Vatican ký kết thỏa thuận với Bắc Kinh về thụ phong giám mục
Thông tin chi tiết về thỏa thuận này không được công bố, nhưng những người quen thuộc với vấn đề này nói rằng nó cho phép Giáo Hoàng phủ quyết việc thụ phong giám mục mới do Bắc Kinh đề xuất, Nhật báo Phố Wall (WSJ) đưa tin ngày 22/9.
Vatican và chính phủ Trung Quốc đã ký một thỏa thuận về việc thụ phong các giám mục tại Trung Quốc, chấm dứt một cuộc đấu tranh kéo dài hàng thập kỷ về việc bổ nhiệm các chức sắc Công giáo trong quốc gia đông dân nhất thế giới, nhưng vẫn còn những căng thẳng lớn chưa được giải quyết.
Quyền phủ quyết
“Thỏa thuận tạm thời” đã được ký kết vào thứ Bảy (22/9) tại Bắc Kinh bởi Đức ông Antoine Camilleri, Thư ký của Tòa thánh phụ trách quan hệ với các quốc gia, và ông Wang Chao, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc về các vấn đề đối ngoại, Vatican nói trong một tuyên bố.
Thông tin chi tiết về thỏa thuận này không được công khai, nhưng những người quen thuộc với vấn đề này nói rằng nó cho phép Giáo hoàng phủ quyết những đề cử thụ phong giám mục mới do chính phủ Trung Quốc đề xuất.
“Đây không phải sự kết thúc của một quá trình, mà là khởi đầu”, phát ngôn viên Vatican, Đức ông Greg Burke, phát biểu trong một tuyên bố. “Mục tiêu của thỏa thuận không phải là chính trị nhưng mục vụ, cho phép các tín hữu có các giám mục hiệp thông với Rôma và đồng thời được chính quyền Trung Quốc thừa nhận”.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đưa ra một tuyên bố ngắn gọn, khẳng định rằng “Trung Quốc và Vatican sẽ tiếp tục duy trì liên lạc, để thúc đẩy việc tiếp tục cải thiện quan hệ song phương”.
Thỏa thuận gây tranh cãi giúp Giáo hoàng lần đầu tiên được Bắc Kinh công nhận là người đứng đầu Giáo hội Công giáo ở Trung Quốc. Nhưng nó cũng khiến Vatican không thể phong chức các giám mục tại Trung Quốc nếu không được Bắc Kinh cho phép. Điều này có nghĩa là tất cả các chức sắc mới của nhà thờ ở Trung Quốc phải là những người được chính phủ có quan điểm vô Thần chấp thuận.
Trong bối cảnh chính phủ Trung Quốc tăng cường đàn áp Kitô hữu và các nhóm tôn giáo khác, thỏa thuận này đã thu hút một số chỉ trích, kể cả từ một số “con chiên” ở đại lục, rằng nó là một thất bại cho nguyên tắc tự do tôn giáo.
Dâng chiên vào miệng sói?
Hôm 22/9, Hồng y Joseph Zen, cựu Tổng giám mục của Hồng Kông, đã lên án thỏa thuận như một sự phản bội đối với người Công giáo chân chính ở Trung Quốc.
“Họ đang dâng đàn chiên vào miệng những con sói. Đó là một sự phản bội không thể tin được”, Hồng y Joseph Zen nói với Reuters. “Hậu quả sẽ bi thảm và lâu dài, không chỉ đối với Giáo hội ở Trung Quốc mà còn với toàn thể Giáo hội, bởi vì nó làm tổn hại uy tín. Có lẽ đó là lý do vì sao họ có thể giữ bí mật thỏa thuận này”.
Đối với Bắc Kinh, thỏa thuận đạt được với Vatican giống như một lá bài để đánh bóng hình ảnh của họ trong bối cảnh Đảng Cộng sản Trung Quốc đang theo đuổi một chiến dịch đưa Công giáo và các tín ngưỡng khác vào vòng kiểm soát của chính phủ.
Đây cũng là một bước để nối lại quan hệ ngoại giao với Vatican, mà Bắc Kinh đã phá vỡ vào năm 1951, và do đó là một phần của chiến dịch tăng cường sự cách ly Đài Loan, một hòn đảo dân chủ, tự trị mà Bắc Kinh coi là một tỉnh nổi loạn. Vatican là nước có uy tín nhất trong các đối tác ngoại giao của Đài Loan, hiện chỉ có 17 nước.
Bộ Ngoại giao Đài Loan cho biết trong một tuyên bố rằng họ đã nhận được sự bảo đảm của Vatican thỏa thuận về các giám mục “sẽ không ảnh hưởng đến mối quan hệ ngoại giao” giữa Đài Bắc và Tòa thánh.
Tiền lệ nguy hiểm?
Một số quan chức Trung Quốc lo ngại thỏa thuận này đặt ra một tiền lệ nguy hiểm khi cho một tổ chức nước ngoài có được quyền lực về các vấn đề tôn giáo ở Trung Quốc. Họ sợ rằng nó có thể khuyến khích các nhóm tôn giáo khác ở Trung Quốc – bao gồm Tin Lành, người Hồi giáo và Phật tử Tây Tạng – cũng tìm kiếm sự hội nhập lớn hơn với các cơ quan tôn giáo toàn cầu.
