RSS

Cảnh báo: Chiêu trò lừa đảo nhắm vào các tiệm nail gốc Việt

05:00 11/08/2018

Mới đây, một “live stream” trên Facebook của chị Sandy Huỳnh, chủ tiệm nail ở Monticello, New York, “cảnh báo” về một chiêu trò lừa gạt nhắm vào các tiệm nail.

Theo đó, livestream này nhanh chóng được truyền nhau trên Facebook, thu hút hơn 520 ngàn lượt người xem, gần 8 ngàn người “share” và cả ngàn lời bình luận.

Theo lời cảnh báo, cách kẻ xấu lừa đảo là giả danh người của chính phủ, của công ty điện nước, của Sở Thuế, của ngân hàng, thậm chí là cảnh sát, FBI, gọi điện thoại đến cửa tiệm nail để yêu cầu chủ nhân thương mại thực hiện điều này điều khác hòng chiếm đoạt tiền của, vốn.

Điều này trước đó đã từng xảy ra trong cộng đồng người Việt nói riêng và ở khắp nơi trên thế giới nói chung.

Vậy nhưng, điều đáng nói là không ai chú ý cẩn thận, vẫn có người trở thành nạn nhân của bọn người này.

Trước tình trạng này, chị Sandy Huỳnh, chủ tiệm nail ở Monticello, New York đã "live stream" để cảnh báo mọi người về những trò lừa gạt dành cho tiệm nail

(Hình: Sandy Huỳnh cung cấp)

Chị Sandy, người đã làm trong nghề nail hơn 20 năm kể:  “Hôm đó, có một người đàn ông, giọng nói giống như người Trung Đông, gọi đến tiệm của tôi nói rằng ‘1 giờ trưa mai state board New York sẽ xuống tiệm kiểm tra về vấn đề chứng chỉ hành nghề, về vệ sinh, và thợ đang làm việc".

Ông ta còn yêu cầu chị Sandy phải đóng trước lệ phí $5 bằng thẻ tín dụng.

Với kinh nghiệm học hỏi từ những vụ lường gạt thường thấy người khác đưa lên Facebook khiến chị Sandy “cảnh giác.” nên đã nêu ngay điều mình thắc mắc, “Tại sao ông từ state board gọi đến mà không thấy số điện thoại hiện lên, chỉ có chữ ‘Unknown’ thôi vậy?”

“Người đàn ông trả lời là chính phủ làm việc không cần phải ‘show up’ số điện thoại.  Chị Sandy hỏi tiếp, tôi ở Mỹ gần 30 năm, đi làm nail hơn 20 năm nhưng chưa bao giờ nghe có chuyện state board xuống kiểm tra mà lại báo trước. Báo trước làm sao mà phạt?,”.

“Ổng nói luật của state board New York đã thay đổi.” Người chủ tiệm lại hỏi, “Tại sao có chuyện đóng $5 bằng thẻ tín dụng? Nếu là chi phí tiền xăng nhớt thì từ trên New York xuống đến tiệm tôi phải hơn 2 tiếng lái xe, rồi công cán mà sao đóng có $5?”

Chị tiếp luôn, “Ông làm tôi thấy khó hiểu quá. Tôi nghi ngờ ông là kẻ giả mạo.” Sau những lời truy vấn của chị Sandy, người đàn ông này đã tắt điện thoạt.

Nhưng chị Sandy cho hay, khoảng 5 phút sau, một người phụ nữ khác gọi đến, có số điện thoại hiện lên, hỏi ‘sao người của state board gọi báo ngày mai đến kiểm tra và yêu cầu đóng $5 mà sao bà không chịu?’ Chị trả lời liền vì thấy điều đó bất thường, chị nghi ông ta giả mạo. Sau khi nghe chị nói xong, bà đó cũng cúp điện thoại.

Chị Sandy đã gọi ngược lại số điện thoại của người phụ nữ thì được báo “số điện thoại đó không còn sử dụng.”

