RSS

Chỉ vì lỗi máy tính, hàng chục nghìn cựu binh Mỹ có thể mất nhà cửa và cả tương lai

18:30 15/11/2018

Roundtree cho biết sau nhiều tháng không nhận được trợ cấp, tình hình tài chính của anh bi đát đến mức anh buộc phải chọn giữa việc mua vé xe bus đến trường hoặc mua đồ ăn. Có những lúc cựu binh này phải ôm bụng đói đi ngủ.

Kết quả hình ảnh cho Chỉ vì lỗi máy tính, hàng chục nghìn cựu binh Mỹ có thể mất nhà cửa và cả tương lai

Nhiều cựu binh trên khắp nước Mỹ có thể mất nhà cửa và cả tương lai khi nguồn trợ cấp bị gián đoạn do lỗi hệ thống máy tính.

Shelley Roundtree rời khỏi quân đội Mỹ vào năm 2013, sau thời gian tham chiến tại Afghanistan và chứng kiến nhiều đồng đội thiệt mạng. Sau khi giải ngũ, điều đầu tiên anh làm là đăng ký theo học ngành marketing ở trường cao đẳng Berkeley nhờ khoản trợ cấp cựu binh GI Bill.

Giấc mơ của Roundtree, 29 tuổi, là tốt nghiệp và làm việc trong ngành công nghiệp thời trang, nhưng anh đang có nguy cơ đánh mất tất cả vì nguồn tiền trợ cấp duy nhất của mình bị cắt đứt chỉ vì lỗi hệ thống máy tính ở Bộ Cựu chiến binh Mỹ, theo NBC News.

Bộ Cựu chiến binh Mỹ đang gặp một loạt sự cố về công nghệ thông tin, khiến việc thanh toán các khoản trợ cấp giáo dục và nhà ở cho các cựu binh bị gián đoạn, thậm chí là mất hẳn như trong trường hợp của Roundtree.

"Tôi sắp mất mọi thứ mình có và trở thành người vô gia cư. Tôi không muốn trở thành một cựu binh ăn xin trên đường phố vì không nhận được những gì như người ta đã hứa", Roundtree chua chát.

Do không nhận được tiền trợ cấp nhà ở theo đạo luật GI Bill, Roundtree đã bị chủ nhà đuổi khỏi căn hộ cho thuê và đang phải ở nhờ tại nhà chị gái, nơi anh cảm thấy mình như một gánh nặng của gia đình. Cựu binh này cũng phải gửi hết tư trang, đồ đạc vào một kho chứa đồ tư nhân, nơi Roundtree cũng mất khả năng chi trả chi phí. Tài sản của cựu binh này có nguy cơ bị công ty lưu trữ bán đấu giá để thu lại tiền thuê kho.

Roundtree cho biết sau nhiều tháng không nhận được trợ cấp, tình hình tài chính của anh bi đát đến mức anh buộc phải chọn giữa việc mua vé xe bus đến trường hoặc mua đồ ăn. Có những lúc cựu binh này phải ôm bụng đói đi ngủ.

"Mọi thứ thật khó hiểu. Ai ở đó khi chúng tôi cần? Ai đang đại diện cho chúng tôi? Ai đang giúp chúng tôi? Liệu có ai đang làm điều cần làm để cải thiện cuộc sống cho các cựu binh?", Roundtree tự hỏi.

Có rất nhiều cựu binh như Roundtree đang chờ Bộ Cựu chiến binh giải quyết vấn đề tồn đọng, sau khi Tổng thống Donald Trump ký Đạo luật GI Bill Vĩnh viễn nhằm cung cấp khoản hỗ trợ lâu dài về giáo dục và nhà ở cho các cựu binh. Đạo luật mang tính bước ngoặt này đã tăng đáng kể mức đãi ngộ cho các cựu binh và gia đình họ, nhưng lại không nâng cấp năng lực kỹ thuật cho Bộ Cựu chiến binh để đáp ứng những thay đổi của hệ thống.

