RSS

Đảo chính kiểu Úc: sức mạnh của quyền lực thứ tư - truyền thông News Corp

14:00 25/09/2018

Chỉ trong 2 ngày 19-20/9, nhiều chi tiết phía sau hậu trường cuộc đảo chính được hé lộ. Chuyến đi tới Úc của ông Murdoch, đúng vào tháng 8, làm dấy lên những nghi vấn về cách chính trị Úc bị “dắt mũi” bởi nền báo chí do News Corp thống trị.

Nắm “quyền lực thứ 4”, trùm truyền thông Rupert Murdoch từng nói thủ tướng Úc cần bị thay thế. Ông Turnbull không thể làm gì ngoài một cú điện thoại hỏi "vì sao?".

Trong bài phát biểu cuối ở cương vị thủ tướng Úc, ông Malcolm Turnbull ám chỉ “sự nổi loạn” trong chính đảng của mình và “các thế lực bên ngoài từ truyền thông" gây ra cuộc đảo chính. Nếu trong những phút cuối tại vị của ông Turnbull còn tồn tại nhiều hoài nghi về “thế lực” mà ông nhắc tới, thì giờ mọi chuyện đã rõ ràng.

Rupert Murdoch, ông trùm đế chế truyền thông News Corporation (News Corp), là cái tên đang trở thành tâm điểm. Tập đoàn News Corp được cho là đóng vai trò lớn trong vụ phế truất không chỉ ông Turnbull mà cả cựu thủ tướng Kevin Rudd thuộc Công đảng cách đây 5 năm.

Trong vụ đảo chính gây náo loạn Úc hồi tháng 8, ông Turnbull tin rằng các nghị sĩ đảng Dân chủ bị chi phối bởi “một thứ bệnh điên rồ”, nên họ cảm thấy cách duy nhất để chấm dứt hỗn loạn trong nội bộ cũng như tin tức tiêu cực là bỏ cuộc và thay lãnh đạo.

Chỉ trong 2 ngày 19-20/9, nhiều chi tiết phía sau hậu trường cuộc đảo chính được hé lộ. Chuyến đi tới Úc của ông Murdoch, đúng vào tháng 8, làm dấy lên những nghi vấn về cách chính trị Úc bị “dắt mũi” bởi nền báo chí do News Corp thống trị.

Cá lớn trong ao nhỏ

Theo nhà nghiên cứu Eli Noam, Úc là một trong những thị trường truyền thông bị chi phối đứng hàng thứ 3 thế giới, trong đó News Corp nắm thế thượng phong, chiếm 58% tổng số nhật báo phát hành. Tập đoàn này sở hữu một loạt tờ báo địa phương cùng tờ The Australian, tờ báo cấp quốc gia duy nhất, và Foxtel, kênh truyền hình trả tiền duy nhất. Trang báo điện tử nhiều lượt truy cập nhất cả nước news.com.au cũng thuộc sở hữu của News Corp.

Sau những thay đổi trong luật về sở hữu truyền thông năm 2017, nền truyền thông Úc ngày càng bị chi phối khi một số hãng thực hiện sáp nhập. Việc này dự kiến sẽ giúp News Corp mở rộng tầm ảnh hưởng trong ngành xuất bản khu vực và tiến xa hơn nữa vào thị trường báo hình và báo nói.

Khi sóng gió của cuộc đảo chính dần lắng xuống, nhiều người bắt đầu đặt câu hỏi về vai trò của News Corp trong cuộc đảo chính khiến chiếc ghế của ông Turnbull lung lay và “dạng chứng điên rồ” mà ông cho là đã bao trùm đảng Tự do.

“Turnbull cần được thay thế”

Sau khi ông chủ News Corp tới Sydney ngày 4/8 để dự lễ trao giải nội bộ tập đoàn thường niên, Thủ tướng Turnbull chỉ có thể đứng nhìn và hốt hoảng khi hãng truyền thông quyền lực nhất Úc quay lưng với ông.