Thấy chuyện bất thường, chị gọi điện thoại cho một số tiệm nail trong vùng để hỏi thăm, thì được biết ai cũng nhận được cuộc gọi như vậy, nhưng giờ hẹn xuống kiểm tra khác nhau.

Chị Sandy kể: “Trong đó có tiệm D.N trong Walmart, bà chủ tiệm nói họ báo 3 giờ xuống và em trai bả đã đóng cho họ $5 rồi,”. Ngày hôm sau, chị nhận được điện thoại từ bà chủ của tiệm D.N gọi đến nói cho biết “em trai bả kiểm tra lại tài khoản ngân hàng, thấy rằng kẻ đó đã rút của bả hết $300 chứ không phải chỉ $5.”

Chị Sandy cho biết, gần 30 năm ở Mỹ, chị chỉ thường vào xem các kiểu cách người Việt lừa gạt để đề phòng, chứ không ngờ là người Mỹ cũng lừa y chang như vậy. "Đó cũng chính là lý do tôi thấy mình cần phải ‘báo động’ cho mọi người khắp nơi biết để mà đề phòng,” chị Sandy bày tỏ

Xem câu chuyện của chị Sandy, rất nhiều chủ tiệm nail lên tiếng mình cũng là nạn nhân, nhận được cuộc gọi y như những gì chị Sandy kể.

Chị Mai Lê ở Tampa, Florida đã thực sự là nạn nhân của bọn lừa đảo. Chị kể: “Tôi cũng bị gạt rồi đây! Nó lấy hai lần tiền hết $800, đến khi ngân hàng gọi lại mới biết mình bị gạt. Tụi nó gọi đến nói mình trả tiền điện trễ, không trả liền nó cúp điện. Ông xã nghe sợ quá! Thế là đọc liền số thẻ tín dụng cho nó lấy. Thiệt là ngốc mà.”

Hay như chị Joy Tuyết Trần ở Atlanta, Georgia. Chị cho biết, “Tôi cũng bị luôn. Nó gọi đến bảo là tôi chưa trả tiền điện $150. Hôm đó lại ngay ngày Thứ Sáu, sợ không trả liền bị cúp điện, nên tôi đọc thẻ trả cho nó ngay. Thế nhưng nó ‘dớt’ của tôi $1,000 luôn.” Và còn rất nhiều những nạn nhân khác nữa.

“Live stream” về vụ lừa gạt mà chị Sandy Huỳnh ở New York được thực hiện từ Tháng Hai, 2017, với hơn 61 ngàn lượt người xem.

Tuy nhiên, đến ngày 27 Tháng Năm, tức hơn ba tháng sau khi sự việc xảy ra, câu chuyện của chị được một facebooker chuyên về ngành nail chia sẻ, khiến lượng người xem tăng vọt, số người share cũng lên đến 7,800.

Chị Sandy cho rằng, tụi lừa đảo đó biết, nên chỉ một ngày sau, tụi nó đã gọi điện thoại liên tục đến tiệm của chị để hăm dọa, chửi bới. Nhóm lừa đảo nói rằng vì phá chuyện làm ăn của tụi nó, tụi nó sẽ cho người giết chị.

Trước sư việc này, nhiều lần các cơ quan chính phủ cũng đã gửi ra các thông cáo báo chí nhắc nhở mọi người về việc: không có bất kỳ cơ quan chính phủ nào tự động gọi điện thoại đến cho quý vị để yêu cầu đóng bất kỳ khoản lệ phí nào. Mọi liên lạc đều thể hiện qua thư từ. Do đó, hãy thật cảnh giác để không là trở thành nạn nhân của kẻ lừa đảo.

Cạm bẫy ở sân bay Thái Lan

Cạm bẫy ở sân bay Thái Lan

Hàng loạt du khách nước ngoài bị buộc tội trộm đồ ở khu hàng miễn thuế tại sân bay quốc tế tại Bangkok, Thái Lan, và phải trả nhiều tiền để đổi lấy tự do.