Vì sao cha mẹ Việt hay biện hộ ‘cháu còn nhỏ’ khi con hỗn láo
Trong cuộc sống hằng ngày tôi thấy nhiều người sinh con ra nhưng không kiểm soát được con mình. Các bé hay đòi hỏi, khóc thét, hỗn láo với cha mẹ và nguy hiểm hơn là giật đồ, đòi đồ của người khác và ném đi, và vô số việc khác có tính chất tương tự.
Vậy tôi muốn hỏi là những bậc cha mẹ hiện tại lẫn những bậc cha mẹ tương lai đã có dự định gì và kiến thức gì để giáo dục, dạy dỗ con cái mình chưa?
Tôi thấy người Việt nói chung nên học cách kiểm soát con mình, đặc biệt là ở những nơi công cộng. Không ít lần đi xe buýt, xe khách, đi du lịch bằng máy bay tôi phải chịu đựng các thiên thần ấy la hét, làm ồn và giật phá đồ của người khác, đạp ghế, ăn kẹo rồi phun ra, mè nheo…
Khi tôi lịch sự nhắc nhở anh chị quản lý con của mình thì anh chị chỉ cười trừ, sau đó tôi tiếp tục nhắc nhỏ thì anh chị vẫn lại cười trừ hoặc nói là “cháu nó còn nhỏ”. Vì con của anh chị, tôi và các hành khách khác bị đạp ghế từ đằng sau, bị làm ồn và làm phiền vô độ mà anh chị vẫn không có chút tự trọng nào sao?
Khi có những đứa trẻ sang nhà tôi chơi, tôi cẩn thận cất lên cao những vật mà dễ vỡ, hoặc những vật tôi nghĩ chúng sẽ với rồi ném hay vẽ ra tường, vậy mà các bạn biết không, chúng cố gắng lắc cái kệ để đồ ở trên rơi xuống, lấy chìa khóa cào lên tường, tôi lại lịch sự bảo anh chị giữ con thì họ đưa điện thoại và máy tính bảng cho con, nhưng chúng ném đi và lấy cái của tôi một cách rất tự nhiên và sử dụng, khi tôi mỉm cười đòi lại thì chúng lại ném đi. Sau tất cả các hành động đó, cha mẹ các bé đòi hỏi người khác một sự thông cảm vô cùng phi lý chỉ vì “cháu còn nhỏ”, hãy nhớ rằng người khác chưa bao giờ có nghĩa vụ phải thông cảm vì bạn có con nhỏ mà gây ảnh hưởng xấu đến xung quanh nhưng cũng không hề cố gắng khắc phục.
Tôi không bao giờ thông cảm với sự xuề xòa đó cả, đó là ngụy biện khi bạn không cố gắng kiểm soát con, dạy con thôi. Đây không phải là một số trẻ con, mà là rất nhiều trẻ con tôi gặp có thái độ như vậy.
Do đó, không khẳng định là phần lớn trẻ em như thế nhưng chắc chắn là có một bộ phận không ít trẻ em do cách giáo dục của cha mẹ mà thành ra như vậy. Bài viết này mang cả bức xúc lẫn góp ý cho các bậc làm cha mẹ và những bạn có tương lai là cha mẹ. Xin hãy tôn trọng người khác khi bạn có em bé, đặc biệt tôn trọng người khác ở nơi công cộng khi bạn có con. Hãy kịp thời nhắc nhở và ngăn chặn hành vi sai của con bạn, và quan trọng nhất hãy dạy con của bạn một cách nghiêm khắc rằng: cái gì là của bé, cái gì không là của bé, và những nơi nào phải im lặng để tôn trọng không gian của người khác.
Đó là những điều cơ bản để làm một con người trong xã hội. Đừng để con của mình trở thành phiền toái của người khác. Để làm được như vậy, các cha mẹ nên có ý thức và trang bị các hiểu biết, dù là chỉ trên lý thuyết về mặt nuôi dạy con thật kỹ càng trước khi có quyết định sinh con. Trong đó tôi muốn nhấn mạnh phần ý thức, ý thức là quan trọng nhất để cha mẹ có quyết tâm nuôi dạy con đúng đắn.
Người Việt ở Úc làm nghề gì phổ biến với mức thu nhập ra sao
Người Việt ở Úc làm gì nhiều nhất và thu nhập mỗi ngành nghề như thế nào? Có nghề có thể kiếm 2000 AUD/ tuần.