RSS

Vẻ đẹp xao xuyến của thị trấn cổ Maldon vào mùa thu nước Úc

10:00 12/04/2019

Cuối tháng tư, khi những chiếc lá thường xuân trên hàng rào ghép bằng ván gỗ mỏng manh bắt đầu ửng đỏ, tôi biết mùa thu đã chính thức bắt đầu. Hai tuần trước, những cư dân miền Đông Australia đồng loạt chỉnh đồng hồ chậm đi một tiếng, mùa hè đã qua, trời mau tối hơn, người đi trên phố vội hơn và màu má của những cô gái hình như cũng hồng hơn trong gió se lạnh.

Nhưng dường như những chiếc lá mới là thước đo kì diệu nhất của tự nhiên và cảm xúc con người, chỉ nhìn thấy hai màu vàng đỏ là người ta nhận ra mùa thu và bỗng dưng cảm thấy một cách lạ kỳ rằng trong lòng mình dần đang trống thêm một khoảng.

Một góc phố vắng chiều thu Maldon

Trong khi các nước Bắc bán cầu đang hân hoan chào mừng mùa xuân, người người ở Nhật Bản và Hàn Quốc nô nức đi xem hoa anh đào nở thì nước Australia bắt đầu vào thu. Bốn mùa trái ngược nhau được người Australia biến thành lợi thế du lịch, nếu châu Âu đang nắng nóng, xin mời đến đây trượt tuyết; nếu Bắc Mỹ đang giá lạnh, hãy bay sang Australia để tắm biển ngay và nếu năm vừa qua bạn lỡ một dịp ngắm lá mùa thu ở Nga thì không cần phải chờ một năm, vài tháng sau bạn có thể lên đường thăm Australia.

Có một điều thú vị mà không phải ai cũng biết, đó là những loài thực vật bản địa của châu lục này không hề thay lá vào mùa thu, chúng đều xanh quanh năm! Những loài cây chuyển mầu đỏ, vàng, cam rực rỡ ở đây đều được mang đi từ châu Âu vài trăm năm trước bởi những người nông dân khai hoang, muốn đem theo chút phong vị của quê nhà.

Vì vậy, muốn thưởng thức những thảm lá lộng lẫy ở Australia, đặc biệt là những hàng cây cổ thụ vài trăm năm tuổi thì bạn phải tìm đến những khu vực mà người châu Âu đã định cư từ lâu đời.

Tôi tránh những điểm du lịch sinh thái, những khu vực được giới thiệu là nổi tiếng với lá mùa thu thường chật kín du khách, mà tìm đến một thị trấn nhỏ với dân số khoảng 1.500 người tên là Maldon, cách thủ phủ Melbourne của bang Victoria 140km (hai tiếng đi xe). Maldon là địa danh đầu tiên được Hiệp hội di sản Australia (National Trust of Australia) công nhận là “Thị trấn di sản” vào năm 1965.

Thị trấn nhỏ bé này đặc biệt ở chỗ hầu như mọi công trình ở đây được giữ gìn nguyên vẹn từ ngày những người đi khai mỏ đầu tiên đến dựng nhà vào giữa thế kỉ 19. 40 năm sau ngày công nhận thị trấn di sản, Hiệp hội di sản tiếp tục vinh danh nơi đây là “Di sản đô thị được bảo tồn tốt nhất” nước Australia.

Thử tìm kiếm trước trên mạng những hình ảnh lá vàng lá đỏ ở khu vực này nhưng không thấy, tôi vẫn quyết định lên đường với niềm tin vào mối liên kết giữa các loài cây thay lá và những khu dân cư lâu đời.

Hai chiếc xe Chevrolet Bel Air mầu xanh sản xuất khoảng năm 1955 và mầu đen khoảng năm 1960 đỗ bên đường.

Maldon là một ngôi làng nhỏ nằm trên tuyến đường sắt nối hai trung tâm khai thác vàng lớn nhất ở miền tây Australia là Bendigo và Ballarat một thời. Khoảng năm 1851, người ta lần đầu tiên tìm thấy vàng tại bang Victoria, một nơi mà trước kia chỉ có những trang trại nuôi gia súc trên những thảo nguyên mênh mông. Người người lũ lượt kéo nhau đến với hy vọng đổi đời.