Bình luận viên của News Corp nối tiếp nhau cảnh báo đảng Tự do cần “đứng lên chống lại sự ngớ ngẩn về ấm lên toàn cầu của Turnbull”. Daily Telegraph, một ấn phẩm của News Corp, nhắc đến “cuộc tranh cãi độc hại” xoay quanh chính sách năng lượng của thủ tướng và rằng cựu bộ trưởng Nội vụ Peter Dutton đang chuẩn bị thách thức vị trí lãnh đạo.

Trên Sky News, các nhà bình luận tiếng tăm Peta Credlin và Andrew Bolt gia tăng nhịp độ của tin tức tiêu cực. Theo nguồn tin nội bộ, hai nhà báo này thân với cựu thủ tướng Tony Abbott, người bị ông Turnbull “soán ngôi” năm 2015.

News Corp thúc đẩy quan điểm của thiểu số trong liên minh cầm quyền. Nhóm nghị sĩ cánh hữu, trong đó có ông Abbott, “lên sóng” thường xuyên. Nhóm này phản đối kế hoạch bảo đảm năng lượng quốc gia, một động thái của ông Turnbull trong nỗ lực xoa dịu nội bộ đảng đang chia rẽ.

Cựu bộ trưởng Nội vụ Dutton xuất hiện trên đài phát thanh 2GB cảnh báo sự giảm sút số phiếu cơ sở của đảng Tự do có khả năng trở thành thảm họa tổng tuyển cử. Trong lúc đó, nhà bình luận Bolt khuyến cáo đảng Tự do nên tìm lãnh đạo mới, đủ gan dạ để đứng lên phản đối kế hoạch của thủ tướng.

Ông Turnbull tin rằng ông là mục tiêu trong chiến dịch của News Corp. Sau khi bảo vệ được chiếc ghế trong cuộc đua sát sao với ông Dutton hôm 21/8, Thủ tướng Turnbull gọi điện cho ông Murdoch hỏi vì sao người này cố thay thế ông bằng cựu bộ trưởng Nội vụ.

“Không nghi ngờ gì, sau khi Rupert tới, giọng điệu và nội dung các ấn phẩm của News Corp thay đổi rõ rệt. Chúng tôi không hề hoài nghi việc News Corp ủng hộ ông Dutton”, một trong những cấp dưới cũ của Turnbull nói với Guardian.

Ngoài ra, ông Turnbull cũng có một lý do nữa để tin rằng trùm truyền thông ngoài 80 tuổi đang điều khiển làn sóng tin tức tiêu cực này. Theo Australian Financial Review và ABC, trước cuộc đảo chính, ông Murdoch nói với tỷ phú truyền thông Kerry Stokes, ông chủ kênh truyền hình Seven Network, rằng thủ tướng cần bị thay thế. Ông Stokes sau đó cảnh báo ông Turnbull qua điện thoại.

Tuy nhiên, ngày 24/8, mọi chuyện ngã ngũ. Ông Turnbull mất chức thủ tướng vào tay Bộ trưởng Ngân khố Scott Morrison.

“Đây là chuyện quen thuộc đã tiếp diễn nhiều lần trước đây”, Phó giáo sư David McKnight thuộc Đại học New South Wales, người am hiểu về Murdoch và cách trùm truyền thông sử dụng quyền lực chính trị, cho biết.

“Ung nhọt của nền dân chủ”

Cựu thủ tướng Kevin Rudd cho rằng âm hưởng tiêu cực từ News Corp làm tổn hại nhiệm kỳ đầu tiên của ông cũng như người kế nhiệm Julia Gillard. Ông là một trong số ít chính trị gia dám lên tiếng về tập đoàn này.

“Trong nội các, tôi liên tục nhắc tới sự cần thiết phải coi tập đoàn News Corp là một lực lượng chính trị”, Guardian dẫn lời ông. “Toàn nội các, bao gồm bà Gillard, nói rằng ‘Ông không thể làm thế. Họ sẽ hủy diệt chúng ta’. Chúng tôi đã đi đến mức độ cả chính phủ nghĩ rằng mình bất lực trong việc đương đầu với một thế lực như vậy”.

Dù rời chính trường, ông Rudd cho rằng ông có nhiệm vụ lên tiếng về vai trò nguy hiểm và thù oán của News Corp. Cuộc vận động của ông diễn ra trong bối cảnh Anh điều tra tập đoàn này về bê bối nghe lén điện thoại.