Hiện chưa rõ bao nhiêu cựu binh bị tác động bởi sự gián đoạn của nguồn tiền trợ cấp này. Tính đến ngày 8/11, hơn 82.000 người đang chờ được thanh toán trợ cấp nhà ở, trong khi học kỳ của họ chỉ còn vài tuần nữa là kết thúc. Hàng trăm nghìn người dường như đang bị ảnh hưởng.

Nguyên nhân nằm ở Phòng Công nghệ Thông tin của Bộ Cựu chiến binh, nơi ứng dụng các thay đổi trong cách tính toán trợ cấp nhà ở và giáo dục cho các cựu binh. Đạo luật GI Bill quy định tiền trợ cấp nhà ở cho cựu binh sẽ được tính dựa trên mã bưu điện nơi họ học tập, thay vì nơi họ sống.

Sự cố phát sinh khi hệ thống máy tính cũ kỹ của Bộ Cựu chiến binh ồ ạt tiếp nhận hồ sơ cựu binh xin nhận trợ cấp từ các trường đại học trên khắp cả nước, khiến nó trở nên quá tải và không thể xử lý được thông tin.

"Đó là thời điểm công việc bị dồn đống. Hồ sơ đổ về trong vòng vài tuần trước khi năm học mới bắt đầu và họ không theo kịp", Patrick Murray, phó giám đốc Cục Cựu binh tham chiến ở nước ngoài thuộc Bộ Cựu chiến binh Mỹ, cho biết.

Trong lá thư gửi Bộ trưởng Cựu chiến binh Robert Wilkie hôm 5/11, nghị sĩ Phil Roe, chủ tịch Ủy ban Các vấn đề Cựu binh thuộc Hạ viện Mỹ, cho biết khi đi kiểm tra văn phòng xử lý hồ sơ cựu binh ở các bang, ông nhận thấy hệ thống máy tính ở đó hoạt động chậm chạp và thường xuyên gặp lỗi đến mức một công việc lẽ ra chỉ cần 5 phút thì nhân viên ở đó phải loay hoay tới 45 phút mới làm xong.

"Máy tính thường xuyên gặp lỗi màn hình xanh, buộc nhân viên khởi động lại và các quản lý phải cho nhân viên nghỉ tới 16.890 giờ công chỉ để khắc phục các lỗi này", lá thư của Roe có đoạn. Các thành viên trong ủy ban của Roe tận mắt chứng kiến máy tính của nhân viên Bộ Cựu chiến binh bị lỗi ít nhất 5 lần chỉ trong 10 phút.

Tính đến hết tháng 8, Cơ quan Quyền lợi Cựu binh có gần 239.000 hồ sơ chờ giải quyết, tăng 100.000 hồ sơ so với cùng kỳ năm 2017. Khi năm học mới bắt đầu, hàng nghìn cựu binh đăng ký học tại các trường đại học, cao đẳng trên khắp nước Mỹ lâm vào tình cảnh khó khăn, bị buộc thôi học hoặc phải vay tiền để tiếp tục việc học của mình.

"Đây chẳng khác gì một vụ đâm tàu", Roe nói. "Thật đáng giận khi quốc hội phân bổ số tiền rất lớn cho các cựu binh, nhưng Bộ Cựu chiến binh lại làm ăn như vậy".

Phát ngôn viên Bộ Cựu chiến binh Mỹ từ chối bình luận về các thông tin trên, nhưng cho biết họ đang tìm cách áp dụng những cải tiến và thay đổi lớn trong hệ thống công nghệ thông tin để khắc phục sự chậm trễ trong thanh toán khoản trợ cấp giáo dục và nhà ở hàng tháng cho các cựu binh.

Cạm bẫy ở sân bay Thái Lan

Cạm bẫy ở sân bay Thái Lan

Hàng loạt du khách nước ngoài bị buộc tội trộm đồ ở khu hàng miễn thuế tại sân bay quốc tế tại Bangkok, Thái Lan, và phải trả nhiều tiền để đổi lấy tự do.