RSS

Vừa đẻ xong được cho nhai đá, mẹ Việt ở Mỹ lại tròn mắt khi nhìn thấy bữa cơm cữ

15:00 13/10/2019

Bữa trưa đầu tiên sau sinh chị Nga được y tá mang vào một khay “thức ăn” gồm 7 loại nước: pepsi, nước trà, cà phê, que kem, nước thạch rau câu, nước súp gà, nước lọc.

Chị Dương Thanh Nga được biết đến là nhà văn, nhà báo chuyên viết về du lịch trải nghiệm, từng đi hơn 30 quốc gia. Chị tốt nghiệp thạc sĩ ngành châu Á học tại Thụy Điển và hiện là Quản lý dự án cho một công ty của Mỹ trong ngành Bản địa hóa.

Bản tính lại ham di chuyển nên thời gian mang thai chị Nga địu bụng bầu đi du lịch khắp các châu lục .

Trong lĩnh vực viết lách, chị đặc biệt quan tâm đến chủ đề: làm mẹ, cùng con khôn lớn. Chị là tác giả của nhiều cuốn sách kể về hành trình làm mẹ và có nhiều bài viết chia sẻ kinh nghiệm mang thai, chăm sóc, nuôi dạy con được rất nhiều mẹ bỉm sữa tâm đắc.

Nhắc nhớ lại hành trình “vượt cạn” đáng nhớ của mình ở xứ người, chị Thanh Nga chia sẻ, vào lúc 5 giờ sáng ngày đi đẻ khi đang nằm ngủ chị bỗng nghe thấy tiếng “ộc” trên giường. Giật mình bật dậy, nước ối cứ thế tuôn ra xối xả, chị bắt đầu cuống cuồng chạy quanh phòng và luôn miệng hỏi: “Giờ phải làm sao”. Ngay lập tức hai vợ chồng vội vàng đi vào bệnh viện, trên tay chỉ cầm chiếc điện thoại để khi nào đẻ thì gọi về Việt Nam thông báo cho cả nhà biết.

Thời gian mang bầu chị không kiêng khem quá nhiều như các bầu vẫn hay làm

Chạy xe đúng 10 phút hai vợ chồng chị Nga có mặt ở bệnh viện. Chị chạy ngay vào phòng cấp cứu nói và nói “My water broke” – ý là tôi đã vỡ ối. Sau đó y tá siêu âm thông báo em bé vẫn chưa quay đầu xuống, hiện giờ thai đang nằm ngang. Khoảng nửa tiếng sau bác sĩ có mặt và nói đội ngũ hộ sinh chuẩn bị đội ngũ để tiến hành phẫu thuật.

“Lúc nằm trên bàn sinh cả một đội ngũ bác sĩ y tá ai cũng ngọt như mía đường khiến cho tinh thần của một đứa chỉ cần một mũi kim châm cũng sợ đến khiếp như mình phải vững dạ. Trong khi một bác sĩ vừa chuẩn bị tiêm gây tê vừa nhẹ nhàng nói: “Xin lỗi em nhé, chích nè”, thì cô y tá đứng bên cứ liến thoắng nói đủ thứ chuyện không muốn cười cũng phải cười” – bà mẹ 9X nhớ lại.

Hai lần mang bầu chị đều không quên lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ

Sau 20 phút sắp xếp xong xuôi thì anh xã của chị được phát bộ quần áo tiệt trùng để vào phòng sinh cùng với vợ. Lúc này chồng sẽ phải kí giấy cam kết nội dung đại loại là “cá nhân tự chịu trách nhiệm nếu lỡ có bị ngất xỉu”. Chưa kịp hình dung ra việc đau đớn do mổ thì chị đã nghe thấy tiếng khóc “oe oe” rất lớn của em bé. Một tiếng sau, chị ẵm con trong tay và cho bú những giọt sữa đầu tiên, 5 tiếng sau đã có thể ngồi dậy mở máy tính, gửi hình con về quê nhà ở Việt Nam.

Ngay khi vừa sinh xong chị Nga kêu khát nước nhưng y tá không cho uống nước ngay khi vừa ra khỏi phòng mổ mà cho nhai đá viên để cho nước tan thấm từ từ vào cơ thể. Chưa hết ngạc nhiên, thì trong bữa cơm cữ đầu tiên chị được y tá mang vào một khay “thức ăn” gồm 7 loại nước: pepsi, nước trà, cà phê, kem nước thạch rau câu, nước súp gà, nước lọc. Sang đến các bữa ăn tiếp sau chị mới được “nâng cấp” từ từ lên bữa ăn như người bình thường. “Có ai đẻ xong mà bữa ăn đầu tiên là đá viên và kem hay không cơ chứ” – chị cười chia sẻ.

