ.
Qua tới Mỹ, tôi thấy có mấy câu mà ông bà mình dạy thật là chí phải, như: “Tiền nào của nấy,” “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh,” và “Học tài thi phận.” Trường hợp thi Quốc Tịch Mỹ cũng khá thích hợp với câu “Học tài thi phận” hay nói theo kiểu dân gian là “hên xui.”
Riêng theo tôi thì “Thi đậu, thi rớt không hẳn là do giỏi dở. Điều quan trọng nhất là phải học thì mới có hy vọng thi đậu.” Phải “Tận nhân lực” thì mới “Tri thiên mệnh.” Đừng bao giờ nuôi hy vọng “ngáp phải ruồi” “rung cây cho chim bay ra” trong kỳ thi phỏng vấn Quốc Tịch Mỹ, nếu bạn không học thuộc làu 100 câu hỏi “Civic Questions” và học thiệt kỹ các câu hỏi (hơn 100 câu) trong đơn xin nhập tịch N400 của bạn.
Nhưng học cách nào, mà thi cho dễ đậu? Thưa bạn, có rất nhiều video YouTube hướng dẫn thi Quốc Tịch rất hay, nhưng phần đông là tiếng Anh. (Ngoại trừ các trang web thi Quốc Tịch của Florida, Người Việt Cali hay của Mr. Frank và KT).
Tội nghiệp cho các chị em phụ nữ như bà xã tôi vừa đi làm, vừa đi học, vừa lo việc giặt giũ nấu cơm, làm sao có nhiều thời gian để học và nhớ hết cho nổi. Nhất là từ sau 1975, vợ tôi cũng như các bạn cùng trang lứa như những cánh chim non vỡ tổ, dang dở học hành, lao vào bươn chải kiếm ăn, lo cơm áo gạo tiền. Chữ nghĩa học hành bao năm trời, “tiếng Tây tiếng U,” đều “tung cánh chim… tìm về tổ ấm,” trả lại cho thầy cô ráo trọi. Nuốt hết 100 câu Civic Questions và hơn 100 câu hỏi N400, quả là một việc không dễ dàng tý nào.
Bây giờ, tôi xin được phép chia sẻ kinh nghiệm Thi Quốc Tịch của mình nhé.
1. Nộp đơn thi Quốc Tịch
Các bạn nên nhờ người có kinh nghiệm hiểu biết tường tận (chứ không phải lem nhem), hoặc các Trung Tâm Luyện Thi Quốc Tịch của các tổ chức bất vụ lợi như: các nhà thờ Công Giáo, Tin Lành, để họ điền đơn, ghi tên và chịu trách nhiệm về việc điền đơn cho các bạn. Hiện nay, thì hình như các chùa Phật Giáo, Cao Đài, hay Hòa Hảo chỉ chú trọng nhiều vào việc dạy Việt ngữ cho các em, chứ chưa có tổ chức các lớp luyện thi Quốc Tịch.
Các bạn nào trong cuộc đời có nhiều “ngang trái,” “đau đớn phận nghèo” hay “người giàu cũng khóc,” thì cũng phải thành thật khai báo, không nên giấu diếm. Thí dụ, bạn đã có mấy lần lên xe hoa? Có đi lính không? Có “được” “học cải tạo” hay “ủ tờ” (ở tù) không? Có bị traffic ticket (giấy phạt vi phạm giao thông) như bị DUI tức ham vui lái xe say rượu, hoặc có cẩu thả lái xe vượt đèn đỏ không? Có con ngoài giá thú hay có con nuôi không? Những hoàn cảnh éo le, hơi đặc biệt khác với thông thường cùa các bạn, thường được các giám khảo hỏi các bạn trong khi phỏng vấn.
2. Chờ đợi ngày đi lăn tay và ngày phỏng vấn
Khoảng một tháng kể từ khi nộp đơn, bạn sẽ được thư mời đi chụp hình và lăn tay. Đồng thời, nhận được một quyển sách giới thiệu về nước Mỹ, cùng 100 câu hỏi thi Quốc Tịch. Sau đó, hồ sơ của bạn sẽ được chuyển qua cơ quan FBI để xác minh. Trước đây, có lúc bạn phải chờ khoảng 9 tháng hay một năm, mới dược mời thi Quốc Tịch. Nghe nói cha mẹ vợ (hiện nay) của TT Trump (tổng thống gây nhiều ì xèo sóng gió nhất trong lịch sử Hoa Kỳ) phải chờ một năm mới được thi vào Quốc Tịch.
