RSS

Bị cáo người Úc vụ x.ả s.úng ở New Zealand ngồi bất động trong suốt phiên tòa

19:00 05/04/2019

Trong phiên điều trần ngắn, thẩm phán Tòa án Tối cao Cameron Mander yêu cầu hai chuyên gia sức khỏe kiểm tra cho Tarrant để đánh giá 'nghi phạm có đủ sức khỏe tâm thần để ra tòa hay không'.

Kết quả hình ảnh cho Bị cáo người Úc vụ x.ả s.úng ở New Zealand ngồi bất động trong suốt phiên tòa

Bị cáo người Australia giữ im lặng suốt phiên xét xử, trong khi thẩm phán yêu cầu kiểm tra năng lực tâm thần của y.

Những người sống sót và thân nhân người thiệt mạng trong vụ xả súng vào hai nhà thờ Hồi giáo ở Christchurch hôm 5/4 ngồi chật cứng hội trường tòa án thành phố để chứng kiến phiên tòa xét xử bị cáo Brenton Tarrant. Tarrant không được đưa tới tòa mà được xử thông qua đường truyền hình ảnh trực tiếp từ nhà tù Paremoremo ở Auckland, nơi được canh gác nghiêm ngặt nhất New Zealand.

Tarrant, 28 tuổi, công dân Australia, đối mặt 50 cáo buộc giết người và 39 cáo buộc giết người bất thành trong vụ tấn công gây chấn động thế giới và phá vỡ không khí yên bình của New Zealand.

Trong phiên điều trần ngắn, thẩm phán Tòa án Tối cao Cameron Mander yêu cầu hai chuyên gia sức khỏe kiểm tra cho Tarrant để đánh giá "nghi phạm có đủ sức khỏe tâm thần để ra tòa hay không".

Tarrant, kẻ theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng, ngồi bất động suốt phiên tòa, lắng nghe quá trình tố tụng. Tòa không đưa ra thỏa thuận nhận tội cho bị cáo và Tarrant sẽ tiếp tục bị giam tới phiên tòa tiếp theo vào 14/6.

Với đa số người tới dự phiên xử, đây là lần đầu tiên họ nhìn thấy rõ diện mạo của kẻ bị buộc tội đã sát hại những người thân yêu của họ một cách lạnh lùng. Yama Nabi, con trai một ông cụ 71 tuổi thiệt mạng trong vụ xả súng, tới làm chứng thay cho gia đình đang "tan nát cõi lòng".

"Tôi chỉ muốn nhìn thấy mặt hắn ta, dù việc này không khiến những người thân yêu của chúng tôi trở lại. Hắn là kẻ hèn nhát", Nabi trao đổi với phóng viên ngoài tòa án.

"Tôi muốn nhìn thấy hắn ta bởi hắn đã giết rất nhiều bạn bè tôi. Hắn trông như bị điên, điều này thật khó chịu", Tofazzal Alam, một người sống sót nhờ nằm giả chết trong nhà thờ Linwood, nhận xét. "Nhìn thấy gã khiến tôi giận dữ. Hắn giết 50 người mà trông chẳng có vẻ gì là đau khổ cả. Mặt gã không chút biểu cảm", anh nói.

Trước vụ xả súng, Tarrant đã đăng bản tuyên ngôn trên mạng xã hội, nêu danh tính và mô tả mình là người da trắng thượng đẳng có nghĩa vụ trả thù cho những cuộc tấn công ở châu Âu do người Hồi giáo gây ra.

Y phát trực tiếp trên mạng xã hội cảnh nổ súng trong nhà thờ Hồi giáo Al Noor chật cứng người cầu nguyện vào cuối tuần, sau đó di chuyển tới nhà thờ Linwood ở ngoại ô để tiếp tục cuộc tàn sát.

Trong phiên sơ thẩm hôm 16/3, Tarrant chỉ bị truy tố một tội danh giết người như biện pháp tố tụng ban đầu. Cáo trạng đã được thay đổi trong phiên tòa lần hai sau khi nhà chức trách xác định 50 người đã thiệt mạng và 39 người bị thương trong vụ xả súng.

Tarrant từ chối luật sư do tòa chỉ định sau phiên đầu tiên, khiến người ta e ngại y muốn tự biện hộ và muốn lợi dụng phiên tòa làm nền tảng tuyên truyền. Tuy nhiên, hai luật sư người Auckland là Shane Tait và Jonathan Hudson, đã xuất hiện tại tòa án lần này để đại diện cho bị cáo.

Thẩm phán Mander cấm báo chí quay phim và chụp ảnh suốt phiên xét xử, yêu cầu mặt của Tarrant trong phiên xét xử trước phải bị làm mờ. Ông cũng yêu cầu không nêu danh tính của 39 người bị thương với lý do điều này có thể cản trở họ hồi phục sức khỏe, phán quyết tóm tắt của tòa án cũng không được công khai vì chứa thông tin nhạy cảm.

Cạm bẫy ở sân bay Thái Lan

Cạm bẫy ở sân bay Thái Lan

Hàng loạt du khách nước ngoài bị buộc tội trộm đồ ở khu hàng miễn thuế tại sân bay quốc tế tại Bangkok, Thái Lan, và phải trả nhiều tiền để đổi lấy tự do.