Thủ phủ bang Victoria và cố đô của nước Australia, thành phố Melbourne chính là một đô thị được hình thành trong cơn sốt kim loại quý này. Hai thành phố Bendigo và Ballarat nhanh chóng đông đúc tấp nập dân cư đến mức chính quyền phải làm một đường ray tàu hỏa dài 100 km nối hai địa điểm này.

Từ hai trang trại nuôi cừu, chỉ sau năm năm, thị trấn được hình thành với 400 tòa nhà và 20 nhà nghỉ. Gần 20.000 cư dân đến sinh sống, trong đó có cả 2.000 người Hoa, vượt đại dương đến vùng đất mới tìm cơ hội. Số thợ đào vàng có khoảng 5.000 người, số còn lại là vợ con họ và những người kinh doanh phục vụ ngành khai khoáng và nhu cầu tiêu dùng của dân cư.

Giống tất cả những đô thị mọc lên như nấm bởi cơn sốt vàng, sau hơn mười năm, các mỏ vàng bắt đầu cạn kiệt, người ta dần dần bỏ xứ mà đi. Để lại một thị trấn nhỏ bé và bị lãng quên bên con đường thiên lý, như một biểu tượng phù hoa, sớm nở, chóng tàn.

Người Australia rất biết cách làm du lịch, từ cơ quan quản lý đến người dân địa phương. Trên đường, ngoài biển báo giao thông nền xanh để chỉ dẫn thông thường, còn rất nhiều biển báo nền nâu chỉ dẫn đến các di sản và thắng cảnh du lịch, nhiều đến mức có khi vì tò mò đi theo hướng mũi tên mà quên mất cả điểm đến chính của mình.

Những căn nhà có tuổi đời hơn một trăm năm cho đến hai thế kỷ ở Australia nhiều vô kể bởi vùng đất này chưa bao giờ bị tàn phá bởi chiến tranh. Nhưng phải thấy những chính sách di sản nghiêm ngặt, ngân sách cho bảo tồn và nhìn cách người Australia nâng niu di sản của họ (mà đối với chúng ta có thể rất tầm thường như một căn nhà, một ống khói lò gạch) mới thấy rằng sự quan tâm của con người chính là yếu tố sống còn với di sản vật thể. Không phải bom đạn mà sự hủy hoại của nắng mưa và sự thờ ơ của con người còn khủng khiếp hơn rất nhiều.

Nhà thờ Maldon xây bằng đá nằm im lìm trưa chủ nhật.

THỊ TRẤN CỔ KHÔNG CHỈ Ở PHẦN XÁC MÀ TỒN TẠI ĐƯỢC SUỐT BẤY NHIÊU NĂM PHẢI NHỜ PHẦN HỒN. NGƯỜI DÂN TỰ THÂN HỌ MUỐN DUY TRÌ KHÔNG KHÍ CỔ XƯA LÃNG MẠN ẤY BỞI HỌ PHẢI TỰ HÀO VÀ SỐNG ĐƯỢC NHỜ CÁI CHẤT CỔ KÍNH NÀY.

Các cửa hiệu trong thị trấn không bán những đồ lưu niệm lòe loẹt hay sản phẩm thủ công rẻ tiền nhập từ nước ngoài mà bán những sản phẩm địa phương: mật ong nuôi trong vườn nhà bác này (đi đến cuối phố rẽ phải rồi rẽ phải là đến), xà-phòng nấu bằng tinh dầu hoa oải hương trồng bởi cô này (đi hết phố chính, rẽ trái 5 cây số), cà chua trồng ở đây (mời ra sân sau tham quan).

Mọi thứ khác từ bàn ghế, ly tách bày bán qua các tấm kính của cả dãy phố đều toát lên một vẻ xưa cũ đồng bộ không dễ gì có được. Hàng đồ chơi không bán một thứ gì bằng nhựa, tất cả đều bằng gỗ và từng món tỏa ra một mùi dễ chịu chứ không phải mùi sơn hóa học hăng hắc xông lên mũi.