Bây giờ có nhiều Trung Tâm Thi Quốc Tịch được USCIS cho mở thêm ra do người xin thi “bỗng nhiên” quá đông, nên thời gian chờ đợi được rút ngắn chỉ còn khoảng 6 tháng. Và USCIS (Cơ Quan Di Trú Hoa Kỳ) sẽ gửi thư mời đi phỏng vấn trước ngày thi khoảng 3 tuần cho các bạn.
Đối với các bạn phải thi lại lần hai. Thì thời gian được mời thi lại khoảng từ 2 đến 2 tháng rưỡi, kể từ lần thi thứ nhất, và USCIS sẽ gửi thư mời các bạn, thông báo ngày và địa điểm thi kế tiếp về địa chỉ của bạn.
3. Học thi thế nào cho có kết quả
Ngoại trừ các bạn có trình độ tiếng Anh cao, như đã học qua các lớp ESL ở Việt Nam hay đã có 2 hoặc 3 năm học tại các trường Community College (Đại Học Cộng Đồng), hoặc các bạn thiếu niên đang học tại các trường đại học, hoặc đã tốt nghiệp đi làm, đóng thuế đầy đủ, có ghi danh tại Cơ Quan Tuyển Mộ Quân Dịch (Selective Service) đúng hạn (từ 18 đến 26 tuổi) “thành khẩn khai báo.” Các bạn đó, chắc chắn sẽ vượt qua kỳ thi Quốc Tịch thật dễ dàng.
Nhưng còn các bạn từ Việt Nam sang (nửa chừng xuân) như chúng ta, phải “trầy da tróc vảy” mới vượt vũ môn, “cá chép, cá lòng tong” mới được hóa rồng, các bạn ơi. Theo tôi, các bạn nên học cả hai thầy.
Thầy Việt để giảng dạy ta những điều chưa biết thành ra dễ nhớ. Thầy Mỹ để ta có điều kiện nghe quen tiếng Anh, luyện ta cách đọc, phát âm (pronunciation) các từ tiếng Anh, cũng như cách luyến láy âm điệu trầm bổng (intonation) của các câu tiếng Anh sao cho đúng chuẩn, để các giám khảo Mỹ dễ nghe, dễ hiểu.
Đây là một yêu cầu chính yếu, cũng hết sức quan trọng mà chúng ta ít ai để ý đến. Nếu trong văn chương Việt Nam ta có những câu thơ cần phải có âm điệu thì nghe mới thấy hay như: “Hôm nay/trời nhẹ/mây cao. Tôi buồn/không hiểu/vì sao/tôi buồn”. (Xuân Diệu). Thì trong văn Mỹ cũng thế. Thí dụ như nếu gặp câu hỏi ý nghĩa của từ Arrested (bị bắt), thì ta nên trả lời, như sau: “Arrested is/Taken to jail/by the police”. (Bị cảnh sát/bắt bỏ vào tù). Nếu bạn nói được câu đó như người Mỹ đã đọc, thì giám khảo nghe dễ lọt tai, dể hiểu, dễ có cảm tình. Và thần may mắn sẽ mỉm cười với bạn vì giám khảo thấy mình chịu khó học hành bài bản, nên họ có thể châm chước cho bạn một hai câu, mà ta bị “bí rị” không trả lời nổi. Nếu lỡ gặp câu quá khó, bạn chỉ cần thành thật nhìn nhận mình không biết (I’m very sorry, I try to remember, but I don’t understand your questions.” Vì “nhân vô thập toàn” (không ai có thể hoàn hảo được).
Người Việt mình thường hay nghe nhầm chữ Where (ở đâu) với chữ When (khi nào). Nên nếu giám khảo hỏi “Where were you born?” (Bạn sinh ở đâu?), mà mình tưởng hỏi “When were you born?’ (Bạn sinh ra ngày tháng năm nào?) thì câu trả lời dĩ nhiên là trật lất. Vậy, điều quan trọng thứ nhất là phải nghe cho quen và nghe thật nhiều các câu hỏi tiếng Anh 100 Civics Questions và các câu hỏi N400 như phần lời khai bản thân (N400 Part 1-11) và phần đạo đức (N400 Part 12).
4. N400 Part 12 – Have you ever?
Để qua được kỳ thi Quốc Tịch, bạn phải chứng tỏ hiểu biết về lịch sử Hoa Kỳ, thể chế dân chủ, các quyền tự do của công dân và khả năng Anh ngữ căn bản: nghe hiểu, nói đọc viết các câu đơn giản. Khó nhất với người Việt chúng ta là N400 (Part 1-11) (các câu hỏi về bản thân, số thẻ xanh (Green Card), thẻ an sinh xã hội (Social Security), điện thoại, ngày tháng, nơi sinh, địa chỉ, vợ chồng, con cái) và N400 (Part 12) (Các câu hỏi phỏng vấn về đạo đức công dân).