Năm 1957, chính quyền Trung quốc đã dựng lên một Giáo hội Công giáo “yêu nước”, không công nhận quyền lực của Giáo hoàng Vatican. Kể từ đó, Bắc Kinh này đã bổ nhiệm các giám mục của riêng mình.
Trung Quốc ước tính có khoảng 10 triệu người Công giáo chỉ được phép thờ phượng trong các hội thánh được Hiệp hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc chấp thuận, nhưng nhiều người Công giáo tham dự các nhà thờ chưa đăng ký trong cái gọi là cộng đồng ngầm. Việc theo đuổi thỏa thuận của Giáo hoàng Phanxicô được cho là nỗ lực của ông nhằm chấm dứt sự chia rẽ giữa hai nhóm này.
Tính đến tháng 12/2017, Trung Quốc có 101 giám mục. Trong số này, 65 người thuộc Giáo hội “yêu nước” phụ thuộc vào nhà cầm quyền, và 36 người thuộc cộng đồng ngầm, đã từ chối quyền kiểm soát của nhà nước.
Trong một tuyên bố về thỏa thuận này, Hồng y Pietro Parolin, Ngoại trưởng Vatican, nói Giáo hoàng kêu gọi người Công giáo ở Trung Quốc “thực hiện những cử chỉ hòa giải, và vượt qua những hiểu lầm, căng thẳng trong quá khứ, thậm chí cả những sự kiện gần đây”.
Mặc dù Vatican và Bắc Kinh đã hợp tác không chính thức để thống nhất về hầu hết các bổ nhiệm giám mục trong những thập kỷ gần đây, chính phủ đã định kỳ thụ phong các giám mục không được sự chấp thuận của Giáo hoàng. Trung Quốc đã đe dọa khởi động lại việc đơn phương thụ phong các giám mục do nhà nước hậu thuẫn, gây áp lực lên Vatican để đạt được thỏa thuận.
Điều kiện chính của Bắc Kinh đối với thỏa thuận này là Giáo hoàng phải công nhận 7 giám mục Trung Quốc đã được thông qua mà không có sự chấp thuận của Vatican trong những năm qua. Hôm 22/9, Vatican tuyên bố Giáo hoàng đã hoàn tất yêu cầu đó.
Tương lai các giám mục ‘chính thống’?
Hai trong số 7 giám mục do chính phủ bổ nhiệm sẽ thay thế các giám mục do Giáo hoàng bổ nhiệm. Đây là lần đầu tiên Vatican yêu cầu các giám mục của giáo hội ngầm bước sang một bên vì yêu cầu của Bắc Kinh.
“Hôm nay, lần đầu tiên, tất cả các giám mục ở Trung Quốc đều hiệp thông với giám mục của Rô-ma, với người kế nhiệm Thánh Phêrô (tức Giáo hoàng)”, Hồng y Parolin nói.
Wang Meixiu, một giáo sư và chuyên gia về quan hệ Trung-Vatican tại Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc, nói rằng thỏa thuận này là một bước ngoặt của chính phủ Trung Quốc, khi công nhận nhà thờ Công giáo ở Trung Quốc là một phần của Hội thánh toàn cầu.
Trong số các chi tiết quan trọng không được công bố của thỏa thuận này, là liệu Giáo hoàng có lựa chọn các ứng cử viên hay chỉ đơn thuần là quyền phủ quyết đối với một ứng viên duy nhất tại một thời điểm; và Vatican có quyền tới đâu trong việc xem xét trước về một ứng cử viên giám mục.
Cũng không rõ thỏa thuận có tác động thế nào về số phận của một số trong hơn 30 giám mục ngầm được Vatican công nhận nhưng không được Bắc Kinh thừa nhận.
Một vấn đề khác là sự khác biệt lớn về số lượng giáo phận được hai bên công nhận. Vatican kiểm soát 144 giáo phận Công giáo ở Trung Quốc vào cuối năm 2017, trong khi số lượng giáo phận của chính phủ Trung Quốc chỉ là 96, theo Trung tâm Nghiên cứu Chúa Thánh Thần.
Hôm 22/9, Vatican tuyên bố Giáo hoàng đã công nhận 1 giáo phận mới là Chengde, được chính phủ Trung Quốc thành lập năm 2010 cho Giám mục Guo Jincai, một trong bảy vị mới được công nhận. Điều đó sẽ đưa tổng số giáo phận Vatican thừa nhận lên 145. Không rõ liệu Bắc Kinh có đề cử các giám mục đến lãnh đạo các giáo phận chính phủ chưa công nhận cho đến bây giờ hay không.
Nguồn: Dkn.tv
Cạm bẫy ở sân bay Thái Lan
Hàng loạt du khách nước ngoài bị buộc tội trộm đồ ở khu hàng miễn thuế tại sân bay quốc tế tại Bangkok, Thái Lan, và phải trả nhiều tiền để đổi lấy tự do.