Chị Nga thú nhận bản thân là người mang bầu rất nhẹ nhàng, không có cảm giác nặng nề hay đau đớn

Khác xa so với nhiều bà bầu từ mang thai, chuyển dạ đến đi đẻ đều trải qua rất nhiều cảm giác đau đớn thì chị Nga hoàn toàn ngược lại, ngày mang bầu chị vẫn nhẹ nhàng, tung tăng “vác” bụng bầu đi du lịch leo núi khắp nơi. Khi chuyển dạ vỡ ối nhưng không cảm nhận đau cơn gò, mổ cũng không đau vì nhanh và có thuốc tê, mổ xong lại được y tá theo dõi, cho thuốc giảm đau cộng với cơ thể nhanh hồi sức.

Nếu như ở các nước phương Đông như Việt Nam, Trung Quốc, sau sinh bà đẻ phải kiêng cữ rất nhiều thì ở Mỹ theo như lời chị Nga chia sẻ, sinh xong bác sĩ không yêu cầu kiêng cữ, ngược lại bác sĩ bảo tắm rửa vệ sinh sạch sẽ, vận động từ từ nhẹ nhàng. “Sau mổ một ngày bác sĩ vào kiểm tra liền bảo: “Vết mổ tốt rồi đó, còn không đi tắm đi cho thoải mái. Nói rồi mình đi lại quanh phòng nhẹ nhàng sau đó vệ sinh cá nhân sạch sẽ” –  8X nói.

Chị Nga được bác sĩ khuyến khích vận động nhẹ nhàng, ăn uống bình thường, chú ý đầy đủ dinh dưỡng đủ đạm đủ xơ. Chị không kiêng khem gì quá nhiều ngoại trừ tránh vận động nặng 2 tuần sau sinh. Ngày thứ 2 sau sinh là chị đã đi bộ trong bệnh viện, ngày thứ 3 tắm rửa và thu dọn đồ để xuất viện về nhà, ngày thứ 7 sau sinh chị lái xe chở bé lớn đi học, ngày 12 đã dẫn cả 2 bé (bé lớn và bé mới sinh) đi du lịch cách nhà 300 km.

<

Và khi mổ chị cũng không cảm thấy đau vì nhanh và có thuốc tê

Ngày xuất viện chị còn được bệnh viện bất ngờ chuẩn bị một bữa ăn tối lãng mạn cho 2 người với khăn ăn hồng nếu sinh con gái

Khi được hỏi về việc bà đẻ nên hạn chế ra gió, tránh máy lạnh điều hòa, chị Nga cho rằng có thể những bà mẹ sau sinh người yếu dễ bệnh nên phải kiêng gió kiêng lạnh. “Kiêng hay không mình nghĩ còn tuỳ thuộc sức khỏe từng người. Quan trọng là phải biết lượng sức để vận động ở mức cơ thể cho phép. Ba mẹ mình ở Việt Nam cũng dặn dò chú ý nghỉ ngơi và khi biết mình khám hậu sản 1 tuần, 4 tuần và 6 tuần sau khi sinh nên người thân cũng rất yên tâm” – mẹ Việt ở Mỹ nói.

Là cô gái Việt lấy chồng Trung Quốc nên sau sinh chị cũng được bố mẹ chồng qua thăm, khi nghe thấy bác sĩ ở Mỹ không dặn dò phải kiêng cữ gì nên ông bà rất ngạc nhiên. Nhờ có tinh thần được thoải mái, không bị gò bó vào chuyện kiêng cữ sau sinh cũng giúp chị có sữa dồi dào hơn, em bé được bú mẹ hoàn toàn từ lúc sinh đến tận bây giờ 22 tháng tuổi. Từ lúc 5 tháng thì con đã được mẹ cho ăn dặm.

Sau khi em bé lọt lòng được các y tá chăm sóc hết sức nhiệt tình

Nhìn lại hành trình mang thai, sinh con và của chính mình, mẹ 8X nhắn nhủ đến các mẹ ở cữ dù mỗi hoàn cảnh, môi trường sống sẽ có những cách đối diện khác nhau nhưng các chị em nên có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về cả thể chất và tinh thần trước khi kết hôn và sinh con.

Mỗi mẹ bầu hãy thưởng cho mình cuộc sống thư thái, yêu đời, không nên nghĩ quá nhiều đến chuyện cấm cản kiêng cữ dẫn đến ảnh hưởng sức khỏe của mẹ, em bé lại không được chăm sóc đầy đủ. Điều quan trọng là phải biết lắng nghe cơ thể để điều chỉnh sinh hoạt sao cho hợp l‎ý. Kể cả việc chăm con nhỏ, con có bệnh thì gặp bác sĩ có chuyên môn, không nên tìm những phương pháp truyền tai nhau sẽ gây ra những hậu quả đáng tiếc.

Người Việt ở Úc làm nghề gì phổ biến với mức thu nhập ra sao

Người Việt ở Úc làm nghề gì phổ biến với mức thu nhập ra sao

Người Việt ở Úc làm gì nhiều nhất và thu nhập mỗi ngành nghề như thế nào? Có nghề có thể kiếm 2000 AUD/ tuần.