RSS

Chiến dịch thất bại của quân đội Úc trước đàn đà điểu năm 1932

22:00 22/08/2018

Dù sở hữu hỏa lực súng máy rất mạnh, các binh sĩ Australia vẫn không thể tiêu diệt đàn chim 20.000 con đà điểu emu theo kế hoạch. Người dân thị trấn

Người dân thị trấn Broken Hill, bang New South Wales, Australia đang chứng kiến ngày càng nhiều những con đà điểu emu xông vào khu dân cư phá phách, tìm kiếm thức ăn khi thời tiết hạn hán kéo dài. Đây không phải là lần đầu tiên loài chim bản địa vụng về, có kích thước lớn và không thể bay này gây phiền nhiễu cho người dân Australia, chúng thậm chí từng khiến quân đội nước này bất lực trong một chiến dịch năm 1932, theo WATM.

Sau Thế chiến I, chính phủ Australia tìm cách tạo công ăn việc làm cho các cựu binh bằng cách cấp đất cho họ để trồng lúa mì và nuôi cừu. Tới tháng 9/1920, khoảng 90.000 hecta đất đã được bàn giao cho giới cựu binh, nhưng con số này vẫn chưa đủ, buộc chính phủ Australia phải đưa những người còn lại tới khai hoang ở các khu vực thuộc bang Tây Australia.

Ngoài những khó khăn về tài chính và thiếu kinh nghiệm canh tác, các cựu binh tham gia khai hoang còn phải đối mặt với hàng chục nghìn con đà điểu emu bị mất nơi sinh sống tại bang Tây Australia. Trước năm 1923, emu vẫn là loài chim bản địa được bảo vệ, nhưng chúng bắt đầu bị coi là động vật gây hại khi bắt đầu phá hoại mùa màng của những người khai hoang.

Cuối năm 1932, các nông dân phải đầu hàng trước sức tàn phá của 20.000 con chim và cầu cứu chính phủ. Bộ trưởng Quốc phòng Australia George Pearce thấy đây là cơ hội tuyệt vời để quảng bá hình ảnh quân đội. Ông điều các binh sĩ mang theo hai khẩu súng máy cùng một máy quay để ghi lại cuộc chiến với chim emu. Pearcec coi việc tiêu diệt lũ chim, cứu những người nông dân là cách tuyệt vời để lấy lòng cử tri ở vùng nông thôn Australia.

Thiếu tá G. Meredith thuộc Lực lượng Pháo binh Hoàng gia Australia nhận lệnh thực hiện chiến dịch tiêu diệt toàn bộ số chim emu gây hại và mang 100 bộ lông về làm mũ cho kỵ binh. Meredith và ban tham mưu dự tính với hỏa lực hùng hậu trong tay, vấn đề sẽ được giải quyết ổn thỏa trong vài ngày.

Ngày 1/11/1932, Meredith cùng trung sĩ S. McMurray và binh nhất J.O’Halloran đến khu vực ngoại ô thị trấn Campion. Mỗi binh sĩ mang theo một súng máy Lewis có tốc độ bắn 500-600 phát/phút cùng cơ số đạn 10.000 viên. Nhiệm vụ của họ là tiến về phía lũ chim và xả súng tự do đến khi hết đạn.

Lính Australia huấn luyện với súng máy Lewis năm 1930. Ảnh: Wikipedia.

Lính Australia huấn luyện với súng máy Lewis năm 1930. Ảnh: Wikipedia.

Tuy nhiên, những con chim emu dường như xảo quyệt hơn họ nghĩ. Chúng tránh đạn súng máy một cách tài tình, chạy len lỏi qua các binh sĩ và phân tán vào bụi cây, sau đó tập hợp lại với đàn. Rất nhiều con chim bị trúng đạn vẫn thoát chết nhờ lớp lông dày và ý chí kiên cường, quyết không chịu khuất phục trước binh sĩ Australia.

Mỗi đàn emu đều có con dẫn đầu, thường là một con chim màu đen cao tới 1,8 m, có nhiệm vụ cảnh giới khi các con khác ăn lúa. Nếu phát hiện dấu hiệu lạ, nó sẽ báo hiệu cho cả đàn chạy vào bụi rậm và chỉ di chuyển sau khi cả đàn đã an toàn.