Một video nào đó quá thông minh, chỉ cho các bạn mẹo thi Quốc Tịch, hễ cứ nghe câu hỏi “Have you ever” (Bạn có bao giờ…) thì cứ tự động trả lời là No (Không) cho chắc ăn, khỏi bị hỏi thêm lôi thôi rắc rối. Thành ra, các giám khảo bắt buộc phải hỏi nghĩa của một số từ trong câu hỏi, để bảo đảm là bạn hiểu rõ câu hỏi chứ không phải là trả lời đại, đoán mò, học tủ.
Đó là các câu Mean, Meaning để giải thích ý nghĩa của các từ khóa (key words) trong câu hỏi. Trước đây, chỉ có khoảng 40 từ mean như “habitual drunkard”(người nghiện rượu). Bây giờ hình như nó lên tới từ 100 đến 140 câu?
Thầy Việt dạy các câu mean thì cũng rất hay, nhưng khi các bạn xách cặp ra về, chắc chắn là các bạn sẽ “thả gió cho mây ngàn bay,” chả còn nhớ được ổng bả đọc các từ đó ra làm sao? Thế là các bạn tự đọc lấy, không có video để luyện phát âm cho đúng. Cuối cùng, do phát âm sai nên giám khảo Mỹ không thể hiểu bạn nói gì, đành cho bạn thi lại kỳ sau.
Tôi còn nhớ hồi mới nộp đơn thi Quốc Tịch, một bạn hỏi tôi “Khủng bố (Terrorist) có nghĩa là gì? Tôi giựt nảy người, nếu ta giải thích bằng tiếng Việt còn “ú ớ,” thì làm sao giải thích bằng tiếng Mỹ cho nổi. Vả lại, người Việt mới học tiếng Anh thì mình nói tiếng Mỹ cũng hơi lọng cọng (nói ngọng và lơ lớ) thì làm sao các giám khảo Mỹ có thể hiểu được là ta nói cái gì? Vậy, môt nguyên tắc thứ hai là phải học thầy Mỹ các câu Mean, nghe cho quen và lập lại theo các video bằng tiếng Mỹ. Bước cuối cùng, là nghe hiểu mà không nhìn video, trả lời không ngập ngừng, mới được.
Có nhiều giám khảo đã nhận xét, như sau: Dân Việt Nam giỏi thiệt, phần nhiều đều trả lời đúng và pass (đậu) 100 câu Civic Questions, nhưng sao các câu Mean thì ai cũng trả lời giống nhau quá (vì cùng học một sách mà lỵ). Khổ nỗi, nhiều video giải thích các câu mean một cách khác nhau, mà có câu dài ngoằng đến nhớ không nổi.
Kinh nghiệm của tôi là mình nên cố gắng tìm các câu tiếng Anh đơn giản (Simple English) để giải nghĩa cho giám khảo dễ hiểu mà mình lại dễ nhớ.
Thí dụ Genocide (diệt chủng) có người giải thích là Mass Murder (kẻ giết người hàng loạt), nhưng lúc vào thi phỏng vấn tinh thần căng thẳng, mà nhớ cho ra được Murder là kẻ giết người, thì có mấy ai nhớ cho nổi. Ta chỉ cần trả lời Killing a lot of people (giết nhiều người) or killing a whole race (giết cả một chủng tộc) là ổn.
5. Chuẩn bị vào phòng thi
Bạn nên ăn mặc chỉnh tề lịch sự tạo cảm tình cho người phỏng vấn, đến trước giờ hẹn nửa tiếng để được an tâm. Giám khảo thường xem xét tham khảo hồ sơ bạn trước khi phỏng vấn, do vậy, ta nên trả lời trung thực. Nếu có gì cần bổ sung hay điều chỉnh thì bạn nên viết một tờ giấy nộp cho giám khảo trước khi phỏng vấn, cho biết rõ mục nào (Part 1 or Part 12) số thứ tự câu nào cần bổ sung.
Suy nghĩ kỹ trước khi trả lời, trả lời chậm rãi tự tin, vì mình đã học kỹ. Nếu câu nào nghe không rõ thì xin giám khảo lập lại và cám ơn. Và hy vọng các bạn sẽ vượt qua kỳ thi Quốc Tịch một cách thật dễ dàng, để trở thành một Công Dân Hoa Kỳ như mơ ước.
Cạm bẫy ở sân bay Thái Lan
Hàng loạt du khách nước ngoài bị buộc tội trộm đồ ở khu hàng miễn thuế tại sân bay quốc tế tại Bangkok, Thái Lan, và phải trả nhiều tiền để đổi lấy tự do.