Vì sao người Mỹ vẫn tin tưởng Trump điều hành kinh tế?
Giữa cơn suy thoái với hàng triệu người mất việc, tỷ lệ tín nhiệm trong vấn đề kinh tế của Trump vẫn cao, chủ yếu do phân cực chính trị.
"Quân bài" kinh tế của Tổng thống Mỹ Donald Trump, cùng câu hỏi liệu ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden có thể làm suy yếu nó trong 10 tuần tới hay không, là một trong những yếu tố quan trọng quyết định lá phiếu của cử tri tại các bang chiến trường vùng Trung Tây và Vành đai Mặt trời phía nam.
Nhiều bang trong số này phải trải qua một mùa hè đầy khó khăn, với tỷ lệ nhiễm và chết vì nCoV vẫn gia tăng, kéo theo đó là tình trạng thất nghiệp, khiến các khoản tiền lương và tiết kiệm đều không còn. Lịch sử cho thấy những đòn giáng này là mối đe dọa với một tổng thống đương nhiệm đang chạy đua tái tranh cử.
Theo cuộc khảo sát gần đây của ABC News/Washington Post, 2/3 người Mỹ cho rằng nền kinh tế đang trong tình trạng tồi tệ, tỷ lệ cao nhất kể từ năm 2014. Tỷ lệ đánh giá tiêu cực về vấn đề kinh tế kể từ khi Trump nhậm chức cũng tăng 20 điểm phần trăm. Trong số những cử tri bi quan về nền kinh tế, 70% dự định ủng hộ Biden và "phó tướng" Kamala Harris của ông vào tháng 11.
Tuy nhiên, cựu phó tổng thống Mỹ vẫn không thể chiếm "thế thượng phong" trong vấn đề kinh tế. Khi được hỏi rằng liệu nền kinh tế sẽ tốt hơn, tệ đi hay giữ nguyên như hiện nay nếu Biden đắc cử, quan điểm của cử tri gần như chia thành ba luồng ý kiến đều nhau. Theo kết quả khảo sát công bố gần đây của NBC News/WSJ, Trump vẫn được tin tưởng hơn Biden trong vấn đề kinh tế.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong ngày đầu tiên của Hội nghị Quốc gia đảng Cộng hòa tại thành phố Charlotte, bang Bắc Carolina hôm 24/8. Ảnh: AFP.
Các cử tri, đặc biệt là những người bảo thủ, vẫn coi Trump là một doanh nhân thành đạt và nhà đàm phán cứng rắn. Nhiều người ca ngợi khả năng điều hành nền kinh tế của Tổng thống trước đại dịch và không đổ lỗi cho ông vì thiệt hại hiện nay. Một số cử tri lấy ví dụ về mức tăng kỷ lục của thị trường chứng khoán làm bằng chứng cho sự phát triển dưới thời Trump.
"Trump từng mắc những sai lầm trong kinh doanh, tôi cũng vậy", Dale Georgeff, một doanh nhân ủng hộ Trump tại thành phố Cedarburg, bang Wisconsin, cho biết. "Tôi nghĩ điều quan trọng nhất là ông ấy xử lý vấn đề và điều hành mọi thứ như một doanh nghiệp".
David Winton, chiến lược gia đảng Cộng hòa, cho biết tỷ lệ tín nhiệm của Trump còn được củng cố do nền kinh tế có thêm 9 triệu việc làm trong tháng 5,6 và 7, sau khi mất hơn 20 triệu hồi tháng 3 và tháng 4. Theo Winton, ý kiến về cách Trump điều hành nền kinh tế "phần lớn vẫn tích cực, tốt hơn so với tổng thể công việc của ông ấy".
Trump dường như cũng tự tin rằng lĩnh vực kinh tế mang lại lợi thế cho ông trong cuộc đua vào Nhà Trắng. "Chúng tôi đang phát triển nền kinh tế và dẫn trước trong mọi cuộc thăm dò, ngay cả những cuộc thăm dò giả mạo. Chúng tôi dẫn trước về kinh tế, vấn đề vô cùng quan trọng", Trump phát biểu hôm 21/8 tại bang Virginia.
Bình luận viên Jim Tankersley của NY Times nhận định Trump đang gặt hái lợi ích nhờ sự phân cực gay gắt của cử tri Mỹ. Đối với nhiều cử tri Cộng hòa và những người bảo thủ, tâm lý lạc quan về kinh tế gắn kết sâu sắc với sự tín nhiệm dành cho Tổng thống. Trong khi đó, ác cảm với Trump của phe Dân chủ càng khiến họ bi quan, bất chấp những năm tăng trưởng và tỷ lệ thất nghiệp thấp trước đại dịch.