Ngày 2/11, Meredith và đồng đội phát hiện một đàn gần 50 con chim emu bên ngoài thị trấn Campion. Ngay sau khi McMurray và O’Halloran khai hỏa khẩu súng máy, lũ chim nhanh chóng tách đàn và tận dụng lợi thế tốc độ để thoát khỏi tầm bắn. Chỉ 12 con emu bị tiêu diệt, số còn lại đều chạy thoát.

Meredith quyết định thay đổi chiến thuật. Sau khi phát hiện khoảng 1.000 con tụ tập gần một đập nước ngày 4/11, nhóm lính Australia quyết định phục kích từ sáng sớm. McMurray và O’Halloran kiên nhẫn chờ đợi lũ chim tiến sát để khai khỏa, khiến chúng không kịp phản ứng.

Tuy nhiên, khi họ khai hỏa, hai khẩu súng máy lại bị kẹt đạn, giúp lũ chim chạy thoát. Meredith quyết định tự ra tay sau thất bại này. Ông mượn một chiếc xe tải, gắn súng máy ở thùng chở hàng và tự khai hỏa trong khi hai trợ thủ lái xe đuổi theo đàn chim. Tuy nhiên, họ vẫn không phải đối thủ của những con emu.

Chúng bỏ xa xe tải và chạy đến nơi có địa hình gồ ghề, khiến chiếc xe mất thăng bằng và đâm vào hàng rào. Do mất dấu lũ chim khi màn đêm buông xuống, ba binh sĩ Australia đành chấp nhận thất bại.

Đến ngày 8/11, nhóm lính của Meredith đã bắn 2.500 viên đạn, tương đương 25% cơ số được giao, nhưng phần lớn những con chim emu vẫn sống sót.

“Nếu chúng ta có lực lượng gồm những con chim đà điểu mang được vũ khí, chúng ta có thể đối đầu với mọi đội quân trên thế giới, bởi chúng đủ sức đối phó với những khẩu súng máy và có khả năng chịu đựng ngang xe tăng”, Meredith sau đó thốt lên.

Meredith tiếp tục được điều động chống chim emu và là sĩ quan duy nhất của Australia có kinh nghiệm chạm trán kẻ thù này. Đến giữa tháng 12/1932, ông đã bắn hạ 986 con chim.

Một người nông dân bên cạnh con emu bị tiêu diệt năm 1934. Ảnh: Wikipedia.

Một người nông dân bên cạnh con emu bị tiêu diệt năm 1934. Ảnh: Wikipedia.

Chiến dịch của quân đội Australia kết thúc thảm hại với chưa đầy 1.000 trong số 20.000 con emu bị tiêu diệt. Chính phủ Australia sau đó quyết định trang bị súng đạn cho nông dân, họ đã hạ 57.034 con chim trong vòng 6 tháng đầu năm 1934 và khôi phục lại trật tự.

Dù vậy, vấn đề do các đàn emu gây ra chỉ được giải quyết sau 20 năm, khi chính quyền bang Tây Australia khởi động dự án xây hàng rào dài 217 km, cao gần 1,5 m để ngăn lũ chim.

Ngày nay, chim emu vẫn sinh sống ở những vùng xa xôi hẻo lánh của Australia và không gây quá nhiều rắc rối cho nông dân. Cuộc chiến với chim emu năm 1932 được ghi nhận là lần đầu tiên loài chim giành chiến thắng trong một chiến dịch quân sự trong lịch sử.

Theo Vnexpress

Tɦᴜốc ɓổ ƙɦôпɢ ɓằпɢ łɦực ρɦẩɱ ɓổ: Cácɦ cɦăɱ sóc пɢũ łạпɢ łốł пɦấł ɢiúρ ɓạп sốпɢ łɦọ ɦơп

Tɦᴜốc ɓổ ƙɦôпɢ ɓằпɢ łɦực ρɦẩɱ ɓổ: Cácɦ cɦăɱ sóc пɢũ łạпɢ łốł пɦấł ɢiúρ ɓạп sốпɢ łɦọ ɦơп

Tɦeo các ɓác sĩ, sức ƙɦỏe củɑ пɢũ łạпɢ qᴜyếł ᵭịпɦ łᴜổi łɦọ củɑ ɓạп. Đây ℓà ɓí qᴜyếł ℓựɑ cɦọп łɦực ρɦẩɱ cɦăɱ sóc cơ łɦể łốł пɦấł ɓạп пêп łɦɑɱ ƙɦảo ᵭể ℓᴜôп ƙɦỏe ɱạпɦ ʋà łɾườпɢ łɦọ.