“Tại sao các chính trị gia không lên tiếng? Vì họ sợ. Vì tổ chức đó có khả năng trả thù”, ông Rudd nói.

Trong lúc đó, News Corp viết trong thông cáo: “Ông Rudd một lần nữa cho thấy ông không hiểu vai trò của truyền thông với nền dân chủ. Vai trò đó gồm thách thức, đặt câu hỏi và thay mặt cộng đồng buộc quan chức phải giải thích. Nền báo chí tự do rất quan trọng đối với một xã hội tự do, tức là dù sự thật có phũ phàng thì cũng phải được hé lộ”.

“Chúng tôi đã trải qua lịch sử dài đầy tự hào, kể những câu chuyện quan trọng cho người dân Úc”, Guardian trích thông cáo.

Không thể phủ nhận News Corp có đóng góp tích cực vào nền báo chí Úc. Năm 1964, ông Murdoch thành lập nhật báo The Australian và dồn lực đưa tờ báo lên tầm cao. Sự đầu tư của News Corp vào nền báo chí nghiêm túc, có chiều sâu được công nhận khi tờ The Australian thắng gần 80 giải Walkley trong nhiều năm, còn Sky News khẳng định vị thế nhờ độ phủ sóng các tin tức bầu cử.

Dẫu vậy, xen lẫn những bài báo xuất sắc là cáo buộc về cách đưa tin với tư tưởng thù oán. Năm 2017, trong loạt bài có tên "Những cuộc thánh chiến", trang báo điện tử Crikey miêu tả về lối tiếp cận của The Australian. Theo đó, những “kẻ thù” của News Corp hứng chịu công kích hàng ngày cùng bão chỉ trích không dứt từ các nhà bình luận.

Một số nhân vật được đối xử "đặc biệt" có thể kể đến cựu chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Gillian Triggs, Chủ tịch Hội đồng Báo chí Úc Julian Disney, và Paul Barry, dẫn chương trình Media Watch của ABC. Họ đều từng công kích News Corp hoặc ủng hộ những chính sách mà News Corp phản đối.

“Theo nhận định của tôi, Rupert Murdoch có ý định biến Úc thành một quốc gia bảo thủ”, Phó giáo sư McKnight cho rằng ông Murdoch muốn Úc đi theo con đường của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trong lúc đó, cựu thủ tướng Rudd thẳng thắn tuyên bố News Corp là “ung nhọt đối với nền dân chủ”.

Vị thế của “quyền lực thứ 4”

Ông Rudd cho biết ít nhất trong những ngày đầu tại nhiệm, ông đã có thể “thuần hóa con quái thú”. Ông tới New York hội kiến với Murdoch trong bối cảnh khả năng về cuộc bầu cử 2007 dần hiện rõ. Vào thời điểm đó, chiến thắng của đảng Lao động dường như là một điều chắc chắn.

Chris Mitchell, cựu biên tập viên tờ The Australian, đề cập chi tiết nhiều cuộc tiếp xúc với ông Rudd trong tác phẩm tự truyện, đặt câu hỏi về mối liên hệ giữa chính trị và báo chí tại Úc.

Một trong những tiết lộ đặc sắc nhất của Mitchell là về việc thủ tướng hội ý với ông về chính sách quan hệ lao động. Kế hoạch được thảo bởi bà Gillard, lúc đó là phó thủ tướng, trở thành đối tượng công kích của cây bút Paul Kelly.

“Rudd cảm thấy cần nắn chỉnh chính sách và nhờ tôi nghĩ xem liệu có thể thay đổi gì mà tờ báo sẽ chấp nhận. Tôi gọi Kelly và biên tập viên mảng lao động Brad Norington tới văn phòng và giải thích tình hình. Đó là một yêu cầu khác thường và chúng tôi chưa từng nhận được yêu cầu như vậy từ các lãnh đạo chính quyền trước đây”, Mitchell viết.

“Ông ấy muốn chắc chắn Kelly và Norington ủng hộ bất kỳ thay đổi gì mà tôi đề xuất”.