Theo kết quả khảo sát tiến hành vào tháng 6,7 và 8 trên nền tảng nghiên cứu trực tuyến SurveyMonkey, 8/10 cử tri Cộng hòa thất nghiệp vì suy thoái kinh tế và chưa tìm được việc vẫn tán thành cách Trump xử lý đại dịch. Gần 3/10 đảng viên Cộng hòa mất việc nói rằng kinh tế của họ khá hơn so với một năm trước, trong khi chỉ 1/10 đảng viên Dân chủ không bị mất việc do khủng hoảng có chung suy nghĩ.
Cuộc khảo sát còn cho thấy khả năng thất nghiệp do khủng hoảng của các thành viên đảng Cộng hòa thấp hơn so với cử tri Dân chủ hoặc độc lập. Khoảng cách này thu hẹp hơn trong nhóm cử tri da trắng. Tỷ lệ thất nghiệp của người lao động da màu và Latinh, thường có xu hướng ủng hộ đảng Dân chủ, cao hơn so với da trắng.
"Phe Cộng hòa đang chú trọng giải quyết vấn đề kinh tế giữa đại dịch hơn, trong khi phe Dân chủ tập trung vào vấn đề sức khỏe", Laura Wronski, nhà khoa học nghiên cứu của SurveyMonkey, nhận xét.
Chưa tới 1/5 đảng viên Cộng hòa lo lắng chuyện mất việc làm giữa khủng hoảng, thấp hơn nhiều so với bất cứ nhóm hệ tư tưởng nào, theo khảo sát của SurveyMonkey. Gần 2/5 cử tri Cộng hòa cũng tin rằng tới cuối tháng 10 "virus sẽ được kiểm soát, nền kinh tế sẽ cải thiện mạnh mẽ hoặc đều đặn". Tỷ lệ này cao hơn gấp đôi so với ý kiến của người Mỹ nói chung. Chỉ có 3% đảng viên Dân chủ đồng tình.
"Tôi đã chứng kiến sự tăng trưởng ổn định kể từ khi Trump lên nắm quyền. Tôi vừa mua ba chiếc xe mới với niềm tin rằng nền kinh tế sẽ đi lên bất chấp Covid-19", theo Rick Slowicki, chủ tịch Nonstop Couriers, một dịch vụ vận chuyển ở Philadelphia với 11 nhân viên, điều hành 14 phương tiện và dự kiến doanh thu đạt 1,3 triệu USD trong năm nay.
Một số người ca ngợi chính sách thương mại theo chủ nghĩa dân túy của Trump, bao gồm các đòn thuế với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc mà ông chủ Nhà Trắng tuyên bố đã trả lại công việc sản xuất cho người Mỹ.
"Ông ấy là người duy nhất thực sự mang việc làm trở lại Mỹ và đặt đất nước lên hàng đầu", Dale Palmer, một đảng viên Cộng hòa 63 tuổi ủng hộ Trump, nêu ý kiến, bất chấp phe Dân chủ dự đoán nếu sự phục hồi bị đình trệ vào mùa thu và tổn hại kinh tế gia tăng một lần nữa, lòng tin vào khả năng điều hành kinh tế của Trump sẽ giảm sút.
Jared Bernstein, nhà kinh tế học tại Trung tâm Các ưu tiên Chính sách và Ngân sách ở Washington, đồng thời là cố vấn không chính thức cho Biden, nhận xét Trump "là bậc thầy thuyết phục mọi người tin vào thực tế mà ông vẽ ra".
"Tuy nhiên, ông ấy không thể làm như vậy khi người dân đối mặt với nguy cơ thất nghiệp, thu nhập giảm, cùng những khó khăn to lớn trong việc đáp ứng các nhu cầu cơ bản của họ", Bernstein nhận định.
Link nguồn: https://vnexpress.net/vi-sao-nguoi-my-van-tin-tuong-trump-dieu-hanh-kinh-te-4151723.html
Cạm bẫy ở sân bay Thái Lan
Hàng loạt du khách nước ngoài bị buộc tội trộm đồ ở khu hàng miễn thuế tại sân bay quốc tế tại Bangkok, Thái Lan, và phải trả nhiều tiền để đổi lấy tự do.