Cửa hiệu giặt là như vẫn ở đấy từ cả trăm năm trước, người chủ có khuôn mặt Trung Hoa nhưng giọng nói thì như một người Australia thực thụ, gia đình anh đã ở đây rất lâu đời rồi, anh còn chưa bao giờ đến Trung Quốc (trong nghĩa trang còn có cả lò hóa vàng xây bằng gạch của người Hoa).

Thị trấn Maldon hiện ra với những thảm cỏ xanh trên vỉa hè và những tàn lá vàng lấp lánh trong ánh nắng giòn tan của mùa thu. Những căn nhà xinh xắn với mái hiên che kín cả hè phố tạo thành lối cho người đi bộ trên vỉa hè… lát gỗ.

Nhưng rồi tôi chợt nhận ra một sự thật cơ bản rằng cái đẹp của mùa thu ở đây không phải ở nhà cổ lộng lẫy (nhiều nơi nhà cổ hơn), lá vàng (nhiều nơi lá vàng hơn) mà ở lối sống và không khí mà những cư dân bình dị mang lại. Những biển hiệu được sơn tay bằng cọ, kẻ vẽ thủ công, thực đơn nhà hàng viết bằng phấn trên bảng đen, mọi người ngồi ăn sáng uống cà-phê (vào lúc 11 giờ trưa) trên những bàn ghế con con cũ kỹ trong nắng, mùi cà-phê và bánh mì nướng.

Đi dọc phố chính, tôi nghe thấy tiếng dao dĩa leng keng, tiếng giở từng trang báo sột soạt và tiếng nói chuyện rì rầm, không ồn ã mà vẫn toát lên cái vui tươi của một buổi sáng chủ nhật đẹp trời, những âm thanh này in vào tâm trí tôi như nhắc nhở rằng niềm vui rất đơn giản nếu như ta biết tận hưởng cuộc sống.

Thị trấn cổ không chỉ ở phần xác mà tồn tại được suốt bấy nhiêu năm phải nhờ phần hồn. Người dân tự thân họ muốn duy trì không khí cổ xưa lãng mạn ấy bởi họ phải tự hào và sống được nhờ cái chất cổ kính này. Đặt cho một địa danh cụm từ “di sản” thì dễ nhưng bảo tồn được di sản ấy một cách bền vững thì nhất thiết phải xuất phát từ bàn tay của những người bản địa.

Có người nói với tôi rằng, Maldon giống như bối cảnh khổng lồ của một bộ phim cổ trang cũng đúng, bởi những cụ ông, cụ bà tóc bạc đứng chuyện trò trên đường vẫn giữ thói quen ngày trẻ, khi ấy hễ ra đường là đàn ông phải chỉnh tề với áo gi-lê, đội mũ cát-két, phụ nữ chải tóc bồng bềnh, đeo hoa tai nhỏ, trông giản dị mà trang nhã như phim, chỉ khác là ở đây không ai đang diễn.

Những chiếc xe cổ bóng loáng, đẹp mê mẩn đỗ bên vệ đường (có biển số được đăng kiểm đặc biệt dành cho xe cổ) sẽ trở nên lạc lõng biết bao nhiêu nếu đỗ cạnh những tòa nhà chọc trời trong phố, còn ở đây chúng sáng lên vẻ đẹp kiêu hãnh của lịch sử được chăm chút bởi những người đầy ý thức giữ gìn.

Nguồn: Báo Nhân Dân

Bấł ƙể ℓà cɦâп ɢiò łɾước ɦɑy sɑᴜ, ɓạп cũпɢ ƙɦôпɢ пêп ɱᴜɑ пɦữпɢ ℓoại пày, cẩп łɦậп ƙẻo 'łiềп ɱấł łậł ɱɑпɢ'

Bấł ƙể ℓà cɦâп ɢiò łɾước ɦɑy sɑᴜ, ɓạп cũпɢ ƙɦôпɢ пêп ɱᴜɑ пɦữпɢ ℓoại пày, cẩп łɦậп ƙẻo "łiềп ɱấł łậł ɱɑпɢ"

Kɦi ɱᴜɑ cɦâп ɢiò, ɦãy пɦớ пɦữпɢ ɱẹo пày ᵭể cɦọп ᵭược ℓoại łươi пɢoп ʋà ɑп łoàп cɦo sức ƙɦỏe.