Mitchell và Rudd là bạn từ hồi ông Rudd làm việc cho thủ hiến Queensland và Mitchell là biên tập viên Courier Mail ở Brisbane. Họ thân tới mức ông Rudd là cha đỡ đầu một trong những đứa con của biên tập viên.

Tuy nhiên, khi ông Rudd đắc cử, “tuần trăng mật” kết thúc sớm. Cựu thủ tướng cho rằng lý do khiến “tình huynh đệ” đổ vỡ nằm ở việc ông từ chối ý tưởng viết bài độc quyền của tờ The Australian, tức từ chối chơi trò chơi của News Corp.

Theo phía còn lại, nguyên nhân rạn nứt lại là việc ông Mitchell không tham gia một diễn đàn chính sách then chốt của thủ tướng, cùng một loạt tranh cãi sau đó liên quan đến những bài báo ông ủy quyền cho phóng viên viết khi có dịp dự cuộc điện đàm giữa ông Rudd với Tổng thống Mỹ George Bush.

Dù bất kỳ cuộc chia tay nào cũng đều có nhiều lời giải thích, điều duy nhất không ai tranh cãi là quan hệ giữa chính quyền Thủ tướng Rudd và News Corp xuống dốc khi ông không tuân theo những quy tắc chính thống, thay vào đó, thúc đẩy chi tiêu nhằm đẩy lui suy thoái kinh tế.

“Họ tung John Lyons ra cùng tác phẩm ngông cuồng dài 4 trang nói tôi là một thủ tướng khác thường, không thể làm việc”, cựu thủ tướng Rudd kể lại. “Tôi đang trong lúc khó khăn đương đầu với khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, còn họ tung ra hàng tràng súng bắn”.

Bản thân Lyons, tác giả của loạt bài chỉ trích gồm một bài có tiêu đề nổi bật “Đội trưởng Hỗn độn và cơ chế hoạt động của vòng tròn bên trong”, bác bỏ những lời “hoàn toàn không đúng sự thật” của cựu thủ tướng.

“Tôi không được chỉ đạo để viết các bài tiêu cực hay tích cực và sẽ không chấp nhận bất cứ chỉ đạo nào theo hướng như vậy”, ông nói.

Vết rạn nứt giữa News Corp và Công đảng càng rõ rệt khi ông Rudd chạy đua cho chức thủ tướng một lần nữa năm 2013.

Trùm truyền thông Murdoch cử biên tập viên đáng tin cậy nhất, Col Allan, tới Sydney để đưa tin. Như tiếng búa vang và rõ, Allan không để ai phải phỏng đoán về người News Corp muốn đưa lên làm thủ tướng - Tony Abbott, người đã có chiến thắng vang dội.

Trong khi đó, có lẽ cũng không ai quên được dòng “tít” công kích ông Rudd của Daily Telegraph: “ĐÁ ĐÁM HỖN LOẠN NÀY RA”, kèm ảnh nhân vật ngay trên trang nhất.

Tuy nhiên, bao nhiêu công trong chiến thắng của Abbott thuộc về News Corp vẫn còn là một đề tài nóng khi bản thân Công đảng của ông Rudd vốn chia rẽ sâu sắc.

Tɦᴜốc ɓổ ƙɦôпɢ ɓằпɢ łɦực ρɦẩɱ ɓổ: Cácɦ cɦăɱ sóc пɢũ łạпɢ łốł пɦấł ɢiúρ ɓạп sốпɢ łɦọ ɦơп

Tɦᴜốc ɓổ ƙɦôпɢ ɓằпɢ łɦực ρɦẩɱ ɓổ: Cácɦ cɦăɱ sóc пɢũ łạпɢ łốł пɦấł ɢiúρ ɓạп sốпɢ łɦọ ɦơп

Tɦeo các ɓác sĩ, sức ƙɦỏe củɑ пɢũ łạпɢ qᴜyếł ᵭịпɦ łᴜổi łɦọ củɑ ɓạп. Đây ℓà ɓí qᴜyếł ℓựɑ cɦọп łɦực ρɦẩɱ cɦăɱ sóc cơ łɦể łốł пɦấł ɓạп пêп łɦɑɱ ƙɦảo ᵭể ℓᴜôп ƙɦỏe ɱạпɦ ʋà łɾườпɢ łɦọ.